Vi phạm quyền tác giả phạt …vài triệu: Không đủ sức răn đe!

Việc vi phạm quyền tác giả hiện nay đang diễn ra công khai, nghiêm trọng và ngày càng phức tạp. Nhiều đại biểu cho rằng mức phạt vài triệu hiện nay là không đủ sức răn đe.

Ngày 31/3, Hội nghị Tổng kết đánh giá việc thực hiện nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2023 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan do Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch chủ trì diễn ra trong suốt gần 4 tiếng đồng hồ ghi nhận nhiều ý kiến từ các địa phương.

Vi phạm quyền tác giả phạt …vài triệu: Không đủ sức răn đe! - 1

Hội nghị Tổng kết đánh giá việc thực hiện nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2023 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Ảnh: KHÁNH MY

Tham dự hội nghị có bà Phạm Thị Kim Oanh- Phó cục trưởng cục bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), Phó chánh thanh tra Bộ VHTTDL ông Hà Văn Lâu, ông Nguyễn Thanh Sơn Phó vụ trưởng vụ pháp chế Bộ VHTTDL cùng đại diện sở Văn hoá thể thao nhiều tỉnh thành, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), luật sư…tham gia.

Báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2023 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của nghị định này. Nghị định góp phần giúp cơ quan thực thi pháp luật trong công tác thanh tra kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan, mang tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm…

Trong bối cảnh không ít vụ việc bản quyền dân sự kéo dài nhiều năm, trình tự thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan tại toà án nhiều khi phức tạp, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc, khó đáp ứng được yêu cầu nhanh, chấm dứt ngay hành vi vi phạm, nghị định 131 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan ra đời đã mang tính răn đe các cá nhân tổ chức có hành vi xâm phạm.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và thực tế cuộc sống, không ít khó khăn, vướng mắc khi áp dụng nghị định 131 trên thực tế đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực nghệ thuật, điện ảnh, văn học,... khiến những người trong công tác quản lý cần nghiên cứu điều chỉnh. Một trong số đó là mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Vi phạm quyền tác giả phạt …vài triệu: Không đủ sức răn đe! - 2

: Đại biểu trao đổi công việc trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: KHÁNH MY

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả (Bộ VHTTDL) chia sẻ mức phạt cao nhất với hành vi vi phạm bản quyền là 500 triệu nhưng ít có hành vi có mức phạt tiền cao như vậy. Thực tế hiện nay, mức phạt đang tập trung chủ yếu mức tầm 15-35 triệu có nghĩa là khoảng 30-70 triệu. “Với những hành vi vi phạm tính chất nghiêm trọng hơn cũng chưa đủ để mang tính răn đe. Vì vậy cần có sự xem xét sửa đổi về mức phạt tiền…Mức phạt này cần xem xét cụ thể trong các nhóm đối tượng”- bà Kim Oanh nói.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) là tổ chức đại diện quyền tác giả thực hiện các hoạt động bảo vệ, quản lý quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) lấy dẫn chứng: điểm a khoản 1 điều 13 nghị định 131 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

Vi phạm quyền tác giả phạt …vài triệu: Không đủ sức răn đe! - 3

Hội nghị diễn ra gần 4 tiếng đồng hồ, các đại biểu vẫn say mê thảo luận dù gần 12h trưa. Ảnh: KHÁNH MY

Như vậy, mức phạt với cá nhân là từ 5-10 triệu, với tổ chức là 10-20 triệu. “Đây là mức phạt quá thấp so với quy mô và doanh thu các chương trình biểu diễn hiện nay (từ vài tỉ đến hàng chục tỉ) và cũng nhỏ hơn so với giá trị tiền nhuận bút mà các đơn vị né tránh, không trả cho tác giả”- đại diện VCPMC nói.

Hậu quả về lâu dài theo vị đại diện sẽ dẫn đến tâm lý và coi thường thói quen coi thường nghĩa vụ luật định, công khai xâm phạm quyền tác giả để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Đại diện VCPMC nhấn mạnh qua 10 năm thực hiện, nghị định 131 là công cụ đắc lực giúp cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá nghệ thuật nói chung và về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng trên toàn quốc quản lý, chấn chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, hoạt động kinh doanh liên quan đến văn hoá nghệ thuật.

Ông khẳng định việc xử lý hành vi xâm phạm bản quyền bằng biện pháp hành chính hiện nay vẫn luôn là biện pháp hữu hiệu kịp thời. Từ kinh nghiệm mà VCPMC có được, ông có một vài góp ý về nghị định 131 liên quan đến lĩnh vực tổ chức biểu diễn. Đại diện VCPMC kiến nghị cần có mức xử phạt cao hơn và đủ sức răn đe đối với hành vi xâm phạm thì mới tạo được nề nếp, ý thức tuân thủ các quy định, ngăn chặn hành vi xâm phạm và tái phạm.

Ngoài tăng mức phạt, đại diện VCPMC đề nghị nghị định 131 cần có thêm hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, đủ sức răn đe với từng hành vi vi phạm cụ thể.

Khánh My

Tin liên quan

Tin mới nhất