“Nghiệp nghệ sĩ” của gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Minh

Nhớ những đêm mùa đông Hà Nội gió buốt lạnh, nghệ sỹ đàn accordion của Đoàn ca múa Quân đội - Kiều Minh vẫn hay rủ tôi đến phố Lò Đúc chơi với hai người bạn: Trần Ngọc Mỹ và Lưu Quang Minh. Trần Ngọc Mỹ sau là một nhiếp ảnh gia, còn Lưu Quang Minh (xin gọi tắt là Lưu Minh) lúc ấy mới từ mặt trận Trường Sơn ra, được đơn vị cho theo học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện m nhạc quốc gia Việt Nam) với thầy Xuân Tứ. Sau Lưu Minh trở thành Phó Giám đốc Nhạc viện.

Ngày ấy Kiều Minh giới thiệu với tôi về Lưu Minh: "Tiếng đàn thằng này hay lắm, lẽ ra nó phải ở đoàn tôi mới đúng. Nó là con nhà giàu ở Hải Phòng, nhập ngũ vào mặt trận, chiến đấu thực sự được danh hiệu “Dũng sĩ", rồi được gọi về Đoàn Văn công Trường Sơn!"

Lưu Minh là chàng trai đất Cảng, nhập ngũ năm 1967 - sư đoàn 304, vào chiến trường ác liệt chiến đấu thật sự, đoạt danh hiệu “Dũng sĩ”, rồi khi biết tuổi thơ anh từng học kéo đàn ở Trường Nghệ thuật Hải Phòng nên anh được phân về Đoàn nghệ thuật Trường Sơn, một đoàn nghệ thuật nơi mặt trận. Năm 1975, Lưu Minh cùng đoàn đi biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ Đà Nẵng, Nha Trang mới giải phóng. Cũng những ngày tháng này, Kiều Minh cùng đoàn Ca múa Quân đội đi diễn ở Sài Gòn mới giải phóng.

“Nghiệp nghệ sĩ” của gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Minh - 1

Gia đình PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh

Trần Ngọc Mỹ từ dáng dấp lời ăn tiếng nói đúng diện “con nhà". Lưu Minh từ mặt trận lửa đạn ra, nhưng vẫn giữ vẻ hào hoa phong nhã, ăn nói đều rất khiêm nhường và đáng mến. Từ đó chúng tôi thành thân thiết, ít nhất cũng bởi chúng tôi từng là lính, từng ở mặt trận, từng tay đàn tay súng…

Những đêm mùa đông, Kiều Minh thường rủ tôi đến tụ hội, ngồi uống trà hay cà phê với nhau, chém gió đủ thứ chuyện trên đời, mà Kiều Minh và Mỹ nói là chính, còn tôi và Lưu Minh chỉ biết tủm tỉm ngồi nghe. Tôi cũng đã có dịp viết bài về Lưu Minh, bài báo mang tên Cây đàn dũng sỹ và đã được in. Nhưng so với chuyện kể dưới đây của Trần Ngọc Mỹ về Lưu Minh, người nghệ sỹ 30/4 của tôi, thì tất không thể hay bằng…

"Đó cũng là cảm nghĩ đến với tôi, khi tới dự chương trình số 2 của giảng viên, nghệ sĩ piano trẻ Lưu Đức Anh: Liszt Recital tại Nhà hát Lớn thành phố Hanoi. Thể hiện những tác phẩm vĩ đại của nhạc sĩ thiên tài Hungary là một thử thách không nhỏ với những pianist. Lưu Đức Anh thực sự đã làm chủ được tiếng đàn của mình, dẫn dắt người nghe theo từng cung bậc cảm xúc của mỗi tác phẩm. Vẫn là một Liszt mạnh mẽ tới mức dữ dội, người nghe lại thấy hiện ra một diện mạo khác sâu lắng đằm thắm, thấm vào cái không gian trang trọng của nhà hát qua tiếng đàn tuôn chảy gửi gắm của nghệ sĩ trẻ tài hoa. Sự thành công của anh xin nhường cho các bạn đồng nghiệp, chuyên môn đánh giá cho chuẩn xác hơn tôi, một kẻ ngoại đạo.

Khi buổi diễn kết thúc, tranh thủ giao lưu cùng Đức Anh và gia đình, tôi chợt nghĩ về “nghiệp” của gia đình anh. Quen biết chơi với nhau ngót nửa thế kỷ, tôi nhớ tới từng chặng đường mà cha anh, giáo sư, nghệ sĩ Lưu Quang Minh đã đi cho tới hôm nay. Từ lúc là một anh lính trẻ trở về từ đạn bom, vẫn khao khát cháy bỏng đi tiếp con đường đã chọn từ thuở thiếu thời: âm nhạc. Thực sự là đam mê và khổ luyện, khi đó Minh chưa có nhà, phải ở nhờ họ hàng trên Hanoi, tài sản giá trị nhất là cây đàn accordion.

