Tổ chức Chương trình đi thực tế, sáng tác văn học về đề tài dân tộc thiểu số cho các văn nghệ sĩ năm 2023

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức Chương trình đi thực tế, sáng tác văn học về đề tài dân tộc thiểu số cho các văn nghệ sĩ, năm 2023.

Chương trình nhằm khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chân - thiện - mĩ, đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Hướng văn nghệ sĩ phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp đời sống của Nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Góp phần tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số đi thâm nhập thực tế để sáng tác thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đến các văn nghệ sĩ. Qua đó, tác động đến tình cảm, động viên văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật xứng tầm với những đóng góp, hy sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, phản ánh cuộc sống vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam khu vực biên giới, biển đảo trong tình hình mới.

Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài dân tộc miền núi, vùng biên giới, biển đảo. Bằng tác phẩm của mình, phản ánh hiện thực cuộc sống đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển đảo trong thời kỳ mới.

Tổ chức Chương trình đi thực tế, sáng tác văn học về đề tài dân tộc thiểu số cho các văn nghệ sĩ năm 2023 - 1

Ảnh minh họa

Chương trình bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hoá trong công cuộc đổi mới đất nước. Nâng cao chất lượng, phát huy tác dụng của nghiên cứu, lý luận để sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Về nội dung của chương trình, Ban Tổ chức phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các Hội Văn học nghệ thuật và Đồn Biên phòng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La thống nhất địa điểm để các văn nghệ sĩ đến tìm hiểu thực tế đời sống sinh hoạt kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới để sáng tác.

Tại mỗi điểm đến, tổ chức cho văn nghệ sĩ giao lưu văn nghệ, trao đổi về công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, công việc sáng tác và giới thiệu các tác phẩm của mình với chiến sĩ, đồng bào, tạo không khí gần gũi, hiểu biết.

Các nghệ sĩ có thể lấy tư liệu theo đặc thù chuyên ngành của mình như: ghi chép, ghi hình, ghi âm.... Có thể sáng tác tại chỗ hoặc sáng tác sau chuyến đi thực tế.

Ấn định thời gian để các thành viên hoàn thành và nộp tác phẩm về Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam và Vụ Văn hóa dân tộc để tổ chức hình thức trưng bày, báo cáo, tuyển chọn các tác phẩm đặc sắc để sử dụng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông ở trung ương và địa phương khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông qua các Hội Chuyên ngành tiếp tục hỗ trợ những tác phẩm có triển vọng để nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Thời gian diễn ra Chương trình đi thực tế, sáng tác văn học về đề tài dân tộc thiểu số cho các văn nghệ sĩ dự kiến vào Quý IV/2023 tại các tỉnh vùng biên giới, miền núi (tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La).

Với thành phần gồm: Ban Tổ chức, Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, điêu khắc, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ biểu diễn, nhà nghiên cứu văn hoá, phê bình văn học, phóng viên. Số lượng người khoảng 50 người (gồm 40 hội viên, Ban tổ chức).

Bạch Dương

Tin liên quan

Tin mới nhất