Một tài năng lớn và sự kế tiếp

Cho tới hôm nay và chắc chắn còn rất lâu nữa, công chúng yêu âm nhạc ở nước ta không thể quên một cái tên rất nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc. Đó là cố NSƯT Đinh Thìn (1940 - 2000) - nguyên là nghệ sỹ sáo trúc của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Bây giờ thì các nghệ sỹ tài ba thổi loại sáo này đã đông đảo, tới hàng trăm từ Bắc đến Nam, nhất là những người trẻ ở tuổi dưới 50. Nhưng ở những thập niên 60 - 80 của thế kỷ trước, người ta chỉ hay nhắc đến mấy tên tuổi biểu diễn sáo dân tộc tiếng tăm: Nguyễn Đức Tùy, Ngọc Phan, Đinh Thìn, Kim Vĩnh (sáo Mèo) và tiếp sau là Đức Liên, Nguyễn Văn Phổ...

Những nghệ sĩ trên, mỗi người một vẻ, đều đóng góp đáng kể cho nền âm nhạc cổ truyền nước nhà. Người nào cũng giàu sức sáng tạo, có tiếng sáo lôi cuốn người nghe. Riêng Đinh Thìn, lại còn có sự nối tiếp đáng quý bởi khi ông qua đời, con trai và cháu nội đã kế nghiệp, cũng là những nghệ sĩ sáo trúc tài ba.

Một tài năng lớn và sự kế tiếp - 1

Cố NSƯT Đinh Thìn.

Đinh Thìn sinh năm 1940, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có ông nội là trưởng phường bát âm ở làng (nhóm nhạc dân tộc chuyên đi phục vụ các đám tang) nên ngay từ bé đã sớm ngấm loại âm nhạc được tấu lên từ những nhạc cụ dân tộc. Mười tuổi, cậu bé Thìn đã tự mày mò thổi được sáo và chơi được nhiều nhạc cụ khác như đàn bầu, nguyệt... Lúc còn sống, Đinh Thìn kể với tôi là thỉnh thoảng còn được ông nội cho đi đánh đàn cùng với các bậc trưởng lão, phục vụ các đám tang như thế. Các nhạc công “bát âm” là người lớn đều trố mắt tỏ vẻ bái phục cu cậu còn nhỏ đã đánh đàn, thổi sáo chẳng kém gì họ. Có người nói với ông nội Thìn: “Thằng cu này giỏi thật. Lớn lên, sẽ thành tài đây. Nó chẳng chịu ru rú trong cái xó xỉnh này đâu, sẽ đi khắp đây đó cho mà xem”. Lời tiên tri đó quả là hiệu nghiệm. Lớn lên, trở thành diễn viên Đoàn Ca múa Trung ương, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Đinh Thìn đã đi biểu diễn ở 30 nước trên thế giới.

Tuổi thơ của Đinh Thìn thật nên thơ và đầy ắp kỷ niệm. Đó là lúc nào bên cậu cũng có đông đảo đám bạn xúm quanh nghe cậu thổi sáo. Chúng bạn thích thú lắm. Đứa nào cũng muốn nhờ cậu dạy. Nhưng rồi đều bỏ cuộc vì thổi mãi không ra tiếng, cứ phì phì rồi tắc nghẽn. Thế là các bạn nản, bỏ cuộc.

Có lần Đinh Thìn “thật thà” kể cho tôi nghe một kỷ niệm tuổi thơ của ông, không bao giờ có thể quên. Chuyện rằng: Trong đám trẻ cùng làng vẫn rất hâm mộ Đinh Thìn kia, có một cô bé, kém 2 tuổi. Mỗi lần nghe Thìn thổi, cứ ngước nhìn đăm đắm, mắt chớp chớp liên tục. Cô bé có hàng mi dài, rậm như con bọ róm. Bọn con trai thì cứ nhờ cậu dạy. Vì chúng không có năng khiếu, Thìn dạy mãi không được nên chán. Riêng cô bé thì không nhờ mà chỉ thích nghe Thìn thổi.

Cậu nói với cô:

- Đằng ấy không thích học à? Nếu thích thì tớ dạy. 

Cô bé bẽn lẽn, không nói gì, chỉ lắc đầu. Thìn đưa sáo cho cô rồi hướng dẫn cách lắp ngón tay vào các lỗ sáo và nói: 

- Cứ thổi đi xem nào.

Cô bé thổi, phát được ra tiếng, vang và không méo, không như đám con trai kia, chẳng đứa nào thổi được thành tiếng. Thìn rất vui, reo lên:

- Được đấy! Thổi được thành tiếng, thế là giỏi rồi. Tớ sẽ dạy đằng ấy một số bài.

Nói là làm, Thìn bắt đầu dạy cô bé thổi. Được vài buổi, đôi trẻ bị bọn bạn chế. Thế là cô bé ngượng, chuồn mất, không dám gặp lại Thìn. Và việc học sáo thế là chấm dứt.

Nghe câu chuyện thú vị của Đinh Thìn, tôi hỏi ông:

- Đó có phải là “cô bé nhà bên nhìn anh cười khúc khích” như trong thơ của Giang Nam không đấy?

Đinh Thìn cười tít mắt:

- Đã có gì đâu. Trẻ con mà. Nhưng mình tiếc nếu cô ấy chịu khó học thì thể nào cũng thổi được như mình. Biết đâu bây giờ lại chẳng có thêm một nữ nghệ sỹ sáo trúc vì nữ chơi nhạc cụ này hiện quá ít ỏi.

- Sau này, có bao giờ anh gặp lại cô bé ấy nữa không?

- Từ khi đi theo Nguyễn Văn Thương vào Đoàn Nghệ thuật Liên khu 4 rồi về sau sang Ca múa Trung ương, mình ít có dịp về quê. Cũng chẳng biết cô ta sau này thế nào. Đã có kỷ niệm gì đâu để có thể tìm kiếm.

Năm 1954, hòa bình vừa lập lại trên miền Bắc. Cuối năm đó, Đoàn Nghệ thuật Liên khu 4 vẫn còn hoạt động (ở địa bàn từ Thanh Hóa đến Bình - Trị - Thiên). Một lần nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - Trưởng đoàn - nghe nói ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) có cậu bé thổi sáo rất giỏi. Ông đích thân tìm đến nhà Đinh Thìn, nghe cậu thổi. Nghe xong, ông lấy ngay Đinh Thìn vào Đoàn. Lúc này, Thìn mới 14 tuổi. Thế là từ đó, cậu thiếu niên xứ Nghệ chính thức bước vào hoạt động chuyên nghiệp dưới sự dìu dắt của vị nhạc sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ.

Sau đó, khi Nguyễn Văn Thương về làm Trưởng đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, nhiều nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Liên khu 4, trong đó có Đinh Thìn trở thành diễn viên của Đoàn này. Ông phục vụ suốt một thời gian dài tại đây. Những năm cuối đời, Đinh Thìn chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Năm 2000, ông vĩnh viễn ra đi, để lại niềm luyến tiếc ngẩn ngơ cho công chúng hâm mộ bởi ở tuổi 60, nam giới thời nay còn rất sung mãn, tiếng sáo của ông vẫn nguyên vẹn năng lượng và sự ngọt ngào, quyến rũ. 

Muốn làm tốt công việc gì đều cần có sự đam mê, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Với Đinh Thìn, gần như toàn bộ thời gian, sức lực, tâm trí chỉ dồn vào một việc duy nhất: Thổi sáo và sáng tác cho sáo, cho dàn nhạc dân tộc biểu diễn. Ngay cả khi làm Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ông cũng chỉ lao vào nghề nghiệp mà không mấy mặn mà với việc quản lý. Với ông, mọi câu chuyện chỉ được một lúc rồi lại trở về chuyện âm nhạc, chuyện thổi sáo, cải tiến nhạc cụ và biểu diễn. 

Tên tuổi Đinh Thìn gắn liền với những tác phẩm viết cho sáo trúc: Trăng sáng quê tôi, Đường về quê Bác, Tiếng vọng quê hương, Trên đường chiến thắng, Tiếng gọi mùa xuân... Công chúng phần nhiều chỉ biết ông là nghệ sĩ thổi sáo mà không biết ông còn chơi thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn bầu, đàn đáy, nhị... Đặc biệt là đàn bầu, ông đã độc tấu ở nhiều chương trình, thành thạo, điêu luyện như thổi sáo. Ông cũng viết nhiều tác phẩm cho các nhạc cụ trên diễn tấu: Cô gái xã viên (nhị), Trăng rằm (đáy), Mùa hoa nở (khèn), Hẹn hò (sáo Mèo). Ông để lại một tác phẩm khí nhạc đặc sắc cho dàn nhạc dân tộc hòa tấu Trẩy hội non sông. Ngoài ra, ông còn viết nhiều ca khúc đậm chất dân dân gian, trong đó có hai bài được công chúng rất ưa thích là Cây sáo của người chiến sỹ Tiếng hát gửi Thác Bà.

Trong cuộc sống đời thường, Đinh Thìn xuề xòa, giản dị, gần như không để ý gì đến bản thân. Nhưng trong nghệ thuật lại cực kỳ khó tính, cẩn trọng. Ông chau chuốt tiếng sáo để mỗi khi vang lên là lung linh, huyền diệu, lôi cuốn người nghe khiến họ cảm thấy như bị bỏ bùa mê. Đánh đàn bầu, ông nhấn nhá, uốn cần khéo léo, tinh tế. Nghe sáo và đàn bầu do ông diễn tấu, người nghe thấy được hết hồn cốt dân tộc được biểu hiện qua từng nốt nhạc với khả năng biểu cảm phong phú nhất. Tôi có biết rõ một cô gái lúc đầu định thi vào nhạc viện với nguyện vọng xin thi là sáo Tây (flute - loại sáo phương Tây, thường được biên chế trong dàn nhạc giao hưởng). Sau một lần nghe Đinh Thìn biểu diễn sáo trúc trên sân khấu, cô đã xin chuyển sang nhạc cụ này. Tôi hỏi cô:

- Sao em lại đổi nhạc cụ như thế? Thi môn Flute, em sợ khi học xong khó xin được việc à?

Cô ta trả lời:

- Đó chỉ là một phần. Cái chính là em thấy sáo trúc của dân tộc mình, nếu thổi giỏi như Đinh Thìn cũng rất thú vị, khả năng biểu đạt tình cảm rất phong phú, không thua kém bất cứ nhạc cụ hiện đại nào của phương Tây. 

Tôi kể lại sự việc trên cho Đinh Thìn thì ông cho rằng tôi đã vì yêu quý ông mà cổ vũ thêm. Nhưng đó là sự thật. Ông đã góp phần tôn vinh âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta đầy sức thuyết phục như thế.

Một tài năng lớn và sự kế tiếp - 2

Con trai, con dâu và các cháu của Đinh Thìn trong một tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Chẳng những để lại những bản độc tấu sáo, những tác phẩm viết cho các nhạc cụ dân tộc diễn tấu có giá trị, sống mãi theo thời gian mà Đinh Thìn con để lại sự kế tục sự nghiệp vẻ vang của mình: Con trai ông - NSƯT Đinh Linh - là một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng sáo hiện nay và cháu nội - Đinh Nhật Minh cũng bắt đầu khẳng định được sự nghiệp với cây sáo này. Thật là một gia tài quý hiếm cho đất nước. Hiện nay, con trai và cháu nội đang ra sức phát huy tài năng để bảo tồn truyền thống gia đình, góp phần làm rạng danh nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiếp tục nêu cao tinh thần, vai trò và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Tiếp tục nêu cao tinh thần, vai trò và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Với những kết quả đạt được trong năm qua, văn học nghệ thuật tiếp tục góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tạo bầu không khí lành mạnh trong xã hội, tạo niềm tin vào tiền đồ của đất nước, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong nhân dân.

Nguyễn Tư Nghiêm – dòng chảy, mạch nối bất tận

Nguyễn Tư Nghiêm – dòng chảy, mạch nối bất tận

Sinh năm 1922 tại Nam Đàn, Nghệ An - mất năm 2016 tại Hà Nội… Cách duy nhất thầm thì để hiểu ông, thích tranh ông… nhận ra giá trị vượt thời gian - vượt tiến - cách tân - chốt vị thế định danh bậc thầy - những ý tưởng không chỉ chuẩn mực mà còn gây ảnh hưởng thống trị - thán phục - tạo động lực lan tỏa rộng - góp phần đa dạng hóa phương ngữ thị giác “ngôi nhà lớn” khó gi