Thời gian (truyện ngắn)
Hai mẹ con Viễn được ở trong một gian buồng nhỏ của dãy nhà phụ, chuyên lo việc nấu ăn và làm vườn. Viễn muốn quên đi quãng đời với thân phận là thằng bé sai vặt con của một người hầu gái. Nhưng rồi Viễn đã không thể quên khoảng thời gian ấy vì một sự kiện hằn sâu mãi trong tâm trí...
Ông Viễn đứng khá lâu trên con phố vắng, ngước nhìn cái biển hiệu của một cửa hàng đồng hồ với chiều rộng suốt mặt gian nhà và chiều cao che hết tầng hai ngôi nhà. Một nửa biển hiệu là hình ảnh đen trắng một thiếu nữ mặc áo dài kiểu những năm 30 thế kỷ trước, đứng dựa vào chiếc đồng hồ tủ kiểu cổ, mặt buồn như một chinh phụ tựa cửa trông ngóng điều gì sắp đến hoặc luyến tiếc điều gì đó đã qua. Nửa còn lại của biển hiệu là tên cửa hàng với hai chữ “Thời gian” kiểu gô-tích.
Ông Viễn bước vào gian hàng, nhưng ông vội nhăn mặt khi thấy các loại đồng hồ điện tử đời mới bày loạn xạ. Ông đã định ra khỏi đây thì một thằng bé chừng hơn hai mươi tuổi, đầu trọc, quần thụng nhiều túi, bước đến:
- Ông mua gì, cháu tìm cho? - Thằng bé nói với khách mà mắt vẫn dán vào chiếc điện thoại trên tay. Ông Viễn hỏi:
- Cửa hàng có còn loại gì khác không?
- Gian ngoài đây là các loại thông thường. Ông muốn “hàng độc” thì vào trong này, nhưng giá mắc lắm đấy. Thằng nhãi có vẻ khinh thường bề ngoài của ông. Ông Viễn toan quay ra, nhưng ý nghĩa của cái biển hàng ngoài mặt tiền đã giữ chân ông lại. Ông theo thằng bé lách qua những quầy tủ hỗn độn, đi vào gian trong.
Gian phòng khá lớn không có cửa sổ, chút ánh sáng vàng mờ từ chiếc đèn chùm trên cao chỉ để soi lối đi.
- Đây, ông duyệt “con” nào, bảo cháu.
Thằng bé nói và bật công tắc. Đèn rực sáng. Những đồ vật trong gian hàng như đang trong giấc ngủ mơ màng chợt bừng tỉnh. Ông Viễn đứng sững, choáng ngợp trước những chiếc đồng hồ tủ xếp thành hàng dọc hai bên tường, nghiêm chỉnh như đội vệ binh. Ông cố trấn tĩnh để ngắm nhìn những thứ mà ông chỉ thấy trong mơ. Westminster, Odo, Ridgeway, Hermle... như cách nói bây giờ, những mẫu đồng hồ huyền thoại.
Ông khẽ thở dài đau khổ: Tại sao mình có thể sống nổi đến bây giờ khi không có dù chỉ chiếc ít tiền nhất trong số những chiếc đồng hồ này? Nỗi khao khát dày vò ông dai dẳng như một vết nội thương, cứ đau mãi mà không lành. Ông từng nghĩ, nếu chịu bớt đi một số tuổi thọ để có chiếc đồng hồ như ngày xưa, ông sẽ không đắn đo mà bằng lòng ngay.
- Con Junghans này của Đức thời Hitler, “chất” còn hơn chín mươi phần trăm. 8 gông, 8 búa, chơi bài “Oét” nghe chết điếng luôn... - Thằng bé nói về những chiếc đồng hồ với vẻ say sưa.
Ông Viễn mỉm cười vì cái câu “chết điếng” của thằng bé.
- Còn con này, đời sau, 12 gông, chơi ba bài. Ông nghe bài “Sanh” hay tê tái… - Thằng bé vẫn nói như cái máy.
Ông Viễn đưa tay chạm vào vỏ một chiếc đồng hồ có thân tủ uốn lượn giống một loại nhạc cụ. Ông rụt rè xoa nhẹ lớp vỏ gỗ, thận trọng như một gã trai mới lớn chạm vào thân hình người yêu đầu đời.
Ông nhớ chiếc đồng hồ tủ đầu tiên đã khiến ông, lúc đó là một chú bé mười tuổi, bị choáng ngợp, để rồi sau đấy nhớ mãi về nó suốt phần đời còn lại.
* * *
Thằng bé Viễn mồ côi bố. Mẹ Viễn là người ở cho nhà ông Lẫm, một vị công chức khá giả có ngôi biệt thự lớn trong ngôi làng cổ ven thành phố. Nhà ông Lẫm chỉ có hai vợ chồng và đứa con nuôi là Lâm, cũng là một thằng bé người ở không công. Hai mẹ con Viễn được ở trong một gian buồng nhỏ của dãy nhà phụ, chuyên lo việc nấu ăn và làm vườn. Viễn muốn quên đi quãng đời với thân phận là thằng bé sai vặt con của một người hầu gái. Nhưng rồi Viễn đã không thể quên khoảng thời gian ấy vì một sự kiện hằn sâu mãi trong tâm trí.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Hôm ấy, ông Lẫm đem về một chiếc đồng hồ tủ hiệu Comtoise, cao sừng sững như cái tủ đứng, vượt đầu Viễn. Mặt vỏ gỗ bóng loáng, vec-ni màu nâu sẫm có những hình chạm khắc tinh xảo. Một anh thợ của chi nhánh hãng ở Hà Nội đến tận nhà để lắp ráp chiếc đồng hồ.
Viễn và thằng Lâm đứng cách xa nghiêng ngó, rất thán phục. Ông Lẫm luôn miệng đe nẹt:
- Liệu hồn chúng mày đấy. Tránh xa ra, táy máy làm sứt sát gì thì chết đòn.
Hai đứa trẻ không thể hình dung có chiếc đồng hồ vĩ đại thế này. Anh thợ đồng hồ vẻ mặt quan trọng vừa lắp ráp vừa giảng giải cho ông Lẫm:
- Tủ này đóng bằng gỗ hồ đào, ta gọi là óc chó. Gỗ này bền đẹp, lại làm cho tiếng chuông âm vang. Mặt số bằng sứ gắn chữ số La Mã đúc bằng đồng vàng. Loại này quý lắm đấy ông chủ ạ.
Ông Lẫm cười sung sướng. Chợt anh thợ ngoái đầu bảo hai đứa trẻ:
- Hai thằng cu đến đây đỡ bộ tạ xích này.
Viễn và Lâm hớn hở đến bên người thợ. Nhưng ông Lẫm đã kêu lên:
- Không được! Hai thằng hậu đậu này lỡ tuột tay thì chết. Để đấy tao.
Người thợ đưa ông Lẫm đỡ bộ tạ xích với quả lắc, nâng cỗ máy lên ngắm nghía, rồi tặc lưỡi trầm trồ:
- Cháu đã lắp hơn năm chục chiếc đồng hồ tủ mà chưa thấy chiếc nào như thế này. Nó không dùng máy Đức mà lắp máy chính hãng Comtoise bằng đồng vàng dày dặn tinh vi quá... Bộ “gông” không chê vào đâu được. Ông chủ cẩn thận bộ “gông” này, lỡ bị gãy hỏng thanh nào là phải gửi đặt mua tận bên Pháp vì chất đồng, thép như của nó bên ta không chế được…
Ông Lẫm lo lắng về sự phức tạp đó. Ông thân mật bảo anh thợ:
- Rắc rối quá, tao đếch biết gì cả. Nếu có làm sao, tao đánh dây thép mời cậu xuống đây. Mọi phí tổn tao chịu.
Anh thợ cười. Lắp ráp xong, anh ta thử nhạc chuông. Viễn và Lâm há miệng kinh ngạc vì lần đầu tiên chúng được nghe tiếng chuông du dương ngân nga vang khắp ngôi biệt thự. Những âm thanh trang trọng trong buổi thánh lễ ở ngôi nhà thờ bên làng đạo Giáo Thượng mà chúng đã biết:
- “Cúi xin Đức Mẹ... Cầu xin Chúa Cha”... Anh thợ giảng giải: Đây là bài Westminster. Ông chủ với hai cậu kia nhớ đấy. Nếu nghe thấy âm thanh bị sai lệch thì phải gọi thợ đến chỉnh.
Trước khi đi, anh thợ hướng dẫn cách sử dụng và bảo dưỡng chiếc đồng hồ.
Ông Lẫm đích thân lên dây cót đồng hồ được vài tuần. Rồi sau, có lúc ông bận, quên bẵng đi; đến hạn, Viễn phải nhắc. Một lần ông Lẫm về quê, chiếc đồng hồ hết cót, bị chết. Khi về, ông Lẫm loay hoay không biết làm thế nào để lấy lại giờ thì Viễn bảo, nó có thể lấy lại giờ theo cách anh thợ đã chỉ dẫn. Ông Lẫm cho phép. Viễn lên dây cót, một tay khẽ lôi căng sợi xích kéo từ từ xuống, một tay nâng nhẹ từng quả tạ, đưa lên cao. Rồi nó lấy lại giờ theo chiếc đồng hồ để bàn. Nhìn Viễn làm có vẻ thành thạo mà cẩn thận, ông Lẫm rất hài lòng, bảo: “Từ nay thằng Viễn lên dây cót đồng hồ”. Rồi đến lúc mọi người trong nhà coi chiếc đồng hồ cũng chỉ là một đồ vật thông thường như những thứ khác, chẳng còn để ý nữa. Riêng Viễn vẫn chăm sóc lau chùi hàng ngày làm chiếc đồng hồ lúc nào cũng sáng loáng như khi mới đem về.
* * *
Mẹ Viễn tái giá, lấy một ông góa vợ làng bên, để Viễn ở lại ngôi biệt thự. Ban ngày mẹ Viễn vẫn đến giúp việc nhà ông Lẫm. Chiều tối, nấu ăn xong, mẹ về nhà chú dượng.
Đêm đầu tiên nằm một mình trong căn buồng, Viễn không thấy sợ hãi vì ngoài kia là khu vườn thân thuộc. Nhưng đêm tĩnh mịch quá. Mọi đêm, mẹ cho Viễn gối đầu tay, thì thầm những chuyện cổ tích mà Viễn đã thuộc lòng, cho đến khi Viễn ngủ thiếp đi. Bây giờ không còn tiếng thì thầm của mẹ, Viễn buồn ngủ, mơ màng, mà không sao ngủ được. Chợt tiếng chuông đồng hồ từ nhà trên vọng xuống ngân nga, rõ ràng: “Cúi xin Đức Mẹ... Cầu xin Chúa Cha...”. Rồi bộ “vồ” gõ hợp âm báo giờ. Viễn nhẩm đếm. Mười tiếng. Những đêm trước Viễn không nghe tiếng chuông đồng hồ ấy. Có lẽ nó mải nghe tiếng mẹ nói chuyện.
Đã mười giờ đêm... “Cúi xin Đức Mẹ”... Đức Mẹ Maria trong bức tranh tường nhà thờ Giáo Thượng. Người đàn bà đẹp khoác chiếc áo choàng trắng, tay ôm Chúa hài đồng, mặt buồn rười rượi.
Những đêm sau, tiếng chuông đồng hồ ngân nga thân thiết vẫn vọng đến ru Viễn ngủ. Mỗi khi đến bên chiếc đồng hồ Viễn như thấy sự thân ái của một người bạn. Tên người bạn ấy là “Comtoise” (Công-toa). Viễn thuộc từng chi tiết của Comtoise, từ mặt tủ gỗ bên ngoài đến cỗ máy. Chỉ riêng Viễn nhận ra cái họa tiết chạm trổ hình hoa huệ tây rất đẹp trên trán Comtoise có một vết mắt gỗ màu nâu sẫm ở nhánh chính giữa. Khi vắng người, Viễn vuốt ve Comtoise, âu yếm như là thứ của riêng mình.
Có lần vắng người, Viễn mở cánh tủ tìm một chỗ khuất bên trong chiếc đồng hồ, dùng bút chì nguyên tử, cách gọi bút bi thời ấy, nắn nót ghi vào dòng chữ trích trong một bài thơ tiếng Pháp mà thầy giáo cho học thuộc lòng:“ Oh le temps, s'il te plaît, ne vole pas trop vite” (Thời gian hỡi, xin đừng bay vun vút). Câu thơ như một dấu tích riêng của Viễn trong lòng Comtoise.
* * *
- Bác vào đây đã chọn được chiếc đồng hồ nào chưa ạ?
Tiếng nói ngay bên cạnh làm ông Viễn khẽ giật mình. Gã trai chừng ngoài ba mươi tuổi dáng vẻ lịch thiệp từ đâu đến bên ông.
- Có cậu bé ngoài kia đưa tôi vào. Anh là chủ cửa hàng này à?
- Vâng, cháu thuê gian trong này, gian mặt đường của bà chị. Thằng bé ấy là con bà chị cháu. Bác cũng chơi đồng hồ cổ?
