Phùng Văn Khai - Trần Đăng Suyền: Đối thoại về nhà văn Nguyễn Công Hoan

Theo kế hoạch của Dự án sách “Thuật bút Xuân Cầu”, Ban biên soạn Dự án đã có chuyến đi về thăm mộ nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nhà lưu niệm Tô Hiệu tại làng Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên. Đây là chuyến đi vô cùng ý nghĩa và nhiều cảm xúc đã tiếp thêm động lực cho ban biên soạn có nguồn cảm hứng bất tận, tiếp nối các bậc đa đề để tạo ra những tác phẩm hay, có giá trị cống hiến cho quê hương, đất nước. Ngay sau chuyến đi đó, Ban biên soạn đã lên kế hoạch, sắp xếp lịch hẹn với Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Suyền để có một buổi phỏng vấn sâu về nhà văn lỗi lạc Nguyễn Công Hoan.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Xin kính chào GS.TS Trần Đăng Suyền! Thưa ông, chúng tôi vừa có một cuộc viếng thăm, dâng hương tại mộ nhà văn Nguyễn Công Hoan. Một nấm mộ nhỏ bé nằm trong khu nghĩa trang của làng Xuân Cầu rất đơn sơ, giản dị đã cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Nhà văn Nguyễn Công Hoan là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam đã để lại một kho tàng các tác phẩm đồ sộ. Cũng đã có hàng chục luận văn thạc sĩ, tiến sĩ làm về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan nhưng tôi cho rằng nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn phải tiếp tục được định vị, khẳng định vị trí, cái tâm và cái tầm của ông trong nền văn học cách mạng.

Vậy với tư cách và cương vị là nhà nghiên cứu văn học đương đại, ông đánh giá như thế nào về nhà văn Nguyễn Công Hoan?

GS.TS Trần Đăng Suyền: Xin cảm ơn nhà văn Phùng Văn Khai. Trước tiên chúng ta có thể thấy, vùng quê nào cũng có những đặc sắc riêng và đều có những chân giá trị từ lâu đời. Thế nhưng mà vùng quê sinh ra những nhà văn lớn thì phải là cái vùng quê có truyền thống văn hóa. Những vùng đất khác có thể sinh ra những nhân vật lớn ở những lĩnh vực khác nhưng đã là văn chương nghệ thuật thì phải là cái vùng đất có truyền thống văn hóa. Ý tưởng của các bạn tôi thấy rất hay là nói về vùng đất Xuân Cầu nơi sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan. Đấy là một cái cái hướng khảo sát mà theo tôi là rất đúng, rất trúng, rất là chuẩn xác.

Nói về nhà văn Nguyễn Công Hoan - ông là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn chương hiện thực Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Ông đã để lại một di sản lớn cho văn học nước nhà với hàng trăm tác phẩm và nhiều tác phẩm của ông đã gây tiếng vang lớn, thậm chí là gây chấn động trên văn đàn Việt Nam. Với tầm tư tưởng, tài năng lớn và những đóng góp lớn, tôi nghĩ rằng tên tuổi và nhiều tác phẩm của Nguyễn Công Hoan chắc chắn sẽ có một vị trí quan trọng, chắc chắn, vững vàng, trường tồn trong nền văn học Việt Nam và sẽ còn được tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu rộng rãi, vang xa hơn nữa.

Phùng Văn Khai - Trần Đăng Suyền: Đối thoại về nhà văn Nguyễn Công Hoan - 1

Toàn cảnh buổi phỏng vấn.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Vâng thưa ông, “Dư Địa Chí Xuân Cầu” đã cho thấy trong thời phong kiến có 13 tiến sĩ có tên trong bia Văn Miếu. Ở đó có những dòng họ truyền thống khoa bảng như dòng họ Nguyễn, dòng họ Tô, dòng họ Quản - ba dòng họ lớn nhất và có nhiều tiến sĩ nhất. Đối với nhà văn Nguyễn Công Hoan, chúng tôi cho rằng ông là một nhân vật lịch sử với những đóng góp về văn chương nghệ thuật và về các lĩnh vực khác nữa. Nhà văn Nguyễn Công Hoan nổi tiếng là một bậc thầy truyện ngắn trào phúng, vậy theo ông, đóng góp sâu sắc nhất của nhà văn Nguyễn Công Hoan với văn chương là gì? Và hiện nay chúng ta cần phải làm gì tiếp theo để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của những đóng góp đó của nhà văn Nguyễn Công Hoan?

GS.TS Trần Đăng Suyền: Theo tôi, xét đến cùng, một nhà văn lớn, một nhà văn kiệt xuất là các tác phẩm của nhà văn đó phải mang dấu ấn của thời đại sinh ra nhà văn cùng với những tác phẩm bất hủ của ông ta. Mặt khác, điều ảnh hưởng đến những sáng tác của nhà văn chính là môi trường sống từ bé và hoàn cảnh gia đình, cái nét riêng của quê hương. Nhà văn Nguyễn Công Hoan hội tụ cả hai phương diện trên.

Ông là nhà văn của thời đại trước cách mạng, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng. Bác ruột của nhà văn Nguyễn Công Hoan từng đỗ Phó bảng, từng làm Tri phủ, ngay từ lúc bé, Nguyễn Công Hoan được nuôi ở nhà ông bác và hằng ngày ông tiếp xúc với thế giới quan trường, lính tráng. Từ nhỏ, Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này. Nhà văn Nguyễn Công Hoan còn có ba người em trai đều tham gia hoạt động cách mạng và giữ cương vị quan trọng là Nguyễn Công Miều (tức Lê Văn Lương) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Công Bồng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Nha Công an và Nguyễn Công Mỹ - nguyên Tổng Giám đốc đầu tiên của Nha Bình dân học vụ. Có thể thấy, đây là một dòng họ lớn của đất nước ta có truyền thống gia đình, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng rất đáng trân trọng và tự hào.

Nói về nhà văn Nguyễn Công Hoan, theo tôi ông là nhà văn mở đầu cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945. Đây là một trào lưu văn học lớn, rất tiến bộ và có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao. Sức sống của trào lưu văn học này sẽ còn lâu dài đối với lịch sử văn học dân tộc. Những nhà văn của thời kỳ hiện đại chúng ta nếu như muốn đi xa được phải nâng cao trình độ, bồi dưỡng tâm hồn bằng nhiều cách, trong đó có việc kế thừa và phát triển văn mạch dân tộc, từ những cây bút lớn của trào lưu văn học hiện thực phê phán mà trong đó có Nguyễn Công Hoan.

Văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 đã phản ánh chân thực và sâu sắc hiện thực xã hội đầy bất công, thối nát đương thời, thể hiện thái độ bất bình với thực tại, tỏ lòng thương cảm với những số phận khốn khổ của nhân dân lao động, bị dồn vào đường cùng. Trải qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, những tác phẩm của văn học hiện thực phê phán ấy đến nay vẫn nguyên giá trị và luôn có sức ảnh hưởng với văn học thời hiện tại và cả trong tương lai. 

Tôi cũng là người nghiên cứu khá sâu và kỹ về trào lưu văn học hiện thực phê phán. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu văn học đều cho rằng: Trào lưu văn học hiện thực phê phán được chia làm 3 chặng đường. Chặng đường thứ nhất từ khoảng 1930 đến 1935, đã thấy xuất hiện những tác phẩm của các cây bút hiện thực với những tác phẩm bước đầu gây được sự chú ý như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Tú Mỡ, trong đó tiêu biểu nhất là nhà văn Nguyễn Công Hoan với tập truyện ngắn xuất sắc Kép Tư Bền (1935). Chặng đường thứ hai, từ 1936 đến 1939, xuất hiện thêm nhiều cây bút tài năng như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,… trong đó, Vũ Trọng Phụng là tiêu biểu nhất. Chặng đường thứ ba, từ 1940 đến 1945, hàng loạt những cây bút trẻ đầy tài năng xuất hiện, trong đó tiêu biểu nhất là Nam Cao.

Như vậy, nói đến văn học hiện thực 1930 - 1945, người ta thường kể tên các nhà văn lớn như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng và Nam Cao, tiếp đến có thể kể tên nhiều cây bút hiện thực tài năng khác. Trong trào lưu văn học lớn này, Nguyễn Công Hoan có một vị trí đặc biệt, có đóng góp lớn. Ông là cây bút đặt nền móng, mở đầu cho chủ nghĩa hiện thực ở thể loại truyện ngắn. Ông đã sáng tạo ra một kiểu truyện ngắn rất độc đáo là truyện ngắn giàu chất kịch, truyện ngắn trào phúng. Mỗi truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Công Hoan giống như là cái màn hài kịch được viết bằng văn xuôi. Cũng có khi là những tấn bi - hài kịch. Càng đi sâu vào để mà lý giải vấn đề này thì càng rất thú vị.

Phùng Văn Khai - Trần Đăng Suyền: Đối thoại về nhà văn Nguyễn Công Hoan - 2

Nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Thưa ông, ông vừa chia sẻ về ba đỉnh cao của văn học hiện thực phê phán là nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà văn Vũ Trọng Phụng và nhà văn Nam Cao. Chúng tôi thấy rằng có một vẻ đẹp của ba ông là ba ông rất độc lập với nhau về cách viết và trong thời gian sáng tác của Nguyễn Công Hoan có những quãng song song với Tự Lực Văn Đoàn, thế nhưng Nguyễn Công Hoan vẫn độc lập. Ông đánh giá như thế nào về tư cách của nhà văn khi độc lập ngòi bút trong sáng tác, trong cuộc sống và sau này gần như nhà văn Nguyễn Công Hoan luôn rất nhất quán với tinh thần ấy? 

GS.TS Trần Đăng Suyền: Chúng ta hiểu đây là vấn đề về cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, về bản lĩnh và tài năng của nhà văn. Nhà văn Nguyễn Công Hoan xuất hiện trong một bối cảnh văn học của ta lúc bấy giờ thiên về lãng mạn, sướt mướt, tình ái làm mủi lòng người. Khi độc giả không thích đọc những truyện như thế nữa người ta đòi hỏi văn học phải phản ánh sự thực ở đời, người ta thích những tác phẩm phơi ra những mặt trái của xã hội và nói về những vấn đề thân phận con người. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đáp ứng được nhu cầu ấy và trào lưu văn học hiện thực ra đời là vì cái nhu cầu ấy.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan là người được học hành, được học tiếng Pháp đến nơi đến chốn. Thế nhưng, truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan hầu như không chịu ảnh hưởng gì từ văn học phương Tây. Những đề tài, những nhân vật, những cốt truyện, ngôn ngữ của ông đều lấy từ đời sống xã hội Việt Nam, đậm chất Việt Nam. Chúng ta thấy được bản lĩnh rất lớn của Nguyễn Công Hoan là ở chỗ, nếu ông có đọc những tác phẩm của văn học phương Tây nhưng không tiếp nhận một cách thụ động, không sao chép, mô phỏng mà tìm ra một lối đi riêng, sáng tạo ra một kiểu truyện ngắn riêng của mình, trên cơ sở kế thừa và phát triển truyền thống văn học của dân tộc.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Thưa Giáo sư, chúng tôi có nhận định như thế này: Đối với nền văn học cách mạng thì Nguyễn Công Hoan giống như là người bắc cầu, chúng ta lấy dấu mốc năm 1945, trước đó chữ quốc ngữ cũng mới được sử dụng và chúng ta đã mau chóng có những tác phẩm văn học bằng chữ quốc ngữ, trong đó Nguyễn Công Hoan là tiên phong. Sau Cách mạng, nhà văn Nguyễn Công Hoan cùng với các nhà văn khác như Nam Cao vẫn tiếp tục đi theo hướng đó. Sau đó, Nguyễn Công Hoan được phân công làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên, ông vừa sáng tác vừa gánh vác công việc quản lý văn học nghệ thuật ngày đó. Có thể thấy là không dễ gì để tập hợp anh em văn nghệ sĩ quây quần, sinh hoạt trong một tổ chức. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Nguyễn Công Hoan với cương vị là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam?

GS.TS Trần Đăng Suyền: Nguyễn Công Hoan là nhà văn lớn, vừa có tâm vừa có tài. Với tài năng lớn, ông đã tạo được một phong cách nghệ thuật độc đáo. Truyện ngắn Việt Nam đến Nguyễn Công Hoan mới thực sự hiện đại, có vai trò mở đầu cho trào lưu văn học hiện thực phê phán. Có thể nói, ngay từ trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan đã là nhà văn lớn, uy tín văn học của ông đã rất lớn. 

Như tôi vừa nói là gia đình Nguyễn Công Hoan có truyền thống văn hóa và truyền thống cách mạng đã tạo nền tảng để ông có thể viết được các tác phẩm để đời trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng Bước đường cùng. Gia đình (các em ruột, các con trai), họ hàng, bè bạn của ông có nhiều người hoạt động cách mạng bị thực dân Pháp bắt giam, tù đày. Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết trong Đời viết văn của tôi, ông viết Bước đường cùng là để “trang trải món nợ lòng đối với anh em cộng sản ở Nam Định”. Ấy là vì, khi dạy học ở thị xã Nam Định (bây giờ là thành phố Nam Định), ông đã tiếp xúc, gần gũi với các đồng chí Lê Văn Phúc, Lê Đức Thọ, những người đồng chí với người em ruột của ông là Lê Văn Lương. Sở mật thám thực dân cho ông là “một tay cộng sản nguy hiểm” và chuyển ông từ thị xã Nam Định - nơi tập trung nhiều thợ thuyền - ra hòn đảo Trà Cổ hẻo lánh. Nhà văn đã hối hả viết Bước đường cùng, chỉ trong 16 ngày (từ ngày 1 - 16/7/1938), trước khi bị chuyển ra đảo Trà Cổ. Cho nên ngoài những truyện ngắn xuất sắc thì Nguyễn Công Hoan còn để lại những cuốn tiểu thuyết có giá trị, trong đó có tiểu thuyết Bước đường cùng nổi tiếng, là một trong những đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực phê phán 1930 - 1945. Nhà văn Nguyễn Khải có lần nhận xét, đó là một trong những cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học.

Nguyễn Công Hoan là một nhà văn có nhân cách lớn, tài năng lớn, có uy tín lớn trong giới nhà văn. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1957, Hội Nhà văn Việt Nam thành lập, Nguyễn Công Hoan được giao trọng trách là Chủ tịch. Tất nhiên, một con người tính cách như Nguyễn Công Hoan không bao giờ ham hố danh vị, chức tước. Thì chính ông viết trong cuốn hồi kí Đời viết văn của tôi, là ông “bị bầu làm Chủ tịch”. Nhưng ông là một con người đầy tinh thần trách nhiệm, ông đã hoàn thành trọng trách được tổ chức giao phó, đồng nghiệp tín nhiệm. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nhà văn, Nguyễn Công Hoan ông có công lớn và vai trò rất quan trọng tập hợp một đội ngũ nhà văn đi vào hoạt động và sáng tác, gắn bó sâu sắc với vận mệnh của đất nước, đưa văn học nước nhà tiến lên thêm một bước nữa.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Thưa ông, chúng tôi quay lại câu chuyện đầu tiên là chúng tôi vừa mới về dâng hương mộ của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tôi với tư cách là hậu sinh dẫn anh em văn nghệ sĩ trí thức đến đó dâng hương cụ. Tôi thấy ngôi mộ cũng rất khiêm tốn, đơn sơ nhưng do nguyện vọng của cụ là ngôi mộ nằm chung trong một dãy mộ của gia đình, điều này cũng phù hợp với văn hóa Việt Nam giản dị, khiêm tốn. Tuy nhiên, với những đóng góp của nhà văn Nguyễn Công Hoan, chúng ta cũng phải tính những bước lâu dài như xây dựng Nhà Lưu niệm Nguyễn Công Hoan, hoặc dựng văn bia về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Bởi vì bây giờ đất nước và Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã rất phát triển và khang trang, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện những điều trên. Vậy theo ông, chúng ta đưa ra những bước đi rõ như vậy thì có cần thiết không khi thực hiện những công trình mang tính kỷ niệm, mang tính nhắc nhở, giáo dục, truyền thống về một nhà văn nổi tiếng, về một con người đã có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp cho nền văn học một kho tàng tác phẩm như vậy? 

GS.TS Trần Đăng Suyền: Nhà văn Phùng Văn Khai đặt ra một vấn đề theo tôi là rất hay và rất có ý nghĩa. Những tài năng lớn, những nhân cách lớn như Nguyễn Công Hoan thì những con người ấy người ta lại rất giản dị, khiêm tốn. Bản thân giá trị tác phẩm của những nhà văn như thế đã đi vào lịch sử văn học dân tộc, đi vào tình cảm của nhân dân, của đất nước là lẽ đương nhiên, cho nên những con người có chân giá trị như thế, người ta cần gì, người ta không bao giờ tự đề cao mình.

Không chỉ nhà văn Nguyễn Công Hoan mà cả các nhà văn như Nguyên Hồng, Nam Cao cũng đều sống rất là khiêm nhường, giản dị. Mục đích, lẽ sống của họ là bằng tâm huyết, tài năng, họ cống hiến những tác phẩm vô giá cho đất nước, cho dân tộc.

Nhà văn Phùng Văn Khai đặt vấn đề rất đúng, bây giờ chúng ta có điều kiện rồi và trong cái tình hình văn hóa như hiện nay thì đây chính là trách nhiệm của thời đại này, của những người biết tôn trọng và yêu văn hóa nghệ thuật. Chúng ta làm không phải là vì Nguyễn Công Hoan mà là vì nền văn học của dân tộc, để tạo địa chỉ cho những bạn đọc yêu quý văn chương, trân trọng giá trị văn học truyền thống của dân tộc ghé thăm, tỏ lòng tri ân thành kính. Đây là vấn đề rất lớn, giữ gìn rồi phát huy cái bản sắc văn hóa truyền thống cần có những việc làm cụ thể thiết thực và chúng ta nên làm càng sớm càng tốt.

Phùng Văn Khai - Trần Đăng Suyền: Đối thoại về nhà văn Nguyễn Công Hoan - 3

Đoàn nhà văn viếng mộ nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Hôm nay, thông qua câu chuyện với GS.TS Trần Đăng Suyền, chúng tôi cũng thấy được sự hiểu biết, đánh giá công tâm và đặc biệt là những cái tư duy thông qua câu chuyện đã tạo nên tinh thần để chúng ta thực hiện những hoạt động về văn hóa văn học nghệ thuật bắt nguồn từ những hoạt động hữu ích nhất và những con người cụ thể nhất để từ đó góp phần làm giàu hơn cho văn hóa, văn học nghệ thuật, làm giàu hơn nhận thức và trí tuệ của lớp trẻ có được một niềm tin, nguồn tri thức, nguồn sức mạnh để chúng ta mạnh mẽ bước về phía trước. 

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Bảo Thơ (ghi)

Tin liên quan

Tin mới nhất