Tinh hoa văn hiến trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du gồm khoảng 249 bài tập hợp thành 3 tập: “Thanh Hiên thi tập” (tiền tập và hậu tập), “Nam Trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục”. Đề tài thơ chữ Hán của thi sĩ họ Nguyễn thật đa dạng, cảm ứng sáng tạo của nhà thơ thật dồi dào, thi pháp mô tả nhiều vẻ; duy có một đặc điểm nổi trội hơn cả là lớp phù sa văn hiến được trầm tích ở ba lớp nội dung sau: nỗi hoài về quê hương Hà Tĩnh (xứ Nghệ), sự đồng cảm với bi kịch của những người hiền tài và lòng thông cảm mênh mông đối với mọi kiếp người.

1. Nỗi hoài vọng về quê hương Hà Tĩnh

Nói đến quê hương Hà Tĩnh, hồn quê xứ Nghệ, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất “địa linh đa tuấn kiệt” của Tổ quốc, nơi có Hồng Lĩnh sừng sững, có Lam Giang mênh mông mà nhiều doanh nhân đã ca ngợi. Đọc những bài thơ trong Thanh Hiên thi tập, chúng ta gặp những địa danh: non Hồng, sông Quế, ngàn Hống, sông La Phù, Lam Giang, Hoành Sơn, thành Ông Ninh, núi Quyết... Những địa danh này đều có cảnh ngoạn mục, cảnh sinh tình:

Non Hồng, sông Quế cảnh cao thâm

Đêm này ngàn Hống trăng tròn soi

Chớ lo hẻo lánh không bầu bạn

Cảnh sẵn Hồng Lam đủ vịnh ngâm...

Và đây là cảnh nơi ở ẩn và người ở ẩn: 

Đào rụng đầy sân lá tiếp hoa

Một gian lều nát khép lơ là

Trọ đâu quên bẵng thân là khách

Năm tháng trôi mau tuổi bỗng già   

(U cư)

Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, cảnh nào cũng có người: một bác nhà nho nghèo nhà ở mé sông (Mạn hứng), người khuê phụ chốn phòng không (Thu dạ II), khúc hát thôn quê, tiếng khóc đồng nội (Thanh minh ngẫu hứng), bác ngư tiều ở nam sông (Thôn Dạ), thậm chí trong chiêm bao đến, chiêm bao đi, nhà thơ cũng mong thấy người đẹp, nhưng chẳng thấy nữa (Ký mộng)... đủ biết tình người đa đoan, tấc lòng rối bời, nỗi niềm lai láng của nhà thơ biết chừng nào đối với cảnh và tình người được miêu tả.

Mai sớm nhìn sông Lam, nước tràn bờ, sông dâng hiểm nguy, nhà thơ thấy lo ngại cho sự sống người dân ở hai bờ. Bên bãi sông Long Vĩ có nhiều chim âu trắng, một bác hàn nho ở mé sông, thơ phú suốt đời, sách đàn đầy gió, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Sông Lam lắm thuồng luồng, đường sá trắc trở, thể chất yếu đuối biết nhờ cậy ai? Nhưng cũng có lúc tình cảm lớn của nhà thơ không cho phép nhân vật trữ tình dừng lại ở nỗi niềm, khi việc cũ anh hùng vẫn còn treo ở bên sông, gợi lại chuyện hận thù còn mang nợ:

Mười năm hận cũ còn chưa trả

Cung kiếm ca hoài ta ngắm mây

(Thành ông Ninh)

Trong bài Ký hữu (Gửi cho bạn), người đọc cũng bắt gặp cảm hứng tương tự:

Một mảnh giao tình vàng nguyệt tỏ

Ngàn năm chính khí núi Hồng đây

Việc đời trước mắt chùm mây nổi

Thanh kiếm bên lưng trên gió may

Ở nhiều bài thơ, nhân vật trữ tình thường trùng khít với nhà thơ. Nói chuyện đời là cốt bộc bạch tâm sự riêng, nói chuyện người là để giãi bày tấc lòng son, ngắm hoa thưởng nguyệt là để giải niềm u uất chữa được khơi thoát của nhà thơ. Ở đây có hai mô típ thường được lặp đi lặp lại trong nhiều bài, đó là cái mệnh văn chương và tuổi già đầu bạc vẫn danh hời.

Ở mô típ đầu, chúng ta đọc: “Cái kiếp văn chương nghèo đến chết” (Mạn hứng II), “Văn chương đã ích gì cho tớ?” (Khất thực), “Thơ phú suốt đời vô ích thật” (Mạn hứng), “Văn chương chưa thấy mang thân lụy” (Ngọa bệnh), “Văn chương không mệnh đốt còn vương” (Độc Tiểu thanh ký),... Những bài thơ trên được viết trong khoảng 10 năm giã biệt quê hương (1787 - 1796), khi quân Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình. Cũng có lần ông nói: lăn lộn trong bùn lẫn đá 30 năm rồi mà văn chương đã giúp gì cho ta (Khất thực).

Không phải nhà thơ coi thường văn chương đâu, bởi không coi trọng thì chắc gì ông đã đến với nàng thơ, cũng không trách cái vòng nghiệp chướng thơ phú quàng vào cổ mình mà trách cái xã hội đảo điên làm cho văn chương thành vô dụng, biến nhà thơ chết nghèo trong cõi văn chương.

Còn mô típ “tuổi già đầu bạc vẫn danh hời” nói gì? Đó chính là lòng cô trung đối với nhà Lê (Trung sở sự) của mình. Theo logic lịch sử, đất nước loạn ly, chính quyền Lê - Trịnh sụp đổ, đại quân Tây Sơn quét diệt giặc Thanh, Nguyễn Du về sau ra làm quan với nhà Nguyễn có tới gần 20 năm mà vẫn coi là chuyện bất đắc dĩ. Không phải vô cớ mà ở Nguyễn Du có đến 6 bài thơ ca ngợi cốt cách Khuất Nguyên, người cô trung nước Sở.

Tinh hoa văn hiến trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du - 1

Bức tượng Nguyễn Du tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

2. Sự đồng cảm với bi kịch của những người hiền tài

Cũng như các bậc đại nho cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Du là sĩ phu tinh thông Hán học, am hiểu Bắc sử, thông thuộc văn chương thơ phú, biệt là thơ Tống - Đường. Trong thơ chữ Hán của đại thi hào, đó không chỉ là tiền đề tài năng, là phương tiện diễn đạt mà còn là đội tượng miêu tả những hiện tượng văn hóa, những sự kiện ở nước Trung Hoa mênh mông, nhất là từ đời Tống trở về trước. Việc sáng tác văn chương dưới các vương triều chuyên chế mà phải vay mượn chuyện lịch sử của nước ngoài để ám chỉ chuyện đang xảy ra ở nước mình, để gửi gắm tâm sự, làm gương giáo huấn cho người đọc là chuyện không lạ, là hợp lý, hợp tình.

Trong Bắc hành tạp lục có 130 bài là 130 tên đất, tên nhân vật lịch sử, sự kiện văn hóa ở Trung Hoa và hơn thế. Chúng tôi xin dừng lại ở mấy hiện tượng lịch sử - văn hóa nổi tiếng mà Nguyễn Du đã cảm thức, đã chiêm nghiệm, đã đồng cảm, nhân đi sứ sang nước bạn hoặc được biết qua lịch sử.

Trong Hoàng Sào binh mã, nhà thơ cảm nhận được hành tung nghĩa hiệp của một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Đường trong khoảng 10 năm ở một không gian rộng lớn từ Giang Tây, Phúc Kiến cho đến tận Tràng An phía Bắc. Cuộc khởi nghĩa cuối cùng thất bại và nghìn năm có ai khen Hoàng Sào đâu? Bởi “Lỡ bước vì chưng tài lượng hẹp”.

Bài Hoàng Hạc lâu được viết theo niêm luật thơ Đường nhưng tư duy thơ lãng mạn và lấy câu thơ nổi tiếng của Thôi Hạo: “Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ/ Thử địa không lưu Hoàng Hạc lâu” làm hình tượng thơ: xứ thần tiên, dấu tiên ở bờ sông này, giấc chiêm bao của anh học trò họ Lư, hạc bay lầu vắng, còn lại thơ của Thôi Hạo…

Hà sứ thần tiên kinh kỷ thì?

