“Tôi lại nhớ nhà văn Xuân Thiều”

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: "Nói về Huế (mùa xuân 68) rất oai hùng và vô cùng quyết liệt, tôi lại nhớ nhà văn Xuân Thiều, và sau Huế là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Xuân Thiều . Tôi rất xúc động về cuốn sách này…"

Xuân Thiều nhập ngũ năm 1947, khi vừa 15 tuổi, thực thụ sống đời chiến sỹ nơi mặt trận, từ một người lính đến cán bộ đại đội, rồi sau đó làm cán bộ chính trị, làm nhà văn. Suốt cuộc đời ông là trong quân ngũ, và kể cả khi biệt phái sang làm Chánh văn phòng Hội nhà văn Việt Nam. Đó cũng là điều dễ hiểu khi trọn cuộc đời chiến sỹ - nghệ sỹ của mình, tâm niệm khi cầm bút của ông là: “Với tôi, viết về chiến tranh cách mạng và người lính là thiên chức”.

“Tôi lại nhớ nhà văn Xuân Thiều” - 1

Nhà văn Xuân Thiều

Năm 1959, Xuân Thiều từ Lữ đoàn bảo vệ giới tuyến được gọi về công tác tại Tổng cục Chính trị và Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhưng ông vẫn hết mực gắn bó với mặt trận, thường xuyên khoác ba lô đi mặt trận, đặc biệt mặt trận Bình Trị Thiên - kể như ngôi nhà lớn nhiều gắn bó với ông.

Gần như các tác phẩm văn học của ông đều xuất phát từ miền đất này, có những cuộc đời người lính, những hình ảnh người mẹ, người em…hết sức xúc động và đáng nhớ. Những tháng ngày lăn lộn này, như ông tâm sự: “Hòa nhập vào đời sống người lính ở chiến trường, trái tim ta trở nên đa cảm hơn, lòng ta trở nên nhân hậu ưu ái hơn, độ lượng hơn và nhất là bớt ích kỷ hơn. Tiếp xúc với đời sống chiến sĩ như được nghe một bản nhạc không lời. Không ai bảo ban ta từng câu từng ý cụ thể, nhưng ta cảm nhận được những điều tốt lành qua hành động, tâm tư của những người lính vào sống ra chết. Đấy là hương hoa của cuộc sống chiến trường. Hít thở được chút hương hoa này, cúi đầu bái phục vẻ đẹp người lính, ấy là nhà văn đã tự nâng mình lên”.

Như ghi nhận của một luận án thạc sỹ văn học về nhà văn Xuân Thiều, thì: "Nhìn lại chặng đường dài 40 năm sáng tác của ông, từ truyện ngắn đầu tay “Dưới hầm bí mật” viết vào tháng 6/1958 đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho đến truyện ngắn “Mười ngày cho cuộc đời” viết tháng 7/1997, ông viết được 2 tập thơ, 16 tập tiểu thuyết và truyện ngắn, 1 tập tiểu luận-phê bình...

Hầu hết, các sáng tác của ông đều lấy bối cảnh từ vùng đất Bình Trị Thiên - nơi gắn bó với cuộc đời người lính của ông. Những sáng tác viết trong chiến tranh như: Trời xanh, Mặt trận kêu gọi, Đi xa, Thôn ven đường, Chiến đấu trên mặt đường… mang đậm chất sử thi và cảm hứng ngợi ca đã góp phần vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc.

Trong những năm tháng chiến tranh với bút danh là Nguyễn Thiều Nam, ông đã viết nhiều tác phẩm được người đọc chú ý đến như: Gieo mầm, Khúc sông, Chuyện làng Ra-Pồng…Trong đó Gieo mầm, Chuyện làng Ra-Pồng, Đêm hăm bảy là những truyện ngắn đầy máu lửa đã ghi dấu bước tiến mới trong truyện ngắn của ông. Có thể nói với những sáng tác trong chiến tranh “Xuân Thiều đã hòa chung vào dàn đồng ca của một nền văn nghệ với ý thức ngòi bút cũng là vũ khí”.

Sau chiến tranh, ông vẫn bền bỉ sáng tạo từ nguồn cảm hứng về chiến tranh, nhưng ông cũng là người sớm nhận ra con đường tất yếu của một nền văn học. Vì thế, ông đã âm thầm tìm hướng đi mới, tự đổi mới mình trên trang viết, điều đó được thể hiện qua sáng tác lẫn phê bình. Ông tâm sự: “Viết về chiến tranh lúc này không chỉ là để cổ vũ, động viên mà nhằm khám phá hiện thực chiến tranh, tìm vẻ đẹp của con người Việt Nam như một sự lí giải vì sao dân tộc ta chiến thắng được những đội quân xâm lược khổng lồ".

Gió từ miền cát, Truyền thuyết quán Tiên, Xin đừng gõ cửa…là những truyện ngắn gây không ít dư luận của độc giả. “Gió từ miền cát là một truyện ngắn hay, xuất hiện từ trước năm phát động công cuộc đổi mới văn học 1986, lại được viết từ năm 1978 và in ra vào năm 1983, như thế bằng sáng tác của mình Xuân Thiều đã thuộc vào lớp những nhà văn tạo tiền đề cho các bạn viết khác cùng quyết tâm viết theo trào lưu đổi mới" (Bảo Trâm).

Trong những sáng tác dài hơi của ông, tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ (tên ban đầu là "Tư thiên") được ghi nhận "không chỉ tái tạo lại không khí của một mùa tổng tiến công chiến lược mà quý hơn, tác giả đã tạc lại những con người tuyệt vời của mùa xuân lịch sử” (Nguyễn Văn Lưu).

“Tôi lại nhớ nhà văn Xuân Thiều” - 2

Tiểu thuyết "Huế mùa mai đỏ" của nhà văn Xuân Thiều

Nhà phê bình Nguyễn Hữu Sơn xem bộ tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ là sự lắng lại những trải nghiệm thời gian chiến tranh của Xuân Thiều, tác phẩm chính là “một sự tổng kết và dấu hiệu vận động của tư duy nghệ thuật ở ngòi bút Xuân Thiều". Ông khẳng định: “Nhà văn Xuân Thiều, trong đội hình chung ngày càng cố gắng suy nghiệm, đào xới sâu hơn về quá khứ, góp thêm một cách nhìn riêng tư sâu lắng mà biểu hiện rõ nhất ở Truyền thuyết quán Tiên và bộ tiểu thuyết Tư Thiên” (Tặng thưởng Hội nhà văn năm 1996).

Và đặc biệt là lời ghi nhận của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: "Nói về Huế (mùa xuân 68) rất oai hùng và vô cùng quyết liệt, tôi lại nhớ nhà văn Xuân Thiều, và sau Huế là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Xuân Thiều. Tôi rất xúc động về cuốn sách này…”.

