Từ “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” đến “Sông Gâm mùa ước hẹn”
“Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng/Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt/Hương hoa bay dào dạt/Làng hoa em gọi mùa - Mùa xuân....”
Khi những ca từ và giai điệu đó cất lên trên sóng phát thanh, truyền hình, trong các chương trình ca múa nhạc... khắp từ trung ương đến địa phương trên cả nước, công chúng yêu âm nhạc dễ dàng nhận ra đó là ca khúc “nằm lòng”: Mùa xuân, làng lúa, làng hoa của Đại tá, Nhạc sỹ Ngọc Khuê. Nói “nằm lòng” bởi “bài ca đi cùng năm tháng” này đã có 44 mùa xuân (sáng tác 1980) và 12 năm kể từ khi được vinh danh Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2012).
Với 44 mùa xuân qua ấy, tôi từng nghe, xem trực tiếp và gián tiếp nhiều tên tuổi thế hệ ca sĩ thể hiện, đặc biệt là hơn 10 năm trở lại đây từ khi tác phẩm được vinh danh Giải thưởng Nhà nước, “tần suất” xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Nhạc sĩ Ngọc Khuê càng dày đặc, kể cả trả lời phỏng vấn - trò chuyện trên báo chí; Nhưng đến nay - vào một buổi chiều cuối năm áp Tết Ất Tỵ (2025), lần đầu tiên tại nhà riêng nhạc sĩ (Khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân) tôi mới cùng ông trò chuyện mà “điểm nhấn” là hoàn cảnh sáng tác, cảm xúc trước tác phẩm “đóng đinh” vào công chúng âm nhạc khi mùa xuân đang hối hả về.
Bên ấm trà nóng hổi, xôn xao giữa cái lạnh cắt thịt da của Hà Nội, ông cùng tôi ngược dòng thời gian điểm lại quá trình sáng tác: Trước năm 1981, trong gia tài âm nhạc của mình, ông đã có hơn 300 tác phẩm. Nhưng vẫn chưa có sáng tác nào về Hà Nội, về Hồ Tây - nơi ông sinh sống và theo con đường binh nghiệp (Quân chủng Phòng không - Không quân). Điều đó làm ông đau đáu mãi. Có lẽ, xuất phát từ tình yêu Hà Nội, yêu những làng hoa Nghi Tàm, Ngọc Hà - nơi ông có những người bạn thân yêu, có bạn cùng trong quân ngũ mà ông từng qua lại. Riêng ở Ngọc Hà, ông được chứng kiến những trận chiến đấu ngoan cường của quân dân Hà Nội chống trả những trận bom kinh hoàng của Đế quốc Mỹ làm những “pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ” trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê (phải) trò chuyện cùng tác giả Đức Dũng.
Tiếp thêm nước trà nóng cho tôi, ông kể tiếp: Vào một ngày cuối đông năm 1980, ông lang thang đạp xe vòng quanh Hồ Tây, mới phát hiện ra rằng, khi đi qua đoạn đường từ dốc Bưởi trở lên thì gặp Hồ Tây, phía bên trái con đê là cánh đồng lúa của các xã Xuân La, Xuân Đỉnh; bên phải Hồ Tây là các làng hoa Nghi Tàm, Nhật Tân... Vậy là ý tưởng Hồ Tây bên lúa, bên hoa đã trào dâng trong ông. Ngay lập tức câu hát “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người - Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng/Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt, hương hoa bay dào dạt, làng hoa em gọi mùa/Mùa xuân”... ra đời. Và cái “tứ” của bài hát xuất hiện từ đó. Về nhà rồi ông mới “gia công” đoạn đầu và khúc kết.
Ở tuổi 78, đôi mắt đã rạn chân chim của ông ánh lên niềm vui khôn tả, bởi đã “trả nợ”, đã thể hiện được tình yêu với Hà Nội, với Hồ Tây - mảnh đất phồn thịnh, giàu đẹp cùng bao sự tích, linh thiêng bao đời nay; vui vì đã nói lên được cảm xúc khát khao của mình trước cuộc sống còn nhiều gian khó, bộn bề nhưng vẫn phơi phới, lạc quan. Vì luôn có lúa - biểu tượng của cuộc sống ấm no và luôn có hoa - biểu tượng của cái đẹp, của đời sống tinh thần người Hà Nội.
Đang say xưa, “cao trào” với Mùa xuân làng lúa, làng hoa nơi tư gia của ông giữa lòng Hà Nội, chúng tôi bất giác nhớ lại cách đây 2 năm cùng nhau tắm mình nơi núi non sông nước của Tuyên Quang. Ấy là mùa thu năm 2022, Hội VHNT tỉnh tổ chức Trại sáng tác VHNT Tuyên Quang tại huyện Na Hang, bên mép Hồ Thủy điện. Trại đã mời một số văn nghệ sỹ Trung ương tham dự cùng các văn nghệ sỹ Tuyên Quang. Chuyên ngành thơ có các nhà thơ Trần Anh Thái, Trần Quang Đạo (vừa mất), Lương Ngọc An, Trần Vũ Long; Văn xuôi có nhà văn Đức Dũng; Âm nhạc gồm 2 nhạc sĩ gạo cội Ngọc Khuê và Lê Mây cùng một tốp viết kịch bản phim về đất và người Tuyên Quang do NSND Vương Duy Biên – Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam dẫn đầu. Hơn chục ngày dự trại, tôi với nhạc sĩ Ngọc Khuê và Lê Mây ở cùng một phòng. Tuy là “tổ 3 người” nhưng công việc và chuyên môn thì người nào việc nấy – Tôi và nhạc sĩ Ngọc Khuê cùng nhau hồi tưởng lại.
Vừa hồi tưởng, nhạc sĩ Ngọc Khuê vừa tâm sự cụ thể hơn: Đây là lần đầu tiên ông lên mảnh đất Na Hang (Tuyên Quang) được tham quan, trải nghiệm phong cảnh cuộc sống của đồng bào các dân tộc thật thân thiện, ấm áp nhường nào. Sau khi đi tham quan và tiếp xúc cùng các văn nghệ sỹ Tuyên Quang, ông bắt đầu vào sang tác. Nhạc sỹ bộc bạch: “Tôi cũng đã viết một ca khúc “Lên Tuyên Quang” rồi, nhưng khi đọc bài thơ “Sông Gâm mùa ước hẹn” của nhà thơ Tạ Bá Hương – Chủ tịch Hội VHNT Tuyên Quang, tôi thực sự cảm xúc. Bài thơ như dẫn dắt tôi đi từ đầu nguồn con sông Chảy vào đất Việt Nam, qua Cao Bằng, Hà Giang rồi chảy vào đất Tuyên Quang.
Vậy là có nhạc rồi. Với chất liệu hát Then của đồng bào dân tộc Tày ở Na Hang, tôi đã tìm thấy dòng chảy âm nhạc cho những câu thơ này. Tôi sử dụng hình thái âm nhạc đơn giản, phù hợp với thể thơ 5 chữ của tác giả, tiết nhạc chủ đạo của đoạn đầu (A) là 2 ô nhịp 2/4 được hình thành bằng 4 nốt móc đơn liền sang một nốt trắng, rồi uyển chuyển cung bậc – tựa như âm hưởng của những điệu hát Then cùng những cô gái nơi “miền gái đẹp” đang xuôi theo dòng nước sông Gâm vậy: “Nhớ dòng sông duyên nợ/ dễ gì có thể quên/ Theo mẹ, em xuống chợ/ Lời Then thơm rượu cất…”.
Nhạc sĩ phân tích thêm bằng chuyên môn: Đến đoạn 2 (B) tiết tấu đã được chuyển hóa, câu thơ 5 chữ sẽ bị tách thành 2 âm tiết để tạo một không gian mở rộng cho giai điệu: “Em qua - ngày thơ dại/ Sông Gâm - chẳng chịu già/ Sông nhắc em - nguồn cội/ Trên dặm xa - lắng bồi”. Tiết tấu đó được duy trì đến phần kết khi tái hiện tiết tấu âm hưởng của phần đầu: “Ơi sông Gâm mùa cạn/ Ơi sông Gâm mùa đầy/ sông Gâm mùa ước hẹn/ cho em ở lại đây”.
Giống như “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”, “Sông Gâm mùa ước hẹn” lần này, cảm hứng sáng tác và cảm xúc đến rất nhanh, khi nhạc và thơ “gặp nhau” cũng như là “duyên nợ” vậy - nhạc sĩ phát biểu. Là người ở cùng phòng với hai nhạc sĩ, tôi chứng kiến ca khúc này (cùng với Tuyên Quang, tình yêu tôi của Lê Mây) được hoàn thành ngay trong Trại sáng tác. Trại giao cho hai nữ ca sĩ xinh đẹp là Vương Thùy và Thu Lan thuộc Trung tâm Văn hóa huyện Na Hang tập luyện, nhạc sĩ Trần Quang Thủy của Hội Tuyên Quang hòa âm và được ra mắt trong Lễ báo cáo kết quả của Trại sáng tác.
Mặc dù sau đó, trong năm, hai nhạc sĩ Ngọc Khuê và Lê Mây đã đăng ký bản quyền tác giả âm nhạc; Mặc dù đã hơn hai năm (2022 – 2024) hai tác phẩm âm nhạc ra đời thừa sức xứng đáng với “tỉnh ca”. Bởi chỉ bằng một Mùa xuân làng lúa, làng hoa của Ngọc Khuê và một Hà Nội linh thiêng và hào hoa của Lê Mây, cũng đủ chứng minh cho “thương hiệu” và đẳng cấp sáng tác đó. Ấy nhưng hai tác phẩm vẫn chưa được quảng bá (ít nhất là trong phạm vi tỉnh Tuyên Quang).
Đem điều thắc mắc này tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang mà tôi vừa làm việc trước thềm xuân mới Ất Tỵ (2025) này, tôi được cán bộ phụ trách nghiệp vụ “mở đường”: Hãy bảo hai nhạc sĩ gửi tác phẩm cho Đặc san Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang để ngành thẩm định, có kế hoạch quảng bá. Vậy là một “tín hiệu mùa xuân” không thể sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn với hai nhạc sĩ!
Xin khép lại bài viết này bằng lời của chính tác giả ca khúc bất hủ Mùa xuân, làng lúa làng hoa qua bài viết Những khúc ca xuân còn xanh tươi mãi in trong Tổng tập Ngọc Khuê - tác giả và tác phẩm: “Mùa xuân. Đã đành rồi. Nhưng đâu chỉ mùa xuân, những giai điệu ấy chỉ bắt đầu từ mùa xuân, cũng như đời người bắt đầu từ tuổi trẻ vậy. Không biết tự bao giờ, mỗi lần mùa xuân gõ cửa là tâm hồn của biết bao người lại rung lên những cảm xúc lạ lùng. Đó là mùa của chồi non lộc biếc, mùa của những khoảnh khắc ý nghĩa, những phút giây đoàn tụ, những ước vọng, hoan ca...”.
Hát ví giao duyên là loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian, một di sản văn hóa vô cùng quý báu, nhưng đáng tiếc, hát ví ở...
Bình luận