Nguyễn Bính Hồng Cầu - Tiếng thơ của niềm đau thân phận và sự bao dung với đời
Đọc thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, người đọc bắt gặp hồn thơ có nhiều trải nghiệm của một người đàn bà đã đi qua những thăng trầm của cuộc đời và thế sự. Thơ chị chính là tiếng lòng đã được chắt lắng, chưng cất qua thời gian của đời người có nhiều va đập, tổn thương, mất mát... Nhà thơ đã trải lòng mình với nhân sinh để mong được chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu hơn về tình đời, tình người trong cõi nhân sinh dài rộng này. Vì thế, đọc thơ chị người đọc không khỏi rưng rưng xúc động, suy tư về những điều mà nhà thơ đã ký gửi vào đó.
Có lẽ, bạn đọc sẽ nghĩ rằng cái bóng quá lớn của cha chị là nhà thơ Nguyễn Bính sẽ làm lu mờ đi hình ảnh đứa con gái bé bỏng như Nguyễn Bính Hồng Cầu. Hoặc vì sự nổi tiếng của tên tuổi nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính sẽ tạo sự ỷ lại, dựa hơi bố mình của chính chị... Nhưng tất cả những điều đó không như người ta nghĩ, mà vẫn hiện lên một hồn thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu tài hoa, chân thành, hồn hậu, bao dung và đầy chiêm cảm. Hoàn cảnh gia đình, thời cuộc và cả gen di truyền đã tạo nên một nhà thơ nữ Nguyễn Bính Hồng Cầu với đầy đủ tố chất của một đứa con “nhà nòi” về văn chương.
Chính tuổi thơ đầy những chông chênh, thiếu vắng bóng dáng của người cha cùng với hoàn cảnh chiến tranh đau thương, loạn lạc đã tạo nên một khoảng trống lớn trong tình cảm gia đình. Vì thế, trong các sáng tác của chị thấp thoáng có những chia sẻ rất mực chân thành, da diết. Ở đó là nỗi đau xé lòng, những giọt nước mắt lặn ngược vào trong, trái tim nhiều lần rỉ máu... “Ta gom nắng đầu ngày/ Đắp điếm thành ngôi mộ/ Chôn đêm” (Đêm chết).
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu.
Nhà thơ có những nỗi trắc ẩn, niềm đau canh cánh với những phận người nhỏ bé trong cõi nhân sinh này. Vì thế, trong hành trình thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, chị có rất nhiều bài thơ viết về họ bằng nỗi đau và sự thương cảm sâu sắc.
Bên cạnh nỗi niềm riêng tư của cá nhân mình, nhà thơ còn thể hiện tinh thần và trách nhiệm công dân trước thời cuộc. Nỗi đau đáu khôn nguôi khi nghĩ về sự bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc: “Nghiêng ngửa sơn hà/ máu xương hòa nước mắt/ cột mốc biên cương/ chòng chành sóng dữ/ ... / Ta mù khơi giông gió tơi bời/ đối diện biển đêm tứ bề dựng sóng/ con đường nào ta đi bến bờ nào ta đến/ Tổ Quốc trong ta lặng tiếng thở dài…”
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu gợi ra trong ta một trạng thái bằng cách hồi sinh những gì đã mất, đồng thời phản ánh tâm trạng của chính mình: Ta cố nhặt/ Chút niềm tin rơi rụng/ Hy vọng mùa sau.
Đi qua những năm tháng đày ải của thân phận chính mình, nhà thơ giãi bày bao nỗi trăn trở, đầy suy tư.
Chủ thể trữ tình luôn có khát khao cháy bỏng được giao cảm, được thấu hiểu và cả sự kiếm tìm, lắng đợi. Thế nhưng, dường như trong đời mình, nhất là chuyện tình cảm riêng tư lúc nào cũng hiển hiện một người phụ nữ với nỗi cô đơn, những giọt buồn miên man chảy trong từng câu chữ...
“Từ tôi cánh gió phập phồng/ Ru mình mắt bão chiều đông đắm đò/ .../ Tôi như kẻ đã phải bùa/ Nát tình mấy bận chưa chừa cuộc yêu”.
Ô-giê-rốp từng nói: “Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn ngữ nhỏ nhất”. Quả đúng như thế, chỉ trong một bài thơ ngắn Người đàn bà đi qua tâm bão mà nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đã đưa người đọc đến với cả một chặng đường đời đầy bão giông, mất mát, truân chuyên của chính người mẹ của chị. Người mẹ có tấm lòng bao dung, sự chịu đựng, hy sinh, kìm nén nỗi đau thương của bản thân, gia đình, quê hương, đất nước... để sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất.
“... Bà đi qua xà lim khám tối/ từ địa ngục trở về/ vá víu lại thịt da/ sắp lại hành trang/ món nợ nhà nợ nước/ bà bước tiếp// Bốn mươi năm/ kết thúc hai cuộc chiến tranh/ bà trở về/ ngôi nhà không nóc/ con không cha/ vợ không chồng/ bà chỉ còn lại cho mình/ chiếc bóng mòn một nửa”.
Những sự kiện lịch sử, những biến cố thời đại và cả những cảnh đời dâu bể tác động vào từng cá nhân, gia đình cụ thể. Qua thời gian, nhà thơ cảm nghiệm, nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn, thấu đáo hơn, đa chiều hơn. Tiếng thơ vì thế cũng khắc khoải, đau đáu và mang tính nhân bản hơn.
Yếu tố không gian, thời gian trong thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu được chị đặc biệt chú trọng và sử dụng một cách linh hoạt tùy vào từng nội dung của chủ đề được đề cập đến.
Trong dòng chảy của thi ca đương đại, Nguyễn Bính Hồng Cầu đã tạo cho mình một “tạng” thơ mang nét riêng: độc đáo, buồn, đậm chất suy tư. Ở đó có sự hòa trộn giữa tình cảm cá nhân với cộng đồng, giữa cái riêng tư và cái chung. Sự thức ngộ ấy lại là điều đáng quý và đáng trân trọng hơn cả ở người đàn bà thơ này.
Với Nguyễn Bính Hồng Cầu thì hạnh phúc là điều mà chị cả đời trăn trở và cũng luôn khát khao tìm kiếm. Thế nhưng, giữa mơ ước và hiện thực là một khoảng cách lớn. Để rồi, người thơ ấy phải tự mình vá víu: “Ta gom nắng đầu ngày/ Đắp điếm thành ngôi mộ/ Chôn đêm”.
Nhưng sự thật vẫn là: “Em chông chênh đi nhặt bóng mình/ lượm câu chuyện hoang đường/ cài bên ngực trái/ nghe chừng/ nhói đau!”
Bởi những lúc rơi vào trạng thái cô đơn, buồn bã, chán chường thì niềm ao ước lại càng trở nên bức thiết nhưng dường như tất cả chỉ là sự hoài nghi. Chủ thể trữ tình đối diện với chính mình, lấy bản thân mình, số phận mình, cuộc đời mình để nhìn ra nhân thế.
Người đàn bà đi qua những bão giông, tỏ ra mình cứng cỏi, bất chấp mọi tổn thương mất mát nhưng đằng sau đó lại là trái tim rỉ máu, yếu mềm, dễ rung cảm, xa xót. Chị nương náu vào thơ, vào từng câu chữ, ký tự để ghi lại cảm xúc của chính mình.
Và cũng không ít lần, nhà thơ phải tựa vào bóng đêm để bám víu, chia sẻ nỗi niềm: “Tựa vào bóng đêm/ tôi xếp lại chồng thời gian nhàu nát/ cày lật trên tay/ những mảnh hồn vàng vọt/ Tận cùng góc khuất/ người đàn bà trong tôi dạt về hai phía/ một nửa yêu thương/ một nửa oán hờn…”
Sau những tổn thương, mất mát, thua thiệt, chủ thể trữ tình lại sâu sắc nhận ra: “Chỉ là sương khói” và đành chấp nhận một sự thật “Đành thôi sương khói đành thôi/ Hương tình theo gió, dốc đời buồn tênh”.
