Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ” trưng bày 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của tác giả Lê Bích và Andy Soloman. Các tác phẩm mang đến những khoảnh khắc chân thật, sống động về một thời để nhớ của Thủ đô.

“Hà Nội – Một thời để nhớ” chứa đựng tình yêu nồng nàn của một người con sinh ra và lớn lên, rồi chứng kiến từng đổi thay của Hà Nội và của một người nước ngoài bất chợt đến Hà Nội, vì cơ duyên nào đó mà lại lưu luyến không thôi. Họ đã thể hiện tình cảm của mình qua những góc nhìn độc đáo về thành phố trong bộ sưu tập những bức ảnh được chụp từ năm 1992 đến năm 2012.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”.

Những bức ảnh này ghi lại cuộc sống của người dân Hà Nội trong thời kỳ Đổi mới, khi thành phố bắt đầu trải qua những thay đổi lớn về kinh tế. Đó là những khoảnh khắc bình dị, đời thường như: Hồ Gươm ngày mưa phùn, tập thể dục buổi sáng tại Công viên Lê Nin (Công viên Thống Nhất), vẽ truyền thần trên phố Hàng Ngang,… Hay hình bóng của những con người Hà Nội: cậu bé học bài trên đường phố, người bán phụ tùng xe đạp, những tài xế xích lô tại quán trà,...

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 2

Không gian triển lãm.

Chia sẻ cảm nhận về Hà Nội sau 32 năm gắn bó, nhiếp ảnh gia Andy Soloman nói: “Tôi đã yêu Hà Nội và người dân nơi đây từ khi tôi đặt chân đến vào năm 1992. Ở bất cứ đâu, tôi đều được đón tiếp bằng lòng hiếu khách và sự tử tế đáng kinh ngạc. Khi nhìn lại những bức ảnh tôi chụp vào thời điểm đó, tôi nhận ra chúng là những ghi chép quan trọng về cuộc sống trong thành phố.

Tôi hy vọng những người Hà Nội khi đến tham quan triển lãm sẽ yêu thích chúng như tôi, và rằng chúng sẽ gợi lên những kỷ niệm và cảm xúc mạnh mẽ. Tôi cũng mong muốn tìm lại được một số người trong những bức ảnh, vì thật tuyệt vời nếu được gặp lại họ, nghe câu chuyện của họ và chụp ảnh họ một lần nữa”.

Theo nhiếp ảnh gia Andy Soloman, dù thành phố nay đã thay đổi theo nhiều cách nhưng bản chất của nó vẫn không đổi. Năng lượng và tình người ở nơi đây vẫn cuốn hút ông từ năm 1992 cho đến hiện tại, với ông, Hà Nội sẽ luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 3

"Một cô gái trẻ đang đan len" (1992) - Andy Soloman.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 4

"Những tài xế xích lô tại quán trà" (1992) - Andy Soloman.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 5

"Những người tại Rạp Xiếc Trung ương Hà Nội" (1992) - Andy Soloman.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 6

Tập thể dục buổi sáng tại Công viên Lê Nin (Công viên Thống Nhất) (1992) - Andy Soloman.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 7

Cậu bé học bài trên đường phố" (1992) - Andy Soloman.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 8

"Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng trường Ba Đình" (1998) - Andy Soloman.

Còn đối với nhiếp ảnh gia Lê Bích, ông không cho phép mình quên đi vẻ đẹp xưa cũ, những giá trị tinh hoa của Hà Nội.

“Qua thời gian, tôi đã thực hiện những bộ ảnh ghi lại vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Tôi mong rằng những bức ảnh này sẽ là một nốt trầm trong bài ca về Hà Nội, như một tia nắng chiều làm bừng sáng những cổng chùa cổ kính đã phai màu thời gian, như một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ khi thu về… để chúng ta thêm yêu và trân trọng những gì mà Hà Nội đã và đang có hôm nay”, nhiếp ảnh gia Lê Bích bày tỏ.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 9

"Hồ Gươm ngày mưa phùn" (2006) - Lê Bích.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 10

"Nghề đúc đồng ngũ xã" (2009) - Lê Bích.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 11

"Vẽ truyền thần" (2012) - Lê Bích.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 12

"Thú vui" (2011) - Lê Bích.

Triển lãm mang lại cho người xem cái nhìn đầy hoài niệm và cảm xúc về cuộc sống trong thành phố và những bước chuyển mình của Hà Nội qua các thời kỳ. Từ đó, cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và thêm trân trọng những gì đã có ngày hôm nay.

Triển lãm “Hà Nội – Một thời để nhớ”: Cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô - 13

Công chúng tham quan triển lãm.

Triển lãm mở cửa trong các khung giờ 9h-12h, 14h-17h từ thứ Ba đến Chủ nhật (từ ngày 10-31/10/2024) tại Biệt thự Pháp cổ, 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Trong khuôn khổ triển lãm, vào lúc 9h30 ngày 12/10 sẽ diễn ra tọa đàm, tại đây, các nhiếp ảnh gia cùng các chuyên gia và khách mời sẽ chia sẻ những câu chuyện đằng sau các bức ảnh.

Phóng viên, nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman sinh năm 1962, lần đầu tiên ông đặt chân đến Hà Nội là vào tháng 10 năm 1992. Ông sống tại thành phố trong bảy năm và thường xuyên quay lại trong những năm sau đó. Máy ảnh của ông đã ghi lại thành phố và con người Hà Nội khi nơi đây bước vào những thay đổi sâu sắc của thời Đổi mới.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích sinh năm 1972 tại Hà Nội, ông là người đã đạt nhiều giải thưởng với niềm đam mê đặc biệt dành cho nghệ thuật, văn hóa và truyền thống Việt Nam. Ông đã có nhiều triển lãm tại Hà Nội, buổi triển lãm gần đây nhất mang tên “Tình Mẹ” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào năm 2024.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.