Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong mục tiêu xây dựng TP.HCM “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình".

Chủ nhiện đề tài nghiên cứu khoa học – PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Chủ tịnh Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM nhấn mạnh: Hội thảo tập chung báo cáo kết quả nghiên cứu qua 2 năm thực hiện đề tài: "Đời sống các gia đình đa văn hóa Việt Nam - nước ngoài tại TP.HCM - Thực trạng và các giải pháp góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị" nhằm đánh giá về thực trạng đời sống các gia đình đa văn hóa trên địa bàn TP và tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời đưa ra giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trước khi nộp hồ sơ nghiệm thu chính thức vào cuối tháng 7 năm 2024.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị - 1

PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân phát biểu tại hội thảo.

Nêu vấn đề thực trạng đang diễn ra mạnh mẽ là quá trình toàn cầu hóa đã và đang tạo ra dòng dịch chuyên lao động giữa các quốc gia trên thế giới; Việt Nam vừa là nơi cung cấp nguồn cung lao động di cư quốc tế vừa là điểm đến thu hút nhiều lao động từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều người đã định cư và lập gia đình với người bản địa để hình thành cộng đồng đa văn hóa ở những trung tâm kinh tế, văn hoá lớn như TP.HCM. Làm sao để có thể phát huy được nguồn lực của các gia đình đa văn hóa phục vụ cho mục tiêu phát triển TP cũng như đảm bảo về quyền lợi, nghĩa vụ, chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho tất cả người dân đang học tập, sinh sống, làm việc ở TP.HCM ... ? xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Đánh giá chất lượng của đề tài nghiên cứu khoa học, TS Phan Thanh Định – Phó hiệu trường Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định:  Đây là một diễn đàn học thuật quan trọng tạo cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đưa ra những quan điểm đa chiều và cùng nhau phân tích, tìm kiểm các giải pháp hiệu quả đối với việc phát huy tiềm năng và khai thác giá trị của nguồn lực đặc biệt này cũng là giảm bớt những xung đột từ sự khác biệt góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, phát triển TP.HCM trở thành TP thông minh, văn minh, hiện đại nghĩa tình. Hội thảo cũng góp phần rất lớn vào sự thành công, hiệu quả vào các hoạt động học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu về Nhân học đô thị nói riêng và khoa học xã hội nói chung.

TS Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng Ban Văn hoá xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết: Quận 7 là nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao; diện tích được phép khai thác và phát triển gồm 5 cụm đô thị với 750 ha, tạo thành một trung tâm thương mại, tài chính quốc tế; phường Tân Phong có 3.184 người nước ngoài (chiếm 50,4% tổng số người sinh sống trên phường), phường Tân Phú có 2.988 người nước ngoài (chiếm 30,3% tổng số người sinh sống trên phường). Do đó, hơn 38% số người sống ở đó là người nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc, cùng những quốc gia khác. Tiến trình toàn cầu hóa ở các khu đô thị mới đang phát triển rất nhanh và sôi động. Đời sống văn hóa của cư dân nơi đây cũng đặt ra nhiều vấn đề mới mà các nhà hoạch định chính sách, quản lý văn hóa phải quan tâm chú ý để có những giải pháp phù hợp, hiệu quả. Trên thực tế, chính quyền TP coi khu đô thị Phú Mỹ Hưng là hình mẫu để tham khảo, phát triển các đô thị khác.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị - 2

Đại biểu tham dự hội thảo.

Báo cáo tham luận tại hội thảo, TS Hồ Bá Tham -Viện trưởng Viện Triết học lượng tư và trí tuệ Việt cho rằng: "Gia đình có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội, là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cần đảm bảo cuộc sống các mặt hài hòa, nâng cao, thoả mãn được nhu cầu, yêu cầu của hệ giá trị, chuẩn mực cốt lõi của cuộc sống gia đình trong hoàn cảnh phát triển kinh tế của đất nước (trong đó có gia đình đa văn hoá) ở từng thời điểm cụ thể. Cho nên gia đình nói chung và đa văn hóa nói riêng có chất lượng và chất lượng cao là "Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh".

Thực tế cho thấy, sự khác biệt ngôn ngữ là trở ngại lớn ngay từ giai đoạn đôi lứa tìm hiểu trước khi quyết định chung sống, cho dù giới trẻ đã có điều kiện tiêp xúc, học tập các ngoại ngữ khác. Bề ngoài hoặc qua biểu hiện nội tâm có thể cảm nhận rung động ban đầu, thích nhau nhưng phải qua giao tiếp mới thấu hiểu; trong khi đó, hôn nhân là quá trình lâu dài phức tạp hơn tình yêu, nhiều nhân tố thuận nghịch đặt ra những tình huống đòi hỏi người trong cuộc phải có vốn ngôn ngũ nhất định để đối thoại, tương tác. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác về văn hoá, kiến thức, tính cách, lý tưởng sống, thói quen ứng xử, sức khoẻ, sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ… Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết là nền tảng vững chắc cho mẫu hình hôn nhân đa văn hoá là đôi bên phải học, thông thạo ngôn ngữ của nhau. Mặt khác, gia đình đa văn hóa ở TPHCM chủ yếu được hình thành từ các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, sinh sống ở TP.HCM. Họ có điều kiện kinh tế nhưng lại thiếu thời gian quan tâm đến đời sống gia đình, giáo dục con cái mà ít quan tâm xây tổ ấm sẽ có nguy cơ đổ vỡ hoặc chất lượng đời sống gia đình bị giảm sút.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị - 3

Ban tổ chức chụp hình lưu niệm với các diễn giả và khách mời.

Đối với gia đình đa văn hóa khi tham gia vào kết cấu dân cư và nguồn nhân lực xã hội giúp cho các địa phương phát triển hơn, văn minh hơn. Chính vì vậy trong công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội cần trú trọng phát huy ngoại lực, nội lực về đa văn hóa, liên văn hóa trong cộng đồng xã hội. Có chính sách khơi gọi nguồn lực phát triển của con người, nguồn lực xây dựng nâng cao chất lượng gia đình đa văn hóa trở thành những tế bào nền tảng xã hội, thành một lực lượng phát triển của đất nước trong hệ thống Nhà - Làng- Nước

Tính đến hết năm 2023, có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Riêng TP.HCM đến ngày 15/7/2024 có 26.677 người nước ngoài được cấp giấy phép lao động (còn hiệu lực), đang làm việc tại 9.202 tổ chức, doanh nghiệp. Trong số 127 quốc gia, vùng lãnh thổ có lao động đến làm việc trên địa bàn TPHCM, quốc gia có số lao động nước ngoài nhiều gồm: Hàn Quốc (1.671 người), Nhật Bản (1.437 người), Trung Quốc (739 người), Hoa Kỳ (719 người, Anh (644 người). Số lượng hôn nhân có yếu tố nước ngoài và gia đình đa văn hóa tại Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây đặc biệt các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Năng... Điển hình của TP.HCM là các loại hình gia đình: Việt - Hàn, Việt - Nhật, Việt - Hoa, Việt - Ấn, Việt - Thái, Việt - Pháp, Việt - Cam, Việt – Nga.

Khánh Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất