Vietnam Airlines nhận gói cứu trợ 12.000 tỷ còn các hãng bay khác thì sao?

(Arttimes) Quốc hội mới đây đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chấp thuận việc giải ngân gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ đồng thông qua hình thức tăng vốn, 4.000 tỷ là vay ưu đãi thông qua các tổ chức tín dụng.

Trong 9 tháng đầu 2020, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ sau thuế tổng cộng 10.676 tỷ đồng, đặc biệt là lỗ sau thuế của công ty mẹ ở mức 10.472 tỷ.

Vietnam Airlines không phải là hãng bay Việt duy nhất lao đao vì đại dịch Covid-19. Với việc tập trung phát triển mạng bay quốc tế và có nguồn thu lớn từ những đường bay khu vực, Vietjet Air cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch.

Vietnam Airlines nhận gói cứu trợ 12.000 tỷ còn các hãng bay khác thì sao? - 1

Vietnam Airlines nhận gói cứu trợ 12.000 tỷ còn các hãng bay khác thì sao? Ảnh minh họa

Theo báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp, lũy kế 9 tháng đầu 2020, doanh thu hợp nhất của Vietjet Air là 13.780 tỷ đồng, thấp hơn 64% so với cùng kỳ 2019. Mức lỗ của công ty sau 3 quý là 925 tỷ trong khi lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 lên tới 3.680 tỷ. Riêng trong quý 3, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu chỉ ở mức 2.809 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Với doanh thu thấp hơn giá vốn, Vietjet lỗ gộp 611 tỷ đồng trong quý 3.

Do tác động của dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên Vietjet Air có những quý kinh doanh lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo Planespotters, đội bay 73 chiếc máy bay thân hẹp của Vietjet Air hiện chỉ có 51 chiếc hoạt động khai thác, 22 chiếc phải "nằm sân" vì thị trường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại.

Hãng cũng không nhận thêm máy bay mới từ nhà sản xuất trong năm 2020 và chủ động biên chế 2 chiếc A320 cho Thai Vietjet Air để linh hoạt khai thác thêm thị trường hàng không nội địa Thái Lan trong bối cảnh thị trường trong nước bão hòa.

Một hãng bay Việt khác cũng đang gặp không ít khó khăn vì Covid-19 là Bamboo Airways. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC và Bamboo Airways, từng chia sẻ vào đầu tháng 9 rằng nỗi lo lớn nhất hiện nay của ông là hàng không và nghỉ dưỡng.

FLC, công ty mẹ của hãng bay Bamboo Airways, đã ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế trong 6 tháng đầu 2020, cho thấy tác động của đại dịch tới ngành hàng không. Khoản lãi từ hoạt động chính trong quý III chỉ giúp FLC giảm lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng còn 2.213 tỷ đồng.

Bên cạnh đó trên báo cáo tài chính riêng đã soát xét bán niên năm 2020, FLC cũng phải trích lập dự phòng 1.857 tỷ đồng cho các khoản đầu tư, tăng 4,2 lần so với đầu năm. Trong đó, khoản góp vốn vào Bamboo Airways được FLC trích lập dự phòng nhiều nhất, ở mức 1.145 tỷ đồng. Về hoạt động khai thác, đã có thời gian Bamboo Airways cho nằm sân tới một nửa đội bay vì dịch Covid-19.  

Tư nhân cũng sẽ sớm được vay

Về khó khăn của các hãng bay tư nhân Việt Nam, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho hay thị trường bay quốc tế chiếm 50% doanh thu và phần lớn lợi nhuận của các hãng bay đã bị đóng cửa hoàn toàn. Nhu cầu bay nội địa giảm (đang trong giai đoạn thấp điểm), chi phí phòng dịch lại cao nên các hãng còn gặp nhiều khó khăn.

"Hiện nay mới chỉ Vietnam Airlines được thông qua khoản vay ưu đãi khoảng 4.000 tỷ đồng. Hãng bay tư nhân cũng rất cần được hỗ trợ khoản vay này. Như thế sẽ vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, vừa bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử mà Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Thủ tướng cũng nhiều lần truyền đi thông điệp này", TS. Nề nhận định.

"Tôi tin là sau Vietnam Airlines, sắp tới, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ hãng bay tư nhân", vị này nói thêm.

Trong đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam bằng văn bản, tổ chức này cho hay các hãng hàng không Việt đang cần gói hỗ trợ dạng tín dụng ưu đãi 25.000 - 27.000 tỷ đồng để vượt qua dịch Covid-19.

Lê Vũ Anh None

Tin liên quan

Tin mới nhất