Chuyện làng văn nghệ: Chàng trai hào hoa, gói cốm Làng Vòng và tình khúc vượt thời gian

Tối ấy, sau khi biểu diễn ở Ngã ba Đồng Lộc, khi nhắc tới người con gái, nhân vật trữ tình ngày nào của anh, nhạc sĩ Phú Quang cười hiền: Đó là một kỷ niệm đẹp nhất đời tôi! Tôi cứ tiếc chưa kịp trao cho nàng gói cốm Làng Vòng bọc trong lá sen Tây Hồ trong chiều thu Hà Nội…

Biết tin nhạc sĩ Phú Quang vừa ra Hà Nội, tôi phân công một nữ phóng viên trẻ, tươi xinh đến gặp, phỏng vấn để viết bài cho chuyên mục Thế giới Nghệ sĩ của Chuyên san Tiền Phong cuối tháng.

Chuyện làng văn nghệ: Chàng trai hào hoa, gói cốm Làng Vòng và tình khúc vượt thời gian - 1

 Nhạc sĩ Phú Quang biểu diễn ở Ngã ba  Đồng lộc tháng 7 năm 2007. Ảnh Phạm Yên

Sáng hôm sau gặp tôi ở Tòa soạn, tôi thấy cô quấn băng ở đầu gối. Cô thành thật: Đêm qua, sau cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Phú Quang, trên đường về, câu chuyện về xuất xứ những tình khúc nổi tiếng của người nhạc sĩ tài hoa cứ bám theo cô.

Đặc biệt, nhạc sĩ có hé lộ những tình cảm nồng nàn dành cho một bông hoa vừa đẹp vừa thông minh ở báo ta. Câu chuyện tình ấy đã được nhạc sĩ thể hiện trong một ca khúc sáng tác gần đây.

Nữ phóng viên trẻ trầm trồ: Quả là một tình yêu mộng mơ, nồng nàn, cháy bỏng. Có mấy ai được lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ. Thật là một cơ may hiếm hoi để trở thành một nhân vật trữ tình sống mãi với thời gian.

Thơ thẩn với những suy nghĩ ấy, cô quên cả là mình đang đi xe máy. Và rồi, bánh xe lỡ vấp phải một gốc phượng già, cô ngã xoài trên đường Thanh Niên, gối va xuống nền đường.

Nghe nữ phóng viên như còn ngẩn ngơ trong cuộc gặp nhạc sĩ Phú Quang kể lại, tôi nhớ lại lần gặp anh dịp gần đó…

Đó là một chiều thu Hà Nội vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nắng thu như dát vàng xuống con phố Hồ Xuân Hương, nơi ngôi biệt thự ba tầng xinh xinh mang số 15, trụ sở tòa soạn Báo Tiền Phong của chúng tôi yên bình bên cây sấu cổ có đến cả trăm năm tuổi.

Tôi đang thơ thẩn ngắm vẻ đẹp trời cho ấy, bỗng có một chàng trai đứng tuổi, mặc chiếc áo phông trắng, quần kaki sáng màu, cổ thấp thoáng chiếc dây chuyền bạc, lấp lánh trong nắng rảo bước về chỗ tôi. Trên tay anh là một gói cốm Làng Vòng, gói trong lá sen xanh.

Anh hỏi tôi về một nữ phóng viên trẻ đang làm việc ở Ban Văn nghệ của báo. Khi thấy tôi trả lời người ấy vừa đi khỏi Tòa soạn, ánh mắt anh thoáng buồn rồi ngẩn ngơ nhìn theo vạt nắng cuối phố. Anh nhờ tôi thông báo tới người ấy là: Phú Quang đến tìm nhưng không gặp, rồi định nhờ tôi chuyển gói cốm thơm cho người đẹp. Suy tư một lát anh nói lát sẽ quay lại, rồi lịch lãm chào tôi, nhẹ nhàng đi về phía Hồ Thiền Quang.

Ngày ấy, điện thoại di động là của hiếm nên hò hẹn đâu tiện lợi như bây giờ. Sáng hôm sau, gặp người ấy, tôi có thông tin lại chiều qua có anh Phú Quang đến tìm. Nữ phóng viên trẻ má thoáng ửng đỏ, thẹn thùng: “Nhạc sĩ Phú Quang có hẹn em trả lời phỏng vấn nhưng anh ấy đến sớm gần 2 giờ nên em đã tới dự một cuộc họp báo khác”. Lúc đó tôi mới ngớ ra. Chàng trai hào hoa ấy chính là nhạc sĩ Phú Quang.

Chuyện làng văn nghệ: Chàng trai hào hoa, gói cốm Làng Vòng và tình khúc vượt thời gian - 2

Nhạc sĩ Phú Quang không cầm được nước mắt khi biểu diễn. Ảnh Phạm Yên

Rồi sau này những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang như hút hồn rất nhiều người trẻ yêu Hà Nội trong đó có tôi. Có một lần, bên quán nhỏ mang tên Bông Giấy đối diện tòa soạn, một chàng họa sĩ của báo, ngất ngây sau vài lon bia Hà Nội, say sưa hát. Từng ca từ như theo gió bay theo con phố nhỏ lúc chạng vạng hoàng hôn:

“Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ

Đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương.

Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya, không gian dạ hương sâu thẳm

Từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về.

Chỉ còn mênh mông gương hồ

Hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ

Chỉ còn mênh mông gương hồ

Từng hàng cây góc phố ngây ngô nhìn nhau.

Chỉ còn hơi ấm mối tình đầu

Anh đi có đôi lần nhìn lại

Chỉ còn em còn em, im lặng đến tê người”…

Chúng tôi se sẽ hát theo và ngất ngây trong men bia và tiếng ghi ta ai đó đang luyến láy, da diết…

Rồi chàng họa sĩ giọng nhỏ lại, thông báo: “Bóng hồng trong ca khúc Im lặng đêm Hà Nội chính là nàng phóng viên xinh xinh của báo mình đó!”. Tôi thoáng ngầm hiểu ra. Có lẽ chính là người con gái anh đến tìm không gặp hôm nào... 

Sau này, có lần tôi hỏi bóng hồng ấy. Nàng thoáng đỏ mặt, rồi mắt long lanh, giọng đầy kiêu hãnh: “Cũng xứng lắm chứ!”.

Nhiều lần trong những chương trình giao lưu văn nghệ tại báo, đứng trên sân khấu, hát Im lặng đêm Hà Nội, tôi lại gặp ánh mắt bóng hồng của nhạc sĩ Phú Quang long lanh nhìn lên sân khấu.

Và tôi hiểu người ấy đang rất hạnh phúc vì bóng hình mình đã quyện trong từng ca từ của Im lặng đêm Hà Nội.

Câu chuyện nơi chúng tôi có một người con gái đã làm nhạc sĩ xao lòng viết nên một tình khúc nổi tiếng cứ rì rầm truyền lan. Ai cũng vui lây, nhất là các thiếu nữ trẻ, xinh trong tòa soạn. Họ mừng vui là ở nơi này đã có một người đã làm nhạc sĩ xao động, rồi tình nồng ấy đã hòa vào những nốt nhạc đằm thắm kia.

Nhà báo Phạm Yên sau chuyến công tác vào Ngã ba Đồng Lộc tháng 7 năm 2007, đã chụp ảnh nhạc sĩ Phú Quang biểu diễn ở đây. Xúc động trước sự hi sinh của các nữ Thanh niên Xung phong ở vùng trọng điểm ác liệt mở đường ra tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong khi biểu diễn, nhạc sĩ Phú Quang không cầm được nước mắt. 

Nghe nói, tối ấy khi nhắc tới nữ phóng viên, nhân vật trữ tình ngày nào của anh, nhạc sĩ Phú Quang cười hiền: Đó là một kỷ niệm đẹp nhất đời tôi! Tôi cứ tiếc chưa trao kịp cho nàng gói cốm Làng Vòng bọc trong lá sen Tây Hồ trong chiều thu Hà Nội hôm ấy…

Trung Hiền

Tin liên quan

Tin mới nhất