Nhạc sĩ của những tiếng lòng

Nói vậy ai cũng hiểu, đó là người nhạc sĩ gắn với những bản tình ca – những bài hát dành cho lứa đôi. Nhưng lại có một ý nữa: Đó là những giai điệu có thể rất dữ dội, bốc lửa hay đằm thắm, ngọt ngào nhưng kín đáo, không phô trương như chính nỗi lòng của những người có phần thầm lặng, sâu sắc trong cõi tình vậy.

Tôi muốn nói đến một gương mặt âm nhạc khá nổi tiếng ở miền đất võ Bình Định. Người dân nơi đây vẫn quen gọi là xứ Nẫu. Ở mảnh đất Nam Trug Bộ này, nhắc đến anh thì hầu như giới âm nhạc, sân khấu ai cũng biết. Anh là nhạc sĩ Đào Minh Tâm – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Bình Định, nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn phát huy tác dụng tốt, luôn bận bịu với những dự án nghệ thuật.

Do công việc mà tôi cần phải biết những văn nghệ sĩ tiêu biểu ở từng vùng đất, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. Ví như ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc... có những ai? Họ có những gì nổi trội? Từ lâu, tôi đã biết ở Bình Định có Đào Minh Tâm hoạt động khá hiệu quả ở cả hai lĩnh vực âm nhạc và sân khấu nhưng chưa có dịp tiếp xúc.

Mùa hè vừa qua, về Bình Định, qua một người bạn khác, tôi gặp được anh. Nhanh chóng trở nên thân thiện, không có khoảng cách trong tiếp xúc, tuy anh kém tôi tới 9 tuổi. Nhưng anh khá dè dặt, có vẻ kiệm lời. Từ con người bình dị, toát lên vẻ hào hoa, có chút lãng tử, rất nghệ sĩ với nụ cười tươi, đôn hậu, có phần chân thành, dễ mến. Hầu như anh không nói gì về bản thân, trừ khi ai hỏi điều gì, thì trả lời đúng điều đó. Tôi dễ có cảm tình với những người như thế và thường dị ứng với người luôn ồn ào, thích khoe mẽ, nói nhiều về mình, tranh thủ khoe đủ thứ. Trong cuộc tiếp xúc ở những nơi có nhiều người, anh có khuynh hướng nghe nhiều hơn nói.

Nhạc sĩ của những tiếng lòng - 1

Nhạc sĩ Đào Minh Tâm

Thế là dịp gặp gỡ đầu tiên ấy, anh để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Nhưng chưa nói được gì nhiều với nhau thì tôi phải ra Bắc. Và sau đó, nhiều lần nói chuyện dài đã diễn ra qua điện thoại. Chỉ có hai người trò chuyện nên anh khá cởi mở, gửi tặng tôi những tập ca khúc và những bản thu âm chất lượng. Tôi nghe một cách say sưa, thích thú. Chủ yếu là tình ca. Mỗi bài một cung bậc cảm xúc, một giọng điệu riêng, không bài nào giống bài nào.

Tôi không thể không nể khi anh có tới bốn bài hát cùng viết về mùa xuân mà khác hắn nhau tuy đều trẻ trung, rất “ướt át” (Nắng xuân, Giọt xuân, Nhặt chút tình xuân, Háo hức xuân về). Tôi như bị lạc vào một cõi thiên thai mộng mơ bởi những giai điệu khi thì dìu dặt, lãng đãng, lúc lại dào dạt, đắm say, cũng có khi mãnh liệt, bốc lửa. Và cái cách phô diễn tình cảm của anh thể hiện qua ca từ cũng mộc mạc, giản dị, chân thành, thật dễ thương: “Yêu, tôi  yêu cả những con đường vắng. Yêu, tôi yêu cả tháng ngày trong gian khổ đắng cay. Và yêu em, tôi yêu suốt đời này...” Và: “Tôi yêu, yêu hơn cả bốn mùa, yêu trong từng giấc mơ...”.

Cái tạng của Đào Minh Tâm có vẻ phù hợp hơn với những gì êm đềm, dịu nhẹ, truyền thống. Vậy mà thật thú vị. Ngôn ngữ âm nhạc của anh thì lại không kém phần mới mẻ, hiện đại. Có vẻ như tác giả những bản tình ca đó không phải là một người đã sắp bước đến ngưỡng 70 tuổi mà còn tràn trề nhựa sống, phong độ. Nghe những bài tình ca này, người ta có thể đoán biết đời sống tinh thần của tác giả. Hẳn là anh phải đang chìm đắm vào thế giới của những cảm xúc thăng hoa trong cõi... bồng lai! Đào Minh Tâm là người kín đáo. Anh không dễ bộc lộ thế giới riêng tư của mình. Thay vì, trút tất cả vào những nốt nhạc, phím đàn.

Công chúng yêu âm nhạc ở Thành phố Quy Nhơn, Bình Định hẳn là rất biết nhiều ca khúc của Đào Minh Tâm như Hát bội đêm xuân, Quà biên giới, Nụ cười H`Rê, Hành trang của người lính đảo, Thăm làng Sen quê Bác... Nhưng đó là những ca khúc anh viết theo tiếng gọi của lý trí, của những nhiệm vụ cần thiết mà người nhạc sĩ không thể không quan tâm, không thể không có trách nhiệm. Còn cõi sâu thẳm nơi đáy lòng thì anh thể hiện ở những bài tình ca mà tôi đã có dịp nói đến ở trên. Bài hát của anh tuy có dáng vẻ hiện đại rõ rệt nhưng cũng thắm đẫm chất liệu dân ca Bình Định mà bài chòi là một trong những làn điệu dân ca nổi tiếng nơi đây.

Ngoài sáng tác ca khúc, Đào Minh Tâm còn hoạt động trong lĩnh vực sân khấu với nhiều kịch bản được các đoàn trong và ngoài tỉnh dàn dựng. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu: Địa ngục và trần gian, Kẻ nô lệ, Con trai của Sơn Thần, Thần dược, Lính đảo về phép, Không mua được bằng tiền...

Trước nay, vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà thơ thì còn dễ thấy. Nhưng vừa nhạc sĩ lại vừa kịch sĩ thì quả là hiếm. Bởi thơ và nhạc thì gần nhau, còn nhạc và kịch thì xa nhau. Đào Minh Tâm hoạt động tốt trong cả hai lĩnh vực được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng ở địa phương cũng như trung ương. Nhưng điều này chưa nói lên được gì. Quan trọng là công chúng biết đến anh, yêu thích những tác phẩm của anh.

Đào MinhTâm sinh ngày 11/3/1955, quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thời trẻ từng đi thanh niên xung phong rồi về làm diễn viên Đoàn Ca múa nhân dân tỉnh Nghĩa Bình với vai trò nhạc công đàn guitar base (có thời gian ghép Quảng Ngãi và Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình). Về sau, anh chuyển sang làm Phó rồi Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định và nghỉ hưu tại đây.

Ở nước ta có nhiều nhạc sĩ chưa có dịp theo học tại trường nhạc chính quy mà chỉ tự học để thành tài. Họ có nhiều đóng góp rất hiệu qủa cho phong trào. Nghe tác phẩm của họ, không ai nghĩ là họ không học ở trường lớp bởi tác phẩm đạt được những chuẩn mực rất chuyên nghiệp. Những Thái Cơ, Trương Quang Lục, Xuân Giao, Văn Dung, Trần Chung... và nhiều nhạc sĩ tên tuổi gắn với những ca khúc rất nổi tiếng là như vậy. Đào Minh Tâm cũng chưa có dịp học ở trường nhạc nào. Nhưng anh có thể phối khí và viết nhạc múa tốt. Như vậy, anh đã phải tự học và mày mò công phu. Điều này chứng tỏ một nghị lực, ý chí và lòng say mê âm nhạc lớn lao mới có thể đạt được những thành quả như anh đã có.

Bạn bè, đồng nghiệp đều ghi nhận, quý mến đức tính chân thành, nhiệt tình và hào hiệp của Đào Minh Tâm. Một điều không phải người nghệ sĩ nào cũng có được là biết trân trọng tài năng người khác, coi tác phẩm của người cũng như của mình. Khi Đài phát thanh và truyền hình cùng Tạp chí Văn nghệ Bình Định giới thiệu một chùm ca khúc của tôi viết về vùng đất này, Đào Minh Tâm sẵn sàng viết lời giới thiệu với những cảm nhận rất chân tình, trân trọng.

Rồi khi tôi có sáng tác mới đậm đặc chất liệu bài chòi, anh chủ động dựng cho một ca sĩ chuyên nghiệp ở Bình Định rồi xúc tiến thu thanh, thành một sản phẩm chất lượng, hoàn chỉnh. Không phải là anh, chắc người khác khó làm việc này một cách chủ động, tận tâm như làm cho chính mình vậy. Anh bộc lộ quan điểm là một tác phẩm có giá trị tức là sẽ thuộc về nhiều người và cả cộng đồng phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy tác dụng.

Hiện tại, Đào Minh Tâm vẫn cần cù trên từng nốt nhạc. Anh cảm thấy luôn thiếu thời gian với công việc sáng tác và những hoạt động của Hội văn nghệ địa phương. Anh cho rằng chỉ có làm việc, đặc biệt là sáng tác, cuộc sống mới có ý nghĩa. Thoát ly nó tức là tự tước bỏ cuộc sống của mình. Lặng lẽ làm việc, luôn tạo nên những hiệu quả, đó là phẩm chất đồng thời cũng là phương châm hành động của anh. Vậy nên tiếp xúc với anh, không ai nghĩ người nhạc sĩ luôn nặng tình, nặng lòng này lại đã ở tuổi anh đang mang mà thấy vẫn như thời trai trẻ đã lùi xa vào dĩ vãng.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất