Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam

Sáng 24/3, tại Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa tổ chức tọa đàm khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam”. Tọa đàm đề cập đến những vấn đề sơ khởi đầu tiên về tín ngưỡng thờ Mẫu từ những gì giới nghiên cứu đã nói, đã viết, đã hiểu, để rồi tìm đến gợi mở những nhận thức mới hơn về tín ngưỡng này.

Tọa đàm có sự tham dự của: PGS.TS Đỗ Lai Thúy - Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa; Ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Tín ngưỡng và Hiện tượng tôn giáo mới, đại diện Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội; TS, nghệ nhân văn hoá Nguyễn Đức Hiển - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam; ThS, nhà nghiên cứu văn hoá tâm linh Đàm Lan…

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam - 1

Từ trái sang: Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Quân; TS, nghệ nhân văn hoá Nguyễn Đức Hiển; PGS.TS Đỗ Lai Thúy; ThS, nhà nghiên cứu văn hoá tâm linh Đàm Lan. Ảnh: Phạm Hằng 

Tín ngưỡng thờ Mẫu (hay còn thường được gọi là Đạo Mẫu), một tín ngưỡng dân gian Việt tiêu biểu nhất vẫn còn tồn tại và phát triển, cho tới nay đã được nghiên cứu tương đối đa dạng trên nhiều phương diện, cách tiếp cận, rồi cả địa bàn nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn gợi ra rất nhiều chiều kích còn tồn nghi để cùng khám phá, suy ngẫm và minh giải.

Theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy - Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, về nguồn gốc, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng bản địa bắt nguồn từ xa xưa, mang âm tính (tôn thờ người phụ nữ, người mẹ), đồng thời nhận nhiều ảnh hưởng tới từ Saman giáo, Đạo giáo, rồi cho tới thời phong kiến một số Mẫu thần đã được lịch sử hóa trở thành đối tượng thờ cúng. Câu chuyện nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ dẫn dắt chúng ta về sâu kín hơn trong một thứ vô thức tập thể, liên quan đến nguồn cội dân tộc.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có một nghi lễ điển hình nhất - đó chính là nghi lễ hầu đồng. Các nghiên cứu mang tính chất mô tả về hầu đồng như một hiện tượng thực hành tâm linh, đã có nhiều, song chưa tác giả nào đề cập đến lộ trình hình thành từ lúc khởi thủy đến khi trở thành nghi lễ lên đồng của người Việt (gắn liền với nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu).

Người ta chỉ mới nhận thấy con đường của nghi lễ hầu đồng vượt qua khỏi định kiến bị coi như là một hình thức mê tín dị đoan không được chấp thuận. Hay nhìn nhận nghi lễ hầu đồng từ khía cạnh tinh thần, nhưng với tư cách là một biện pháp trị liệu và chữa lành tinh thần, tạo ra một thực tại khác nơi giải tỏa những căng thẳng và rối loạn trong đời sống hàng ngày, thì có lẽ chưa ai từng nghĩ nhiều tới.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam - 2

Toàn cảnh tọa đàm 

Theo thạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá tâm linh Đàm Lan, trong quá trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có một điều phải khẳng định, tín ngưỡng thờ Mẫu là đỉnh cao trong hệ thống tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ mẫu thần của người Việt, thể hiện được tâm linh, tình cảm, trí tuệ, đạo đức của người Việt.

“Chức năng của thờ mẫu chính là thờ chức năng của một người mẹ như sinh nở, bao bọc, bào chữa, chăm sóc, giáo dục… và chúng ta tìm về tín ngưỡng Thờ Mẫu giống như tâm thái của những đứa con tìm về với mẹ, đó chính là điểm đặc sắc của tín ngưỡng này”, thạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá tâm linh Đàm Lan chia sẻ.

Bàn về giá trị văn hóa của tín ngưỡng Thờ Mẫu, nhà nghiên cứu văn hoá tâm linh Đàm Lan cho biết, giá trị văn hóa rõ ràng nhất của tín ngưỡng Thờ Mẫu là thể hiện tâm tư, tình cảm, trí tuệ, đạo đức của người Việt Nam, phản ánh nhận thức của người Việt Nam về nhân sinh quan và thế giới quan.

“Không có một tín ngưỡng nào trên thế giới có những nghi lễ mang tính chất vòng đời của con người, hướng con người và hướng niềm tin của con người vào cuộc sống nhân sinh như tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt. Một giá trị văn hóa nữa rất nổi bật là tín ngưỡng Thờ Mẫu giải phóng con người về mặt địa vị xã hội, về mặt kinh tế, về mặt giới tính, điều này thể hiện rõ nhất trong nghi lễ hầu đồng. Khi bước lên sập hầu đồng, hóa thân vào những bậc thánh nam, hóa thân vào những bậc thánh nữ, họ được giải tỏa tinh thần, giải tỏa mong cầu trong cuộc sống hiện thực mà hằng ngày không làm được”, nhà nghiên cứu văn hoá tâm linh Đàm Lan chia sẻ thêm.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam - 3

Trong khuôn khổ tọa đàm, công chúng cũng được thưởng thức màn diễn xướng hầu đồng đặc sắc do tiến sĩ, nghệ nhân văn hoá Nguyễn Đức Hiển cùng các thanh đồng thể hiện. Ảnh: Phạm Hằng 

Về phương diện biểu đạt nghệ thuật, nghi lễ hầu đồng đã trở thành một hình thức diễn xướng khá hoàn chỉnh và đặc sắc, với ca vũ, trang phục, đạo cụ, các vai… Nhưng vẫn còn những tranh luận rằng liệu lên đồng hầu bóng, đặc biệt trong bối cảnh đương đại, có phải lên đồng đích thực theo kiểu đạt đến trạng thái xuất thần (ecstasy) hay không, hay đơn thuần chỉ là một thứ trình diễn mô phỏng hoặc biểu diễn văn nghệ? Tức là ý nghĩa trình diễn đã vượt át ý nghĩa tâm linh? Đây cũng là một câu chuyện cần khởi bàn.

Tiến sĩ, nghệ nhân văn hoá Nguyễn Đức Hiển cho rằng: “Hầu đồng là bảo tàng văn hoá sống động của Việt Nam, hình thức biểu diễn văn hoá lên đồng chính là nguồn tư liệu quý giá bộc lộ quan niệm của bản thân người Việt về lịch sử, về di sản văn hoá và bản sắc dân tộc”.

Nghệ nhân văn hoá Nguyễn Đức Hiển khẳng định, những người biểu diễn nghi lễ hầu đồng xứng đáng được đánh giá cao bởi những kiến thức bảo tồn giá trị truyền thống, cần phải khuyến khích để duy trì hình thức văn hoá này cho các thế hệ tương lai.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất