Thằng bé câm

Truyện ngắn của Khúc Hà Linh

1.

Hắn làm nghề buôn trâu, dân trong vùng gọi là lái trâu. Nhưng tên cúng cơm của hắn là Sửu - Nguyễn Sửu. Khi còn sống, cha hắn thường dạy hắn rằng, trên đời này muốn sống được, thì cái lưỡi phải dẻo. Nghĩa là biết luồn lách, để đừng bao giờ răng cắn vào. Nói ngắn gọn là không được ngu.

Con trâu gầy trơ xương đáng lẽ mang đi chọc tiết nhưng có phúc gặp Sửu sẽ được cải tử hoàn sinh. Hắn bỏ ra mấy chục đồng, mua về nhờ người mông má, hồ chục ngày thành một loại hàng hoá xịn. Với cái lưỡi không xương của Sửu, các khuyết tật của con trâu, bỗng hoá thành đặc sắc ưu điểm trời cho, và nhờ cái tài phù thuỷ của hắn, con trâu thành vàng, còn kẻ mua trâu bỗng chốc bị lú lẫn như bị ma ám, mở hầu bao trả tiền cho hắn, để kéo theo của nợ về nhà.

Sửu biết thò tay vào túi của người mua và kẻ bán mà tay vẫn sạch. Bụng cứ to ra, mỡ màng, mái tóc lúc nào cũng bóng lọng, thơm phức. Hai mắt hắn híp lại, cổ thì xệ xuống thành mấy cái ngấn y như cái thòng lọng dưới cổ.

Sửu còn có một biệt tài là câu quăng. Đây là một kiểu câu vừa kết hợp truyền thống vừa hiện đại. Từ bờ ao bên này hắn có thể quăng sang tận bờ bên kia với độ xa tới mấy chục mét. Sửu đứng dưới cây vối nhà hắn, vung mạnh cần rồi nhẹ nhàng nhả cước. Con nhái mắc vào lưỡi câu bay vun vút trong không gian rồi đậu trên mặt bèo.

Mấy hôm nay, Sửu vẫn cay cú vì con ếch sụ đang nằm dưới lớp bèo phía cầu ao nhà hàng xóm, chưa chịu cắn mồi. Kinh nghiệm cho hắn biết, con nào bập ăn ngay thì toàn là loại ếch mướp, thịt nhão nhoét, tanh tanh. Loại gan lì, biết dờn dứ ngúng nghỉnh, nhưng khi bập vào là nuốt sâu tận gan ruột. Loại ấy thịt thơm, ngọt mà về trọng lượng cũng hàng năm sáu lạng. Sửu thầm nghĩ phải câu bằng được con ếch và làm một bữa cho ra trò mới thoả. Chỉ mới nghĩ, mà nước dãi đã túa ra.

Chiếc ao có con ếch sụ ấy đang thuộc quyền sở hữu của vợ chồng người hàng xóm. Anh chồng tên Hợi, vợ chết sớm để lại cho đứa con trai tên Dần. Là trưởng nam, lại là ngành trên, Hợi là niềm hy vọng của cả dòng họ. Thân phận gà trống nuôi con, gã vô nghề nghiệp chỉ quen dựa vào cha mẹ, nay giống như cây trước giông bão chẳng biết chống đỡ thế nào. Hợi cưới cô vợ trẻ đẹp, người thị thành, tên Ngọ, mong có người chia sẻ để giữ cơ nghiệp.

Từ khi có bàn tay người đàn bà, khuôn viên nhà họ Lê trở nên sinh động. Ngôi nhà vốn âm thầm, thoắt nhiên đầy ánh nắng và véo von chim hót. Trên chiếc dây phơi phấp phới chiếc xi-líp và tấm xu chiêng phất phơ dải, tựa như vệt mây trắng hiếm hoi trên nền trời ủm nước đã lâu ngày.

Thằng bé câm - 1

Minh họa Lê Huy Quang 

Ngọ hoạt, từng trải. Ban đầu cô nàng vồ vập tình yêu như sợ ai cướp mất. Ngọ khéo tìm cách làm hài lòng nhà chồng bằng việc làm nhỏ bé nhất. Về làm dâu được vài tháng thì đến ngày giỗ người vợ trước của Hợi. Ngọ hồ hởi bàn với chồng làm giỗ rất to, mời khách thật rộng để lấy tiếng. Chuyện cưới xin ma chay trong họ, Ngọ đến rất đúng lúc, lại tận tuỵ miệng nói tay làm, nên được gia chủ rất quý.

Đó là chưa kể khi thì biếu ông bác chồng gói chè, cho bà dì hộp dầu con hổ, gửi bà cô vuông lụa, hay là bả lả xoa đầu cháu lớn rồi dúi cho gói kẹo hồng… Chỉ thế thôi cũng đã làm cho Ngọ từ một người bị cả họ dè bỉu là hạng mèo mả gà đồng, thành người biết điều ăn ở. Những lời khen xa xôi đã được bàn tán đây đó: Họ Lê thật là tốt phúc.

Đứa con chồng là món quà vô giá của Ngọ. Chẳng mất công mang nặng đẻ đau, nhưng Ngọ được nghe đứa trẻ xưng con cũng hả lòng. Những đêm đông gió lẹm thấu xương nó được nằm giữa cha và mẹ kế. Cặp vợ chồng như đôi chim xoè cánh ra ấp ủ. Hoa xoan rụng, thằng bé bị lên sởi khiến cả nhà lo lắng, chạy tìm thuốc. Hơi thở phả ra nóng hầm hập. Giọng nó khò khè, mắt đỏ vằn lên. Nó như túm rau cần quắt đi giữa sân vôi ngày nắng hè. Nó tỉnh giấc và lờ mờ nhận ra mẹ kế đang ngồi bên.

Nó trỏ quả cam. Những múi cam mọng nước óng vàng mang tới. Khi nó nhỏ nhẻ nhấm giọt nước cam ngọt ngào thì bên tai bồng bềnh những âm thanh êm ái:

- Ngôi nhà này mai này sẽ là của con, con lớn lên sẽ kế nghiệp dòng họ.

Thằng Dần lịm đi, không biết vì mệt hay vì sung sướng.

***

2.

Một lần, Sửu sang nhà Hợi chơi đúng lúc hai vợ chồng người hàng xóm cuống quýt vì đứa con đau bụng. Sửu nhanh nhảu chạy về nhà tìm lọ dầu mán xoa bôi cho thằng bé. Thật hiệu nghiệm, chỉ canh giờ sau đứa bé khỏi đau, lại đi học bình thường. Ngọ tỏ lời cám ơn trả tiền thuốc, nhưng Sửu cười ý nhị:

- Tắt lửa tối đèn có nhau, có lọ thuốc giúp hai bác, làm chi phải kể ơn huệ. Vắng anh em xa có láng giềng gần.

Những lần sau Sửu thỉnh thoảng tạt sang chơi và cho thằng Dần gói bánh, có khi là cái bút. Hình ảnh gã lái trâu đã có chỗ cài trong tập album lòng Ngọ từ bao giờ không biết.

Hôm nay Sửu sang nhà Hợi sau chuyến đi buôn khá dài.

- Tôi đi Bắc Giang về, có cân chè Thái biếu anh chị, và cho cháu tấm bánh…

Vừa nói Sửu vừa đảo mắt nhìn quanh. Ngọ ngẩn người một lát mới nói được ra lời:

- Chết, em ít tuổi hơn anh, đừng gọi thế. Mà sao lần nào sang chơi, anh cứ quà bánh cho chúng em thế này, thật khó nghĩ quá.

- Không sao, chỗ láng giềng mà. Nhắm mắt thì thôi, mở mắt lại nhìn thấy nhau. Tiếng thế nhưng hai nhà chung một cái ao thôi đấy!

Ngọ cũng cười:

- Mà anh là thiêng lắm…

Gã lái trâu chộp ngay:

- Đâu dám, tôi chỉ là anh đi buôn, quanh năm gió sương…

- Anh Sửu khiêm nhường quá. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Anh giao du rộng, lại va chạm đường đời, của ngon vật lạ đâu đâu chẳng biết.

Tài vặt lợi khẩu của gã lái trâu tự nhiên có đất dùng. Hắn nửa nạc nửa mỡ:

- Thế mà có thứ không… ngon bằng ở ngay quê mình đâu.

Nói rồi Sửu ngước mắt lên nhìn  như xoáy vào ngực Ngọ:

-  À, thế vừa nãy Ngọ bảo tôi thiêng là vì sao?

Ngọ lúng liếng:

-  Chẳng là vừa nhắc đến lọ thuốc anh cho sao mà hiệu nghiệm, thế là anh có mặt.

Sửu cười dễ dãi:

-  Đấy chỉ là việc nhỏ, nếu có việc gì to lớn mà Ngọ cần, tôi sẵn lòng hợp sức .

Rồi Sửu ghé sát vào tai Ngọ thì thầm:

-  Sắp tới vợ chồng Ngọ có làm ăn gì không?

Ngọ kể mình đang bàn với chồng thu xếp vốn liếng mở chung sạp hàng với bạn nhưng còn thiếu ít tiền.

- Hay là Ngọ bàn với anh Hợi bán ao, tôi mua cho. Bây giờ buôn bán cũng khó lắm. Tôi có ao, sẽ ở nhà  “thả cá” vậy.

Cái lưỡi Sửu lần này được sử dụng hết công suất. Hắn ngọt nhạt thế nào mà mua cái ao giá có nửa cây vàng. Mua xong hắn cho rào kín chung quanh chỉ để cho vợ chồng Hợi một lối xuống cầu ao rửa ráy. Mấy tháng sau, lấy cớ trẻ con thường câu trộm cá, hắn xin phép rào nốt để bảo vệ.

Với phẩm chất của gã lái trâu, lại thêm năng khiếu câu quăng, Sửu nhanh chóng trở thành chủ nhân của chiếc ao chứa đựng không ít kỉ niệm của nhà họ Lê. Ngọ lại tiếp tục nỉ non với chồng bán nửa phần đất vườn cho “anh hàng xóm”. Nghĩ thân gái đã đi hai lần đò và khi biết rằng ở với Hợi chỉ là chuỗi ngày góp gạo nấu cơm chung, phía trước mờ mịt tương lai, Ngọ đã tự biết đề phòng những trắc trở đường đời.

***

Ngọ đang chải tóc trong nhà thì Sửu xuất hiện, hắn nhăn nhở vẻ bâng quơ phun ra một câu vô nhân xưng:

- Kìa, hôm nay trông đẹp thế? Đi chơi đâu hay sao?

Đáp lại cũng là một câu hết sức ỡm ờ:

- Chẳng đi đâu cả, ở nhà đón anh Sửu.

Câu trả lời không có chủ ngữ, kèm theo một cú liếc sắc lẹm.

- Vậy à, thế có quà gì cho anh không?

Ngọ cong cớn:

- Còn quà nữa kia à? cái ao như thế mà chỉ thí cho 5 chỉ, nửa khuôn vườn nhả cho hai cây vàng, của nhà người ta anh coi như là bèo ấy…

- Kìa Ngọ, đừng nói thế. Rồi em sẽ hiểu.Từ khi em xuất hiện ở ngôi nhà này thì hàng xóm cũng thêm sinh động. Mỗi lần em vén quần rửa chân ở cầu ao, mái tóc xỏa ra, hình em in trong sóng sánh mặt ao, ở bên này ao nhìn sang, anh thấy trong lòng thương em. Không hiểu vì sao một người xinh đẹp, từng trải như Ngọ lại làm vợ một người vô nghề, vô cảm, chỉ nói  suông… Ngọ ạ, trong lòng anh từ lâu rồi thực  đã… thương em.

Nghe giọng lão lái trâu, Ngọ cũng bùi ngùi:

- Anh thương em thật ư?

Rồi chẳng hiểu thế nào, lão lái trâu đến gần Ngọ, ban đầu là giả vờ xem cái nhẫn hai chỉ vàng trên búp tay thon thả, rồi sau là cái đầu bóng mượt cứ di đi di lại trên ngực Ngọ.

Chính cái lúc ấy thì thằng Dần đi học về, nhìn thấy. Nó lùi lại sợ hãi rồi chạy ra cổng.

***

3.

Bán ao, bán nửa vườn ăn tiêu, mua sắm đếm đi đếm lại vẫn thiếu tiền mở cửa hàng, Ngọ lấn thêm bước nữa. Một buổi tối, ăn cơm xong Ngọ thì thầm với chồng:

- Em tính hay là ta bán cái vòng?

Hợi giật mình:

- Vòng nào?

- Vòng ngọc.

- Không được!

- Mình bán, khi nào có tiền lại mua cái khác.

Hợi tỏ ra xúc động:

- Bán ao, bán vườn là mạt hạng rồi, không được động đến bất cứ cái gì nữa. Mình không biết cái vòng là vật gia bảo của họ Lê, đã có hàng trăm năm nay, mà chỉ các nàng dâu trưởng tộc các đời mới được giữ.

Ngọ buông câu xanh rờn:

- Ôi dào, gia truyền với gia tộc. Bán đi khi có tiền lại mua.

Hợi vẫn không chịu:

- Mấy lại con nó đã lớn, nó hiểu biết. Không thể làm bừa.

Ngọ cười nhạt:

- Trẻ con biết cái quái gì. Mà có biết cũng chỉ là đồ trẻ con, đe nẹt là tịt hết, không tịt thì dỗ nó, hứa mua cho cái xe đi học, im ngay.

Hợi im lặng nhìn ra bờ ao. Mấy quả sung chín rơi tõm xuống nước làm bầy cá nhào đến tranh nhau, bọt nước tung trắng xoá.

Một đêm khác, Ngọ tỉ tê với chồng:

- Thôi, nếu không bán vòng thì mang đi cầm đồ lấy tiền vậy. Mình nhé?

Hợi xoay người sang phía vợ:

- Không được. Của thằng Dần... Đã bảo đừng nói chuyện ấy nữa.

Ngọ dỗi:

- Nói đến cái gì mình cũng Dần, Dần. Mình coi nó hơn em hả?

Nằm bên kia chái nhà, Dần nghe hết cả. Càng ngày lớn lên, đi học hiểu biết lẽ thiệt điều hơn, thì nó đã thành cái gai vô hình chọc vào mắt mẹ kế từ lúc nào không biết. Cũng từ lâu nó đã mơ hồ nhận ra bác Sửu hàng xóm thân tình với gia đình nó không giống nhà hàng xóm khác.

Nhiều lần đi học về, nó gặp bác Sửu ở cổng mà lần nào cũng đon đả hỏi thăm chuyện học hành của nó, có khi cho tiền mà nó không dám nhận. Cho tới hôm chính mắt nó không dám tin rằng cái người ấy dám ôm mẹ kế ngay trước ban thờ gia tiên nhà nó. Thằng Dần uất hận thay cha, nhưng nó không đủ can đảm nói với người lớn cái chuyện ghê tởm ấy.

Từ đó, nó nhìn Ngọ bằng con mắt khinh bỉ, căm thù, lì lợm. Nó đâu biết rằng đối với gia tộc họ Lê, mẹ kế nó đã như ấm trà pha loãng, đã gần như người ở trọ, nhưng xỏ mũi được ông chủ. Ngồi vào mâm, không nghe rõ tiếng mời của con chồng, Ngọ rít lên, đội môi tím lại, hai hàm răng nghe ken két:

- Không biết há mồm ra mời à? Giống con mẹ mày, mồm ăn thì có, mồm nói thì không.

Hợi thương con nhưng lại sợ vợ, chỉ biết làm thinh.

Một chiều, Dần ở đâu về cắm cổ đâm sầm vào Ngọ đang chuẩn bị thay quần áo ở gốc chuối bờ ao. Ngọ hét lên như bị rắn cắn:

- À, khốn nạn! mày giở trò gì thế? Thằng súc sinh?

Sợ rụt cả lưỡi, Dần vái lia lịa:

- Con lạy mợ, con vội lấy cái rổ sề để chụp con cá ngoài kia. Con không biết…

- Còn cãi hử, đồ chó!

Cơn bão đang sập xuống ngôi nhà có ba người.

Vừa lúc Hợi đi đến, Ngọ hét lên:

- Kìa ông bố, đứng ngây ra đấy hử, không về mà xem quý tử nhìn trộm dì ghẻ nó tắm, thay quần.

Hợi rùng mình kinh sợ, còn thằng Dần thì tái mặt gào to:

- Không phải đâu, bố đừng nghe vu oan.

Ngọ hai mắt trợn lên, môi tím lại:

- À mày cãi, mày chửi tao hả?

Rồi Ngọ khóc nấc lên, nghe như cha chết.

Thằng Dần giống con giun bị hắt bát nước vôi lên mình, nó cong người quằn quại. Hai tay huơ lên trong không gian trống rỗng:

-Đồ vu oan giá hoạ, đồ độc địa! Mẹ ơi, ấc ấc..

Nó ho sặc sụa một hồi rồi im bặt. Chỉ còn đôi môi mấp máy, tuyệt nhiên không nghe một âm thanh tiết tấu nào.

***

4.

Đang thơ thẩn ngoài vườn, Hợi thoáng thấy có người vào cổng. Nhìn kỹ là một cụ già quần ống sớ, áo the, tay cầm quạt thước. Cụ đi đủng đỉnh vào giữa sân. Cụ nhìn một lượt và thở dài. Hợi nhận ra cha, bèn vội chạy ra đón.

- Thày, thày đã về. Thày vào nhà đi.

Đúng là cụ tú Thân. Cụ không trả lời vào câu hỏi của con trai mà nghiêm giọng:

- Ta giao cơ nghiệp họ Lê cho anh, những tưởng anh chí thú nối nghiệp nhà. Ngờ đâu ra nỗi thế này! Cả giọt máu của ta cũng thành thân tàn ma dại.

Hợi sợ hãi quá nhìn ra mảnh vườn mà cụ tú đang bùi ngùi nhìn ngắm. Quả thực mảnh vườn xưa nay chỉ còn là khoảnh đất tiêu điều. Trước, mười mấy cây mít mật mít na, trồng bốn chung quanh vườn mỗi năm thu vài trăm quả; rặng chanh tứ thời xoè chùm hoa tím nhạt, mùa nào cũng thu vài ba thúng quả, nay xơ xác những thân cây xiêu vẹo, trơ trẽn quả bị bọ xít châm và xám xịt ruồi bâu…

Khuôn đất ông cha để lại vì nghe lời vợ, Hợi bán cho lão lái trâu một nửa để hắn làm chuồng trâu quay thẳng vào chính diện ban thờ. Cái ao hai sào hình bầu dục bây giờ cũng mất. Ngày trước ai đến thăm nhà đều đứng hồi lâu ngắm nhìn cái ao mà cho rằng phúc lộc từ đó sinh ra. Đấy là nơi tụ thủy tụ phúc của cha ông để lại.

Mùa thu nước ao trong vắt có thể in cả mây trời dưới nước. Những quả sung chín đỏ trên cây lõm bõm rơi xuống mặt ao như những giọt mưa đá, tạo thành vô vàn vòng sóng tròn xoe cắt giao nhau. Đàn cá ẩn nấp mép bờ hay dưới chùm rễ bèo tây lao ra tranh mồi. Những lần nhà có  khách, Hợi chỉ thả chiếc vó ở cầu ao rồi nhảy tùm xuống nước vẫy vùng khoả vỗ. Cụ tú trên bờ cầm cán vó nhấc lên, cá quẫy sùng sục, vảy lấp loá dưới nắng như dát bạc. Những con cá mè mình rộng hàng gang tay béo nhầy nhẫy ăn mấy ngày không hết.

Cái ao ấy lọt vào tay kẻ xóm giềng thật dễ dàng, mà Hợi chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Cổng, tường hoa xây từ năm cụ tú đỗ tam trường, nay rêu phong lở loét, bị trẻ con đào bới tứ tung. Đau đớn nhất là đứa cháu đích tôn những mong sau này giữ gìn hương hoả bị mất đi tiếng nói. Vì đâu mà nó lầm lũi, từa tựa bóng ma. Đôi mắt nó man dại nhìn mọi người như thể con mèo hoang nhìn thấy người lạ.

Hợi tấm tức khóc quỳ xuống ôm chân cha .

- Thày ơi, con xin thày tha tội. Mùi ơi (vợ cũ Hợi) ở suối vàng hãy tha thứ cho tôi. Con ơi, Dần ơi, bố thật không phải với con.

Hoá ra giấc mơ…

Hợi chưa từng biết điều này, đã lâu rồi ngôi nhà tuy có ba người chỉ hờ hững bên nhau. Người chồng như con mèo bị đốt trụi râu chỉ ngêu ngoao, đã mất hết hứng thú săn mồi. Người vợ nhìn chồng như một thứ củi mục hoá thành lân tinh, khi bốc cháy chỉ có kẻ nào yếu bóng vía mới khiếp sợ.

Thằng Dần bị câm đột ngột, ban đầu Ngọ dửng dưng bất cần, nhưng về sau thảng thốt không an, biếng ăn mất ngủ. Mộng mị, giật mình, Ngọ sọp đi tưởng như có ai xẻo thịt. Môi xám ngoét như miếng thịt trâu. Một nét cong từ tấm thân năm xưa thì bây giờ duỗi thẳng ra thành một đường chéo từ vai đến cặp mông dăn dúm, lép kẹp. Toàn cơ thể Ngọ rũ rượi y như mớ rau diếp để cạnh bếp than hồng.

Qua mùa đông giá lạnh và ẩm ướt, Ngọ hồi phục. Ngọ giơ bàn tay xương xảu nhìn về phía thằng câm vẫy vẫy. Nó nhìn thấy và lừ lừ tiến gần lại nhưng không còn cảm giác hãi hùng như trước. Dần ngồi sát mép phía cuối giường. Người đàn bà nhếch đôi môi nứt nẻ héo hắt, nói trong hơi thở thoi thóp:

- Dần ơi, hãy tha tội cho mợ. Bấy lâu nay mợ thực không phải với con, đã vẩy lên ngôi nhà này vết bùn nhem nhuốc. Mợ lừa dối cha con và làm hại con rồi. Hãy tha thứ cho mọi tội lỗi của mợ. Dầu có chết mợ mới nhắm mắt được…

Dần bị câm, nhưng tai vẫn biết nghe, và hiểu. Bỗng nó rối rít vung hai tay khô cứng và mấp máy đôi môi rồi tự nhiên bật ra một âm thanh rờn rợn nhưng đó là âm thanh của một con người:

Mợ … ợ… .  Mợ  đừng chết…. Mẹ ơi!

Người đàn bà toàn thân rung lên, khuôn mặt thoáng hồng lên như có hàng triệu triệu phân tử máu tươi đang dạt dào chảy trong huyết quản. Từ khoé mắt hai dòng nước nóng ấm chảy lăn trên gò má.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.