Sách Tiếng Việt 1- bộ Kết nối tri thức: Ngữ liệu phản cảm, cẩu thả

(Arttimes) - Nhiều ngữ liệu trong sách Tiếng Việt lớp 1 (tập 2)- bộ Kết nối tri thức với cuộc sống rất cẩu thả, tùy tiện, gây khó cho giáo viên khi dạy học sinh trên lớp.

Học kỳ I năm học 2020-2021 sắp kết thúc, các bạn lớp 1 đã đến trường được gần 10 tuần, nhưng ngoài bộ Cánh diều thì 4 bộ sách khác vẫn chưa có động thái đánh giá lại và chỉnh sửa. Điển hình như sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (tập 2)- bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có quá nhiều “sạn”, không ít những ngữ liệu phản cảm, tắc tỵ, thậm chí phản giáo dục.

Dưới góc độ giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy, tôi xin mạn phép chỉ ra một số điểm chưa phù hợp cần điều chỉnh lại.

Ngữ liệu phản cảm

Trong tập 2, trang 23, sách Tiếng Việt 1- bộ Kết nối tri thức với cuộc sống phần bài tập giải ô chữ dài tới hơn nửa trang. Câu cú loằng ngoằng, không dễ với những đứa trẻ lớp 1 vừa bước vào học kỳ 2.

Tiếp tục ở trang số 115, sách đưa ra bài đọc “Cuộc thi tài năng trong rừng xanh”. Bài đọc nhắc đến hình ảnh có phần kỳ quặc: “Yểng nhoẻn miệng cười” để minh họa cho nụ cười “duyên” của yểng. Trang 117 còn yêu cầu học sinh viết chính tả câu văn kì quặc này với hình ảnh con yểng há to mỏ.

Sách Tiếng Việt 1- bộ Kết nối tri thức: Ngữ liệu phản cảm, cẩu thả - 1 Ngữ liệu bài đọc trang 115, Tiếng Việt 1 (tập 2)- Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Thêm nữa, bài tập đọc “Cuộc thi tài năng rừng xanh” cũng dày đặc những từ ngữ khó như: “ca khúc ngoao ngoao của mèo rừng”, “chim công khiến khán giả say mê, chuếnh choáng”, “voọc xám với tiết mục đu cây “điêu luyện” trầm trồ”... Bài tập đọc có quá nhiều từ láy ở cấp độ quá khó, chưa cần dạy cho trẻ ở lứa tuổi học sinh lớp 1.

Sau khi kết thúc bài tập đọc này, sách giáo khoa yêu cầu học sinh trả lời 10 câu hỏi liên quân đến “thông tin nào phù hợp với hổ, thông tin nào phù hợp với mèo…”. Như bài tập của sách, học sinh phải trả lời, thông tin của hổ là “sống trong rừng”, “hung dữ”; còn thông tin về mèo là “sống trong nhà”, “dễ thương, dễ gần”. Nhưng trong bài đọc chỉ nhắc tới “ca khúc ngoao ngoao của mèo rừng”.

Đến đây, tôi cũng không biết mình đã làm bài tập này đúng hay chưa nữa, bởi vì ít ai biết mèo nhà và mèo rừng khác nhau ra sao; chắc chắn mèo rừng không có đặc tính “dễ thương, dễ gần” như thực tế cuộc sống các em được tiếp xúc.

Sách Tiếng Việt 1- bộ Kết nối tri thức: Ngữ liệu phản cảm, cẩu thả - 2 Ngữ liệu bài đọc trang 115, Tiếng Việt 1 (tập 2)- Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Ngoài ra, trong bài có một câu khó hiểu: “Đúng như chương trình đã niêm yết…”, tính chất của bài đọc nặng nề hơn với câu nói này. Tôi cho rằng, nhà xuất bản, nhóm tác giả cần phải bỏ bớt những từ ngữ phi lý, thậm chí thay toàn bộ bài đọc này bằng bài đọc khác, dễ hiểu, hợp với tâm lý và sự nhận thức của học sinh hơn.

Ngay từ khi bắt đầu quá trình đánh giá và lựa chọn sách giáo khoa năm học mới, tôi nhiều giáo viên từng nhận định bộ Kết nối tri thức khó nhằn và nặng nhất trong 5 bộ được Bộ GD&ĐT duyệt quả không sai.

Chương trình nặng, thách đố học sinh

Trang 147, cũng bài tập giải ô chữ nội dung dài gần kín cả trang với hơn 100 chữ, ngang với một bài tập đọc. Nhiều phụ huynh mệt nhoài theo con học cũng vì lý do này. 

