Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Thần đồng hay thiên tài âm nhạc?

Trong văn học nghệ thuật, nhất là trong âm nhạc, từ nhỏ, khi chưa được học hành mà phát lộ tài năng lớn, đó là “thần đồng âm nhạc”. Lớn lên, chưa được đào tạo cao học qua trường lớp chính quy hiện đại mà thành nhạc sĩ tài danh, nhà soạn nhạc bậc thầy trên nhiều lĩnh vực, ấy là “thiên tài”. Đúng như nhận xét của nhạc sĩ Văn Ký: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Ông có đủ yếu tố để trở thành “thần đồng âm nhạc”, trở thành “nhạc sĩ thiên tài”.

Năm 2014, Chiến thắng Điện Biên – Bài ca bất hủ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận ra đời đã tròn 60 năm và cũng là ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (1954-2014). Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc hành hương nghệ thuật 60 năm Điện Biên Phủ.

Hà Nội, mưa rả rích, mưa lất phất suốt cả tháng trời sau Tết Giáp Ngọ (2014). Những chiếc lá bàng của mùa đông đỏ như lửa cháy đang trút xuống và bật lên sức xuân xanh biếc những tán bàng trên đường phố Hà Nội, nhất là những cây bàng cổ thụ trên đường phố Tràng Thi xanh ngát một vùng trời. Một cơn gió thoảng ào qua, nước mưa rơi lộp bộp trên chiếc dù đại màu trắng căng tràn trên sân 51, đường Trần Hưng Đạo. Từ trong không gian ẩm ướt ấy, tiếng quân nhạc cử hành cất lên hùng tráng: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”!...

Đại bản doanh văn nghệ sĩ Việt Nam như bừng tỉnh trong tâm thức mọi người bởi bài ca chiến thắng ấy của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Bài ca vừa dứt, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dẫn đầu đoàn văn nghệ sĩ Việt Nam trong Lễ xuất quân đã nói lên những lời tâm huyết rằng: “…Tại nơi đây, chúng ta đã từng chứng kiến và tiễn đưa không biết bao nhiêu Đoàn Văn nghệ sĩ xuất quân vào Nam cầm súng chiến đấu và sáng tác cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Thần đồng hay thiên tài âm nhạc? - 1

Chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận 

Cuộc hành hương nghệ thuật lên Điện Biên lần này còn có con trai cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, là PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đương kim Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân như Văn Ký, Trương Ngọc Ninh, Cát Vận, Minh Tiến (Nhạc sĩ, NSND, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc quân đội), nhạc sĩ Đức Trịnh (Thiếu tướng, Hiệu trưởng trường Nghệ thuật quân đội). Trong đoàn còn có nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương, đạo diễn điện ảnh, NSND) Bùi Đình Hạc, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhạc sĩ Văn Thao (con trai cả nhạc sĩ Văn Cao), diễn viên điện ảnh - NSƯT Chiều Xuân là con dâu nhạc sĩ Đỗ Nhuận… cùng hàng chục phóng viên báo chí, đài phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Đúng 9 giờ sáng ngày 9/3/2014, khi bài hát Hành quân xa do Đoàn Quân nhạc trình diễn vừa kết thúc thì đoàn xe từ từ chuyển bánh, tạm biệt Thủ đô Hà Nội lên đường trong cuộc hành hương nghệ thuật lên thành phố Hòa Bình, vượt dốc Cun, trên đường lên Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2014) của đoàn văn nghệ sĩ Việt Nam. Trong chuyến đi này tôi có nhiệm vụ chụp ảnh và viết bài bút ký văn học mang tên 60 năm Điện Biên - cuộc hành hương nghệ thuật đã đăng trên Tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam số tháng 5/2014.

Ngày 11/3/2014, đoàn đến Sơn La, vượt qua con đường dài 320km. Đến Sơn La ta không quên “Ngục tù Sơn La” - nơi rừng thiêng nước độc, nơi địa danh đã hình thành câu ngạn ngữ: “Nước Sơn La, ma Hòa Bình”.

Nhà tù Sơn La được xây dựng từ năm 1908 trên đồi Khau Cạ, bên dòng suối Nậm Na. Hình ảnh ấy bề ngoài xem ra có vẻ thanh bình yên ả, nhưng thực chất bên trong lúc nào cũng sôi động, nghiệt ngã, ngùn ngụt ý chí căm thù bởi cảnh tra tấn đánh đập tù nhân một cách dã man, tàn bạo vô nhân tính. Năm 1930, nhà tù Sơn La mới chỉ tiếp nhận 24 tù chính trị, nhưng 14 năm sau (1943), số tù nhân lên tới 1.007 người (có hơn 100 tù chính trị phạm).

