Phó Thủ tướng Thường trực dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Chiều 11/1, tại Hà Nội, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ năm 2021. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực vượt khó và những thành tích quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, Ủy ban đã cơ bản bảo toàn được vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, là thành tích đáng được ghi nhận và biểu dương, với điểm sáng là thu ngân sách công ty mẹ của 17/19 tập đoàn vượt 12% so với kế hoạch đề ra.

Ủy ban và các doanh nghiệp đã nỗ lực phê duyệt và triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, năng lượng, các dự án có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển KT-XH. Các doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã chung tay, sát cánh, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ thực hiện rất nhiều các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân phòng chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả của thiên tai lũ lụt…

Phó Thủ tướng Thường trực dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - 1

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao 

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số cá 

nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: TTXVN

Với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Ủy ban đã có nhiều đề xuất, kiến nghị mới, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, cụ thể là đã đề xuất phân loại các dự án, doanh nghiệp thành các nhóm để có phương án chỉ đạo xử lý cụ thể, đưa 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém...Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực trong cả giai đoạn nhiệm kỳ 2016-2020 nói chung và năm 2020 nói riêng. Công tác cổ phần hóa một số tổng công ty lớn cũng đạt được một số kết quả cụ thể, đáng ghi nhận. Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn tại 16 công ty con, công ty liên kết với tổng giá giá trị thu được là 2.420,54 tỷ đồng, gấp trên 3,8 lần giá trị sổ sách.

“Các tập đoàn, tổng công ty phải làm ăn có lãi và lãi lớn, đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, trở thành những quả đấm lớn của kinh tế Nhà nước. Trong điều kiện dịch bệnh, yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp là phải bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Bên cạnh nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà Uỷ ban và các doanh nghiệp trực thuộc cần tập trung khắc phục như việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý vốn tại doanh nghiệp vẫn còn chưa tốt; tổ chức triển khai một số chức năng nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu như phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo giám sát tài chính, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, đánh giá xếp loại doanh nghiệp, do có nhiều vướng mắc, bất cập nên cổ phần hóa thoái vốn vẫn còn chậm gây lúng túng cho doanh nghiệp và chưa phát huy được thế mạnh của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban.

Các vướng mắc, bất cập của Ủy ban trong quá trình hoạt động chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận đầy đủ, chính xác và có đề xuất phương hướng xử lý căn cơ, dài hạn, hiệu quả và kịp thời. Quan hệ công tác giữa Ủy ban và các cơ quan quản lý Nhà nước từng bước được định hình, tuy nhiên công tác phối hợp chưa thật nhịp nhàng. Trong một số vấn đề, cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật của Ủy ban và các cơ quan quản lý còn chưa thống nhất, dẫn tới tình trạng văn bản qua lại gây chậm trễ trong xử lý công việc.

Công tác tái cơ cấu đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn chưa đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Một số doanh nghiệp chậm phê duyệt chiến lược phát triển, đề án tái cơ cấu. Việc nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động mọi mặt của các doanh nghiệp còn chưa rõ nét. Việc xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp và hệ thống các mục tiêu, chỉ số đánh giá doanh nghiệp Nhà nước theo thông lệ quốc tế chưa có nhiều chuyển biến. Mức độ chủ động, sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của các doanh nghiệp chưa được đánh giá đầy đủ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển, các doanh nghiệp và Ủy ban chưa thể hiện được vai trò chủ đạo, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Phương thức hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội trong các tập đoàn, tổng công ty và trong các doanh nghiệp thành viên đã cổ phần hóa còn một số bất cập, chưa thay đổi thích ứng với tiến trình đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và yêu cầu đổi mới chiến lược sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. 

Dự báo thời gian tới tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định, từ đó Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01, 02 Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TW, khóa XII, để xây dựng Ủy ban là một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý vốn tại doanh nghiệp nhằm chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vốn tại doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những bất cập trong chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức để Ủy ban hoạt động tốt hơn. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả; ưu tiên cán bộ trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, tuyển dụng và bố trí đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, sử dụng cán bộ, chú trọng đến phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ.

Thứ hai, thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty; mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chú trọng công tác đầu tư, phát triển doanh nghiệp Nhà nước. Nghiên cứu, triển khai chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Thứ ba, thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu, không can thiệp vào các việc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp; doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Song song đó, Ủy ban cần chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước.

Thứ tư, Ủy ban cần nhanh chóng phê duyệt chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền; tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tiến độ nhanh hơn, bảo đảm chất lượng hơn; thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn bị sẵn sàng cả về kiến thức, nguồn lực và năng lực để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Các doanh nghiệp về viễn thông cần chú trọng triển khai xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của đất nước.

Thứ năm, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương. Đồng thời, tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các doanh nghiệp, không để tổn thất lớn và kéo dài như 12 dự án của ngành công thương thời gian qua.

Thứ sáu, nghiên cứu đề xuất phương thức hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các tập đoàn, tổng công ty và trong các doanh nghiệp thành viên đã cổ phần hóa nhằm khắc phục những bất cập nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo chỉ đạo của Đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và yêu cầu đổi mới chiến lược sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhắc lại lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020” và tin tưởng rằng, với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đã trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số cá nhân có thành tích xuất sắc.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính Phủ None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Con cóc hoàng tử

Con cóc hoàng tử

Công chúa Ngủ đang ngon giấc trên một chiếc giường đầy hoa, có nắp đậy bằng pha lê. Nàng xinh đẹp, phúc hậu và thông minh, tuy vậy cái sắc đẹp, cái phúc hậu và cái thông minh đang ngủ cùng nàng. Nàng đã tồn tại, song nàng ngủ li bì, cho nên coi như không có nàng. Chỉ có sắc đẹp của nàng hiện lên qua nắp pha lê trong suốt, nhưng đó không phải là nét ưu trong tính cách của nàng. Từ thuở n

Lời cảnh báo 300 tỷ USD từ Warren Buffett

Lời cảnh báo 300 tỷ USD từ Warren Buffett

Warren Buffett, người đã xây dựng danh tiếng nhờ vào những khoản lợi nhuận vượt trội trong suốt hơn 70 năm, đang gửi đi một lời cảnh báo lớn đến các nhà đầu tư chứng khoán.