Phục dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Lần đầu tiên sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các tác phẩm xuất sắc đạt giải Nhất, giải Nhì tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức năm 1954 được phục dựng lại và biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.

Phục dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 - 1

Tác phẩm “Tiến quân ca” dưới sự thể hiện của dàn đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phối khí, chỉ huy dàn nhạc bởi nhạc trưởng Lê Phi Phi. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh những anh hùng bất khuất trên chiến hào, còn có những người lính mà hành trang trong ba lô chỉ có ngòi bút, vần thơ và nốt nhạc nhưng họ đã để lại hàng trăm ca khúc, tác phẩm vô giá, động viên tinh thần cho toàn quân, toàn dân.

Cuối năm 1954, các Đoàn Văn công kháng chiến đã tề tựu về Hà Nội dự Đại hội Văn công Toàn quốc lần thứ Nhất, đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Đại hội đã trao giải cho 5 ca khúc: Giải Nhất được trao cho tác phẩm Hò kéo pháo của Hoàng Vân; Giải Nhì được trao cho các tác phẩm: Quê tôi giải phóng của Văn Chung, Mừng chiến thắng Tây Bắc của Đặng Đình Hưng, Chiến thắng Điện Biên (Giải phóng Điện Biên) của Đỗ Nhuận, Mùa lúa chín của Hoàng Việt.

Phục dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 - 2

Khán phòng Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” tối 3/5. Ảnh: Huyền Thương

Trong 2 đêm 2 - 3/5 vừa qua, tại Nhà hát Hồ Gươm, một lần nữa những tác phẩm ấy lại vang lên tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng, giúp thế hệ hôm nay được cảm nhận và sống lại tinh thần Điện Biên Phủ, nơi đã tạo ra những con người kiệt xuất cả trên chiến trường và trong nghệ thuật.

Trong đó, Hò kéo pháo được vang lên trong bản phối khí của nhạc sĩ Trọng Đài viết cho Dàn hợp xướng không nhạc đệm A cappella.

Phục dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 - 3

Tác phẩm "Hò kéo pháo" được NSƯT Nguyễn Huy Đức và Hợp xướng A cappella thể hiện. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Quê tôi giải phóng do nhạc sĩ Lưu Quang Minh phối khí, được thể hiện đầy ấn tượng bởi ca sĩ Đào Tố Loan và tiếng đàn tính của NSƯT Tuyết Mai.

Mừng chiến thắng Tây Bắc được nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano tài năng Diran Tavityan chuyển soạn thành bản Fantaisie trên chủ đề Mừng chiến thắng Tây Bắc cho Piano và Dàn nhạc Giao hưởng.

Chiến thắng Điện Biên sử dụng bản phối đặc biệt của PGS. TS, Nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân dành cho dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ Công an Nhân dân với nhiều sáng tạo mới, tạo nên bầu không khí đặc biệt của ngày chiến thắng.

Trích đoạn tác phẩm "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổi khí, biểu diễn bởi Dàn nhạc Kèn - Đoàn nghi lễ CAND, nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy dàn nhạc.

Và giai điệu lấp lánh và tươi mát trong tiểu hoạt cảnh xưởng xô của những màn hát đối dân dã dí dỏm của Mùa lúa chín đã được làm sống lại với ngôn ngữ của hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng qua bản phối của nhạc sĩ Cao Đình Thắng.

Chương trình kết thúc bằng bản Giao hưởng Hợp xướng Điện Biên Phủ - tác phẩm lớn cuối cùng đánh dấu sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đây chính là một liên khúc giao hưởng đồ sộ gồm 4 chương: Trên chiến trường không bao giờ quên, Đọc thư hậu phương, Lá cờ của Bác, Bài hát của người chiến sĩ trẻ viết cho hợp xướng, lĩnh xướng và dàn nhạc giao hưởng.

Những ca khúc cũng như bức tranh của các dân tộc Việt Nam đứng bên nhau trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được vang lên tại Nhà hát Hồ Gươm dịp kỷ niệm trọng đại này còn mang một ý nghĩa đặc biệt. Các nghệ sĩ trong đội kèn đồng tại Trại Bảo an binh (Garde Indigène) nơi Nhà hát Hồ Gươm tọa lạc ngày nay cùng nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên lên đường đi theo cách mạng cũng chính là những nghệ sĩ tham gia dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam (1959) khẳng định tinh thần Điện Biên Phủ tạo nên những con người kiệt xuất trên chiến trường và trong nghệ thuật.

Phục dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 - 4

Chương trình giúp thế hệ hôm nay được cảm nhận và sống lại tinh thần Điện Biên Phủ, nơi đã tạo ra những con người kiệt xuất cả trên chiến trường và trong nghệ thuật. Ảnh: Huyền Thương

Với sự tham gia biểu diễn của gần 300 nghệ sĩ, Cán bộ chiến sĩ đến từ: Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Công an Nhân dân và Đoàn Nghi lễ Công an Nhân dân, chương trình đã mang đến nguồn cảm xúc lớn cho người xem.

Hào khí chiến thắng và cả những hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên lịch sử đã được tái hiện vẻ vang trên sân khấu “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”. Khán giả đã được sống lại không khí của “56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, của “Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” để “làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, để càng thấy yêu Tổ quốc Việt Nam hơn và trân trọng những giá trị của độc lập, tự do, hòa bình mà ông cha ta đã phải đánh đổi bằng xương máu.

Cùng với chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, tại Nhà hát Hồ Gươm dịp này cũng trưng bày khoảng 20 tác phẩm của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân. Đây là các tác phẩm được ông vẽ trong những tháng ngày cùng các họa sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phục dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 - 5

Khán giả tham quan triển lãm của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân. Ảnh: Huyền Thương

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, các ký họa của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân rất xúc động, khả năng tạo hình của ông bắt được vẻ đẹp những hình tượng của người lính Điện Biên, của anh bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh khác nhau.

Con mắt biết tìm vẻ đẹp của ông tạo nên những bức ký họa mà hôm nay thế hệ chúng tôi nhìn lại vẫn thấy xúc động vì đấy là những khoảnh khắc không thể có lần thứ hai. Vì vậy, có thể nói, bộ ký họa kháng chiến, đặc biệt là ở chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân sẽ luôn có một giá trị đặc biệt không chỉ đến lúc này mà còn trường tồn theo thời gian, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho hay.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII: Cơ hội để điện ảnh sáng tạo – cất cánh

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII: Cơ hội để điện ảnh sáng tạo – cất cánh

Với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII sẽ diễn ra từ ngày 7/11 đến ngày 11/11 tại Thủ đô Hà Nội. Liên hoan Phim là hoạt động thiết thực trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024). Đồng thời là sự kiện văn hóa nghệ thuật, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn,

Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật mới lạ có tầm quốc tế tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024

Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật mới lạ có tầm quốc tế tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024

Với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu”, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 tiếp tục khẳng định thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc “Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của Châu Á”.

Lan tỏa cuộc thi “Vang mãi khúc quân hành” tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (Thái Bình)

Lan tỏa cuộc thi “Vang mãi khúc quân hành” tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (Thái Bình)

Ngày 4/12, Thời báo Văn học nghệ thuật và Công ty Cổ phần Giáo dục EEC Việt Nam phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã long trọng tổ chức Lễ Phát động cuộc thi Tìm hiểu 80 năm Truyền thống vẻ vang Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”.