Sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam hùng cường
Đối thoại, lắng nghe để cùng hành động, cùng chung tay xây dựng đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” vào năm 2045 - nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiện thực hóa di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh đã được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong 5 năm qua, khát vọng đó đã được khơi dậy mạnh mẽ, đi cùng một niềm tin mãnh liệt, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Chưa bao giờ đất nước ta có một cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay”. Đối thoại, lắng nghe để cùng hành động, cùng chung tay xây dựng đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” vào năm 2045 - nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiện thực hóa di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là mục tiêu của “Đối thoại 2045” - cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 6-3 vừa qua. Và đúng với tinh thần này, niềm tin, khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường đã được cộng đồng doanh nghiệp, trí thức một lần nữa bày tỏ tại diễn đàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết 'đối thoại 2045' sẽ được tổ chức thường niên
Trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Hơn 45 năm đất nước hòa bình, thống nhất và 35 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 60% xuống còn dưới 3%. Nền kinh tế liên tục có mức tăng trưởng cao trong khu vực. Quy mô nền kinh tế hiện nay tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Mới đây nhất, Việt Nam đã lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có “Chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình”, trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90/178 nền kinh tế trong bảng xếp hạng năm 2021, do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ công bố. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hình thành, sẵn sàng bước ra “sân chơi” khu vực và thế giới bằng khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu”… Những thành tựu của công cuộc đổi mới cùng tinh thần đoàn kết, khát vọng và niềm tin đã giúp đất nước ta vượt qua nhiều thách thức.
Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương. Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao chính sách chống dịch hiệu quả, “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Việt Nam.
Tuy nhiên, chặng đường 25 năm hiện thực hóa mục tiêu “sánh vai với các cường quốc năm châu” sắp tới vẫn còn vô vàn khó khăn. Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Theo các chuyên gia kinh tế, thu nhập cao có nghĩa là thu nhập bình quân đầu người tối thiểu đạt 20.000 USD/năm. Như vậy, Việt Nam phải tăng trưởng bình quân 7,5-8%/năm từ nay đến năm 2045. Phải có khát vọng cháy bỏng mới đạt được tốc độ tăng trưởng đó. Và cũng phải có sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng để hiện thực hóa mục tiêu đó.
Tại “Đối thoại 2045”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta thống nhất doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn”; đồng thời đặt ra yêu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Để “trụ cột của nền kinh tế” lớn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cũng nêu 5 vấn đề lớn. Đó là chuyển đổi số quốc gia phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Thể chế cũng cần đổi mới, trở thành “bà đỡ” cho doanh nghiệp và đất nước. Cơ hội phát triển được trao cho mọi loại hình doanh nghiệp, trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển cần được chú trọng, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ môi trường, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Và cuối cùng là, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa.
Đó cũng là những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đang kiên trì, bền bỉ thực hiện. Từ các chủ trương, đường lối của Đảng đến chính sách của Nhà nước, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh luôn là mục tiêu “không có điểm dừng”; không chỉ bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô, minh bạch hóa chính sách, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp. Cùng với đó, phong trào khởi nghiệp tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ thông qua chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa, mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, tính tự chủ... Song có lẽ, tinh thần đồng lòng, quyết tâm, khát vọng cần nhân lên hơn nữa, không chỉ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với doanh nghiệp mà phải của toàn xã hội và thấm vào từng người dân.
Doanh nghiệp không hẳn đã cần hỗ trợ tiền mà hơn hết họ cần hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách rõ ràng, ổn định, minh bạch. Vì vậy, “Đối thoại 2045” mang ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ trí thức để cùng nhau trao đổi các chiến lược, chính sách nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán, sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045.
Bình luận