- Vâng, tôi thích... chủ yếu là đồng hồ tủ.
- Bác cần loại nào ạ?
Ông Viễn biết mình không thể mua được chiếc đồng hồ nào ở đây. Ông chỉ muốn ngắm nhìn để hồi tưởng mà thôi. Nhưng người ta buôn bán làm ăn, đâu có thì giờ chiều một người chỉ đến ngắm hàng chơi. Ông nghĩ cách kéo dài thời gian bên những chiếc đồng hồ:
- Tôi... tôi tìm một loại đồng hồ tủ kiểu cũ, nhưng không thấy có ở đây...
- Bác đã xem những chiếc dãy bên phải kia chưa?
- Tôi xem rồi. Odo, Westminster, Ridgeway, Kieninger, Junghans, Hermle... toàn loại từ những năm 1950, 60,… Đẹp lắm, nhất là chiếc Odo kia.
Anh chủ cửa hàng tỏ ý sung sướng:
- Đấy là những chiếc thuộc loại nhất mà con có. Trong số ấy có cái con không bán, chỉ bày cho đẹp thôi. Vậy bác cần loại nào, con tìm giúp?
Ông Viễn ngập ngừng, rồi thân mật nói với anh ta:
- Bác biết, những đồng hồ của cháu đều thuộc loại rất quý hiếm. Tuy vậy, bác muốn được thấy chiếc đồng hồ tủ dòng Comtoise, đồ Pháp complet. – Ông Viễn dừng một chút rồi nói thêm - Nhất là của xưởng đồng hồ Morez vùng Jura..
Anh chủ hàng rướn cặp mắt nhìn ông Viễn. Anh ta đã vào nghề gần 20 năm nay, tự cho mình là “mọt đồng hồ”, vậy mà đây là lần đầu gặp một người nhắc đến cái xưởng đồng hồ nổi tiếng dưới chân núi Jura, nước Pháp.
- Ô, bác cũng biết đến loại đồng hồ chế tác ở Jura? Vùng núi Jura là một trong những điểm du lịch hạng nhất của Pháp. Cháu từng đến đấy. Hỏi cái xưởng chế tạo đồng hồ thời sau thế chiến, chẳng ai biết. Đặc sản Jura giờ chỉ còn rượu và phô mai. - Rồi anh vui vẻ thân mật nói với ông Viễn: “Bố lên đây xem thử chiếc này”.
Họ lên căn gác nhỏ chỉ bày một chiếc đồng hồ cổ bên chiếc giường sắt uốn hoa văn cũng là loại cổ.
- Đây, bố xem có phải là người tình trong mộng của bố không.
Ông Viễn bàng hoàng khi nhìn thấy chiếc đồng hồ Comtoise. Mặt số bằng sứ, chữ số La Mã nổi bằng đồng vàng có ghi chữ “Louis Jaquine” và “St. Etienne”, tên người chủ và hiệu đồng hồ. Họa tiết chạm nổi mặt gỗ trên trán tủ hình hoa huệ tây, và... trời ơi, cánh hoa chính giữa có một mắt gỗ sẫm màu!
Anh chủ hàng nghĩ rằng ông Viễn đã “tê tái” khi thấy món hàng “độc” này, nói theo cách anh ta dạy thằng cháu vào nghề chào hàng.
Đúng rồi...
- Cháu... Con mở cửa ngăn máy cho bác xem chút. - Ông Viễn run giọng, giọng thân mật như để lấy lòng gã chủ hàng. Gã ta mở ngăn máy:
- Bác đứng lên ghế này nhìn cho rõ.
Ông Viễn nén hồi hộp nói với anh chủ cửa hàng:
- Con hộ bác,... soi nhìn ở vách hậu, phía trên bộ gông, búa... xem có một dòng chữ tiếng Pháp không?
Anh chủ hàng bật đèn chiếc máy điện thoại, nghiêng ngó một lúc, rồi bảo:
- A, có… Có dòng chữ bác ạ. Nhưng... không phải chữ in của đồng hồ mà là người ta viết vào.
Tim ông Viễn đập như loạn nhịp. Ông lấy bút và cuốn sổ nhỏ ghi số điện thoại trong túi, viết vội dòng chữ: “Oh le temps, s'il te plaît, ne vole pas trop vite!” đưa cho anh ta: “Có phải những chữ này không?”
Anh chủ hàng rọi đèn, chăm chú đối chiếu, rồi kêu lên thích thú:
- Ồ, đúng rồi!... Thế là thế nào, bác?
Ông Viễn ngồi xuống chiếc giường lò xo, sợ rằng mình sẽ không đứng vững vì cuộc tái ngộ sau sáu mươi năm:
- Đây... là người tình của bác, như con nói... Bác đã sống bên nó suốt tuổi thiếu niên. Con cho bác nghe tiếng nhạc chuông được không?
- Dạ được ạ!
“Cúi xin Đức Mẹ”... “Cầu xin Chúa Cha”... Những âm thanh ngày xưa. Ngôi biệt thự cổ với khu vườn ngập ánh trăng. Sau này, những âm thanh giáo đường ấy đã xoa dịu tâm hồn của người đàn ông độc thân trơ trọi.
* * *
Một lần ông Viễn trở lại ngôi biệt thự, với mái tóc bạc. Ông bà cụ Lẫm không còn. Lâm ngày xưa giờ là ông Lâm làm chủ khu nhà, cũng râu tóc bạc phơ. Lâm nghèo, rao bán ngôi biệt thự nhưng không ai mua. Ngôi biệt thự hoang tàn không được tu sửa, mái ngói đã sụp. Chiếc đồng hồ tủ đã bán đi từ lâu.
Cũng như ông Viễn, chiếc đồng hồ đã lưu lạc khắp nơi, bây giờ nó ở đây, ngày ngày gõ nhịp đều đặn, giống một người sống từng trải với trái tim già nua đập mệt mỏi trong nỗi hoài niệm. Nó có linh hồn, ông Viễn tin thế. Comtoise cũng nhận ra cố nhân và cũng vui sướng như ông. Giá như ông có lại chiếc đồng hồ này thì cả hai sẽ không cô độc nữa. Nhưng mà cả hai, ông và Comtoise cùng bất lực vì không thể trở lại với nhau nữa.
- Bác có muốn mua con đồng hồ này không? Mặc dù không muốn bán, nhưng thấy bác đã gắn bó với nó từ xưa, con có thể bán cho bác.
Mắt ông Viễn sáng lên:
- Con định bán giá bao nhiêu? - Ông hỏi và vẫn luôn nhớ rằng mình không có khoản tiền nào khác ngoài chút lương hưu cho cuộc sống đạm bạc.
- Với bác, con chỉ lấy giá gốc và chút công chăm sóc hơn năm nay.
Anh ta nói giá tiền. Con số quá lớn. Ông Viễn cười buồn:
- Bác về thu xếp. Nếu sau một tuần bác không đến thì con bán cho người khác vậy. Bây giờ… cho phép bác lên dây cót cho nó.
- Vâng, bác cứ tự nhiên.
Ông Viễn đến bên Comtoise thân thuộc của ông. Sáu mươi năm rồi. Tim ông đập nặng nhọc trong nỗi luyến tiếc. Ông mở cánh cửa kính ngăn dưới, và theo trình tự từ trái sang phải, như lời dặn của người thợ đồng hồ ngày xưa, một tay nâng quả tạ thứ nhất, một tay nhẹ kéo dây xích... Quả tạ thứ hai... Quả thứ ba... Ông run run đóng cánh cửa lại, rồi đứng lên chiếc ghế nhỏ mở ngăn máy nhìn lại dòng chữ viết từ sáu mươi năm trước. Những nét chữ vụng dại của chú bé mười tuổi: “Oh le temps, s'il te plaît, ne vole pas trop vite!”. Ông vuốt ve mặt kính và họa tiết bông hoa huệ tây, dịu dàng như cử chỉ âu yếm với người tình.
Phải cố gắng lắm ông Viễn mới có thể rời khỏi chiếc đồng hồ. Xuống đến chân cầu thang, ông nghe thấy bản nhạc Westminster báo 4 giờ chiều. Tiếng chuông ngày xưa đã vỗ về giấc ngủ chú bé Viễn cô đơn trong đêm vắng lặng:
- Kính xin Đức Mẹ... Cầu xin Chúa Cha...
Lời nguyện cầu dù chỉ là cầu xin một điều đơn giản nhưng ông Viễn biết rằng sẽ chẳng bao giờ được toại nguyện. Ông chuyển dịch thành nỗi xót xa nuối tiếc khi thời gian trôi đi:
- “Tháng năm qua rồi... Còn thương tiếc chi”...

Sau buổi họp, tôi lên phòng ông trưởng phòng tổ chức truy hỏi. Ông xòe bàn tay, xoa xoa ngón cái vào những ngón kia bảo tại...
Bình luận