Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước

Ngày 3/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ngành VHTTDL) với chủ đề “Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Ảnh: Trần Huấn

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước - 2

Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Nhìn lại năm 2023 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội 13 của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 - đã đi qua với nhiều dấu ấn, kết quả về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước; là năm toàn Ngành VHTTDL vinh dự được đón nhận nhiều hơn sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân với vai trò chủ thể sáng tạo trong xây dựng và phát triển văn hóa.

Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước - 3

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2023 “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, phương châm của Ngành “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” được đề ra từ đầu nhiệm kỳ, Ngành VHTTDL tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”.

Với sự nỗ lực cao, cố gắng lớn để tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Nghị quyết số 01 và các Nghị quyết của Chính phủ tại các Phiên họp thường kỳ, các Nghị quyết của Quốc hội, theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng lĩnh vực VHTTDL năm 2023 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng.

Trong đó, toàn ngành đã chủ động rà soát các “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời “khơi thông” nguồn lực, “kiến tạo” sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được BCH Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Toàn ngành đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương để nâng tầm quy mô tổ chức, chất lượng các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp vùng, cấp quốc gia. Quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Tích cực chuẩn bị, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; tổ chức Hội nghị toàn quốc phát triển thể theo thành tích cao làm cơ sở hoàn thiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030.

Trong lĩnh vực du lịch, năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt trên 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch  ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023.

Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước - 4

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Từ các điểm cầu, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát biểu nêu bật những thành tựu của một số lĩnh vực trong năm qua; đồng thời nêu những ý kiến, giải pháp đóng góp cho sự phát triển của toàn ngành.

Tham luận tại Hội nghị với chủ đề “Chủ động chuyển mình, đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới”, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống con người đáng kinh ngạc thì mặt trái của nó cũng vô cùng khủng khiếp, nó tác động tiêu cực mạnh mẽ một cách không thương tiếc đặc biệt là đối với văn hoá.

“Là một đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, là các nghệ sĩ chúng tôi ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá và việc bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hoá con người Việt Nam trong tình hình mới…

Xây dựng văn hoá trong tình hình mới chúng tôi cũng cần phải có những vũ khí mới. Chúng tôi luôn phải mang trong mình nhận thức chính trị đầy đủ, có sự hiểu biết, quan điểm xã hội đúng đắn. Chính vì thế, người nghệ sĩ - trước khi trở thành nghệ sĩ thì phải trở thành công dân tốt, phải tuân thủ đúng tất cả những điều công dân cần phải làm”, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhấn mạnh.

Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước - 5

Các đại biểu lắng nghe tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Chia sẻ về giải pháp, bài học kinh nghiệm trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế qua việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận cho rằng, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và đề ra các chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế du lịch phù hợp với từng thời kỳ. Tổ chức không gian du lịch vùng trong phạm vi cả nước được xác định trong chiến lược du lịch. Tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất nhằm phát triển kinh tế du lịch.

Đặc biệt, giải quyết tốt giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới. Xây dựng chính sách để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, tạo sự đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Có kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, tiếp cận trình độ thế giới để đảm đương công tác quản lý phát triển kinh tế du lịch. Có kế hoạch quảng bá địa danh du lịch phù hợp đối với từng khu vực, từng đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước...

Với việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trong điều kiện của một tỉnh khó khăn, song Hà Giang đã và đang chọn hướng đi dựa trên giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, tạo sinh kế cho cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tin tưởng rằng với sự quyết tâm chính trị, sự quyết liệt điều hành của chính quyền các cấp, Hà Giang sẽ có nhiều cơ hội phát triển, ổn định chính trị, kinh tế bảo vệ vững chắc vùng biên giới quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, bằng việc phát huy những lợi thế sẵn có, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, triển khai các cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng đối với nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đến việc đầu tư, phát triển, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch mới, đặc thù phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Ông Phạm S cho biết thêm, trong năm 2023, ngành du lịch Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao, từ đó vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh.

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của đại biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng thuộc các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, với sự phối hợp nhuần nhuyễn trên hành trình của “Cỗ xe tam mã”.

“Chúng ta cần nhận thức rằng, nhiệm vụ xây dựng, chấn hưng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, với tư cách là chủ thể, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền thì chắc chắn nhiệm vụ phát triển văn hóa sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới…”, Bộ trưởng khẳng định.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác VHTTDL đã đạt được trong năm 2023, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước - 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 với Ngành VHTTDL, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cần tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam, vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực này.

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa, nhất là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Thứ hai, quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTTDL; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch nhanh và bền vững.

Thứ tư, củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao. Đổi mới phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030.

Đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao chuyên nghiệp, tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Việt Nam có lợi thế, đề xuất các giải pháp có tính đột phá trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển lực lượng vận động viên trẻ tài năng…

Thứ năm, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.

Phát triển du lịch theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (như về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…).

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.

Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ; chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp đối với những người làm việc trong ngành VHTTDL.

Thứ bảy, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến", xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế, kết nối thể thao, kết nối con người "từ trái tim tới trái tim". Quan tâm thúc đẩy, bảo đảm tiếp cận bình đẳng về văn hóa, thể thao, du lịch với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đặc biệt là với những người yếu thế.

Thứ tám, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương, giữa các địa phương, giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa các lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực thể thao, lĩnh vực du lịch.

Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước - 7

Thủ tướng mong muốn toàn Nghành VHTTDL sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được, tiếp tục chung sức, đoàn kết, đồng lòng, kỷ luật, kỷ cương, đổi mới sáng tạo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa. Ảnh: Trần Huấn

Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể những người làm công tác VHTTDL sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được, tiếp tục chung sức, đoàn kết, đồng lòng, kỷ luật, kỷ cương, đổi mới sáng tạo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa; xứng đáng là những "chiến sĩ xung kích" trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, với khí thế mới, động lực mới, tạo thành công mới, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, phụng vụ Tổ quốc, phục sự nhân dân, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Theo Bộ VHTT&DL, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, ngành VHTTDL xác định cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 06 nhóm nhiệm vụ và 04 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất