Trưng bày nhiều hiện vật độc bản về Hiệp định Paris
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), chiều 16/1, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”. Trưng bày giới thiệu nhiều hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; là đỉnh cao và mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam và ghi dấu ấn vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc. Ảnh: Phạm Hằng
Bắt đầu từ cuối những năm 1940 của thế kỷ XX, sáu đời Tổng thống Mỹ liên tiếp đã không ngừng leo thang can thiệp dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau vào Việt Nam thông qua viện trợ quân sự cho thực dân Pháp tiến tới trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở miền Nam, ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Trước tình hình đó, cùng với việc đấu tranh trên mặt trận chính trị, quân sự, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng nâng cao vị thế và vai trò của đấu tranh ngoại giao lên tầm chiến lược, chủ trương mở đường cho Mỹ đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thắng lợi đã buộc Mỹ phải chấp nhận đi tới hội nghị đàm phán với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.
Cắt băng khai mạc Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”. Ảnh: Phạm Hằng
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, qua gần 5 năm với những cuộc đấu trí đầy bản lĩnh của một nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường, Hội nghị Paris là cuộc đàm phán hòa bình cam go và kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới. Từ nước cờ “Tuy hai mà một, tuy một mà hai” đến chiến lược phối hợp nhịp nhàng “vừa đánh, vừa đàm”, Việt Nam đã buộc Hoa Kỳ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris.
“Thắng lợi của ta tại Hội nghị Paris là minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Những bài học kinh nghiệm quý báu của việc đàm phán và ký kết Hiệp định Paris vẫn luôn được ngành ngoại giao nước ta phát huy cao độ để xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ, toàn diện, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà khẳng định.
Khách mời tham quan Trưng bày. Ảnh: Phạm Hằng
Với 3 phần nội dung: Vạch đường tới hòa bình, mở cánh cửa hòa bình và tiến tới hòa bình, trưng bày chuyên đề "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình" giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế hơn 250 tư liệu ảnh, hiện vật và bài viết về bối cảnh, diễn biến Hội nghị Paris và ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Paris đối với Việt Nam và thế giới.
Qua đó, khẳng định trí tuệ, sự lãnh đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong từng giai đoạn đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Khẳng định bản lĩnh, tính chủ động, lập trường cương quyết, đường lối thương thuyết khéo léo của phái đoàn ta trong suốt quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.
Triển lãm cũng góp phần tôn vinh các thành viên Phái đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thành công của Hội nghị cũng như quá trình thi hành Hiệp định. Đồng thời góp phần tri ân bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã cổ vũ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý.
Khách mời chăm chú quan sát những hiện vật độc bản, nguyên gốc về Hiệp định Paris được lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Hằng
Đến dự Lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”, có một khách mời đặc biệt là ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, con trai của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ - một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở Nam Bộ giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1948 - 1954).
Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ tháng 5/1968, ông Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ kéo dài hơn 4 năm tại Paris (1969 - 1973) về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Chia sẻ về nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, ông Lê Nam Thắng cho biết: “Mặc dù cha tôi chưa bao giờ làm một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nhưng khi thực hiện nhiệm vụ trực tiếp đàm phán với Mỹ tại Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông đã học hỏi, nghiên cứu và thực hiện đúng phương châm ngoại giao của Bác Hồ là “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, vừa bằng sự cương quyết, bám chặt nguyên tắc Đảng và Bác Hồ đã giao cho và vừa bằng sự mềm dẻo, linh hoạt để có thể bảo đảm điều quan trọng nhất là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Ông Lê Nam Thắng chia sẻ về nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ. Ảnh: Phạm Hằng
Với nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, cá nhân ông Thọ để lại ấn tượng cho đồng bào, nhân dân về những tình cảm vô cùng quý mến. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông Lê Đức Thọ sẽ sống mãi trong lòng Tổ quốc và Nhân dân, sống mãi trong những trang vàng của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Năm 1986, Văn phòng Trung ương đã bàn giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Huy hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 của ông Lê Đức Thọ để bảo quản và phát huy giá trị lâu dài, đây là huy hiệu mà ông đã đeo trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Hiện vật Huy hiệu, Súng lục, Bao da và Thắt lưng của ông Lê Đức Thọ cùng những tài liệu hiện vật khác được trưng bày và giới thiệu tại Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Một góc Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”. Ảnh: Phạm Hằng
Bảo tàng Hồ Chí Minh hy vọng Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” sẽ có sức lan tỏa sâu rộng, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Trưng bày chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 16/01/2023 đến đầu tháng 5/2023.
Một số hình ảnh tại Trưng bày chuyên đề "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình":
Cố vấn Lê Đức Thọ vẫy tay chào giới truyền thông khi quay trở lại Paris nối lại đàm phán, ngày 11/9/1972.
Bộ trưởng Xuân Thủy họp báo sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ hoàn thành bản Hiệp định trên cơ sở Bản Dự thảo do phía ta đưa ra, ngày 26/10/1972.
Hội nghị quốc tế ký Định ước Paris, ngày 2/3/1973
Cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger tươi cười bắt tay nhau sau Lễ ký tắt Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 23/1/1973.
Bắc Nam sum họp. Hai bà mẹ miền Nam, miền Bắc vui mừng gặp nhau sau ngày Giải phóng, tháng 10/1975
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức tổ...
Bình luận