Tương tự, bài tập 2 (giải ô chữ) ở trang 167 cũng có những câu bí hiểm hơn, ví dụ: “Ai ai cũng có- Chẳng nặng là bao? Bạn ơi đi đâu- Nhớ mang theo nhé. (Là gì?)”. Tôi không biết cái mà “ai ai cũng có, chẳng nặng là bao, đi đâu cũng mang theo” này là cái gì, gợi người ta suy diễn ra cái gì.

Câu đố này, không hề có hình ảnh, chi tiết để trẻ em nhận dạng và liên tưởng đến vật dụng hay ngoài vật dụng nên mang theo mình thường xuyên. Ngữ liệu này thể hiện sự cẩu thả, tùy tiện gây khó cho giáo viên khi thực hiện bài học trên lớp. 

Mục giải câu đố,  trang 79, tập 1 có ghi: Con gì tên rõ là “cha”- Có chứa chữ số nhìn qua ngỡ rùa- Con gì quen vẻ già nua- Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ

Để hiểu được câu đố, theo logic này, trẻ em phải có sự liên tưởng của người ngoài hành tinh: con gì tên  rõ là “cha”. Ngay từ câu 1, đã thấy vô nghĩa và phản giáo dục : “con (vật) gì” có tên gọi “cha” (bố)?. Kho tàng văn học dân gian còn vô vàn câu đố hay và giàu tính giáo dục, tại sao các nhà biên soạn sách bắt trẻ 6-7 tuổi buộc phải hiểu “con gì tên rõ là “cha”. Đem con vật để bắt trẻ buộc liên tưởng đến người cha thì sau này trẻ có quyền suy diễn, liên tưởng đến những con vật xấu xí khác, rồi nói đó là cha, mẹ mình, vì –sách nói vậy

Hai câu sau “Con gì quen vẻ già nua- Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ”. Thì ra hai câu cuối thuyết minh giải nghĩa tiếp cho hai câu đầu. Bổ sung từ “già nua”, bật mí từ “ngắn ngủn”, kèm thêm từ “thỏ”. Khiên cưỡng và tắc tỵ. Có gợi mở kiểu gì trẻ cũng không hiểu được. Trừ khi giáo viên nói toạc ra, cha ở đây không phải là người thân sinh, bố đẻ của các em, không phải là ba (má), mà là con ba ba, con rùa.

Sách Tiếng Việt 1- bộ Kết nối tri thức: Ngữ liệu phản cảm, cẩu thả - 3 Bài tập trong sách Tiếng Việt 1 (tập 2) - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Những câu đố này thể hiện sự tối nghĩa, nghèo nàn về hình tượng, cẩu thả trong biên soạn và vô trách nhiệm với trẻ em. Bộ GD&ĐT cần xem xét, đánh giá lại và yêu cầu sửa cả 5 bộ sách giáo khoa.  

Chưa kết nối với cuộc sống

Nhiều đồng nghiệp giáo viên dạy sách Kết nối tri thức với cuộc sống than sách nặng, khó dạy, ngữ liệu nhiều sạn, khó hiểu. Dù có trao cho giáo viên quyền tự điều chỉnh thời gian để dạy, họ cũng vẫn loay hoay, vì cấu trúc của sách rất nặng, không sửa hết các bài được.

Một đồng nghiệp của tôi lo lắng, đã vào tuần 9 của năm học mới, bước sang các bài dạy vần (có ngày hẳn 4 vần) mà giờ học sinh vẫn đang rèn thuộc bảng chữ cái, thử hỏi chất lượng ở đâu?

Sách xuất hiện quá nhiều “sạn”, từ ngữ thiếu sự trong sáng, chưa khai thác kho tàng văn hóa Việt Nam. Câu văn thì ngang, giáo viên còn khó đọc huống hồ học sinh lớp 1. Có khi đọc xong cũng không hiểu gì. Giáo viên thấy nản vì đi làm gần như kiệt sức với Tiếng Việt 1- bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Xem ra, bộ sách này chưa kết nối với cuộc sống như tiêu chí đặt ra. Nhưng nó đã thành công trong việc bắt thầy trò vào mê cung tắc tỵ, phản cảm, thậm chí phản giáo dục. Tôi thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn đánh giá, yêu cầu sửa chữa, biên soạn lại, càng sớm càng tốt, để học sinh được học những bộ sách có sự kết nối với cuộc sống thật sự –theo đúng tinh thần, tên gọi của bộ sách.

Theo VTC News None

Tin liên quan

Tin mới nhất