Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ

Tại Hội nghị giao ban công tác văn học nghệ thuật Quý III/2024, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cán bộ làm công tác văn học nghệ thuật cần kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, động viên văn nghệ sĩ tăng cường quảng bá, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, đảm bảo đúng định hướng chính trị, tư tưởng để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Chiều 4/10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương Quý III/ 2024.

TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ - 1

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày báo cáo đánh giá khái quát tình hình văn học, nghệ thuật gắn với hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương (sau đây gọi tắt là Liên hiệp và các hội) Quý III/2024, định hướng nhiệm vụ công tác Quý IV/2024.

Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt nhận định, Qúy III/2024 là thời điểm Liên hiệp và các Hội đã nỗ lực tập trung hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của nhiệm kỳ, bắt tay vào công tác chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ mới (2025 – 2030), triển khai nhiều chương trình, dự án văn học, nghệ thuật lớn hướng về những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước trong năm 2025.

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ - 2

Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo đánh giá khái quát tình hình văn học, nghệ thuật.

Ngày 19/7/2024, sau khi tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần được công bố, trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội, giới văn nghệ sĩ cả nước đều bày tỏ lòng kính trọng, niềm tiếc thương vô hạn khi phải tiễn biệt một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với triết lý sống cao đẹp, liêm chính, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành nhiều tâm huyết, sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật nước nhà, để lại dấu ấn sâu sắc và trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ tác giả văn nghệ sĩ.

Trong bối cảnh còn khó khăn, cơ chế, thủ tục vướng mắc, nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật trên cả nước do thiên tai, bão lũ,… phải dừng hoãn, tiết giảm. Trước tình hình đó, tùy theo điều kiện cụ thể, Liên hiệp và các hội đã linh hoạt, chủ động, tiến hành tổ chức, triển khai nhiều hoạt động sáng tạo có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với việc kêu gọi hội viên đóng góp, gây quỹ ủng hộ, văn nghệ sĩ cả nước, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương còn có nhiều sáng kiến, tổ chức các chương trình nghệ thuật thiện nguyện, các hoạt động chuyên môn thiết thực, hiệu quả để ủng hộ, hướng về đồng bào các vùng bị bão lũ.

Các chương trình nghệ thuật, những cuộc triển lãm, các hoạt động văn học nghệ thuật thường niên do Liên hiệp và các hội tổ chức tiếp tục được duy trì, góp phần quan trọng vào động viên, thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào.

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ - 3

Các đồng chí chủ tịch các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tham dự hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt cho biết, thời gian qua, dù đã có chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan trung ương nhưng công tác chuẩn bị đại hội của nhiều hội còn chậm triển khai, chưa đồng bộ và thống nhất. Việc triển khai thực hiện các kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có lúc, có nơi chưa nghiêm túc, không đúng hướng dẫn, thiếu hiệu quả. Một số văn nghệ sĩ chưa đề cao trách nhiệm nghề nghiệp, thiếu ý thức xã hội và nghĩa vụ công dân, không trung thực trong sáng tác và công bố tác phẩm, vi phạm phát ngôn, trang phục biểu diễn, sử dụng mạng xã hội tùy tiện phải xử lý.

“Có lẽ chưa bao giờ, vai trò của quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật trên không gian mạng lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Trong khi những bộ phim có giá trị của điện ảnh Việt Nam (do nhà nước đặt hàng) vẫn chưa có cơ chế để phổ biến rộng rãi đến công chúng, thì trên các nền tảng mạng xã hội việc vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra rất phổ biến. Tình trạng nhạc nhái, nhạc chế diễn ra phổ biến trên không gian mạng, có hiện tượng giả mạo văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa để xuyên tạc, phát tán thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận”, đồng chí Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ nêu.

Về tình hình quản lý nhà nước về công tác văn học nghệ thuật 9 tháng năm 2024, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật tiếp tục được tăng cường, từng bước tháo gỡ, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành cơ chế, chính sách cụ thể.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều liên hoan, hội diễn, các chương trình nghệ thuật, hội thảo có ý nghĩa thiết thực; tích cực hoàn thiện các đề án, xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; tiến hành thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều sai phạm trong các hoạt động văn học, nghệ thuật.

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ - 4

PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu.

Về kết quả thực hiện công tác trong Quý III/2024 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, theo đồng chí Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Đảng bộ Liên hiệp Hội, các tổ chức thành viên ở Trung ương và các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn học nghệ thuật; hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đội ngũ văn nghệ sĩ đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, theo đồng chí Đoàn Thanh Nô, hoạt động, công tác văn học nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trong đó, kinh phí hoạt động còn có những vướng mắc về nhận thức, về cơ chế. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa coi trọng, chưa quan tâm đến vai trò, tính đặc thù của văn học nghệ thuật; quy định về chế độ, chính sách với cán bộ Hội chưa rõ ràng; công tác quy hoạch và tạo nguồn để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ giúp việc, tham mưu gặp rất nhiều khó khăn.

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ - 5

Đồng chí Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu.

Về vấn đề kinh phí, NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề nghị các ban, ngành liên quan tiếp tục phối hợp và đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất cho những vướng mắc về kinh phí. Trong đó, trước mắt nên giải quyết những khó khăn về kinh phí giải thưởng.

Thời gian qua, do thiếu kinh phí, kinh phí cấp chậm, khó khăn trong giải ngân, quyết toán nên nhiều hoạt động chuyên môn của các hội phải tạm dừng chờ hướng dẫn, một số tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật phải tạm đình bản.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, các ý kiến của các đại biểu đưa ra trong hội nghị đều bày tỏ sự thống nhất cao đối với dự thảo báo cáo của Vụ Văn hóa – Văn nghệ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và làm rõ thêm những hoạt động, công việc của Liên hiệp và các hội đã triển khai trong Quý III/2024.

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ - 6

TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo.

Trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên hiệp và các hội bám sát tôn chỉ, mục đích và điều lệ của hội để triển khai hoạt động đúng, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án về đại hội các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 2025 – 2030); phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị có liên quan để hướng dẫn, đôn đốc các hội, chi hội cơ sở chuẩn bị tốt, hoàn thành các đại hội cơ sở trong năm 2024 (chậm nhất là Qúy I/2025).

Đặc biệt, Liên hiệp và các hội cần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động văn học nghệ thuật; tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.