Do lưu tiên tích thử giang my

Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng

Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi

Tình trong lòng lai láng, biết bày tỏ cùng ai? Đọc Kinh Kha cố lý, người đọc nghĩ ngay đến bài hát: “Gió hiu hắt nước Dịch lạnh, tráng sĩ ra đi không trở về” của Kinh Kha khi đến sông Dịch Thủy. Đó là một dũng sĩ giàu mưu kế, mượn đầu của Phàn Ô Kỳ vào gặp Tần Vương để làm tin, đòi y phải trả lại đất cho các nước Tè, Vê, Yên...

Kinh Kha từ đó, tiến vào Tần quan

Cắp dao ngắn, lần sang đất giặc

Giết thù chung, sáu nước một mình

Trong cung nổi trận chấn kinh

“Yết can trảm mộc vi tiên thanh” là câu kết của bài thơ: dựng sào làm cờ, chặt cây làm gậy để chuẩn bị dựng cờ dấy nghĩa của người anh hùng.

Một trong những thiên tình sử bi ai trong lịch sử đời Đường được người đời ngậm ngùi, thương cảm là mối tình giữa vua Đường Minh Hoàng với người đẹp Dương Ngọc Hoàn tức Dương Quý Phi được Nguyễn Du đa sầu đa cảm phản ánh trong bài thơ Dương Phi cổ lý, mặc dầu trong những tháng ngày đi xứ ở phương Bắc, thi sĩ họ Nguyễn chưa bao giờ bước chân tới tỉnh Thiểm Tây, làng Hoàng Nông, làng quê của Dương Phi, cũng chưa bao giờ đến Mã Ngôi, nơi quân lính làm phản đòi giết anh họ Dương Phi và nàng bị thắt cổ chết oan nghiệt. Bài thơ thành công chính là nhờ ngọn lửa xanh của cảm hứng, của sức tưởng tượng, là kết quả của tông số trí thức, kinh nghiệm sống của nhà thơ, chứ không chỉ là thời khắc “ấn tượng”, giây phút quan sát tại chỗ.

3. Lòng thông cảm mênh mông đối với mọi kiếp người

Giáo sư Đào Duy Anh, trong mấy trang đầu của cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du, ở mục Phàm Lệ nói về việc sắp xếp và dịch thuật thơ chữ Hán trong lần xuất bản 1988, có một nhận xét đáng chú ý có liên quan tới đề tài đang bàn: nét nổi bật nhất trong ba tập thơ là “tinh thần nhân đạo chủ nghĩa khiến Nguyễn Du đồng tình sâu sắc với những kẻ bất hạnh ở đời... thông cảm sâu sắc với mọi đau thương và tai vạ của nhân dân”.

Chúng ta đều biết, chủ nghĩa nhân đạo cao cả đó, người đọc tìm thấy trong Truyện Kiều, trong Văn tế thập loại chúng sinh. Ở các bài thơ chữ Hán, tinh thần nhân văn cao cả, rộng lớn đó gắn liền với “cái tôi” trữ tình, với nỗi niềm, với tâm trạng của nhà thơ khi viết về cuộc đời dâu bể của con người, về mọi kiếp người bất hạnh...

Từ cô đào ở La Thành (“Cõi thế ai thương người bạc mệnh/ Dưới mồ riêng hối kiếp phù sinh” - Điếu La Thành giả ca) đến người mù hát rong ở Thái Bình; từ ba mẹ con đi ăn xin ở An Huy, Hồ Bắc cho đến nhân dân nghèo đói, đòi nổi loạn ở Hà Nam; từ bác ngư tiều bên dòng sông Lam cho đến cảnh anh em tan tác nơi non Hồng... và cả những cô hồn không nơi nương tựa (Phản chiêu hồn). Trong Sở Kiến hành, nhà thơ đã vẽ lên những bức tranh nghịch cảnh:

Mẹ chết có tiếc gì

Thương đàn con vô tội

Nỗi đau như xé lòng

Trời cao có thấu nổi

Hoặc:

Thức ăn thừa đổ đi

Quanh xóm no đàn chó

Biết đâu trên đường quan

Có mẹ con đói khổ

Ngay cả hòn đá vọng phu trước thi nhân vẫn có hồn, vẫn đầy hoài niệm, lòng thủy chung. Đằng sau rêu xanh và núi đá vô tri kia là kết tinh của người nhi nữ chuyên giữ đạo cương thường (Vọng phu thạch).

Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có mấy đặc điểm sau:

- Lòng thương người mênh mông ôm chứa mọi kiếp người, được bắt nguồn từ chữ “tâm”, chữ “đồng” (đồng cảm, đồng tâm, đồng điệu) trước mọi đổi thay của thế sự, trước cái mong manh bé nhỏ của con người trong cái vĩnh cửu, bao la của vũ trụ. Ở Nguyễn Du, lòng thương người chính là lòng thương mình, chứ không phải là lòng thương của kẻ giàu đối với người nghèo, của vua quan đối với chúng dân, của người có thế lực đối với kẻ sa chân lỡ bước. Cho nên hễ thấy một hiện tượng ngang trái, phi lý, bất công trong xã hội là nhà thơ dễ động lòng trắc ẩn.

- Lòng thương người của Nguyễn Du cũng là lòng Khuất Nguyên với nước sông Tương, nghìn vạn năm vẫn trông thấy đáy.

- Lòng thương người của Nguyễn Du bắt nguồn từ lòng cô trung. Biết vận nhà Lê đã suy vong, đã sụp đổ, mà lòng không thể không thờ vua; đi với nhà Nguyễn biết là quy luật tất yếu nhưng lại bẽ bàng, chí sĩ không thờ hai vua. Từ tấm lòng son đó, thi sĩ họ Nguyễn dễ dàng hòa nhập với số phận của tầng lớp trung lưu thất thế, công danh lận đận, phận hồng nhan, bạc mệnh...

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du được viết bằng thể thơ Đường luật, trong đó thể thất ngôn bát cú được coi là cơ bản. Nhà thơ thường dùng thể thơ này và vận dụng đúng luật bằng, trắc trong từng câu và trong cả bãi, luật bố cục 4 phần: đề thực, luận, kết. Ví dụ như bài Sơn cư mạn hứng, Sở vọng và nhiều bài khác. Nhưng để mở rộng đề tài miêu tả, nhà thơ phá vỡ bố cục, không bị niêm luật, số chữ, số câu gò bó, sử dụng linh hoạt câu thơ tự do như bài Ký Mộng (gồm 24 câu 5 chữ), Kinh Kha cố lý (gồm 28 câu 7 chữ)... Thỉnh thoảng nhà thơ dùng thể cổ phong năm chữ như Sở Kiến hành, thể cổ phong bảy chữ như Phản chiêu hồn, lại có những bài có số chữ trong các câu không đều nhau gọi là “tạp ngôn” như Long Thành cầm già ca...

Để miêu tả cảnh vật núi sông: một làng quê xa, một đêm sáng trăng, một mùa thu lạnh, Nguyễn Du ít dùng những biểu tượng đã trở thành cổ điển thường thấy trong thơ, từ Trung Hoa mà chúng ta gặp trong thơ chữ Hán của Đào Tấn nhữ cội tùng, sương mai, bụi vàng, nắng đỏ, nhạn chiều, mây thưa, hồn bướm, cánh hồng, thân bồ liễu, phận hồng nhan...

Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, với triết lý “thiên - nhân hợp nhất”, chúng ta thấy cảnh thiên nhiên nào cũng có sự sống của con người, dù đó chỉ là một miền quê ở ẩn, một rặng hoa đào, một đám mây bạc, một đàn cò trắng. và ngược lại, con người không chỉ sống trong cộng đồng làng quê mà còn là kẻ lấy hươu nai làm bạn lúc đi săn, lấy trăng để tâm tình, lấy hơi ấm của rượu để giải sầu,... Tất cả đều được Nguyễn Du cảm thụ bằng thi pháp hiện thực và ngôn ngữ thi ca đa sắc tồn tại trong xã hội Việt Nam thời đại ông.

Hồ Sĩ Vịnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi