Tình hình văn học nghệ thuật nửa đầu năm 2024
Chiều 19/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương 6 tháng đầu năm 2024. TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Trong báo cáo sơ kết công tác văn học nghệ thuật, hoạt động nổi bật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương (sau đây gọi tắt là Liên hiệp và các hội) trong 6 tháng đầu năm 2024, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, năm 2024 là năm cuối trong nhiệm kỳ 5 năm Liên hiệp và các hội triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội. Năm 2024 cũng là năm mà văn học, nghệ thuật nước nhà tham gia nhiều hoạt động, kỷ niệm quan trọng.
6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mừng Xuân, mừng Đảng. Các chương trình, hoạt động đều được cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Bước vào năm cuối của nhiệm kỳ, các hoạt động tổng kết, tập hợp, vận động, thu hút hội viên, nhất là hội viên trẻ tham gia được các hội tăng cường, chú trọng với nhiều sáng kiến. Các hoạt động truyền thống như hỗ trợ sáng tác, tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác, lớp tập huấn, bồi dưỡng, phối hợp với các địa phương, đơn vị cho hội viên đi thực tế, nhất là thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa… được Liên hiệp và các hội tích cực triển khai.
Liên hiệp và các hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh thành, cơ quan, đơn vị triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đầu tư sáng tạo, các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, triển lãm khu vực, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, chuyên nghiệp cho hội viên thi đua, sáng tạo, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Việc chăm lo cho các hội viên cao tuổi, hội viên có hoàn cảnh khó khăn theo chính sách của Trung ương được Liên hiệp và các hội quan tâm, chú trọng.
Ông Nguyễn Minh Nhựt cho hay, thời gian qua, do cơ chế, thủ tục tài chính còn nhiều vướng mắc, Liên hiệp và các hội mới được cấp một phần kinh phí thường xuyên nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.
“Hết Quý II/2024, nhưng kinh phí từ nguồn hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật năm 2024 chưa được cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của Liên hiệp và các hội. Do thiếu kinh phí, các hoạt động chuyên môn của nhiều hội trong 06 tháng đầu năm 2024 phải tạm dừng, một số tạp chí chuyên ngành của các hội phải tạm đình bản”, ông Nguyễn Minh Nhựt nêu.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo sơ kết công tác văn học nghệ thuật.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí nhưng thời gian qua, nhiều Hội Văn học nghệ thuật Trung ương đã linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tiến hành tổ chức, triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025 vẫn là vấn đề cần được nhận diện và khắc phục một cách nghiêm túc.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết cùng những đề xuất để giải quyết vấn đề này đã được các đại biểu đưa ra. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Cần xác lập lại giá trị đầu tư của Đảng, Nhà nước cho văn học nghệ thuật. Sự đầu tư, hỗ trợ, quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của văn học nghệ thuật cũng là một mệnh giá chính trị. Khi nó mang ý nghĩa là nguồn lực thúc đẩy, sự động viên và tạo dựng niềm tin cho văn nghệ sĩ thì nó có ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước nên nghiên cứu thêm về hoạt động của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành để thấu hiểu những đặc thù, những khó khăn mà các văn nghệ sĩ gặp phải trong quá trình làm nghề để từ đó tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ yên tâm, tập trung trí tuệ, tài năng và có thể cống hiến hết mình, cho ra đời những tác phẩm như kỳ vọng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Đề nghị tháo gỡ dứt điểm những khó khăn về vấn đề kinh phí cho văn học nghệ thuật, NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng cần tổ chức cuộc họp giữa các ban, bộ, ngành liên quan để khơi thông những vướng mắc này, trong đó phải có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát biểu.
Theo PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ đã thực hiện đến năm thứ 4, tuy nhiên vẫn gặp rất nhiều vướng mắc trong thực hiện. Đến nay, kinh phí cho các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố vẫn chưa được cấp.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế giao nhiệm vụ và thực hiện áp dụng định mức chi về hỗ trợ sáng tạo tác phẩm của tác giả để Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có căn cứ thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 558-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh vấn đề kinh phí, thời gian qua, một số tạp chí chuyên ngành của các hội phải tạm đình bản do một số nhân sự chủ chốt tại các cơ quan báo chí của nhiều hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương chưa được kiện toàn, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Theo ông Nguyễn Gia Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, các Hội muốn có cán bộ tiếp nối để lãnh đạo cơ quan báo chí thì cơ quan chủ quản phải tạo điều kiện để các cán bộ của mình đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn đã quy định.
TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả mà Liên hiệp và các Hội đã đạt được trong thời gian qua. Trong 6 tháng cuối năm 2024, để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, TS. Đinh Thị Mai đề nghị, thời gian tới Liên hiệp và các hội, các cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung, phối hợp triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật cho đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ; Liên hiệp và các hội khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án về đại hội nhiệm kỳ 2025-2030; Liên hiệp và các hội tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác 06 tháng cuối năm 2024; sớm xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán tài chính ngân sách cho năm 2025; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả;…
Với quyết tâm, nỗ lực và những hoạt động cụ thể được tăng cường và duy trì thường xuyên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hy vọng mối quan hệ công tác giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với Liên hiệp và các hội tiếp tục được củng cố, gắn kết, từng bước tạo cơ chế hiệu quả, kịp thời định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà.
Sáng 16/7, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Liên hiệp) tổ chức Hội nghị đoàn chủ tịch lần thứ 11 (khóa...
Bình luận