Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Lan tỏa một nền văn hoá độc lập và khác biệt của thi ca

Tối 5/2, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Âm nhạc và thơ ca hòa quyện với nhau đã làm nên một chương trình khai mạc mang dấu ấn đặc sắc, thể hiện sự đổi mới để thơ đến gần hơn với đông đảo công chúng.

Đến dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo các nhà thơ, nhà văn và công chúng yêu thơ.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Lan tỏa một nền văn hoá độc lập và khác biệt của thi ca - 1

Toàn cảnh sân khấu Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Ảnh: Phạm Hằng 

Thơ ca chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Lịch sử thơ ca của dân tộc ta từ khởi nguồn cho đến nay chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. Ở mỗi thời kỳ từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hóa, để xây đắp nên văn hiến, duy trì sự phát triển dòng giống lạc hồng. Hiếm dân tộc nào trên thế giới mà lịch sử phải đương đầu với nhiều cuộc chống quân xâm lược như dân tộc Việt Nam ta. Và thực tiễn lịch sử cũng cho thấy hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam của chúng ta.

Thơ ca được làm ở các lao tù của đế quốc, thơ ca được sáng tác trên suốt chặng đường hành quân của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Bên cạnh dòng mạch thơ ca chống ngoại xâm, chúng ta có thơ ca tham gia xây dựng, kiến thiết đất nước khi hòa bình. Chúng ta có thơ ca tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước, bắt nhịp cùng xu thế phát triển của thời đại. Thơ ca như thể hòa quyện với dân tộc ta, trở thành một phần không thể thiếu với mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Lan tỏa một nền văn hoá độc lập và khác biệt của thi ca - 2

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu khai mạc buổi lễ

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ: “Tôi vui mừng khi nhận thấy thời gian qua, đa số các nhà thơ đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của nước nhà. Tôi biết các nhà thơ đã có mặt ở Trường Sa, đã lên biên giới, đã lặn lội vào những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm, phản ánh và chung tay cải thiện hiện thực. Tôi rất xúc động vì nhiều nhà thơ đã cùng với nhân dân mình, nhà nước mình trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng như sát cánh với cả nước chung tay khắc phục thiên tai, phòng chống đại dịch Covid-19…

Không những thế, các nhà thơ còn mạnh dạn soi rọi, khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của các vấn đề xã hội và đã có những lý giải, cắt nghĩa theo cách riêng nhưng đầy sức thuyết phục. Nhiều tác phẩm của các nhà thơ được các tầng lớp độc giả đón nhận và có tác động tích cực, lan tỏa tới đời sống tinh thần cộng đồng. Nhìn chung, văn học, trong đó có thơ ca đã tham gia sâu rộng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian vừa qua”.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Lan tỏa một nền văn hoá độc lập và khác biệt của thi ca - 3

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, vị trí của nhà thơ chân chính bao giờ cũng là đứng giữa lòng dân tộc mình để sáng tác. Khi động cơ sáng tác là tinh thần yêu thương, xây dựng thì người đọc sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng đặt lòng tin vào các tác phẩm ấy bởi họ cảm nhận được sự phản ánh thiện cảm tỏa ra từ trái tim của tác giả. Thơ ca không dẫn đường cho mọi người bằng ánh sáng của điện năng mà bằng nhịp đập của con tim. Những tác phẩm lớn luôn hàm chứa cái đẹp, tinh thần lạc quan, hướng thiện, nó bày tỏ lòng trân quý con người để hướng tới một tương lai tươi sáng, phồn vinh và hạnh phúc. Đấy chính là cốt lõi đạo đức của thời đại văn minh, đạo đức ấy được ủy quyền, theo cách trang nghiêm nhất, sùng ái nhất, cho mỗi nhà thơ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, thực tiễn đòi hỏi nhà thơ cần tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nhập cuộc sâu hơn, sát hơn để nghe kĩ hơn, nhìn tinh tường hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội cũng như trong tâm tư của mỗi cá nhân. Chỉ khi áp sát với đời sống, thơ ca mới đạt được sự chân thật và chính xác, bền vững trong ngợi ca, tôn vinh những thành quả tốt đẹp của nhân dân mình, Tổ quốc mình đạt được. Cũng chỉ khi áp sát với đời sống, thơ ca mới phản ánh, nhận diện, mổ xẻ chính xác các khía cạnh nóng bỏng của xã hội. Và cũng chỉ khi bám sát với hiện thực đất nước, những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật mới có giá trị, ý nghĩa và có sức sống bền vững.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Lan tỏa một nền văn hoá độc lập và khác biệt của thi ca - 4

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn tác phẩm của các nhà thơ còn phải từng bước vươn ra khỏi địa giới quốc gia để sánh vai và hoà mình cùng với văn học trên thế giới. Mỗi tác phẩm văn học phải là một sứ giả trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam ở thời kỳ mới. Mỗi tác phẩm là một tiếng nói xác lập tư cách, vị thế của dân tộc ta, đất nước ta trong con mắt bạn bè quốc tế.

"Tôi mong muốn như vậy, bởi tôi có lòng tin mãnh liệt vào tâm hồn người Việt Nam ta, văn hoá dân tộc Việt Nam ta xứng đáng được các dân tộc khác biết đến, xứng đáng để góp tiếng nói nhân văn đặc sắc của mình vào với tiếng nói nhân văn chung của nhân loại", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh. 

Lan tỏa một nền văn hoá độc lập và khác biệt của thi ca 

Đọc diễn văn tại buổi lễ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Năm 2022, chúng ta vô cùng tự hào khi UNESCO trao Nghị quyết vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Trước đây, UNESCO đã vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các nhà thơ, nhà văn hoá lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Và năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Lan tỏa một nền văn hoá độc lập và khác biệt của thi ca - 5

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đọc diễn văn tại buổi lễ

Những sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần cho dân tộc và cho nhân loại. Đó là sự vinh danh vẻ đẹp sáng tạo, vinh danh tư tưởng nhân văn, vinh danh tinh thần sống của con người Việt Nam và vinh danh một nền văn hoá độc lập và khác biệt mà thơ ca chứa đựng và lan toả.

“Trong lịch sử lớn của dân tộc có lịch sử của thơ ca. Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe doạ và đi qua cả cái chết để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta và nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này”.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Lan tỏa một nền văn hoá độc lập và khác biệt của thi ca - 6

Đêm thơ chủ đề “Nhịp điệu mới” trình diễn nhiều bài hát phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng. Ảnh: Phạm Hằng 

Dịp này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã kêu gọi các nhà thơ và những người yêu thơ trên xứ sở chúng ta hãy “cùng nhau viết chung một bài thơ - bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình” và “thơ ca hãy đứng về phía con người, vinh danh con người và bảo vệ con người”.

Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu, văn nghệ sĩ, người yêu thơ đã cùng thưởng thức đêm thơ chủ đề “Nhịp điệu mới”. Đây là đêm thơ quy mô nhất từ trước đến nay của Ngày thơ Việt Nam. Chương trình giới thiệu đến khán giả nhiều bài hát phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng như: Người Hà Nội, Đường chúng ta đi, Thơ tình cuối mùa thu, Mùa xuân đầu tiên… mang đến cho người xem không khí lãng mạn, vui tươi của mùa xuân.

Phần đọc thơ gồm 4 chương, giới thiệu nhiều tác phẩm tiêu biểu qua các giai đoạn: Thơ mới; Thơ kháng chiến chống Pháp; Thơ kháng chiến chống Mỹ; Thơ thời kỳ đổi mới và Thơ trẻ…  Âm nhạc và thơ ca hòa quyện với nhau đã làm nên một chương trình khai mạc mang dấu ấn đặc sắc, thể hiện sự đổi mới để thơ đến gần hơn với đông đảo công chúng.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất