Nhạc cho phim truyền hình hiện nay

Hiện nay, dư luận rộng rãi đều chung nhận định: Chất lượng nghệ thuật phim truyền hình (phim truyện) giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu của người xem. Tất nhiên người chịu trách nhiệm chính vẫn là đạo diễn. Góp phần tạo nên nhiều phim non yếu đó có âm nhạc, tuy bộ môn này chỉ giữ vai trò khiêm tốn trong bộ phim. Nhưng dù vậy thì âm nhạc cũng đủ sức đẩy thêm chất lượng của phim được khá hơn nếu sáng tạo công phu, có tư duy khó tính; và dìm bớt sức thuyết phục nếu thực sự dễ dãi, cẩu thả.

Tình hình nhạc cho phim truyền hình hiện nay ra sao? Câu trả lời chung, khái quát là: dở, dông dài, tuỳ tiện, chẳng có ngôn ngữ, không rõ ý đồ. Người xem có cảm tưởng nhạc xuất hiện trong phim chỉ là một sự bày biện cho đủ mâm đủ bát. Người đạo diễn chỉ nghĩ đơn thuần: Chẳng lẽ lại không có nhạc? Và chẳng lẽ phim truyện lại dùng nhạc cắt (có sẵn)? Có lẽ họ cũng muốn tạo thêm việc làm cho nhạc sĩ chăng? (Dẫu tiền thù lao làm nhạc cho phim truyền hình chẳng đáng là bao).

Người ta thấy với tình hình như hiện nay thì bóc phần nhạc ở một phim bất kỳ có thể đặt vào một phim khác vẫn chẳng sao, không phương hại gì đến chất lượng bộ phim. Hiện trạng, nhạc phim truyền hình rơi vào những nhược điểm sau:

Thứ nhất là ôm đồm, bao sân: Nhạc xuất hiện nhiều quá, lấn lướt cả lời thoại, khiến người xem cảm thấy bực mình vì không nghe rõ lời nói của nhân vật. Lại có chỗ do khung cảnh vốn đã ồn ào náo nhiệt (như cảnh chợ, chỗ đông người, công trường lao động, tiếng máy móc, xe cộ đi lại...) nhạc cũng xuất hiện chỉ thêm khổ tai người xem.

Trong sự ôm đồm này có việc lạm dụng những bài hát. Cho xuất hiện bài hát là việc cần thiết nếu giúp người xem cảm thụ sâu sắc thêm tư tưởng, nội dung bộ phim. Còn nếu không, chỉ làm tổn hại đến toàn bộ phần âm nhạc. Bài hát phải thật “đắt” với giai điệu độc đáo, lời ca giàu chất văn học, và quan trọng hơn là phải gắn chặt với chủ đề bộ phim.

Không thiếu phim truyền hình gần đây vốn dĩ nhạt nhẽo về nội dung, lại xuất hiện thêm bài hát được nhạc sĩ hình thành quá dễ dãi, lại tô đậm thêm sự tầm thường của cả bộ phim. Trong số hàng nghìn bộ phim truyền hình đã ra đời thì số bài hát trong phim gây được ấn tượng cho người xem là quá ít. Có lẽ người ta chỉ còn nhớ được 3 bài: “Mong ước kỷ niệm xưa” (phim “Phía trước là bầu trời”), “Hải Phòng tuổi thơ tôi” (phim “Sóng ở đáy sông”) và “Những bàn chân lặng lẽ” (phim “Cảnh sát hình sự”).

Nhạc cho phim truyền hình hiện nay - 1

Nhạc phim “Sóng ở đáy sông” - bài hát “Hải Phòng tuổi thơ tôi” gây được ấn tượng cho người xem

Thứ hai, không rõ ý đồ của người làm nhạc: Minh hoạ không ra minh hoạ, khắc họa tính cách nhân vật (bằng âm nhạc) cũng chẳng ra khắc hoạ. Gợi ý cho người xem tư duy liên tưởng lại càng không. Sự thực chỉ là: có âm nhạc để người xem thấy vui tai, cho “có không khí”. Nhưng đó là một quan niệm đơn giản và sai lầm.

Trong nghệ thuật, thừa tệ hại hơn thiếu. Họ tưởng rằng có nhạc để “có không khí” thêm. Chính ý nghĩ sai lầm ấy đã dẫn đến sự nhàm chán của rất nhiều đoạn phim, mà nếu không có âm nhạc, người xem sẽ thấy thú vị hơn.

Trong buổi sáng đẹp trời, một đôi bạn trẻ dắt tay nhau ra biển. Biển mênh mông, sóng dào dạt, từng đàn hải âu vỗ cánh; trời xanh ngắt, nắng chói chang khiến nước biển càng như xanh hơn. Lúc này nếu một nét nhạc với đường nét giai điệu thật đẹp, thật lãng mạn vút lên, phụ hoạ với tâm trạng của đôi bạn trẻ thì sẽ rất “đắt”. Nhưng nếu đến khi họ trở về phòng, cùng vào tắm nước ngọt, trêu đùa nhau rất hạnh phúc, để biểu hiện niềm vui bất tận của họ, nếu xuất hiện âm nhạc vào lúc này là thừa, dễ nhàm chán và nhạt nhẽo. Vì người xem đã hiểu rõ họ rồi, âm nhạc sẽ chẳng gợi mở được thêm gì nữa.

Thứ ba: Hầu hết nhạc phim truyền hình hiện nay chỉ trông cậy vào một cây đàn organ điện tử hiện đại để biến báo đủ thứ màu sắc nhạc cụ khác trên đó. Rõ ràng khả năng biểu hiện không thể bằng những nhạc cụ khác, cho dù người chơi có rất giỏi. Tuy nhiên, điều này có thể do “cái khó bó cái khôn”. Một cây đàn organ như vậy sẽ tốn ít kinh phí hơn cả một dàn nhạc diễn tấu. Nhưng rõ ràng hiệu quả sút kém nhiều.

Vấn đề không phải là ít hay nhiều, là nhạc cụ gì mà chủ yếu vẫn là tài năng của nhạc sĩ. Có khi cũng đoạn phim, cảnh phim, tình huống đó mà sử dụng một cây ghi-ta gỗ, hoặc một cây vi-ô-lông-xen còn hiệu quả hơn cả một dàn nhạc nếu nhạc sĩ lựa chọn được một đường nét âm nhạc phù hợp nhất. Có khi một tiếng hát thô mộc, sơ sài đơn giản của một người bình thường vang lên còn hiệu quả hơn một ca sĩ chuyên nghiệp, tuỳ thuộc vào tình huống, tâm trạng của nhân vật.

Tôi cho rằng làm nhạc cho phim truyền hình (cũng như phim nhựa), điều quan trọng là người nhạc sĩ phải gây được ấn tượng cho khán giả bằng phần âm nhạc của mình; và người nhạc sĩ tất cả phải vì hiệu quả cuối cùng của bộ phim. Rất nhiều khi, một phim có vấn đề rất sâu sắc, rất lớn, được đạo diễn đầu tư công sức nhiều về tất cả các khâu, nhưng riêng âm nhạc lại chỉ cần một dung lượng vừa phải; trong khi một phim khác bình thường, nhẹ nhàng hơn, nhưng riêng âm nhạc lại cần đầu tư nhiều hơn.

Nói một cách hình tượng, nhạc sĩ (trong phim) cần xác định mình luôn phải đi theo sau đạo diễn, chứ không phải đi ngang hàng, càng không phải là đi trước dẫn dắt. Xác định vậy, tức là nhạc sĩ đã thấy âm nhạc trong phim chỉ góp phần tạo nên sự hoàn chỉnh, hài hoà cuối cùng của tác phẩm điện ảnh, chứ không phải là tham vọng làm nhạc không lời đưa vào phim.

Tuy nhiên, phần âm nhạc thành công, thú vị cho phim thì khi bóc tách ra sẽ dễ trở thành một tác phẩm khí nhạc hay. Nhưng làm nhạc cho phim không nhất thiết phải như vậy mà yêu cầu là góp phần tạo nên hiệu quả cao nhất của hình ảnh.

Có một cách tạo nên âm nhạc cho phim truyền hình là thay vì mời nhạc sĩ sáng tác, có thể lựa chọn nhạc có sẵn để lồng ghép vào từng đoạn, từng cảnh của phim. Tuy nhiên cách làm này đòi hỏi người chọn nhạc phải có lỗ tai sành để lựa được những đoạn nhạc phù hợp nhất với nội dung của phim: Chỗ nào cần có với dung lượng ra sao? Nếu không biết chọn sẽ rơi vào tình trạng nhân vật, nội dung phim một đằng, nhạc lại một nẻo dẫn đến tình trạng sẽ “phá nhau”.

Tất nhiên nếu làm cách này thì người chọn nhạc phải biết rõ xuất xứ đoạn nhạc đó của ai, trong tác phẩm âm nhạc nào để có lời ghi rõ trong phim, tuân thủ Luật Bản quyền. Nếu không ghi, các tác giả âm nhạc có thể kiện ra tòa dân sự. Một cách làm khác cũng có thể nghĩ tới là thay vì sáng tác nhạc cho phim, chỉ cần tạo nên những tiếng động là được.

Ở đây, cần phân biệt âm nhạc và tiếng động. Mọi âm thanh tự nhiên, hỗn tạp của cuộc sống gọi là tiếng động. Khi những tiếng động này được tổ chức theo những quy luật nào đó về tiết tấu, nhịp điệu, cao độ, trường độ thì gọi là âm nhạc.

Như vậy, để có âm nhạc thì cần có người sáng tác nên, gọi là nhạc sĩ. Còn tiếng động thì chỉ cần người lựa chọn tìm kiếm, tạo ra những tiếng động sao cho phù hợp với từng hình ảnh trong phim. Cách làm này nếu khéo cũng tạo nên hiệu quả tốt, có khi hơn hẳn âm nhạc mà không dày công sáng tạo.

Có lẽ từ trước đến nay, chưa bao giờ nhạc cho phim truyền hình được các đạo diễn quan tâm đúng mức cần thiết. Mong rằng để chất lượng các bộ phim ngày càng được nâng cao, phần âm nhạc trong phim truyền hình được chú trọng, gia tăng đầu tư hơn.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất