Quảng Nam hướng đến phát triển du lịch nông thôn

(Arttimes) - Dù mới phát triển trong vài năm trở lại đây song du lịch nông thôn tỉnh Quảng Nam đã chứng tỏ được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Thực tế này đã đặt ra cho ngành du lịch xứ Quảng một hướng đi mới để phát triển loại hình du lịch này, góp phần vào sự tăng trưởng du lịch xanh theo hướng bền vững.

Quảng Nam hướng đến phát triển du lịch nông thôn - 1 Du khách trải nghiệm ở làng rau Trà Quế ở Hội An.

Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch nông thôn, cùng với sự tài trợ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Quốc tế (FIDR), ngành Du lịch Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương và sở, ngành tập trung chỉ đạo triển khai nhiều đề án, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đó, đã dần dần hình thành nên "tên tuổi" nhiều điểm đến ngày càng hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng như làng An Mỹ (xã Cẩm Châu, Hội An), Triêm Tây (Điện Bàn), Trà Nhiêu (Duy Xuyên).

Từ thực tế này cho thấy, du lịch nông thôn - loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi khai thác tiềm năng không gian tự nhiên yên bình, gắn với các hoạt động trải nghiệm của du khách như người bản địa thực thụ nơi họ đang khám phá. Tại Hội An, từ năm 2015 đã có các tour phục vụ du khách "Một ngày làm nông dân phố Hội" ở các vùng ven như làng Trà Quế, An Mỹ, Cẩm Nam, rừng dừa Bảy Mẫu, làng chài Cù Lao Chàm, làng gốm Thanh Hà... Đây là những điểm tham quan không gian nông thôn độc đáo, thú vị đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến du lịch vùng đất Hội An. Các điểm đến này cách Hội An không xa nên thuận tiện cho du khách trải nghiệm. Ở địa bàn miền núi, du khách khá thích thú khi khám phá không gian núi rừng cùng những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại các điểm đến như làng Bhơ Hôồng, Đhơ Rôồng (Đông Giang), Tà Bhing (Nam Giang)... Thường vào dịp cuối tuần, các làng đón hàng chục lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm khám phá thiên nhiên và tìm hiểu, trải nghiệm những bản sắc truyền thống văn hóa riêng có của cộng đồng dân tộc Cơ Tu vùng đất miền núi này. Du khách tìm đến và trải nghiệm những điểm đến này, không chỉ bởi sự mới mẻ, mà vốn đặc trưng chính thiên nhiên, không gian nông thôn làm yếu tố cơ bản trọng tâm. Với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, xanh mát, cùng sự bình yên của những không gian làng quê, biển đảo hay vùng trung du, miền núi, đó chính là "đặc sản" riêng có loại hình sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó còn là những giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện qua tập tục sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc, làng nghề... vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Chính du lịch là luồng gió đã "đánh thức" những tiềm năng ấy để bảo tồn và phát huy những sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng.

Quảng Nam hướng đến phát triển du lịch nông thôn - 2 Homestay Hùng Duyên tại Tiên Phước.

Thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ở nông thôn có sự phát triển khá mạnh mẽ, từng bước khẳng định chỗ đứng trong cơ cấu sản phẩm du lịch đặc trưng xứ Quảng. Cho đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng điểm đến và đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng nông thôn bằng nhiều sự đầu tư, hợp tác liên kết, tranh thủ các nguồn vốn khác nhau. Từ tháng 9-2017, H. Tiên Phước được UBND tỉnh Quảng Nam cho triển khai đề án "Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025" đã mở ra nhiều triển vọng về du lịch của địa phương trung du này. Mỗi năm Tiên Phước được tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án trên các lĩnh vực như tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực... Hiện nay, Tiên Phước đã đầu tư xây dựng điểm tại ba xã Tiên Cảnh, Tiên Châu và xã Tiên Sơn, tạo khởi sắc cho cảnh quan không gian làng truyền thống vùng trung du và điểm nhấn là làng cổ Lộc Yên để lan tỏa đến các điểm đến khác trên địa bàn huyện như Nhà Lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, bãi đá Lò Thung, thác Ồ Ồ, hang dơi Tiên An... Tháng 9-2020, Tiên Phước đã đưa vào khai thác các homestay Hùng Duyên, Đào Gia Trang, Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) bước đầu thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Tại các huyện miền núi như Tây Giang, nơi có những cánh rừng nguyên sinh lớn nhất nước với rừng di sản Pơ mu, rừng lim cổ thụ hay rừng cây đỗ quyên, H. Tây Giang cũng đang phát triển mô hình du lịch sinh thái. Với thế mạnh đó, các huyện miền núi khác như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My... cũng xây dựng nhiều điểm dừng chân giữa đại ngàn có cảnh quan, môi trường tự nhiên rất hấp dẫn du khách. Cùng với những việc như lập làng sinh thái giữa đại ngàn, gắn kết với những lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, hay mở những lối mòn để du khách có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của núi rừng, ngành du lịch Quảng Nam đang phối hợp với các địa phương tập trung đẩy mạnh tạo dựng một môi trường du lịch nông thôn bền vững luôn hấp dẫn.

Trên bản đồ du lịch Quảng Nam, các điểm đến như Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn đã quá quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, trong thời gian vài năm trở lại đây, các điểm đến mới như làng Đại Bình (H. Nông Sơn), xã đảo Tam Hải (H. Núi Thanh), Làng du lịch cộng đồng Ta Lang (H. Tây Giang), làng Lộc Yên (H. Tiên Phước), đèo Le (H. Quế Sơn), Tam Thanh (TP Tam Kỳ), Làng Đại Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng (H. Nông Sơn)... luôn hấp dẫn và thu hút du khách.

Theo thống kê của Sở VH-TT& DL tỉnh Quảng Nam, ngoài các điểm đến quen thuộc như Mỹ Sơn, Hội An, Cù Lao Chàm, các sản phẩm du lịch sinh thái mới mẻ, độc đáo ở nông thôn đã phát huy hiệu quả cũng như tạo thiện cảm lớn cho du khách, nhất là thị trường khách châu Âu và Đông Bắc Á. Vì vậy, việc nhân rộng các mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái và nông thôn sẽ góp phần mở rộng không gian du lịch, giảm tải lượng khách đổ dồn về điểm đến quen thuộc lâu nay, đồng thời làm phong phú lựa chọn cho du khách trên hành trình tham quan trải nghiệm. Sự tham gia trực tiếp của người nông dân trong các hoạt động du lịch sinh thái- nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho người dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy và gắn liền với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Với nhiều tiềm năng, du lịch sinh thái nông thôn tại Quảng Nam đang có những bước phát triển đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Ngành Du lịch tiếp tục thực hiện Đề án "Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025" nhằm hỗ trợ đầu tư các điểm du lịch cộng đồng để phát triển du lịch, trong đó chú trọng bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống ở khu vực nông thôn hướng đến phát triển du lịch sinh thái bền vững trong thời gian đến.

Theo CADN None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.