NSND Vương Duy Biên - Dành cả cuộc đời cho những niềm đam mê bất tận
(Arttimes) - NSND Vương Duy Biên là một người đa tài, anh vừa là nhà điêu khắc, họa sĩ, nghệ sĩ - đạo diễn sân khấu múa rối vừa là nhà quản lý văn hóa. Người đàn ông tài hoa vóc dáng thư sinh, có giọng nói ấm và khiêm tốn, ở tuổi nghỉ hưu, giờ đây lại được các nghệ sĩ tin tưởng đặt vào một trọng trách mới - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Trông anh luôn trẻ trung, phong thái lịch lãm, nghiêm túc với sơ mi trắng, cặp kính cận trắng trên gương mặt đầy hạnh phúc viên mãn ấy. Để rồi nhiều người hỏi anh: Làm sao mà anh sắp xếp thời gian để làm được nhiều việc đến vậy?
PV: Thưa NSND Vương Duy Biên, yếu tố quyết định sức sáng tạo của anh để hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như vậy, mà lĩnh vực nào cũng gặt hái được những thành công đáng ghi nhận?
NSND Vương Duy Biên: Tuy là một công chức nhà nước, nhưng trước tiên tôi là một nghệ sĩ, và thiên chức quan trọng nhất của tôi là sáng tạo tác phẩm. Để cấu thành tác phẩm, trước tiên là những rung động và sự thăng hoa của cảm xúc. Với tranh thường là những ký ức, những trải nghiệm về nông thôn Việt Nam, về người nông dân sống, sinh hoạt và lao động. Với tượng là những tâm ý, tưởng tượng và dẫn giải những lý lẽ trong cuộc đời được đan xen, sắp xếp một cách dí dỏm. Mỗi tác phẩm đều mong tìm đến một triết lý nho nhỏ để ngẫm suy, đối thoại với người xem. Và với một số tác phẩm biểu diễn lại là cảm nhận của thị giác và âm thanh được đan xen mạnh mẽ với những biểu đạt đậm chất mỹ thuật. Tôi luôn sống và sáng tạo với sự đam mê không ngừng, luôn muốn tìm tòi để đi đến những khác biệt với hôm qua

PV: Là người nghệ sĩ đích thực coi nghề mà mình đã thành danh là nghiệp suốt đời, còn với cương vị người lãnh đạo thì việc quản lý thế nào?
NSND Vương Duy Biên: Niềm đam mê nghệ thuật trong tôi là hoàn toàn tự nhiên từ bản thân, có lẽ là tôi có một năng khiếu nhất định, đó là niềm đam mê sáng tạo và thích ứng được với các công việc thuộc về lĩnh vực sáng tác. Ví dụ trong hội họa hay điêu khắc, hay mấy chục năm lăn lộn ở sân khấu, rồi đưa được các giá trị mỹ thuật đan xen với sân khấu cũng là cái sáng tạo mới và tôi đã đạt được những thành công nhất định. Khi mình đã lăn lộn với những sáng tác ở nhiều lĩnh vực và ngày càng có kinh nghiệm và có điều kiện để thông cảm, chia sẻ với anh em nghệ sĩ ở các lĩnh vực đó là tôi đã nắm công việc rất vững chắc, cho nên khi làm công tác quản lý, tôi hiểu rõ, nắm rất chắc về chuyên môn và khả năng tổ chức.
PV: Điểm khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật của anh?
NSND Vương Duy Biên: Ngồi trên ghế nhà trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam 10 năm liền, học 5 năm Điêu khắc rồi 5 năm về Hội họa. Sau khi tốt nghiệp ra trường tôi về công tác tại Nhà hát Múa rối, vì đam mê tôi đã bỏ nhiều thời gian công sức tìm hiểu, nghiên cứu… Múa rối là đặc trưng rõ nét về bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, nó là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, rồi từ cái tạo hình độc đáo của biểu diễn, cho nên chất dân gian đã ngấm vào trong tôi. Trong sáng tác hội họa, các mô típ sử dụng của tôi phần lớn là lấy cảm hứng từ hoạt động thường nhật của người nông dân. Với tôi khi sử dụng các chất liệu dân gian đều chắt lọc và thể hiện bố cục mang tính đương đại, kể cả trong điêu khắc tôi luôn cố gắng giữ cái hồn dân gian thường gửi gắm vào những tác phẩm điêu khắc.
PV: Những dấu ấn trong sáng tạo nghệ thuật của anh?
NSND Vương Duy Biên: Năm 2017, tôi có làm một triển lãm tại tư gia đã đạt được nhiều thành công. Triển lãm trưng bày gần 80 tác phẩm, trong đó có hơn 40 bức tranh (tranh lụa, sơn mài, sơn dầu) và 30 tác phẩm tượng, một số các tác phẩm điêu khắc. Cái độc đáo của triển lãm là kết hợp giữa những tác phẩm tĩnh của hội họa, điêu khắc, kết hợp với động là có trình diễn nghệ thuật, không phải là đưa vở diễn vào triển lãm mà cái trình diễn đây là cái trình diễn tương tác của những tác phẩm trưng bày, để cho người xem thấy được là hình như các nhân vật trong tranh, trong những bức tượng người ta bước ra ngoài tương tác, giao lưu với khán giả, cho người xem dễ hiểu hơn cái mà mình muốn nói trong tác phẩm. Sau triển lãm đó, tôi được một số đồng nghiệp của Pháp rất thích và mời sang làm triển lãm tại Paris và Versailles vào tháng 9/2018. Triển lãm đã giới thiệu tới công chúng Pháp gần 70 tác phẩm thuộc cả 3 lĩnh vực điêu khắc (trên các chất liệu đồng, gỗ, nhôm), hội họa (tranh lụa, tranh sơn mài) và đặc biệt hơn cả là phần trình diễn nghệ thuật với sự tham gia của 10 nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam. Lần đầu tiên, công chúng Pháp được thưởng thức một phần trình diễn mới lạ kết hợp giữa nghệ thuật múa đương đại với nghệ thuật múa rối, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật của tôi.
PV: Được biết anh rất có duyên với đất Nam Định ở lĩnh vực nghệ thuật Điêu khắc?
NSND Vương Duy Biên: Năm 1989 tôi đạt giải Nhất tại Cuộc thi Mẫu tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Nam Định. Ban tổ chức đã quyết định dùng mẫu tượng này để xây dựng tượng đài, với một lý giải rất thuyết phục rằng: Bức tượng đã thể hiện sự trí dũng của bậc danh tướng, nhưng cũng thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam. Bức tượng này được coi là khuôn mẫu trong sự hình dung của nhiều người về danh tướng Trần Hưng Đạo và đã được nhân bản ra rất nhiều công trình nghệ thuật ở các tỉnh khác. Việc đúc thành công một bức tượng bảo đảm chất lượng cả về kỹ thuật và mỹ thuật đã thực sự gây nhiều ngạc nhiên trong giới chuyên môn lúc đó.
Gần đây, cơ duyên lại đưa tôi đến với Nam Định, tôi được giao làm lại mẫu tượng Tổng Bí thư Trường Chinh. Tôi đã nghiên cứu để tìm ra vóc dáng bức tượng Cụ, và làm lại với dáng tư thế Cụ đứng tay phải nắm lại. Tôi nhớ câu nói dứt khoát của Cụ lúc Cụ lên làm Tổng Bí thư năm 1986 là “Đổi mới hay là chết”. Cụ Trường Chinh là người khởi sướng cho công cuộc đổi mới, tôi muốn khắc họa điều đó, từ dáng đứng, tư thế tay, gương mặt của Cụ. Gương mặt thể hiện đúng thời điểm Cụ đang ở đỉnh cao, lúc cụ có được dấu ấn với nhân dân về công cuộc đổi mới. Thể hiện được chí tuệ của Cụ như trong bản Đề cương Văn hoá Việt Nam do Cụ soạn năm 1943.

PV: Với cương vị mới hiện nay, công việc đạo diễn của anh ra sao?
NSND Vương Duy Biên: Tôi đang thực hiện việc đưa biểu diễn kết hợp với trưng bày nghệ thuật, giữa con người đời thực và tác phẩm. Việc đưa mỹ thuật vào múa rối thì đã có hiệu quả và những thành công nhất định, nhất là một số tác phẩm rối nước được khán giả quốc tế rất thích thú, giữa một cái rất truyền thống và một cái đương đại như tác phẩm “Hồn quê” được sử dụng múa rối nước truyền thống nhưng kết hợp với nghệ thuật sắp đặt và kết hợp với âm nhạc world music, thoát khỏi âm nhạc chèo của múa rối nước truyền thống…
PV: Cám ơn cuộc trò chuyện thú vị với NSND Vương Duy Biên. Chúc ông luôn trẻ khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa cho nền văn học nghệ thuật nước nhà và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật.
Thanh Nhã NoneBình luận