Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi: Tầm vóc và sức sống
Bằng tư duy sắc sảo, phong cách đặc sắc, khả năng nhìn nhận khoáng đạt mà sâu sắc, Nguyễn Đình Thi đã góp phần vào việc định hình và phát triển tư tưởng lý luận văn nghệ cách mạng Việt Nam ở những giai đoạn quan trọng. Chính những định hướng này đã giúp nền văn nghệ cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong thời kỳ đổi mới, vai trò của Nguyễn Đình Thi tiếp tục được khẳng định qua việc gợi mở, định hướng phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam.
Chiều 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Thành ủy Hà Nội và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024).
Toàn cảnh Hội thảo “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”. Ảnh: Huyền Thương
Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.
Cùng dự có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng; đại diện gia đình nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi; đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận phê bình và văn nghệ sĩ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Huyền Thương
Bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Nguyễn Đình Thi là một trong những nghệ sĩ đa tài trong đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Ông sáng tác ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, tiểu thuyết, lý luận, phê bình văn chương, nghiên cứu triết học, dịch thuật, sân khấu, âm nhạc… và có những đóng góp to lớn, mang tính kế thừa tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân tộc, đồng thời khai phá, cách tân theo hướng khoa học, hiện đại.
“Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Huyền Thương
Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà; đẩy mạnh công tác lưu giữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Đồng thời đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi
Các tham luận tại Hội thảo đã đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam; làm sâu sắc những đóng góp của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh vực lý luận, phê bình và công tác quản lý văn hóa, văn nghệ; trao đổi, thảo luận, đánh giá về hành trình tiếp nhận, lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi ở trong và nước ngoài; phân tích, lý giải về sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ lớn lao mà Nguyễn Đình Thi để lại cho hôm nay và mai sau.
Các tham luận tại Hội thảo nói lên tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, năng lực nghiên cứu và sự kính trọng, ngưỡng mộ đối với nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi. Ảnh: Huyền Thương
Trong văn học, Nguyễn Đình Thi là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm văn xuôi, như Xung kích, Thu Đông năm nay, Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao… thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ.
Ở lĩnh vực thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, Nguyễn Đình Thi đã tạo nên một phong cách hoàn toàn mới mẻ, vừa kế thừa tinh hoa cổ điển của cha ông, vừa phát huy phẩm chất lãng mạn của thời Thơ Mới, vừa tạo một cách tư duy thơ hiện đại đậm chất trí tuệ và giàu cảm xúc nội tâm. Đến nay, công chúng yêu thơ đã nhận ra và yêu mến cái vị riêng của thơ Nguyễn Đình Thi.
Các kịch bản sân khấu toát lên bản lĩnh nghệ thuật, tài năng và sự sáng tạo nghệ thuật, luôn tìm lối mới, cách đi riêng của Nguyễn Đình Thi. Những cách tân táo bạo trong hình tượng kịch, sự đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, triết lý nhân sinh sâu sắc và sự đan cài, hòa quyện nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây, kim - cổ; truyền thống và hiện đại; kế thừa và tiếp nhận, tiếp biến... là những yếu tố giúp giúp kịch Nguyễn Đình Thi “vượt qua sóng gió” để tồn tại với thời gian.
Trong lĩnh vực âm nhạc, dù “dừng chân” không lâu và chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: Căm hờn, Diệt phát xít, Du kích quân, Người Hà Nội, Con voi, Đất nước yêu thương nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi trong lĩnh vực âm nhạc là việc khai phá và phát triển hai thể loại quan trọng - hành khúc và trường ca. Đến nay các tác phẩm âm nhạc của ông vẫn thường xuyên được biểu diễn trong các chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, xuất hiện trong các cuộc thi âm nhạc trong nước và cả quốc tế.
Đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi với nền văn học nghệ thuật nước nhà, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian. Thành công trong các sáng tác của ông nổi rõ ở tính tư tưởng, tính nhân văn, nghệ thuật đặc sắc, bút pháp phóng khoáng mà nhuần nhị; ở đó, hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng tưởng cách mạng, tính dân tộc và tính hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Pháp, Nga, châu Âu, khát vọng tự do và bản chất nhân hậu, đằm thắm rất Việt Nam”.
Cùng với sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Trong vai trò người lãnh đạo, ông rất coi trọng tính đặc thù của văn hóa, văn nghệ đối với sự phát triển bền vững đất nước. Đó là phong cách lãnh đạo cởi mở, là thái độ tôn trọng, gắn bó, vừa là người bạn, người đồng hành, người thầy, người truyền cảm hứng, là tri âm, tri kỷ của văn nghệ sĩ.
Cho đến nay, các thế hệ các văn nghệ sĩ Việt Nam vẫn đã và đang kế thừa và phát huy những thành tựu của Nguyễn Đình Thi; vẫn tiếp tục đổi mới, sáng tạo dựa trên nền tảng truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Khẳng định tài năng, tầm vóc và bản lĩnh của Nguyễn Đình Thi, GS. Phong Lê nhận định, ở Nguyễn Đình Thi tài năng gần như bẩm sinh, tài năng gắn với tài hoa, nó là yêu cầu và phẩm chất cần có của những người muốn chọn con đường đi vào các lĩnh vực nghệ thuật. Tài năng của ông đa dạng gần như xuất hiện cùng lúc hoặc xen cài, không phải một mà là nhiều lĩnh vực nghệ thuật mà ông thực sự góp hoặc có vị trí ở hàng đầu.
“Tài năng gắn với tầm vóc và cao hơn là bản lĩnh. Nói bản lĩnh là nói về sự tự tin ở quan niệm và chính kiến của mình, ở những giá trị tinh thần chính mình tạo nên, chứ không nương dựa hay vay mượn của ai”, GS. Phong Lê nói.
Giá trị di sản của Nguyễn Đình Thi trong bối cảnh hiện nay
Hội thảo đã thống nhất đánh giá cao giá trị di sản của Nguyễn Đình Thi và nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh đất nước đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, di sản của Nguyễn Đình Thi vẫn nguyên giá trị, trở thành một phần quan trọng trong lịch sử văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Những tác phẩm của ông luôn tạo cảm hứng, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng độc lập, tự do; tình yêu thương con người, tình yêu Hà Nội. Các tham luận đều nhấn mạnh tính thời đại trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi, điều này được thể hiện qua khả năng đối thoại với thế hệ hôm nay về các vấn đề từ bảo vệ bản sắc văn hóa trong toàn cầu hóa đến xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, nhân văn.
Một số tham luận tại Hội thảo cũng chỉ ra những thách thức và cơ hội trong việc bảo tồn, phát huy di sản của Nguyễn Đình Thi. Theo đó, dù di sản của Nguyễn Đình Thi có giá trị to lớn nhưng thách thức đặt ra là sự thay đổi mạnh mẽ trong năng lực thẩm mĩ, thị hiếu nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, có thể khiến các tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử của ông có thể trở nên khó tiếp cận.
Ngoài ra, việc quảng bá và dịch thuật các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi ở trong nước và ra nước ngoài vẫn còn hạn chế, khiến giá trị của di sản ông để lại chưa được lan tỏa một cách xứng đáng.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: Huyền Thương
Để di sản của Nguyễn Đình Thi trở thành một phần của văn hóa, văn nghệ Việt Nam, trong phát biểu tổng kết Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đề xuất một số giải pháp như: coi trọng việc nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Đình Thi ở các cấp học, từ phổ thông đến đại học, để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn di sản của ông cũng như thế hệ đi trước; Đẩy mạnh quảng bá quốc tế bằng hình thức đầu tư nhiều hơn vào việc dịch thuật và xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi ra nhiều ngôn ngữ, nhiều sản phẩm văn nghệ bằng các công nghệ khác nhau; Xây dựng các nền tảng trực tuyến để lưu trữ dữ liệu và giới thiệu về Nguyễn Đình Thi; Hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học và viện nghiên cứu văn hóa có thể giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và gia tăng ảnh hưởng của di sản Nguyễn Đình Thi ở trong nước và quốc tế...
Hội thảo “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” không chỉ là một sự kiện tri ân và tôn vinh những đóng góp to lớn của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam; khẳng định tầm vóc và sức sống của di sản ấy trong dòng chảy văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để nhìn nhận, phân tích, đánh giá, đề ra các giải pháp nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ của ông trong bối cảnh đất nước đang trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế đang đối mặt với những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống...
Bình luận