Nguyễn Bá Khoản: Khoảnh khắc và vĩnh hằng

Trước biến thiên của thời gian, Nguyễn Bá Khoản đã biến những khoảnh khắc trở nên vĩnh hằng.

Thời gian đi theo một đường thẳng. Lịch sử giống một dòng chảy tự nhiên, mang tính đơn nhất, không lặp lại. Không có tính phản hồi, thời gian là vậy, cái đã qua là qua hẳn, vĩnh viễn không trở lại. Nên phải chăng đã không ít lần mắt ta rưng lệ khi nghe khúc dân ca Italia đầy luyến nhớ: “Biết đến bao giờ gặp lại cô em thời ấu thơ?”…

Có gì mong manh hơn bóng hình cuộc sống trước sức mạnh trôi dạt của thời gian! Thơ Chế Lan Viên có câu đại ý: Thế kỷ này sẽ trắng tay nếu không có Nguyễn Du thi hào dân tộc, cũng có ý là nói tới cả cái may mắn của con người, con người làm ra lịch sử, nhưng sáng tạo ra cả cái cách ghi chép bóng hình nó.

Với những bức ảnh quý giá phản ánh tài năng và lòng quả cảm của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản cũng như các đồng nghiệp của ông, đã làm được cái công việc kỳ diệu là chống trả lại một cách có hiệu quả sức mạnh hủy hoại của thời gian, họ đã biến những khoảnh khắc mong manh thành những vật thể, phi vật thể vĩnh hằng!

Nguyễn Bá Khoản: Khoảnh khắc và vĩnh hằng - 1

Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản.

Nhiếp ảnh, thứ nghệ thuật được Nguyễn Bá Khoản tóm gọn trong sáu chữ đơn giản: sáng tối, xa gần, nhanh chậm. Thì có gì giản dị hơn là thao tác chĩa ống kính vào đối tượng, điều chỉnh tốc độ ánh sáng, độ mở ống kính, cự ly… và bấm máy. Nhưng càng giản lược bao nhiêu về nguyên lý thì công việc càng đòi hỏi bấy nhiêu là tài năng và tấm lòng; những tấm ảnh của ông giờ đây để lại trong những bảo tàng của cách mạng nói rõ điều ấy.

Một chiến sĩ trẻ măng, mặt lút trong cái mũ sắt lớn, gày gò như vừa khỏi cái chết của trận đói cuốn đi hai triệu sinh linh, nhưng chân quỳ, chân chống, tay xốc quả bom ba càng, giữa ngổn ngang gạch ngói, mắt nhìn thẳng sẵn sàng xông tới quyết tử với quân thù. Anh như cả dân tộc của anh trong những ngày này đó vùng đứng dậy, quyết không trở lại kiếp nô lệ một lần nữa! Anh đã trở thành tượng đài lịch sử và bức ảnh nọ của nghệ sĩ hàm chứa tính biểu trưng.

Đã xa rồi buổi thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân năm 1944 trong khu rừng Trần Hưng Đạo – Việt Bắc. Nhưng may thay, nhờ có tấm ảnh về nó, mà thời điểm trọng đại nọ còn lưu giữ được chút bóng hình. Còn đây, ảnh hình 32 chiến sĩ, những đứa con của núi rừng, quần nâu áo vải, chân đất, ruột tượng gạo quàng vai cùng lá cờ trang nghiêm đứng nghe vị chỉ huy tối cao mũ phớt, áo vét, quần gon đọc nhật lệnh. Còn đây cả bóng nắng rớt trên tán rừng. Còn đây cả cái hào hùng quật khởi của dân tộc những ngày ấy.

Nguyễn Bá Khoản: Khoảnh khắc và vĩnh hằng - 2

 Quyết tử quân Hà Nội truy kích địch trên phố Hàng Bài, tháng 12/1946.

Các thế hệ sau này chắc không thể có ấn tượng đầy đủ và khủng khiếp về thảm cảnh hai triệu người chết đói mà dân tộc ta phải chịu đựng dưới ách phát xít Nhật, thực dân Pháp năm 1945. Nhưng những hộp xương sọ, những khúc xương chân tay chất chồng, những xác người chết thê thảm trong những bức ảnh Nguyễn Bá Khoản, không chỉ làm nhiệm vụ mô tả hiện thực một cách trực quan, gây nên cơn chấn động lớn lao trong ta. Cao hơn một sự vật, chúng gần giống như một ký hiệu. Và như vậy, cùng với nỗi đau đớn, uất nghẹn, chúng còn nhân danh đau khổ cất tiếng kêu gào vùng dậy..

Khước từ tất cả cảnh sắc thời thượng, chốn phòng the, phong hoa tuyết nguyệt, ống kính Nguyễn Bá Khoản hướng hẳn về, dứt khoát thuộc về nhân quần, dân tộc, cách mạng.

Nguyễn Bá Khoản: Khoảnh khắc và vĩnh hằng - 3

Sáu đại biểu Hà Nội trúng cử Quốc hội khóa 1 ra mắt đồng bào Thủ đô tại khu Việt Nam học xá (Bạch Mai tháng 1/1946).

Đơn giản biết bao nhiêu và dũng cảm biết bao nhiêu khi Nguyễn Du viết: “Trông lên mặt sắt đen sì” giữa thời phong kiến bạo tàn. Một bức ảnh ghi lại một sự kiện tranh đấu, cũng vậy thôi, ở đây nghệ sĩ  thật sự thực hiện một cuộc dấn thân, bất chấp hiểm nguy. Sự việc này đã diễn tả một quy luật có tính phổ biến: tình trạng cách mạng thường trực chính là bản chất của các nghệ sĩ đi với dân tộc.

Bức ảnh Mít tinh ngày 19/8 ở trước Nhà hát Lớn là một bức ảnh lớn về tầm vóc. Nó phản ánh trung thực cơn triều dâng thác đổ của cao trào cách mạng. Có hàng vạn con tim đang ca hát trong đó và lá cờ đỏ sao vàng lớn tung bay như một cánh chim báo bão là một tiền cảnh của bức ảnh lại cũng là cái cảm hứng tự do tràn ngập, sung sướng vẫy vùng hả hê của cả dân tộc đã đứng dậy đập tan gông xiềng nô lệ.

Nghệ thuật là một phương cách chinh phục. Những bức ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản, với nghệ thuật điêu luyện và sự khúc triết về ý tưởng, đã thực hiện sứ mạng chinh phục một cách tế nhị và mạnh mẽ.

Nguyễn Bá Khoản: Khoảnh khắc và vĩnh hằng - 4

Từ pháo đài Láng, phát súng đầu tiên bắn vào khu vực Cột Cờ Hà Nội, nơi quân Pháp đang chiếm đóng, mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Đánh chiếm Bắc bộ phủ (19/8/1945), Giải phóng quân trở về, Ngày 2-9-1945 tại Ba Đình… và trước đó, những Hội nghị báo giới Bắc kỳ (1937), Mít tinh ở khu Đấu Xảo (1938), Tòa soạn báo Tin Tức (1938), Đại hội truyền bá quốc ngữ (1938)… là những khoảnh khắc nhất định của hành động lịch sử đã được lưu giữ bằng nghệ thuật.

Nguyễn Bá Khoản: Khoảnh khắc và vĩnh hằng - 5

Giải phóng quân dự lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945.

Bám sát tiến trình cách mạng, ống kính nghệ sĩ liên tục hướng về các hành động khai sinh ra lịch sử, và bây giờ lần giở bộ sưu tập ảnh của ông, ta đã thấy hiện ra khung cảnh cả một dân tộc, một thành phố vụt đứng dậy kiên quyết bảo toàn nền độc lập thống nhất của mình. 

Chiến đấu ở Ngã Tư Vọng (2-12-1946), Đánh chiếm Viện Pasteur (12-1946), Chiến đấu ở Đền Voi Phục, Đánh địch ở Cầu Giấy (1/1947), Bàn kế hoạch đánh địch ở Bạch Mai (15/1/1947), Đường Trần Nhân Tông biến thành ụ súng (1/1947), Máy bay Pháp bị bắn rơi ở Ninh Bình (1948)…

Đến đây ta nhận ra một điều quan trọng. Tác phẩm không chỉ dừng ở đối tượng được chụp hình, mà bằng nghệ thuật biểu đạt, đã hiện ra cả bối cảnh lịch sử và như vậy những bức ảnh thì im lặng mà cứu cánh của nó lại là cất tiếng, truyền đạt. Những bức ảnh làm say lòng ta, làm chính ta kinh ngạc, khiến ta tự hỏi mình: chính là chúng ta đã làm ra sự kiện này ư? Và như vậy, nghệ thuật đã đạt đến hệ quả là sự bất tử.

*

Nghệ thuật là một hành vi lựa chọn. Tùy năng khiếu, cảm xúc và chi phối của môi trường, anh có thể là nghệ sĩ một đời theo đuổi một chủ đề trong sự sáng tạo. Êđi Giê-ranh, nữ nhiếp ảnh gia người Pháp lấy sự ca ngợi chốn đồng quê làm điều tâm niệm. Uy-liêm Giắc-sơn, người Mỹ, hướng ống kính vào cảnh quan vùng núi đá miền cực Tây Hợp chủng quốc. At-ghết, người Pháp, lấy cảm hứng nghề nghiệp từ cảnh phố phường. Võ An Ninh một đời yêu quý cảnh trí tuyệt diệu của non sông đất Việt.

Với Nguyễn Bá Khoản, mỹ cảm và trách nhiệm công dân khiến ống kính của ông luôn hướng về các sự kiện lịch sử lớn, các dấu mốc, các khúc ngoặt quan trọng trên con đường phát triển của dân tộc. Ảnh của ông là lịch sử hoành tráng được ghi lại bằng hình ảnh sinh động. Hướng về những điều có thực trong đời sống dân tộc, bằng phương pháp chọn lựa, khái quát, với trình độ nghệ thuật vững vàng thể hiện ở tính chặt chẽ của bố cục, chất thẩm mỹ cao của tạo hình, cùng với cảm hứng thời đại dồi dào, ảnh của ông giàu sức gợi cảm đã từng lay động sâu xa tâm hồn nhiều thế hệ người xem.

*

Bị những cơn hen suyễn bẩm sinh hành hạ khổ sở từ thuở thiếu niên, sinh ra trong gia đình lao động nghèo túng, ông là một số phận không may mắn.

Tuổi thơ hằn trong ông một nỗi buồn dìu dịu. Ông nhớ, bị căn bệnh khốn khổ dày vò, lại gặp lúc túng quẫn, nên mẹ ông đành phải bán gia sản đáng giá cuối cùng của nhà ông để mua thuốc chữa bệnh cho ông, đó là một con tứ túc huyền đề. Cõng ông trên lưng, mẹ ông dong con chó ra chợ. Ngồi từ sáng tới trưa con chó mới có một người trả được giá. Trao con chó cho người mua, mẹ ông và ông phải gạt nước mắt quay đi. Tuy vậy, còn bất nhẫn hơn nữa là sau khi mua thuốc cho ông xong, mẹ ông đang gần như phải chạy trốn nỗi xót thương thì con chó đã giật khỏi dây xích của người mua, đuổi theo và cứ quấn lấy chân ông và mẹ ông: “Đã bán mày cho người ta rồi, về với họ đi, con”. Mẹ ông nói nghẹn ngào. Ông òa khóc nức nở và ôm ghì lấy con vật, không nỡ rời xa.

Cảnh tượng não lòng ấy, cùng với bao kỷ niệm thời thơ ấu, sau này khi đã lớn tuổi, nhớ lại, ông không khỏi ngậm ngùi nhớ tiếc: thế mà chẳng ghi lại được vào trong ống kính của mình!

Còn những sự kiện nao lòng nào nữa chưa ghi được vào ống kính chiếc Prontor II của ông. Cái chất tạo nên tác phẩm cuối cùng hóa ra không phải là một dữ liệu tự nhiên, mà là một đòi hỏi, một dâng hiến. Ta hiểu thế. Ta hiểu thêm rằng, thông thường đối tượng miêu tả của nghệ thuật là cái cốt yếu, còn chủ thể, tức nghệ sĩ là cái không cốt yếu; nhưng ở những công trình sáng tạo thì đã có sự chuyển đổi vị thế: chủ thể nghệ sĩ đã trở thành cái cốt yếu.

Cái cốt yếu là ông thì không có hình. Những năm 1936-1939, hoạt động trong phong trào hướng đạo sinh, được phân công đi điều tra đám quan lại tham nhũng, ròng rã tháng ngày với chiếc xe đạp vòng quanh Đông Dương, vừa viết báo vừa chụp ảnh tố cáo tội ác. Cũng vậy, không có hình ông trong bất cứ bức ảnh nào ghi hoạt động của ông tháng 8/1945, trong vai chủ tịch lâm thời huyện Phú Xuyên, Hà Đông, hay trong hành động treo cờ khi chiếm trại Bảo An binh Hà Nội.

Nguyễn Bá Khoản nhớ rất rõ thời điểm ấy, buổi sáng ngày 19/8/1945, ôm cái máy ảnh, ông cùng mọi người xông vào Phủ khâm sai chính quyền bù nhìn. Như triều dâng thác đổ, thoáng cái quần chúng cách mạng đã phá tung cánh cửa sắt tòa nhà này. Làm thế nào chụp được hình ảnh lịch sử này? Nguyễn Bá Khoản sốt ruột nghĩ, có lẽ phải trèo lên hàng rào sắt! Đúng lúc ấy, ông nghe thấy một tiếng gọi giật: “Bá Khoản! Đứng lên vai tôi mà chụp”. Thế là quá mừng, không kịp cả tháo giầy, ông phốc lên vai người vừa gọi, hướng ống kính về phía trước. Và thế là, người ông đứng lên vai là ai cũng không biết, tư thế ông chụp lúc đó cũng chỉ còn là một nỗi nhớ, nhưng Bảo tàng Cách mạng có được tấm ảnh quý duy nhất này.

Không có tấm ảnh nào có hình vóc ông khi ấy, cũng không có tấm ảnh nào kể lại việc sau đó, đút máy ảnh vào túi áo trong, xách thanh kiếm lấy được từ một sĩ quan Nhật, ông dẫn đầu một cánh quân với tiếng reo hò như sấm dậy, tiến về chiếm trại Bảo An binh ở 40 Hàng Bài.

Thành phố lúc này là một ngày hội lớn. Một giờ chiều, ngày 2/9 năm đó, 1945, Nguyễn Bá Khoản đã có mặt ở Quảng trường Ba Đình, đang sục sôi khí thế cách mạng và hồi hộp náo nức đón chờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời Tuyên ngôn độc lập. Ôm chiếc máy ảnh, ông chọn góc độ, tìm chỗ đứng. Giây phút lịch sử đã đến! Một giờ ba mươi phút. Vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng bước ra lễ đài. Sung sướng trào nước mắt, ông giơ máy ảnh, nhưng ngay lập tức ông chợt giật thót mình, khắp người mồ hôi đổ như tháo. Tai hại quá! lúc này vầng thái dương thiên di đã xuyên ngang, tạo ra sự ngược sáng rất bất lợi. Giữ bình tĩnh, ông liên tục thay đổi tốc độ chụp và độ mở ống kính bấm liên tiếp. Rồi vội vã trở về, chui vào buồng tối. Có phương tiện nào ghi được nỗi nghẹn ngào, niềm hạnh phúc sững sờ của ông khi dưới tay ông đã hiện lên những tấm ảnh ông chụp lãnh tụ, nhờ chiều sáng ngược, do may mắn, thành công vượt cả lòng mong muốn?

Không ai chụp được cuộc hành trình của cơn đam mê nghệ sĩ của ông trên con tầu Nam tiến năm 1946, khi ông làm phóng viên báo Cứu quốc ở mặt trận Sài Gòn, dưới mưa bom bão đạn của xe tăng, bộ binh địch ở trận Thị Nghè ác liệt.

Tháng 12 rét buốt của mùa đông năm 1946, ngọn gió đông hàn thổi xao xác những phố dài Hà Nội, cả thành phố đã vào trận, đeo chiếc máy Baldina, Nguyễn Bá Khoản len lỏi qua những vật chướng ngại ở phố Hàng Đào, rẽ vào phố Hàng Bồ. Dừng lại ở đây, nhìn ra xung quanh ông nhận thấy: đây đã là điểm chốt cuối cùng của chiến tuyến. Trước mắt ông không xa là phố Đường Thành, ở đó lũ Tây lê dương mũ đỏ, bọn cướp nước hung hãn, đang muốn chọc một mũi tiến công vào chiến tuyến Liên khu I của ta. Vây quanh ông lúc này là các chàng trai, cô gái. Một anh sinh viên, một chú học sinh, một người đạp xích lô, một em bé đánh giày, áo trấn thủ, áo varơi dạ, áo len cổ quả tim. Người này trong tay là một quả lựu đạn quả na. Người kia, một chai cơrếp pha săng. Vũ khí hiện đại nhất ở đây là những khẩu súng trường cổ lỗ, bắn phát một. Không! Điều căn bản quan trọng là trên ngực áo mọi người đều có ba chữ QTQ - Quyết tử quân. Điều quan trọng căn bản là xung quanh gạch ngói hoang tàn, cột điện gẫy gục cùng cây cối ngả xuống làm vật cản, tường nhà nọ đục thông sang tường nhà kia làm lối đi cho chiến sĩ, là khắp nơi mọc lên ụ súng, là chiến lũy giăng thành, là không khí yêu đời, tin tưởng vào ngày mai, là cái hào hoa lãng mạn, lạc quan của cuộc chiến đấu.

“Anh chụp hình chúng em đi, dù có hy sinh chúng em cũng có được hình trong ảnh của anh rồi”. 

Đó là câu nói của một chiến sĩ. Nguyễn Bá Khoản đã trào nước mắt khi nghe câu nói đó. Cũng như, anh đã khóc khi chia tay Hà Nội. Buổi sáng rét mướt ấy, sau khi vượt qua sông Hồng, mọi người đồng loạt ngoảnh cả lại nhìn Hà Nội đang dâng lên trời những cột khói đen sẫm. Những gương mặt ám khói, rậm rì, hốc hác xung quanh ông bỗng ngước lên nhìn ông: Hãy bấm vài kiểu làm kỷ niệm đi, nhà nhiếp ảnh – chiến sĩ đã sống chết với chúng tôi, với Thủ đô yêu dấu.

*

Ông đã chụp cả trăm ngàn gương mặt. Nhưng trong bộ sưu tập đồ sộ lại thưa thớt bóng hình ông. Không có ông trong những lễ hội tưng bừng, trong cả căn buồng tối tự dựng ở Việt Bắc, dùng lá mai rừng mục có lân tinh phát sáng làm đom đóm lập lòe lấy ánh sáng để tráng phim, lấy lá chuối khô để ép phim và bảo quản ảnh trong hũ sành đáy lót gạo rang…

Người thầy giáo giỏi để mình tan biến vào học trò của mình. Nghệ sĩ phóng chiếu mình vào tác phẩm, quên mình là một phẩm chất lớn ở ông, phẩm chất ấy còn thể hiện cả trong nếp sinh hoạt hàng ngày.

Thiệt thòi, rủi ro, lận đận với ông là cái khoảnh khắc qua đi, không thể biến thành nỗi sầu muộn ám ảnh suốt đời. Căn bệnh hen suyễn không ngăn cản được sức sống, niềm yêu đời lớn của ông. Dứt cơn vật vã, ông lại tươi vui hào hứng. Cạnh máy ảnh - vũ khí chiến đấu của ông, là cái bơm thuốc chống trả cơn hen suyễn. Sau mấy chục năm làm việc tận tụy và cống hiến triệt để, vẫn chỉ là anh cán sự 3, sống đạm bạc, lại còn gặp không ít oan trái, nhưng ông không tạo nên vẻ cô đơn giả tạo. Ông luôn luôn là một con người đôn hậu, vui vẻ, thậm chí hóm hỉnh. Ông hay bông đùa. Ông thân thiết, kết bạn với nhiều người, từ ông Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, tới người dân thường. 

Nguyễn Bá Khoản: Khoảnh khắc và vĩnh hằng - 6

Tháng 12/1991, nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản giới thiệu với Tổng Bí thư Đỗ Mười xem phòng triển lãm các tác phẩm của mình tại phòng triển lãm số 19 Hàng Buồm, Hà Nội. Ảnh: Xuân Lâm - TTXVN

Nhà báo Phấn Đấu viết: “Nguyễn Bá Khoản hay bông đùa, có lần nói giỡn với tôi: Đời mình chuyển khoản gần hết rồi, ông ạ”.

Câu nói giỡn hóa thành một hành ngôn có tính đặc trưng. Ông đã chuyển tất cả năng lực, tình yêu của ông cho cuộc sống, cho cách mạng. Ông đã tận hiến tất cả tài năng và lòng yêu đời, yêu dân tộc, đất nước.

Chân dung ông sống động và hiển lộ trong cả vạn bức ảnh ông chụp suốt nửa thế kỷ qua.

Sinh ngày 3/7/1917 tại thôn Liễu Viên, xã Nghiêm Xá, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội. Ông thân sinh làm nghề thợ mộc, thường tha phương cầu thực như đặc trưng nghề nghiệp, nhưng chính ông đã truyền di lại cho con trai ông, nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản lòng ham thích, say mê nghề ảnh. Lòng ham thích, khởi đầu của mọi hoạt động nghệ thuật, dấu hiệu thể hiện tính ưu thế trội ở mỗi con người, thể hiện khá sớm ở Nguyễn Bá Khoản: chưa đầy tuổi hai mươi, ông đã cầm máy như là một nghệ sĩ chân chính đi đúng hướng ngay từ bước khởi nghiệp (từ những năm 1936-1939) ông đã tham gia Hội Ái hữu thợ ảnh. Suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông là phóng viên cho nhiều tờ báo của Đảng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông là phóng viên của Tổng bộ Việt Minh, hoạt động ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Từ những ngày đầu kháng chiến, nghệ sĩ nhập vai chiến sĩ quyết tử quân ngày đêm có mặt trên các chiến lũy sống chết cho Thủ đô yêu dấu. Trong kháng chiến chống Pháp, với tư cách phóng viên chiến tranh, ông có mặt ở khắp các chiến trường liên khu I, II, III, IV. Năm 1954, ông tham gia Ủy ban quân chính Hà Nội tiếp quản thủ đô, rồi sau đó về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Từ năm 1966 - 1972, ông là phóng viên trong Ủy ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Ông đã cung cấp hàng ngàn bức ảnh lịch sử quý giá cho các Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Viện Bảo tàng quân đội, Cục lưu trữ quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức văn hóa, lịch sử của các nước bè bạn.

Do những thành tựu đã đạt được trong công tác và trong sáng tạo nghệ thuật, ông đã được thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương lao động hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước. Và cuối cùng, sau khi qua đời, tôn vinh toàn bộ công trình sáng tạo của ông, tên ông đã được đặt cho một đường phố Thủ đô và vô cùng xứng đáng, Nhà nước đã truy tặng ông giải thưởng cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Mất ở tuổi 76, với tình yêu tha thiết nghề nghiệp và lao động nghệ thuật bền bỉ, nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản đã kịp để lại cho đời một giá trị vô hạn, đó là hàng ngàn bức ảnh, là bộ sưu tập của ông, quy tụ vào các chủ đề lớn: Cao trào cách mạng 1936-1946; Toàn quốc kháng chiến (1946); Giải phóng Thủ đô (1954).

Ma Văn Kháng

Trăm năm Thợ Rèn - Phạm Lê Văn
Trăm năm Thợ Rèn - Phạm Lê Văn

Với bút danh Thợ Rèn có phần lạ lẫm, ông là một nhà thơ châm biếm, tên tuổi nổi bật, đã gắn liền với chuyên mục...

Tin liên quan

Tin mới nhất