“Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Trải nghiệm đa giác quan độc đáo

Tên gọi “một câu đựng trời trong cơi đựng trầu” được ban tổ chức mượn từ câu tục ngữ “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” để đại diện cho chủ đề triển lãm - “Trần kính”. Triển lãm mong muốn “mở” nắp cơi đựng trầu và cùng nhìn vào những lớp “trần kính” (glass ceiling) đang kìm hãm những người phụ nữ.

Nhân dịp khởi động tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11/2022 -15/12/2022), Đại sứ quán Australia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và TUVA Communication  đã phối hợp tổ chức triển lãm nghệ thuật với chủ đề “Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”. Đây cũng là hoạt động thuộc chiến dịch “Nhà nhiều cột” nhằm lan tỏa những bước thay đổi tích cực trong quan niệm về vai trò giới trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Triển lãm hứa hẹn mang đến cho khán giả những trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt và đong đầy cảm xúc.

“Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Trải nghiệm đa giác quan độc đáo - 1

Không gian triển lãm

Tại buổi khai mạc, giám tuyển Đinh Thảo Linh cho biết, khi tìm ra được tựa đề “Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu” cho triển lãm, các thành viên của nhóm sản xuất đã rất hài lòng vì đã bối cảnh hóa được câu chuyện về bình đẳng giới ở trong bối cảnh của Việt Nam.

“Những cái khuôn mẫu giới ấy không phải từ xã hội bên ngoài, mà chính là từ gia đình, gia đình chúng ta đặt chúng ta chúng ta là con gái phải thế này hay con trai phải thế kia, phải có một con đường thế này, phải có một con đường thế kia. Hay từ chính mẹ mình, mẹ chồng mình là những người đặt ra những cái khuôn mẫu ấy, hoặc là từ những thế hệ trước, từ những người bạn, từ những người rất thân thiết đã lấy những khuôn mẫu đã đặt lên họ để tiếp tục đặt lên những người khác” – Giám tuyển Đinh Thảo Linh chia sẻ.

“Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Trải nghiệm đa giác quan độc đáo - 2

Giám tuyển Đinh Thảo Linh chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm.

Triển lãm “Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu” mang đến các tác phẩm của 10 nghệ sĩ Việt Nam, góp phần cùng bóc tách khái niệm “trần kính”. Thông qua các không gian biểu đạt đa dạng như điêu khắc động, nhiếp ảnh, video sắp đặt đa kênh và sắp đặt tương tác… triển lãm dẫn dắt người xem đến các trải nghiệm đa giác quan, với những góc nhìn cá nhân, suy tư và tự sự của những cô gái, những người mẹ, những người nữ lao động phổ thông về “gánh nặng kép” giữa công việc trong gia đình và ngoài xã hội.

Các tác phẩm nghệ thuật tại đây đã kể những câu chuyện từ cá nhân nghệ sĩ và cộng đồng. Câu chuyện đó có thể nhỏ bé như “việc nhà”, có thể đầy tâm tư về hôn nhân và gia đình, về sự sống - cái chết. Vượt ra ngoài sách vở, triển lãm sẽ cho người xem thấy vấn đề “giới” gần gũi với đời sống ra sao qua cách nó được gói ghém vào một không gian nghệ thuật đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.

“Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Trải nghiệm đa giác quan độc đáo - 3

Tác phẩm “Rửa rồi ráo” của tác giả Nguyễn Kiều Anh.

“Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Trải nghiệm đa giác quan độc đáo - 4

Tác phẩm “9 bước chân” sắp đặt 4 kênh video trên tráp cưới của tác giả Nguyễn Thị Diệp.

Tác phẩm phim tài liệu 3 kênh, 810 phút mang tên “3 đầu 6 tay” của tác giả Vy Đồng Nhật nói về 3 người phụ nữ, với ba lứa tuổi khác nhau và những câu hỏi về vai trò của họ trong cuộc sống công việc, hôn nhân và gia đình. Chuyện may vá, chuyện kiếm sống, quần áo, con cái là sợi dây kết nối giữa họ - một người có con nhỏ, một người có con lớn và một người có con đã trưởng thành.

“Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Trải nghiệm đa giác quan độc đáo - 5

Tác phẩm “3 đầu 6 tay” của tác giả Vy Đồng Nhật.

Tác phẩm điêu khắc với thép không gỉ - “Hóa thân, 2020” của tác giả Xuân Hạ, kể câu chuyện về mẹ Nhu – người mẹ Việt Nam anh hùng, người mẹ đã trở thành tượng đài che chở cả một thành phố, là của ngõ ra – vào nội đô Đà Nẵng. Mẹ Nhu chết dưới ngòi súng quân Ngụy khi cố gắng bảo vệ các con mình. Qua tác phẩm, tác giả muốn nghĩ về tâm tình, nỗi đau và niềm hạnh phúc riêng tư của mẹ thông qua những khối hình những đứa con của mẹ.

“Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Trải nghiệm đa giác quan độc đáo - 6

Tác phẩm “Hóa thân, 2020” của tác giả Xuân Hạ.

Tác phẩm “Phân mảnh ký ức, 2019” của tác giả Xuân Hạ, mang đến video trình diễn 3 kênh, 26 phút mỗi video, tác giả chia sẻ: “Video trình hiện công việc bào bánh xà phòng, ở ba vị trí khác nhau: phòng tắm, phòng bếp và phòng giặt. Tôi chọn vị trí này bởi tính chất quen thuộc và bình dị của nó trong đời sống của bất kỳ ai, cũng là nơi chốn gắn liền với những công việc đa phần thuộc về người phụ nữ trong gia đình”.

“Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Trải nghiệm đa giác quan độc đáo - 7

Tác phẩm “Phân mảnh ký ức, 2019”.

Các tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm gửi đi những thông điệp về bình đẳng giới, không chỉ để chúng ta biết yêu thương, trân trọng, không lạm dụng người phụ nữ, mà còn nhìn nhận ra những khuôn mẫu, những định kiến có sẵn của xã hội, của gia đình, của chính chúng ta với những người xung quanh mình, dù là nữ hay là nam.

Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 24/10/2022 đến 11/11/2022.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất