Thư “ Gửi các học sinh” của Bác Hồ, suy ngẫm từ nguyên bản

Trong suốt những năm của thế kỷ 20 và khoảng 15 năm đầu của thế kỷ 21, ngày khai trường thày và trò luôn được nghe thư Bác. Đó là bức thư “ Gửi các học sinh” mà Bác viết gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9/1945. Tuy nhiên đó không phải là bức thư nguyên bản. Những năm gần đây bức thư nguyên bản của Bác đã được các trường học sử dụng và khi so sánh sẽ thấy có một số vấn đề khác biệt. Khi nghiên cứu cẩn trọng chúng ta sẽ tìm thấy từ những câu chữ trước đây không có trong nguyên bản toát lên giá trị mang tính tư tưởng của Người.

Cặp từ xưng hô “Tôi” và “Các em”

Trước đây trong các văn bản thư cũ cặp từ này được ghi là “Bác” và “Các cháu”. Vậy có sự khác biệt gì ở đây và ý nghĩa của nó? Trước hết bác dùng từ “Tôi” với tư cách chủ thể của bức thư, chủ thể ấy qua từ “Tôi” với ý nghĩa khẳng định là, người viết: Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch nước. Chính với con người cụ thể, vị trí lãnh đạo quốc gia ấy mới đủ tư cách hành chính để gửi thông điệp tới học sinh toàn quốc. Bên cạnh đó, lá thư là một văn bản hành chính có chữ ký, có lệnh ủy nhiệm sao lục gửi tới các cơ sở giáo dục toàn quốc thì không thể dùng từ “Bác” chỉ mối quan hệ tình cảm gia đình. Chính điều ấy cho thấy Bác tầm tư tưởng của lãnh tụ Hồ chí Minh về chiến lược con người, đúng như nhận xét của UNECO “là một trong số rất ít nguyên thủ quốc gia quan tâm đến giáo dục”.

Thư “ Gửi các học sinh” của Bác Hồ, suy ngẫm từ nguyên bản - 1

Ảnh tư liệu Bức thư của Bác . Ảnh: Trung tâm lưu trữ Quốc gia III

Trong nguyên bản thư Bác dùng tới 26 lần từ “các em”, số lượng từ này được dùng có chủ định gắn với từng nội dung thư. Điều ấy nói lên đối tượng và chủ thể trung tâm mà Bác hướng tới là các em học sinh. Đặc biệt khi Bác gọi học sinh là “các em” có một dụng ý rất sâu xa. Hãy nhớ, trước thời điểm này nền giáo dục Việt Nam mang nặng bản chất của giáo dục Nho giáo và một giai đoạn chịu chi phối của giáo dục Pháp. Đối tượng học trò trong quan hệ với ông thầy rất nặng nề ở nhiều khía cạnh. Phương pháp truyền thụ học vấn đã biến thày như người ban ơn, buộc trò tôn kính tuyệt đối “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” thậm chí vị trí của thày ngang ngửa với cha đẻ và quân vương “Quân – Sư – Phụ”.

Chính vì lẽ đó từ “Con” là từ xưng hô duy nhất học trò buộc phải dùng, nó bộc lộ vị thế thấp của người nhận ơn “mưa móc”. Khi Bác dùng từ “các em” thì chính người đã tự bạch trong thư: “ Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn”. Với tự bạch ấy, quan niệm của Hồ Chí Minh về quan hệ Thày – Trò trong nền giáo dục mới có sự đổi khác. Ông thày không phải là người có quyền lực tuyệt đối và đứng ở vị thế chi phối toàn diện với học trò. TS Phạm Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng trường Quản lý Giáo dục phân tích: “Nói như vậy, người thày thực tế chỉ là người đi trước dẫn dắt đàn em. Một khoảng cách tri thức, quan hệ… rất gần gũi”. Quan niệm ấy rất hiện đại mà ngày nay chúng ta khi tham gia quá trình học tập ở thời kỳ 4.0 càng nghiệm ra rất rõ ràng.

Làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có

Trong câu thứ 2 của đoạn 2 có một mệnh đề rất quan trọng trong những bức thư cũ không xuất hiện, đó là vế câu: “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Cần nói thêm rằng phương pháp dạy học phát triển năng lực vượt trội và khác biệt so với phương pháp truyền thống ở các vấn đề:  mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức, đánh giá, quản lý và quan niệm về sản phẩm giáo dục. Cụ thể là: Dạy học theo hướng phát triển năng lực là mô hình tập trung vào việc phát triển tối đa khả năng của người học.

Thư “ Gửi các học sinh” của Bác Hồ, suy ngẫm từ nguyên bản - 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Trong đó, năng lực là tổng hòa của 3 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Hoạt động dạy và học có sự đan xen, liên quan,… nhằm mục đích giúp người học chứng minh khả năng học tập thực sự của mình. Từ đây, học sinh có thể phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và tự tạo ra sản phẩm học tập mang dấu ấn cá nhân. Rất tiếc quan niệm về giáo dục toàn diện mà chúng ta hiểu vẫn còn đơn giản, thực tế các cá thể có những năng lực khác nhau và nếu kích hoạt đúng thì năng lực đó sẽ phát triển. Cần nhìn nhận một tập thể học sinh như muôn loài hoa hãy chăm sóc để chúng nở thành một rừng hoa đẹp thay vì chỉ bắt chúng nở ra một loại hoa hồng! Chúng ta đã bỏ qua học tập điều này từ Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ qua; nhưng cũng rất may mắn là chúng ta đã kịp nhận ra điều ấy và Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 ra đời, đã xây dựng quan điểm giáo dục: “Theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất”.

Trong ngày trống khai trường năm học 2024-2025 vang lên, ngẫm về lá thư Bác gửi bỗng nhận ra thật kỳ diệu là từ 78 năm về trước Bác đã phát hiện ra con đường dạy học này. Từ đây có thể thấy được tư duy về chiến lược con người đi trước thời đại của của một nguyên thủ quốc gia và cũng thêm thấu tỏ tấm lòng, tình yêu của Bác Hồ dành riêng cho Giáo dục.

Nguyễn Đình Minh

Tin liên quan

Tin mới nhất