“Nghiệp nghệ sĩ” của gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Minh - 2

Hai anh em nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang - Lưu Đức Anh trình diễn trong Đêm nghệ thuật chào mừng 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhà hát lớn - Hà Nội. Tại buổi lễ, hai anh em nghệ sĩ đã biểu diễn song tấu tiết mục “Trống cơm” (do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chuyển soạn). Ngoài ra nghệ sĩ Lưu Đức Anh còn góp mặt trong tiết mục biểu diễn của Tenor Ninh Đức Hoàng Long và Soprano Phạm Khánh Ngọc và nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả có mặt trong chương trình.

Một kỷ niệm mà chúng tôi vẫn ôn lại với nhau là hàng ngày anh phải xuống căn bếp lợp giấy dầu chật hẹp, dưới cái nóng ngoài trời 39°C, đóng kín cửa để khỏi ảnh hưởng hàng xóm, cứ vậy mà cò cử luyện đàn chuẩn bị cho những chuyến biểu diễn, thi âm nhạc quốc tế...

Với những giải thưởng, những tác phẩm, với sự đóng góp cho sự nghiệp giảng dạy âm nhạc, nhà giáo, nghệ sĩ Lưu Quang Minh đã làm nên tên tuổi của mình. Sau này, khi lập gia đình, có hai người con trai, hai bạn trẻ đều theo nghiệp cha, giờ đều trở thành các giảng viên, nghệ sĩ piano hàng đầu hiện nay. Người con trai đầu đã mang về nhiều giải thưởng lớn quốc tế, được tôn vinh là một trong những công dân ưu tú, thanh niên tiêu biểu của đất nước, đã mang nhiều vinh quang âm nhạc về, nay đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Australia.

Riêng với Đức Anh, tôi vẫn thấy vui vui, mỗi khi nhớ lúc xưa, hai chàng trai tài còn thơ bé, bà mẹ trẻ từng tâm sự: "Nhà có chồng nghệ sĩ, con trai lớn theo nghiệp cha rồi, thằng thứ hai chắc em cho theo nghiệp khoa học hoặc kinh doanh thôi". Thế rồi bẵng đi vài năm, khi tới chơi, hỏi thăm việc học hành của con cháu, thì bà mẹ lại cười lắc đầu: "Nó lại theo bố và anh trai với cây đàn rồi!". Điều ấy lại khiến tôi nghĩ: Người chọn nghề hay nghề chọn người đây? Riêng với Lưu Đức Anh, câu trả lời chắc sẽ là: Nghiệp nghệ sĩ đã ngấm sâu vào máu thịt của ba cha con, ba gã đàn ông họ Lưu này rồi. Cuộc đời của họ đã được định sẵn vậy. Họ được chọn để cống hiến cái đẹp của dòng nhạc cổ điển cho đời. Kết quả mà họ có được hôm nay là kết hợp tài năng thiên bẩm, môi trường đào tạo và đặc biệt sự quyết tâm khổ luyện của cả ba cha con Lưu như tôi đã từng chứng kiến.

Song, cũng thật không đầy đủ khi nói đến sự thành công của ba người đàn ông này mà không nhắc đến người phụ nữ luôn song hành nâng bước từ người chồng đến từng đứa con trai nghệ sĩ: Phan Hồng Châu, nữ doanh nhân thành đạt. Bao năm, chị chăm lo cho mỗi bước đi thay đổi, lo tới từng buổi diễn báo cáo, từng cuộc thi lớn nhỏ, đến những chuyến lưu diễn trong ngoài nước của hai con, dù tôi biết lịch làm việc của chị luôn kín. Có vậy mới hiểu câu ngạn ngữ "Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ". Tôi nghĩ người phụ nữ của ba cha con nghệ sĩ họ Lưu, tới lúc này ko ai khác là chị: Phan Hồng Châu. Cảm ơn chị đã nâng niu cho đời những tài năng.

Một chút ước muốn nhỏ: Mong có một ngày, chúng tôi, những người bạn cũ, những khán giả hâm mộ được thưởng thức một đêm nhạc hòa tấu của Lưu Quang Minh, Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh với chủ đề Cha Con, một kỷ niệm đầy ý nghĩa với sự nghiệp của mỗi thành viên cũng như đầy cảm xúc với người mến mộ các bạn.

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024: Vinh danh 33 tác phẩm xuất sắc

Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024: Vinh danh 33 tác phẩm xuất sắc

Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024 là dịp để tập hợp lực lượng sáng tác nhiếp ảnh trong cả nước, giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật xuất sắc. Đồng thời, tổng kết và đánh giá các thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của giới nhiếp ảnh Việt Nam trong 2 năm 2023 và 2024.