Nhà thơ đã lấy sức chịu đựng của chính mình và sức bền của thơ để chống lại sự bào mòn của thời gian. Và cho dù gặp nhiều bất trắc nhưng trong sâu thẳm tâm hồn chưa bao giờ thôi khao khát, ước mơ... “Ta cất giấu hồn nhiên vào đáy mắt/ Ủ mặt trời trong lòng ngực thanh tân…”
“Bà lão gánh hàng rong” trên phố cùng với những hình ảnh đối lập đã làm cho nhà thơ có sự rung cảm đặc biệt. Nỗi nhọc nhằn, gian khó của bà lão bán hàng rong đã đặt ra biết bao câu hỏi và như ám vào tâm trí nhà thơ. Điều đặc biệt là bà lão ấy vẫn “vô tư”, vẫn “hồn nhiên” chứ không hề có sự than thở hay buồn phiền nào cả.
Là một người phụ nữ, cũng đã từng là người mẹ, người bà nên nhà thơ càng thấu hiểu và trân trọng những khó nhọc, thiệt thòi với người cùng giới với mình. Nhất là những người đàn bà đi qua bao thác ghềnh, bão giông của số phận và phải gánh vác trên mình nhiều trọng trách, bổn phận...
Càng về sau, Nguyễn Bính Hồng Cầu càng hướng về không gian đời tư. Ở đó nhà thơ tạo dựng ra một khoảng không gian đặc biệt để trải hết nỗi niềm của lòng mình. Đằng sau đó là những dồn nén, khát khao.
Ngày người mẹ nhà thơ 90 tuổi, không có tiệc mừng, nhà thơ chỉ có tấm lòng thành của một đứa con dành cho mẹ, Nguyễn Bính Hồng Cầu chỉ biết rưng rưng nấc nghẹn trong lời thơ dành tặng mẹ: “Mừng tuổi mẹ chín mươi năm lẻ/ con viết bài thơ chưa tròn ý vẹn lời/ kính dâng mẹ tấc lòng con trẻ/ biển rộng sông dài tình mẹ bao la./ Nông nổi”.
Từ trái sang: các nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, Nguyên Hùng, Nguyễn Văn Hoà, Trần Mai Hường, Nguyễn Trường
Dõi theo hành trình thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, có lẽ thơ viết về mẹ là những vần thơ hay nhất, chân xác nhất, để lại nhiều dư ba nhất trong lòng bạn đọc. Đây là thứ tình cảm thiêng liêng, quen thuộc, song tứ thơ viết về mẹ, viết cho mẹ vẫn mang lại những điều mới mẻ, xúc động. Ngoài nỗi niềm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn, Nguyễn Bính Hồng Cầu nhận ra trong nỗi đày ải, số phận nổi nênh của mẹ có chút hình bóng của thân phận mình nên lời thơ càng ngậm ngùi, khắc khoải và xa xót hơn.
“Tóc mẹ trắng thương một đời muối trắng/ nước mắt cạn khô ngập chiều biển mặn/ bàn chân cha sủi tăm lịch sử/ máu xương sông núi cõi bờ.// ... /quá khứ ngàn cân/ cánh thời gian mỏng dính/ tôi loay hoay/ đong đếm những mất còn”.
Nguyễn Bính Hồng Cầu là nhà thơ lặng lẽ sáng tạo và đã đem đến cho thơ ca hiện đại một giọng thơ riêng với những tín hiệu thẩm mỹ mới trong việc phản ánh thế giới hiện thực một cách linh hoạt, tinh tế. Cái nhìn về hiện thực, cuộc sống, thế giới tự nhiên một cách rất riêng và mới mẻ. Chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn đối với bạn đọc./.
Chúng ta đang khuyến khích cho văn hóa đọc bởi sinh hoạt này lâu nay có khuynh hướng sao nhãng, mai một. Những ngày hội đọc...
Bình luận