Thơ nặng tình đời ba miền đất nước
Nhà thơ Lê Xuân Đố (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) sinh năm 1943, ở một làng biển nghèo bên cửa sông Nhật Lệ, thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. Ông học Đại học Tổng hợp (khoa Ngữ văn, khóa 1965 - 1969) Hà Nội, cùng lớp với Nguyễn Minh Thuyết (sau này là giáo sư), Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hồng, Thái Thành Đức Phổ, Phạm Đình Ân... (sau này là các nhà thơ - nhà văn).
Buổi đầu ra trường, ông làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng các nhà thơ Trần Nhật Lam, Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Nguyễn Bùi Vợi, Lê Đình Cánh, Trần Mạnh Thường... Lê Xuân Đố là một trong số những người phát hiện ra giọng đọc thơ hiếm quý ở nhạc sĩ - nhà văn Nguyễn Đình San. Ông đã mời Nguyễn Đình San đọc thơ của nhiều tác giả, trình bày trên Đài một thời gian dài, gây được sự chú ý của nhiều thính giả.
Sau năm 1975, nhà thơ trẻ đưa vợ con từ quê Quảng Bình vào đoàn tụ ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi tiếp tục làm chương trình Thơ và Sân khấu cho đến khi nghỉ hưu. Ông đã xuất bản 5 tập thơ: Hồn nhiên (NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1988), Ngọn nguồn (NXB Văn học, 1999), Giọng muối (NXB Văn hóa - Thông tin, 2003) và Chúc phúc lá xanh (NXB Hội Nhà văn, 2020). Bài thơ Thức của tác giả như là chân dung Lê Xuân Đố đời và thơ.
Quảng Bình nặng lòng tiên tổ
Hà Thành thất thểu văn chương
Sài Gòn làm không kịp nhớ
Trở mình thức mấy quê hương.
Quảng Bình nặng lòng tiên tổ. Lê Xuân Đố sinh ra ở làng biển nghèo: Cha là ngư dân chọn biển để ra đời / Con cái sinh ra từ mùa sinh con … Bão biển ư / Không ồn ào tuyên ngôn máu lửa / Sóng gió dữ dằn cũng mặt biển đấy thôi / Sau bão là biển lặng yên đẹp tựa gương trong / Soi đầy khăn tang nước mắt. Từ thuở ấu thơ, đối với ông, biển là cha, bờ là mẹ và ngược lại. Biển dữ dội và lặng yên sinh ra tính cách nghệ thuật thơ ông lửa cháy và cả trữ tình.
Nhà thơ Lê Xuân Đố
Nếu không sinh ra ở biển, không là con của biển thì ông không thể có bài thơ “Bão”: Ngọn gió hai chiều thổi gió từ đâu / Bão đất chấp cùng bão biển / Thuyền che giờ nơi đâu / Gió thổi lạnh tang đầu mẹ / Con bơ vơ giữa biển và bờ… Tiếng con gọi khắp biển bờ / Chìm trong nước bạc bao giờ nổi lên. Mẹ là bờ, sống nhờ biển và chịu nhiều bão tố: Cây liễu gió mẹ chịu đầu mũi cát / Thuyền và hải lưu bạn đời phiêu bạt / Mẹ nỗi chờ găm mảnh ánh trăng. Bài thơ đầu tay về mẹ là một bài thơ hay của đời thơ ông: Mẹ là lửa trong bếp / Khói ấm trên mái nhà / Dành cho con những gì ăn được uống được / Còn mẹ ăn gì mà sữa ngọt / Có ai vì mẹ mà ta sống.
Cha mất năm Đố 14 tuổi, hình ảnh người cha đánh cá ám ảnh ông suốt đời: Sau hoàng hôn đêm phố sáng đèn / Vẩy cá lưng cha trứng cá mắt lưới / Thèm mặt trời biển / Nước mắt gọi cha / Long lanh giọt nguồn vớt lên mẻ cá cầu vọng. Quê ông Quảng Bình đang thời chiến tranh phá hoại ác liệt, bài thơ “Hoa biển” có những câu đẹp thế này: Con gái là bờ con trai là biển / Sóng mạnh mẽ yêu bờ đằm thắm / Bờ tắm sóng da cát mịn màng / Con trai thương con gái gọi tên hoa biển … Chiến tranh mang con trai đi xa biển bờ / Tim con gái biển động / Sóng có thể cảm thông bào giũa / Ngực bớt nhức căng con gái dậy thì / Nhưng dấu nằm cát không chịu xóa / Hình bóng con trai tiếng sóng đi về.
Hà Thành thất thểu văn chương. Thất thểu trăm phần trăm nghĩa đen. Những ngày đầu viên chức giống như người dân thời chiến tranh khốn khó, hiểm nguy. Ông lập gia đình, lấy vợ tận Quảng Bình quê nhà xa xôi cho nên càng trắc trở, vất vả muôn phần. Hà thành vẫn giữ cho thi sĩ phong độ hào hoa, tao nhã. Lê Xuân Đố chàng trai làng biển miền Trung thông minh đa cảm, ham hiểu biết bởi sức hút tinh hoa căn cốt, văn hiến cội nguồn. Tích lượng tình yêu và văn hóa ấy, đã giúp ông sáng tác được gần hai mươi bài thơ về Hà Nội.
Có một kỷ niệm mà ông sướng và khoe rất hồn nhiên: Nhà thơ Bằng Việt và cả nhà thơ Vũ Quần Phương tuần đầu nhậm chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đều đăng nguyên trang thơ viết về Hà Nội của Lê Xuân Đố trên báo Người Hà Nội. Bài thơ “Nhớ Hà Nội”: Có thể người đi không thấy mặt / Nhưng mùi hoa sữa đã đưa qua / Có thể mười năm không dạo bờ hồ Hoàn Kiếm / Lòng dạ ta mềm liễu từng ngày / Đường đời lắm khi chân không nhấc nổi / Tâm hồn mở năm cửa ô / Rét mướt gió mùa đông bắc không thổi tới / Lòng ta sấu rụng ngày ngày.
Khi Hà Nội mở cửa kinh tế thị trường, lắm bê tông sắt thép, cũng lắm bụi rác mịt mờ, Lê Xuân Đố lo lắng dõi theo. Ông thầm gọi Hà thành như trong mơ gọi về nguồn cội: Gõ cửa phố cổ ba sáu phố phường như gõ lên trăng / Có người Tràng An đấy không? / Mây thời gian gặp rêu phong kết tụ / Sự sống giữa tường long vôi cũ / Khát khao nén chặt / Tưởng đụng vào bung vỡ. Cũng trong bài thơ này ông tỏ lòng yêu phong thái, cốt cách người Hà Nội một cách thành kính:
Vòng xoay Bờ Hồ bước người không dứt như đèn kéo quân
Khoan thai theo cách người Tràng An lên chùa.
Thời tuổi trẻ của Lê Xuân Đố: Hà thành thất thểu văn chương nhưng nơi ấy là bà đỡ văn chương thơ ca của ông, là quê hương thứ hai của ông.
Sài Gòn làm không kịp nhớ. Rất đúng với Lê Xuân Đố và nhiều người. Làm thơ cần lắm đam mê nhưng mưu sinh cần hơn. Khi ông ra khỏi thời hồn nhiên mơ mộng đất Hà thành thì tại cuộc đánh cược có một không hai này, ông quá vất vưởng. Đồng lương một mình công chức, vừa lo ăn cả nhà vừa chạy việc cho vợ.
Bước đầu ông nhập cuộc thơ vỉa hè, chén rượu trái cóc: Nâng chén cay chòng chành giọt quý/Đời xấu xa uống cho đẹp cái đời. Rồi thơ chợ búa, thơ khốn khó: Bần sĩ về nương bóng chợ / Một gian nhà sập gió mưa tuôn / Ăn giỗ trẻ con từng xu nhỏ / Chau mày người lớn nghẹn áo cơm / Văn chương bỏ mối xông bụi / Cửa mở mắt vô hồn. Rồi nhà thơ cũng đón được làn gió mới, cuộc sống khác của phương Nam. Xuống Vũng Tàu tắm biển, thi sĩ có bài thơ “Tình ca Vũng Tàu” mang một tâm cảm khác: Bắt đầu hai tiếng em anh / Biển thành hơi thở sóng thành cõi mê … / Nước non một khoảng nuông chiều / Cái hôn trong sóng đến điêu đứng bờ.
Qua nhiều ngày sống bụi, Lê Xuân Đố ngỡ ngàng yêu Sài Gòn khi nào không biết, để rồi mỗi lần đi xa lại nhớ: Dễ thương lại những hàng me quên lãng / Những mối tính lãng đãng mưa thưa / Làm mát lại ruột gan thành phố / Ánh đèn vàng đốt cháy một đời xưa.
Cuộc sống của ông nhờ cô vợ xinh đẹp hảo tâm - cô dân quân du kích ngày trước ở đất lửa Quảng Bình. Nhờ bạn bè đồng nghiệp thơ phú, rượu chè níu kéo, giúp chỗ ở, nơi làm. Gia tài ông có được là một cửa hàng rồi mở công ty trang trí nội thất. Trả hết nợ tiền in mấy tập thơ đầu và cùng vợ chăm nuôi ba con gái, một con trai ăn học đàng hoàng. Lê Xuân Đố ân tình nhận Sài Gòn là quê hương thứ ba.
Chữ tràn ngoài trang giấy. Thơ trong hồn lửa cháy / Cửa trời hun hút sao khuya / Chữ tràn ngoài trang giấy / Lửa bùng tro chữ bay đi. (“Chữ”)
Đọc cả 5 tập thơ Lê Xuân Đố mới thấy những bước chuyển của nhà thơ này. Từ thuở đầu thơ thế sự hay trữ tình đều thơ rút ruột, da diết cội rễ, cội nguồn đến bứt phá để hiện đại hơn, trữ tình hơn, nhân sinh, thời cuộc hơn. Lê Xuân Đố gởi gắm, mong mỏi, tranh luận khốc liệt như lẽ sống của mình: Với bùa mê thơ / Anh thiêu thân thức trắng / Như trọn đời với em / Ngọt ngào cay đắng “trăm phần trăm”. Lê Xuân Đố viết về thơ: “Thơ”, “Hồn xác và thơ”, “Gặp lại bạn thơ”, “Hoa hồng em và thơ”, “Trình diễn thơ”, “Già trẻ uống rượu đọc thơ”, “Nàng thơ”, “Tiệc thơ”…
Kể cả hai mươi bài chân dung nhà thơ, thì có đến trên bốn mươi bài nói đến thơ. Lê Xuân Đố yêu thơ, say thơ đến mức kỳ lạ, hầu hết bạn thơ văn đều xác nhận. Ông nhà thơ với rượu và bạn không thể tách rời. Mỗi lần cầm chén rượu hay vào cuộc bia ông đọc thơ khi như hét, lúc trầm lắng như đứt hơi và … khóc! Khóc nín, khóc òa nức nở… đã thành giai thoại dễ thương về Lê Xuân Đố.
Thơ ông không theo mốt thời thượng. Ông vẫn bám hơi thở đời sống: Nhà nông ngửa mặt cầu cậu cầu cô / Chờ vợ đẻ con chờ đất đẻ củ / Chờ mưa nắng yêu nhau / Phồn thực mùa màng / Tuổi già lột da trẻ lại "Mưa nắng yêu nhau". Và gắn với thiên nhiên. Tập thơ Chúc phúc lá xanh xuất bản 2020, sáng tác sau 17 năm, tính từ tập thơ thứ tư Giọng muối xuất bản năm 2003. Giai đoạn này đất nước mở cửa thơ cùng với mở cửa kinh tế thị trường, giới văn nghệ gọi là cởi trói.
Lê Xuân Đố thoáng đãng tự do thơ như mở chân trời. Câu từ bất ngờ hơn, câu chữ xô lệch, mở rộng biên độ nội dung cảm xúc với nhiều vấn đề tình cảm, xã hội. Trong tập thơ này bạn đọc dễ nhận ra một số ít bài thơ có hơi hướng Hậu hiện đại. Nhưng ông không làm thơ mốt thời thượng, kiếm tìm lối nghĩ, cảm hứng khác lạ. Ông vẫn gắn với hơi thở cuộc sống và thiên nhiên.
Tuy trong đời nhiều vất vả, giằng xé, nhưng bản tính của ông vẫn hồn nhiên, giản dị tự cội nguồn quê cha đất tổ. Lê Xuân Đố vẫn trở về thơ trữ tình truyền thống. Ông cho rằng cách tân thơ phải từ gốc. Thế giới cũng gọi thơ “Tân cổ điển” đấy thôi. Ông trở về tìm cái đẹp, cái khuất lấp, ẩn chìm bên trong đời thực; ở đó cái ác, cái thiện được phơi bày công bằng, nghiêm khắc trên cơ sở tình yêu đồng loại. Thơ ông giản dị mà sâu sắc, rung động đến ám ảnh.
Nhân dịp nhà thơ Lê Xuân Đố tròn tuổi tám mươi, xin chúc ông vẫn dạt dào cảm xúc thơ ca, mong ông viết thêm được nhiều tác phẩm mới tâm đắc.

Năm 2020 là năm gặt hái của nhà thơ Lương Hữu Quang khi anh đoạt đến 4 giải thưởng văn học tầm cỡ quốc gia: 1/ Giải...
Bình luận