"Lỡ bến" - Tiếng thơ của một trái tim đa cảm

Thơ viết về phụ nữ xưa nay đã nhiều, vô kể. Có thể nói già một nửa nhân loại luôn là cội nguồn của mọi cảm hứng nghệ thuật, trong đó có thơ ca. Nhưng có hẳn một tập thơ trong đó bài nào cũng nổi rõ hình tượng người đẹp hoặc liên quan đến đối tượng này thì “Lỡ bến” của Nguyễn Thiện Luân là trường hợp hiếm hoi. Xưa nay, người làm thơ thường đề cập đến tất cả các bình diện cuộc sống, trong đó có cảm xúc về phái đẹp. Ở tập thơ này, Nguyễn Thiện Luân đã chỉ nói về phụ nữ - đúng hơn là nói đến lòng mình có đối tượng này can dự.

Một tập thơ dày dặn, khổ lớn, với trên 200 trang do NXB Phụ Nữ ấn hành đã gây sự chú ý đối với người đọc bởi cái bìa thật ấn tượng: Một dòng sông mênh mang giữa đêm trăng sáng. Những mảng trăng tan vụn trong nước như vàng rắc trên sông. Một con thuyền độc mộc không người lái trơ trọi, mũi thuyền không biết quay về hướng nào. Trên cái nền ấy là tên tập thơ: “Lỡ bến”.

"Lỡ bến" - Tiếng thơ của một trái tim đa cảm - 1

Tác giả Nguyễn Thiện Luân 

Vâng, chỉ nhìn bìa sách, người ta đã cảm nhận được đầy đủ những gì nhà thơ muốn gửi gắm đến người đọc. Và sau khi đọc xong 109 bài, quả là độc giả đã không bị thất vọng. Vẫn biết phụ nữ từng đã hiện ra trong thơ ca dân gian, bên cạnh những phẩm chất tuyệt vời là bao cay đắng, tủi cực của số phận, nhưng đọc “Lỡ bến”, ta vẫn không khỏi ngậm ngùi. Không phải là không có những gam màu sáng, những giọt mật ong ở nhiều bài, nhiều câu nhưng không hiểu sao, đọc xong cả tập thơ, tôi cứ lưu giữ được nhiều hơn vị đắng, chát, chua, cay. Hình như những vị này mới có sức gây ấn tượng cho người ta hơn là ngọt bùi?

Má đỏ bồ quân

cắm sào em đợi

con thuyền thì nổi

ước mơ thì chìm

Đôn đáo em tìm

Cái người hôm trước

Bao nhiêu hẹn ước

Bây giờ thành không

(Đò Xuân)

Phụ nữ là như vậy. Ngay cả khi họ ôm trọn sự thành công, thậm chí là đỉnh cao hạnh phúc mà vẫn có cảm giác mong manh, tuột khỏi tay bất cứ lúc nào. Tâm trạng này ít có ở đàn ông. Quá khát khao hạnh phúc, lại phải trả giá đắt cho chút gì có được, họ trở nên luôn lo sợ cho cái điều trên. Và tác giả “Lỡ bến” tỏ ra rất am hiểu thế giới tâm hồn phái đẹp. Ở đây, nhà thơ đã xứng đáng đồng thời là nhà tâm lý học. Không biết những người đẹp trong lòng luôn rộn lên bao ước muốn nhưng lại hay đi lễ chùa, nghĩ sao khi nhà thơ nói hộ lòng mình:

Tháng năm hương khói rầu rì

Câu kinh tiếng mõ từ bi tấc lòng

Thương em môi đỏ má hồng

Tiếng chuông em thỉnh mà lòng chưa yên

Phụ nữ là như thế chăng? Rất thành tâm tìm đến cửa Phật, thả hồn mình theo hương khói, nguyện thư tâm. Vậy mà lòng đâu có yên? Phát hiện ra “mâu thuẫn” này âu cũng là điều thú vị của bài thơ. Và đó chính là âm hưởng chủ đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả tập. Giới má hồng là như thế. Họ bình thản đấy, có vẻ êm đềm, buông xuôi đấy, họ có thể nhàn thân nhưng chẳng bao giờ nhàn tâm. Và toàn bộ 109 bài thơ là sự lay động của điều đó, kể cả những bài tưởng như rất xa với nội dung này.

Cũng có thể nói “Lỡ bến” là một tập thơ tình. Nhưng nó khác mọi tập thơ tình thông thường ở chỗ: Tác giả không thiên về biểu hiện những tâm trạng của kẻ tình si (nói theo cách nói của Lưu Trọng Lư xưa) mà nói nhiều đến đối tượng tác động đến trái tim mình. Ở đây, người đọc thấy nhà thơ quá đa cảm và nhạy cảm. Dĩ nhiên đã làm thơ thì không thể thiếu yếu tố này. Nhưng tôi cho rằng yếu tố này sẽ tỉ lệ thuận với chất thơ của những bài thơ, với chất thi sĩ của tác giả (cũng bởi vì từng có không ít thơ tình mà không hẳn đã là thơ và tác giả làm ra nó không hề có yếu tố thi sĩ!).

Ở trên đời này, có lẽ không có ai sống thật, ít nhất là bộc lộ cái thật của mình ra trước thiên hạ bằng người thi sĩ. Thật đến mức lắm khi tội nghiệp. Liệu có ai thú nhận:

Em buồn em đến với tôi

Em vui em đến với người mình yêu

Tôi như cái cảnh chợ chiều

Liêu xiêu quán lá, lèo tèo người qua

(Em đến với tôi)

Tác giả tỏ ra thật sâu sắc, đau đáu, gan ruột khi viết nên mấy câu thơ trên. Nhưng lại hồn nhiên và quá “thật thà”: Có biết đâu rằng chính lúc buồn, “em” tìm đến mình thì mình mới thực có giá trị, bởi khi ấy trở thành nguồn cứu rỗi cho tâm hồn “em”. Còn lúc vui họ đến với người ta thì đó chỉ là những giây phút tào lao, hưởng thụ. Cái người đàn ông nào kia đâu có mấy giá trị cứu vớt? Mới hay thi nhân luôn là người dễ phù hợp với hy sinh hơn là tận hưởng.

Nguyễn Thiện Luân trước khi làm thơ là nhà khoa học (tiến sĩ sinh hóa), từng là nhà quản lý (từng có nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Thường những người như vậy mà làm thơ thì ít nhiều cũng để người đọc tinh nhận ra: Một chút lý trí của tư duy logic, một chút “tươm tất” của cảm xúc. Nhưng Nguyễn Thiện Luân có lẽ là trường hợp nằm ngoài sự phổ biến ấy: thơ của ông dung dị, rất đời mà dạt dào cảm xúc, thường mọi ý tứ rất dễ được cất thành lời và thăng hoa.

Như vậy, bên cạnh yếu tố “nghệ sĩ” sẽ dễ rơi vào tình trạng: có thể ngôn từ chưa được chắt lọc cần thiết. Đúng vậy, nếu lược bớt một số bài và trong một bài lược bớt một số câu hoặc dụng công tu từ hơn, sự thú vị hẳn sẽ tăng thêm. Nghệ thuật không bao giờ chấp nhận sự “thật thà”, nhất là nghệ thuật chữ nghĩa. Bên cạnh nhiều bài lung linh, óng ánh, rất không nên xuất hiện những câu đại loại:

Chiều tôi mong đợi

Chẳng thấy em qua

Chỉ thấy xót xa

Trống rỗng

Bởi nó không phải là thơ, mà là…văn vần!

Thơ là thú chơi vào hàng tao nhã bậc nhất. Hãy để nó nâng hồn mình lên, và đem đến cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ tinh tế. “Lỡ bến” đã ít nhiều đạt được điều này. Trong mặt bằng thơ hiện nay, đây là tập thơ không gây cho người đọc cảm giác uổng công sau khi đọc. Hiểu thêm về phụ nữ để sẵn sàng đồng cảm với thân phận cùng mọi cảm xúc, trăn trở của họ. Âu đó cũng là một hiệu quả tư tưởng không phải tập thơ nào cũng đạt được bên cạnh những thú vị về những bài thơ, câu thơ có dáng dấp, diện mạo riêng.

Thôn Ca

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đồng Yên sụt giảm mạnh, Nhật Bản lại cảnh báo nóng

Đồng Yên sụt giảm mạnh, Nhật Bản lại cảnh báo nóng

Đồng Yên Nhật vừa trải qua một đợt giảm giá mạnh, kéo theo lo ngại về sự can thiệp từ chính phủ. Các quan chức hàng đầu Nhật Bản đồng loạt cảnh báo về sự đầu cơ tiền tệ, đồng thời để ngỏ khả năng hành động nhằm ổn định thị trường.

Cuộc thi Sáng tác ca khúc Ngành Ngoại giao

Cuộc thi Sáng tác ca khúc Ngành Ngoại giao

Hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao, 75 năm thành lập Công đoàn Bộ Ngoại giao; Nhằm tôn vinh truyền thống vẻ vang, đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Công đoàn Bộ Ngoại giao phát động Cuộc thi Sáng tác ca khúc Ngành Ngoại giao năm 2024 - 2025.