Các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Cơ Thạch… đã từng sống trong ngục thất Sơn La. Sau này đa số các đồng chí ấy đều đã trở thành cán bộ lãnh đạo Đảng và nhà nước ta. Đoàn tù nhân còn có một nhạc sĩ trẻ tuổi nổi tiếng từ rất sớm, đó là Đỗ Nhuận.

Để tâng công nịnh hót quan trên, năm 1932, tên công sứ (quan cai trị đầu tỉnh) Xanh Pu-lốp đã gửi thư lên quan Thống sứ Bắc Kỳ, trong thư có đoạn viết: “…Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La. Bọn này nếu ở Hỏa Lò (Hà Nội) là những hạng hung hăng khó trị, thì rồi đây tới Sơn La chỉ trong vòng 6 tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở thành hiền hòa!”. Viết đến đây chắc Xanh Pu-lốp cũng hí hửng cười thầm trong bụng vì y đã nghĩ ra một kế hiểm để tiêu diệt bọn Cộng sản chết từ từ cho đến hết và gửi xác nơi đây một cách êm thấm.

Nhưng chúng nhầm, nào có ngờ nơi đây đã trở thành lò luyện thép trí tuệ cho các chiến sĩ cộng sản. Chàng tù nhân nhạc sĩ trẻ tuổi đã bước vào nơi đây mà vẫn sống khỏe và cũng nơi đây trở thành nơi sáng tác ra nhiều nhạc phẩm khêu gợi lòng yêu Tổ quốc, quê hương cho toàn dân tộc Việt Nam một cách “hợp pháp”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm nhà tù Sơn La, Người viết những dòng di bút thật hóm hỉnh: “…Biến cái rủi thành cái may. Các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn được bước tiến của Cách mạng mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho Cách mạng càng thêm cứng rắn”.

Trong bài viết của mình, nhạc sĩ, NSND Trọng Bằng có đoạn viết: “…Hồi nhỏ tôi theo gia đình lên sống ở Mộc Châu, tại đó tôi đã ra đón và xem đoàn tù chính trị bị giải lên nhà tù Sơn La, trong đó có anh Nhuận (tức Đỗ Nhuận). Tôi còn được nghe đoàn tù hát Hò La, Cờ Việt Minh, Quảng Châu Công xã, Mặc niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ…”. Vào tù trong sự tra tấn dã man tàn bạo của kẻ địch, anh không khai báo mà còn viết ra hàng loạt các bài hát: Chiều tù, Viếng mộ tử sĩ, Chim than, Hận Sơn La, Lời Cha già… đó là những dòng ký ức còn mãi với Trọng Bằng.

Đi cùng đoàn nhưng tôi không theo đoàn để nghe thuyết minh. Tôi “rình” và chờ đợi chụp ảnh nhạc sĩ Văn Ký đang tư duy sáng tác. Hình như ông đang đọc thư nịnh hót của Xanh Pu-lốp gửi lên quan trên mà ông cười thầm rồi ông quay lại nói với tôi: “Đỗ Nhuận là người có năng khiếu bẩm sinh. Đôi tai nghe âm nhạc “trời cho” cực kỳ thính nhạy có từ rất sớm. Tự học và thuộc các làn điệu dân ca một cách nhập tâm. Sử dụng thành thạo tất cả các loại nhạc cụ truyền thống và biết chế tác ra các làn điệu, các bài hát. Hiện tượng này xưa nay cũng ít thấy. Mới 17 tuổi đã viết được những tác phẩm có tầm tư tưởng lớn như Trưng Vương, Nguyễn Trãi - Phi Khanh, như Lời cha già!... có thể nói Đỗ Nhuận là thần đồng âm nhạc cũng được. Trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chưa được đi học mà đã có tác phẩm lớn, viết cho nhạc kịch Opéra như: Du kích Sông Thao, Việt Nam quê hương tôi. Khi đi tu nghiệp ở nước ngoài, Đỗ Nhuận đã có ngay những tác phẩm nhạc kịch tầm cỡ như Cô Sao, Người tạc tượng, Vũ khúc Tây Nguyên… mang tính kinh điển, mang tính thời đại. Vậy Đỗ Nhuận cũng có thể xứng đáng là thiên tài âm nhạc Việt Nam chứ!”.

Tôi chợt nhớ đến và chi tiết hơn những điều nhạc sĩ Văn Ký đã dẫn vào mùa hè năm Nhâm Tuất (5/1922), cuối tuần trăng, tại thôn Vạc, gần vùng công giáo Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, cậu bé Đỗ Nhuận ra đời ngoài vườn ổi, trong một chiếc cót quây tròn trên ổ rơm, lót manh chiếu rách. Vì nhà chật, lại không có buồng riêng nên các cụ kiêng cữ, không cho con dâu đẻ ở trong nhà.

Sinh thời, ông Đỗ Nhuận nghe mẹ kể: Tôi sinh vào nửa đêm, trời mưa to gió lớn, sấm sét đùng đùng, tới ba bốn giờ sáng thì mới tạnh mưa. Trên trời đã có trăng sao. Tôi đẻ năm đó là năm nhuận, họ Đỗ, sinh năm nhuận nên bố tôi mới đặt ngay tên là Đỗ Nhuận. Bố tôi bị Pháp bắt lính, đăng vào lính thổi kèn nhạc binh của ông đội xếp Quản Liên (tức Đinh Ngọc Liên) nay gọi là Đoàn quân nhạc Việt Nam). Bố tôi suốt ngày tập kèn Tây “Tò toe tí toét”. Không hiểu sao tiếng sấm sét khi đẻ và tiếng kèn của bố tôi có ảnh hưởng gì không nhưng khi lớn lên tôi đã sớm có năng khiếu về âm thanh và yêu thích các điệu hát dân ca ngay từ khi lên 6 tuổi, lớn thêm chút nữa, thích đọc sách, thích bơi lội, tập làm thơ, viết văn, thích vẽ truyền thần, đàn hát, biểu diễn và mơ trở thành “tài tử xi-nê” (nay gọi là diễn viên điện ảnh)…

Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Vũ Tự Lân vốn kiệm lời, ít tụng ca rộng rãi, khi viết về Đỗ Nhuận rằng: “…Anh thật lắm tài: Kéo đàn violon, thổi tiêu, sáo, đóng kịch và viết kịch, sáng tác nhiều bài hát hay mà vẽ cũng không xoàng…”. Cho đến lúc tôi gặp anh (1951) Đỗ Nhuận là một trong những người sáng tác âm nhạc Việt Nam ngay từ đầu đã có khuynh hướng tìm tòi, sự kết hợp những thủ pháp, kỹ năng sáng tác trong ngôn ngữ âm nhạc Pháp – Châu Âu, nhưng âm hưởng lại rất Việt Nam.

Phong cách sáng tác, ngôn ngữ âm nhạc của anh giản dị, mộc mạc, rất hồn nhiên, đôi lúc pha chút hóm hỉnh, nhưng khi cần vẫn trữ tình, đằm thắm hoặc khỏe mạnh, trầm hùng…Trong mắt chúng tôi thời đó, và ngay cả bây giờ nữa, các anh vẫn là những “thần tượng” âm nhạc.

Đỗ Nhuận khi chưa học qua trường lớp sáng tác nào ở trong nước nhưng anh đã viết được những tác phẩm đồ sộ như Cô Sao, Người tạc tượng là hai tác phẩm kinh điển trong sáng tác Opéra của Việt Nam, với mọi loại hình thức cần có trong một vở Opéra truyền thống Châu Âu, nhưng nội dung âm nhạc hoàn toàn là Việt Nam…Anh cống hiến bằng tài năng, bằng máu thịt của chính mình là vô giá, và sẽ còn được ghi bằng những chữ Vàng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Thần đồng hay thiên tài âm nhạc? - 2

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và con trai, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tại Matxcova năm 1978.

Nhạc sĩ Trọng Bằng, nhà chỉ huy dàn nhạc bậc thầy đã từng là Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam viết về Đỗ Nhuận: “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Cánh chim đầu đàn” trong bài viết Nửa thế kỷ tiếng hát Việt Nam, 40 năm kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tin chắc rằng không phải riêng tôi, mà trong đầu óc của các nhạc sĩ Việt Nam đều thấy hiện lên nhạc sĩ Đỗ Nhuận - người anh hùng của Điện Biên Phủ về âm nhạc. Và khi ông đã đặt bút sáng tác thì những dòng âm thanh ngọt ngào và sâu lắng tình quê, những dòng âm thanh ấy đã thấm đượm bản sắc dân tộc rồi.

Chính vì thế, mà chúng ta mới hiểu được sâu sắc có một người tù chính trị của những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước là đã từng gọt gáo dừa để làm đàn nhị, tìm từng chiếc lá rừng để làm đàn môi… mà sau này trở thành nhà soạn nhạc hàng đầu của nước ta tính từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, tác giả của một khối lượng đồ sộ các giá trị âm nhạc bao gồm hàng trăm ca khúc, hợp xướng, ca cảnh cùng với các thể loại đa dạng âm nhạc thính phòng và giao hưởng…đến các vở opéra, quy mô hoành tráng mà cho đến nay chưa ai sánh kịp…

Từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ông đã xuất bản nhiều tuyển tập: Chiến thắng Điện biên (1961), Người tạc tượng (1963), Việt Nam quê hương tôi (1977), Tuyển chọn ca khúc Đỗ Nhuận (1994) và Album Audio tác giả, phim truyền hình video Đỗ Nhuận, người nhạc sĩ của nhân dân (1996), tập hồi ký Âm thanh cuộc đời (2004), chương trình Con đường âm nhạc trên VTV3 Việt Nam quê hương tôi (2011)…

Âm thanh cuộc đời là cuốn sách ghi lại hồi ký qua các thời kỳ hoạt động đầy gian khổ và ác liệt, nhưng vẫn lạc quan yêu đời, hăng say sáng tác. Ông còn có những bài viết, trả lời phỏng vấn, tham luận hội thảo, trao đổi kinh nghiệm với những người sáng tác trẻ, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Về khả năng phản ánh hiện thực trong âm nhạc, thế nào là “nhạc Vàng”, ông sẵn sàng viết thư trả lời một số bạn sáng tác âm nhạc trẻ. Về việc viết bài hát, về Câu chuyện âm nhạc, về Kế thừa và phát triển âm nhạc dân tộc, về Xây dựng nền Âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc!… Đặc biệt, ông đánh giá cao vị trí của âm nhạc: Một bài hát hay cũng là một viên đạn bắn vào đầu giặc Mỹ.

Từ một người du kích cầm đàn (tên bài viết trong đoạn hồi ký) phục vụ chiến đấu và sáng tác, từng đạt giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1955), được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng, Huân Chương Độc Lập, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996), là phần thưởng cao quý nhất mà Đảng và nhà nước ta trao tặng, đánh dấu một chặng đường chiến đấu và sáng tác có một bước tiến phi thường của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Các tác phẩm âm nhạc của ông ngay từ buổi đầu cho đến hôm nay nó thấm đượm vào hồn dân tộc, được viết ra từ trái tim, khối óc, được “chắt’ ra từ máu thịt của mình, nó thẩm thấu vào tận tâm can người yêu âm nhạc. Từ Trưng Vương, Nguyễn Trãi - Phi Khanh, Lời cha già (khi tuổi mới 17 đôi mươi). Trong tra tấn tù đầy, bằng vũ khí âm nhạc anh đã viết ra Hận Sơn La, Chiều tù, Chim than, Viếng mộ tử sĩ, Du kích ca (khi mới ngoài 20 tuổi).

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với hàng trăm ca khúc rực lửa chiến đấu và chiến thắng như: Nhớ chiến khu, Tiếng súng Nam Bộ, Thương binh ca, Áo mùa đông, Đèo Bông Lau, Du kích sông Thao, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên, Hát mừng các cụ dân quân, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Trai anh hùng gái đảm đang, Việt Nam quê hương tôi, Trông cây lại nhớ tới người… Khi được đi tu nghiệp ở nước ngoài, ông có ngay Cô Sao, Người tạc tượng, Mùa xuân trên rừng, Tứ tấu đàn dây Tây Nguyên, Vũ khúc Tây Nguyên (viết cho Violon và dàn nhạc… với phong cách hiện đại không hề thua kém các tác phẩm âm nhạc nước ngoài.

Thời kỳ nào ông cũng có nhiều tác phẩm đi vào quần chúng yêu âm nhạc, ít ai không biết hoặc không thuộc bài hát như trên đã dẫn.

Từ năm 1975 đến năm 1983, với cương vị Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam hiện đại và tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ông được Hội đồng Quốc tế âm nhạc (CIM) ủy nhiệm làm người bắc cầu giữa Việt Nam với các dân tộc trên trái đất. Và qua những lần tham gia Hội đồng giám khảo các giải thưởng âm nhạc quốc tế. Ông đã có những cống hiến quan trọng nhằm củng cố nhịp cầu hữu nghị giữa các dân tộc.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được xếp hạng những người nổi tiếng thứ 43.847 trên thế giới và xếp thứ 272 trong danh sách những nhạc sĩ nổi tiếng.

Đặc biệt hơn, ông còn để lại cho đời một tài năng âm nhạc từ tuổi ấu thơ, được du học cao học bài bản cho đến hôm nay, đó là PGS, TS, nhạc sĩ, nhà chỉ huy dàn nhạc, Đỗ Hồng Quân đã ba khóa liên tục được bầu là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2010 – 2025). Tại Đại hội X của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2020-2025), ông được bầu giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Bí thư Đảng Đoàn và tự rút là đương kim “Người dẫn đường” của nền âm nhạc Việt Nam đương đại. “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Con hơn cha là nhà có phúc”. Sự nghiệp âm nhạc huy hoàng của Đỗ Hồng Quân đang chắp cánh để bay lên phía trước.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày