“Tổ quốc là tiếng mẹ… nuôi ta lớn thành người”

Cảm hứng về Tổ quốc là dòng chảy chủ lưu trong nền thơ ca Việt. Viết về một đề tài đã quen thuộc nhưng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn có những phát hiện riêng độc đáo.

Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ từng là hiện tượng nóng trong đời sống văn học ở thời điểm bài thơ đến với bạn đọc năm 2009. Bài Tổ quốc là tiếng mẹ ra đời sau đó sáu năm - năm 2015 - tiếp tục làm lay động tâm hồn người yêu thơ. Trong bài, thi nhân cảm nhận Tổ quốc như người mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng các con khôn lớn, chẳng quản chi vất vả, gian lao; Tổ quốc gắn bó với rộng dài không gian, thời gian và sẵn có trong trái tim mỗi người.

Khác với nhiều người quan niệm Tổ quốc là những gì cao vời, trang trọng, nhà thơ lại cho rằng: Tổ quốc là những con người gần gũi quanh ta, là mọi vùng miền đất nước ta đang sống. Từ đó, nhà thơ khẳng định: “Tổ quốc là tiếng mẹ” ngay từ nhan đề thi phẩm, cũng là câu mở đầu khổ thơ thứ nhất và khổ thơ kết của bài. Tiếng mẹ hay tiếng mẹ đẻ là tiếng nói của người đã sinh thành ra ta. Có ai trong chúng ta không được sinh ra từ những người mẹ? Sữa mẹ nuôi ta lớn về thể xác. Tiếng mẹ cùng với lời ru nuôi ta lớn về tâm hồn, trí tuệ. Tiếng mẹ chính là tiếng nói của ông cha, của dân tộc mà mỗi người thuộc về.

“Tổ quốc là tiếng mẹ… nuôi ta lớn thành người” - 1

Ảnh minh họa. Nguồn VTCNews

Quan niệm như thế, nhà thơ tái hiện chân dung Tổ quốc rất gần gũi, thân thương. Trong dòng chảy thi ca, Nguyễn Việt Chiến được ghi nhận là nhà thơ cách tân trong ngôn ngữ và ý tưởng đổi mới thơ Việt Nam đương đại. Sử dụng thể thơ năm chữ, ngôn ngữ giàu hình ảnh, thi nhân tâm sự cùng bạn đọc: “Tổ quốc là tiếng mẹ/ Ru ta từ trong nôi/ Qua nhọc nhằn năm tháng/ Nuôi lớn ta thành người”. Tác giả dùng đại từ nhân xưng “ta” rất đắt giá, từ số nhiều, để chỉ chung mọi người Việt Nam. Tổ quốc gắn với hình ảnh người mẹ với chiếc nôi cùng lời ru. Tất cả đều thân thương gắn bó với mỗi người từ thuở ấu thơ. Và người con, dù gái hay trai cứ thế lớn lên trong vòng tay của mẹ. Nghệ thuật dùng từ láy kết hợp với lối đảo ngữ nhọc nhằn năm tháng tỏ rõ chủ thể trữ tình thấu hiểu sâu sắc sự khó nhọc, nỗi gian nan của người mẹ trong suốt quá trình sinh dưỡng và nuôi con thành người. 

Bài thơ có cấu tứ đặc sắc, như bông hoa mỗi lúc một nở dần từng cánh, từng cánh, đưa người đọc đến với những thông điệp tác giả muốn gửi gắm: “Tổ quốc là tiếng trẻ/ Đánh vần trên non cao.../ Tổ quốc là câu hát/ Chảy bao miền sông quê”.

Tiếng nói của dân tộc là thứ tài sản vô cùng thiêng liêng, quý giá, được khởi tạo, phát triển, lưu giữ hàng ngàn đời. Tiếng mẹ được truyền dạy cho lớp trẻ khi mới sinh ra, bập bẹ tập nói. Đến khi lớn lên, con người vẫn cần “học ăn, học nói, học gói, học mở”; đó là việc cả đời. Phần thơ nói tới những loại hình văn hoá dân gian: hát ru, đồng dao, dân ca quan họ, ví dặm... Đó là đặc trưng văn hóa vùng miền cùng cộng hưởng làm nên điệu tâm hồn dân tộc, bản sắc văn hóa Việt được giữ gìn và phát triển trải bao tháng năm.

Trong niềm xúc động sâu xa, nhà thơ cảm nhận rõ Tổ quốc gắn liền với mọi miền của đất nước: “Tổ quốc là mây trắng/ Trên ngút ngàn Trường Sơn.../ Tổ quốc là cây lúa/ Chín vàng mùa ca dao...” Bài thơ dùng phép điệp cú “Tổ quốc là tiếng mẹ” (3 lần) và điệp ngữ ”Tổ quốc là...” (9 lần) đều ở đầu các câu thơ, các khổ thơ có ý nghĩa nhấn mạnh tứ thơ về Tổ quốc của tác giả.

Nước Việt Nam có cương vực, lãnh thổ, biển đảo và bầu trời riêng, biết bao người con đã ngã xuống “Cho quê hương mãi còn”. Tổ quốc gắn liền với cây lúa và chính đồng lúa chín nuôi chúng ta lớn lên. Tổ quốc còn được so sánh với dáng người thôn nữ, một sự so sánh riêng mới lạ của tác giả. Điều này rất có cơ sở bởi mai đây, người thôn nữ ấy sẽ là người mẹ, sẽ sinh dưỡng những thế hệ tiếp nối lớp người đi trước.

Đáng chú ý là hai khổ thơ áp cuối, có nói đến rừng Vị Xuyên, một huyện thuộc tỉnh Hà Giang, vùng trọng điểm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới ác liệt và kéo dài (1979 - 1989), cũng là nơi hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc, những anh hùng không tên hy sinh để bảo vệ vùng đất cửa ngõ của ngôi nhà đất Việt. Chính ý thức công dân và tình yêu nước sâu sắc khiến nhà thơ cảm nhận: “Tổ quốc là sóng mặn/ Trên cồn cào biển Đông/ Cát Hoàng Sa ghi hận/ Đá Trường Sa tạc lòng”. Âm hưởng thơ trầm hùng, hình ảnh đối ngẫu, ngôn từ bi tráng, người viết nhắc chúng ta nhớ về hành trình dựng xây, canh giữ và bảo vệ nơi đầu sóng của đất nước. Công cuộc ấy, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã chiến đấu kiên cường và ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, biển đảo và Tổ quốc Việt Nam nói chung.

Bài thơ khép lại bằng những vần thơ da diết: “Tổ quốc là tiếng mẹ/ Trải bao mùa bão giông/ Thắp muôn ngọn lửa ấm/ Trên điệp trùng núi sông”. Thi nhân cảm nhận rất rõ những khó khăn qua từng mùa bão giông, những đau thương, thử thách thiên tai và cả nhân tai mà mẹ Tổ quốc phải gánh vác bởi thế lực đen tối vẫn còn rình rập, những hiểm họa mất mát có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rõ ràng nhà thơ đã nói lên những lo lắng đầy ý thức trách nhiệm với đất nước. 

Sáng tác bài thơ này, người viết đã gửi gắm những cảm xúc đầy tâm huyết: “Tôi muốn đánh thức lòng yêu nước trong con người hôm nay, thế hệ hôm nay, đánh thức lại lịch sử bi tráng của dân tộc”.

Bài thơ của Nguyễn Việt Chiến đã nói hộ tình yêu và niềm tự hào chính đáng về Tổ quốc Việt Nam anh hùng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc của bao người dân nước Việt. Với giá trị độc đáo về tư tưởng và nghệ thuật, bài thơ đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Phượng; ông đã phổ nhạc thi phẩm thành bài hát cùng tên. Nhạc phẩm làm lay động trái tim mọi người và được tặng Giải B của Hội Nhạc sĩ khu vực Nam Trung bộ năm 2017. 

TỔ QUỐC LÀ TIẾNG MẸ

Nguyễn Việt Chiến

Tổ quốc là tiếng mẹ

Ru ta từ trong nôi

Qua nhọc nhằn năm tháng

Nuôi lớn ta thành người

Tổ quốc là mây trắng

Trên ngút ngàn Trường Sơn

Bao người con ngã xuống

Cho quê hương mãi còn

Tổ quốc là cây lúa

Chín vàng mùa ca dao

Như dáng người thôn nữ

Nghiêng vào mùa chiêm bao

Tổ quốc là ngọn gió

Trên đỉnh rừng Vị Xuyên

Phất lên trong máu đỏ

Bao anh hùng không tên

Tổ quốc là sóng mặn

Trên cồn cào biển Đông

Cát Hoàng Sa ghi hận

Đá Trường Sa tạc lòng

Tổ quốc là tiếng trẻ

Đánh vần trên non cao

Qua mưa ngàn, lũ quét

Mắt đỏ hoe đồng dao

Tổ quốc là câu hát

Chảy bao miền sông quê

Quan họ rồi ví dặm

Nước non xưa vọng về

Tổ quốc là tiếng mẹ

Trải bao mùa bão giông

Thắp muôn ngọn lửa ấm

Trên điệp trùng núi sông.

Nguyễn Thị Thiện

Bến đợi (truyện ngắn)
Bến đợi (truyện ngắn)

Còi tàu rú lên một hồi dài tạm biệt nhà ga trước khi chuyển bánh. Rồi tiếng bánh xích bắt đầu nghiến lên đường ray...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chuỗi hoạt động văn hoá tôn vinh những giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội

Chuỗi hoạt động văn hoá tôn vinh những giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội

Nhân kỷ niệm 19 năm ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), kỷ niệm 20 năm khu Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia và 20 năm hoạt động của Không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá, văn nghệ đa dạng.

Nữ doanh nhân tài sắc Ellis Đậu Tuyết tâm huyết với hoạt động xã hội

Nữ doanh nhân tài sắc Ellis Đậu Tuyết tâm huyết với hoạt động xã hội

Sinh ra ở Quảng Bình, lớn lên tại Bình Phước, Ellis Đậu Tuyết mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ, ngọn lửa đam mê nghệ thuật luôn cháy bỏng từ thuở thiếu thời, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cô đành tạm gác lại để theo đuổi con đường kinh tế. Tuy nhiên, nghệ thuật vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.