Về tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ, nhà văn Xuân Thiều tâm sự: "Tôi không được may mắn dự chiến dịch Mậu Thân Huế. Bấy giờ tôi vừa mới ở đường mòn Hồ Chí Minh về Hà Nội. Mãi cuối năm 1968 tôi mới vào chiến trường Trị Thiên. Ngay khi tôi mới đến, các anh trong lãnh đạo khu ủy và quân khu đều khuyên tôi nên viết về chiến dịch Mậu Thân Huế. Riêng tôi là một nhà văn hoạt động trong quân đội, sự kiện 25 ngày đêm ở Huế là một sự kiện vô cùng hấp dẫn, cần phải tìm hiểu. Bấy giờ, quân khu đang tận trên biên giới Lào Việt. Đấy là thời kỳ đầy khó khăn sau Mậu Thân: địch phản kích quyết liệt, đói và sốt rét ác tính. Thời kỳ mà lính ta vẫn nói đùa: "Thừa Thiên thiếu đất thừa trời". Quả thật, bộ đội bám về giáp ranh đã khó, nói gì trở về đồng bằng, trở về Huế. Tôi chỉ còn một cách là tìm gặp cán bộ chiến sĩ tham gia Mậu Thân Huế ở trung đoàn Phú Xuân, thành đội Huế và một số đơn vị khác hỏi chuyện. Suốt một năm lăn lộn khắp các đơn vị, sổ tay tôi đầy những trang ghi chép. Vậy mà những trang ghi chép kia chỉ nằm yên lặng trong sổ tay, trong ký ức hơn chục năm, không trở thành tác phẩm được, về Hà Nội, tôi viết tiểu thuyết "Thôn ven đường", viết tập truyện "Khúc sông", tập thơ "Trước giờ ra trận" và tập bút ký "Đi xa". Tuy nhiên những tài liệu thu lượm được về Huế Mậu Thân vẫn luôn luôn trăn trở, thôi thúc tôi... Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi có được dự một cuộc hội thảo do Ban lịch sử Đảng của tỉnh ủy Bình Trị Thiên tổ chức. Trong cuộc hội thảo ấy, đánh giá về Mậu Thân Huế vẫn còn những khoảng cách về các ý kiến. Nhưng dường như những ý kiến khác nhau ấy lại thôi thúc tôi viết… Là người cầm bút, tôi có cách nghĩ của mình về lịch sử và con người, đúng hoặc chưa đúng sẽ thuộc về bạn đọc phán xét. Được cổ vũ bằng những ý tưởng như thế, tôi bắt tay vào viết cuốn "Huế mùa mai đỏ" từ cuối năm 1978… Cuối năm 1984 tôi mới viết tiếp. Tôi là người viết chậm, chữ nghĩa ra trên trang giấy đối với tôi là khó khăn. Dù sao thì "Huế mùa mai đỏ" tập 1 cũng đã ra mắt bạn đọc. Tôi coi đó một lời chào kỳ tích của quân dân ta, như một nén hương để tưởng niệm bạn bè, đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì nghĩa lớn”.

Tôi đã từng được dự một hội thảo xung quanh tiểu thuyết này của nhà văn Xuân Thiều, với sự tham gia của nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước, nhiều tướng lĩnh quân đội từng có mặt tại Huế - Trị Thiên mùa xuân 1968, như các đồng chí Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tuyên huấn Trung ương - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; nguyên Bí thư Huế Trị Thiên, Trưởng ban tôn giáo Trung ương Ngô Yên Thy; nguyên Phó tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế, Tư lệnh mặt trận Huế mùa xuân 68 - Trung  tướng Đặng Kinh; Nhà báo Phan Khắc Hải - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin… cùng các đồng chí lãnh đạo của Trị Thiên Huế như Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện (Nay là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Cao…

“Tôi lại nhớ nhà văn Xuân Thiều” - 3

Nhiều ý kiến, nhiều lời khen ngợi, biểu dương từ những đồng chí lãnh đạo, cũng là những người trong cuộc đã giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về tầm cao tư tưởng, cũng như giá trị của tác phẩm Huế mùa mai đỏ và nhà văn Xuân Thiều. Nhất là khi 20 năm sau, nó tiếp tục có những dư ba trong lòng bạn đọc, được chuyển thành phim nhiều tập của đài truyền hình, được phát rộng rãi phục vụ người xem. Tác phẩm này cũng được sự đánh giá cao của đồng nghiệp và được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996, góp phần tạo nên Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 cho nhà văn Xuân Thiều.

Như Nhà thơ Trần Đăng Khoa, phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam: "Càng khám phá, chúng ta càng tìm thấy những vẻ đẹp của Xuân Thiều. Có thể nói những tác phẩm của Xuân Thiều rồi sẽ đi cùng năm tháng”.

Vâng, thật đáng trân trọng thay những trang sách của một cuộc đời “Viết về chiến tranh cách mạng và người lính là thiên chức của tôi!"

Nhớ mãi nhà văn Tùng Điển - Người truyền lửa đam mê

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước