Ấm áp tình bạn bè, tình đồng nghiệp với Báo Hà Giang

Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6/2023, tôi có chuyến công tác các tỉnh miền núi Tây Bắc. “Vệt” thực tế lần này là ở các Hội Văn học Nghệ thuật. Từ Vĩnh Phúc đến Phú Thọ, rồi ngược Yên Bái, tạt sang Tuyên Quang để điểm cuối cùng nơi cực Bắc Tổ quốc là Hà Giang. Đi xuyên Tây Bắc trong những ngày nắng nóng kinh người, tôi bỗng bồng bềnh nhớ tới ca khúc Đi trong hương tràm với Anh vẫn mang tình em trong hương tràm xôn xao của nhạc sĩ Thuận Yến để trở lại thực tại là Đi trong men say. Với nghĩa đen: Say cái thứ men rượu cất kỳ công của người dân tộc và cái say chất ngất ở tình người, tình đồng nghiệp đối với mỗi vùng đất.

Như đã nói, “vệt” thực tế của tôi lần này là làm việc với các Hội Văn học Nghệ thuật. “Thừa lệnh” của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi mang theo tinh thần và Công văn gửi các Hội địa phương về việc phát động Cuộc thi tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp (25/7/1948 - 25/7/2023); đồng thời gửi bản Kế hoạch, Thể lệ Cuộc thi tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật (2023 - 2025) để các Hội Văn học Nghệ thuật triển khai, quảng bá rộng rãi cho các đối tượng tham gia.

Tại Hội Văn học Nghệ thuật Hà Giang, do Chủ tịch Hội Lâm Tiến Mạnh bận việc đột xuất, ông cẩn thận nhắn tin cho tôi, rằng đã có các “lưu linh” tiếp đón xứng tầm. Hóa ra, chẳng đâu xa lạ. Đó là Chu Thị Minh Huệ - Trưởng ban - Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ Hà Giang, nhà văn đình đám với tiểu thuyết Chủ đất và truyện ngắn Mười hai tầng trời; đó là Đặng Quang Vượng - Tổng Biên tập tạp chí, nhà thơ “giật” giải Nhất cuộc thi Thơ về Biển đảo Việt Nam do Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ tổ chức (2012), người có nhiều bài ký, ghi chép về Cao nguyên đá Đồng Văn, về các vùng đất và con người thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc của Hà Giang in trên báo Văn nghệ (nơi tôi từng làm việc); đó còn là Phó Chánh văn phòng Nguyễn Văn Chiến sôi nổi, thông thổ công việc “bếp núc” điều hành. Thật rôm rả hết cỡ.

Với tôi - như là thông lệ, như là điều không thể khác: Lần nào có dịp lên Hà Giang công tác, tôi cũng đều hẹn hò, sắp xếp, tranh thủ để gặp gỡ người bạn thân yêu nhất, đầy kỷ niệm nhất. Đó là nhà báo Nguyễn Trung Thu. Người không chỉ học cùng lớp Đại học Báo chí (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền), lại ở cùng phòng với tôi nơi ký túc xá suốt bốn năm trời, người thỉnh thoảng cùng tôi đi “đánh quả” các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài Hà Nội (vì sinh viên thời đó đói mờ mắt, dù chúng tôi có đồng lương còm là diện cán bộ đi học).

Ấm áp tình bạn bè, tình đồng nghiệp với Báo Hà Giang - 1

Nhà văn, nhà báo Đức Dũng với Tổng biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu (trái).

Trong những lần gặp gỡ Nguyễn Trung Thu, tôi nhớ lần đầu khoảng năm 2000 - 2001, vợ chồng Thu còn ở tập thể nơi tầng 1 của cơ quan. Tổng Biên tập báo Hà Giang lúc đó là ông Lê Trọng Lập. Lần gặp gần đây nhất cũng đến... 7 năm. Ấy là mùa hè năm 2016, tôi “tháp tùng” nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đoàn nhà văn lên dự Hội thảo Văn học Chi hội Nhà văn Sông Chảy (gồm 4 tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang) do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Giang đăng cai.

Buổi sáng, tôi được phân công tác nghiệp, rồi ghi nhanh tổng thuật Hội thảo; ăn trưa rất muộn. Đến buổi chiều, các nhà văn thăm phố núi, ngước mắt bốn bề chỉ thấy mây, đá lô xô; tôi “cắt cơm” đoàn để mau gặp lại Nguyễn Trung Thu - khát khao như một mối tình đã hẹn. Trong cuộc hội ngộ đó, Thu “huy động” đủ một mâm đồng nghiệp của báo Hà Giang. Tôi nhớ có một nữ phóng viên trẻ, tửu lượng cũng vào hạng “số má” sẵn sàng đối ngoại. Nhà báo Lê Hiến Chương thì “quý người mến khách” khỏi phải bàn!

Cuộc gặp gỡ của tôi với người bạn chí cốt, với đồng nghiệp Nguyễn Trung Thu mùa hè nắng lửa năm 2023 này hoàn toàn khác: Ông giờ đã giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Hà Giang - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, trực tiếp quản lý 5 phòng chuyên môn với 48 cán bộ, phóng viên, biên tập viên (kể cả hợp đồng) được chuẩn hóa trình độ, tinh thông nghiệp vụ và phẩm chất chính trị vững, chủ động trong việc chế bản, in ấn, sản xuất các loại hình báo chí kịp thời phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng báo chí trong toàn tỉnh.

Lần này Nguyễn Trung Thu tổ chức cuộc gặp gỡ giao lưu quy mô hơn khiến tôi vui và vô cùng cảm kích. Ấy là cả “bộ khung” của báo gồm hai Phó Tổng Biên tập tham mưu giúp việc là Nguyễn Bình Minh và Mai Ngọc Quỳnh; Trưởng phòng Thư ký - Xuất bản Lương Việt Thắng; Trưởng phòng Phóng viên Lê Hiến Chương và các đồng nghiệp nam, nữ khác. Ai cũng rạng rỡ, viên mãn và tươi như hoa được tặng của Ngày Báo chí Việt Nam.

Đặc biệt hơn, “sếp Tổng” của Báo còn “lệnh” cho “nữ tướng” phu nhân là Hoàng Thị Hằng - Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đến tiếp tôi (người anh, người nhà) và giao lưu với các đồng nghiệp. Chả là “bộ ba” chúng tôi hôm nay trên đất Hà Giang học cùng lớp Đại học Báo chí (K11) nên ký ức của 30 năm về trước cứ ào ạt xô về.

Trong cánh sinh viên già (tức cán bộ đi học) mà lớp vẫn gọi cho những biệt danh, đặc tính, chúng tôi nhắc đến những Trần Xuân Soạn - Tạp chí Kiểm toán sau này; Hà Đức Nam - Đài Phát thanh - Truyền hình Hòa Bình; Nguyễn Hùng Sơn - Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Nguyễn Thị Bình - Tạp chí Đo lường; Đoàn Doãn Đức - Tạp chí Dệt may Việt Nam; Nguyễn Ngọc Tiến - Ban Thể thao VTV; Đỗ Thị Tấc - Hội Văn nghệ Lai Châu - người nhả khói thuốc lá, thuốc lào mù mịt bất kể ở chỗ nào, kể cả khi dự các Đại hội; Đức Dũng - nói như Trưởng Khoa Báo chí Tạ Ngọc Tấn: người chuyên bỏ học, trốn giờ đi “đánh quả” nhưng khi thi học phần là có mặt, điểm lại cao.

Trong buổi tiệc vui này, chúng tôi ngậm ngùi nhắc đến người đàn bà xấu số bất hạnh Nguyễn Mạnh Tấn - Báo Lào Cai; người ngắn phận là Phạm Văn Nghĩa - Truyền hình Phú Thọ, và Tạ Quang Sĩ - Báo Bắc Ninh.

Là người chuyên viết ký văn học (gồm các thể loại bút ký, tùy bút, tản văn) và các thể phóng sự, điều tra tôi thường nhớ cặn kẽ và khai thác đến từng chi tiết. Với Nguyễn Trung Thu, lão luôn ăn diện, chải chuốt, chữ viết to tướng. Mỗi khi đồng đội “máy môi”, lão hăm hở khoác máy ảnh đi, khi về tưng bừng như một khúc nhạc vui.

Còn ở Hoàng Thị Hằng (sau này học cùng chuyên ngành báo viết với tôi), nàng chỉ biết chúi đầu bên đèn bàn mà... học. Chữ nàng đẹp, kể cả luận văn tốt nghiệp nàng làm cũng đầy công phu, cẩn thận, chắt chiu từng luận điểm, câu chữ - như đức tính cần cù, hiếu học của người xứ Nghệ. Nàng không lộng lẫy, làm đỏm làm dáng, “đầu mày cuối mắt” với cánh khác giới như các sinh viên nữ khác và những người đàn bà khác. Chính vì thế, từ yêu nghề, học nghề đến làm nghề, nàng từng bước thể hiện và khẳng định mình. Cụ thể là giữ trọng trách quản lý báo chí hôm nay trên “đất khách quê chồng”.

Bữa cơm trưa chia tay tôi trở lại Hà Nội, do Ban Biên tập rất bận rộn, căng thẳng cho chấm giải báo chí (Hội Nhà báo tỉnh) nên Phó Trưởng phòng Trị sự Nguyễn Văn Tầm đại diện tiếp tôi. Tầm “alô viện binh” thêm Thế Học - lái xe của báo. Tôi và Học sững sờ nhìn nhau, lục lọi trí nhớ rồi “ồ” lên một tiếng. Hóa ra Thế Học là “cán bộ đường lối” chở Phó Tổng Biên tập Đặng Quang Vượng đưa đoàn Báo Văn nghệ chuỗi hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn mùa hè 2012, xuyên qua bốn huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Phía Báo Văn nghệ do Tổng Biên tập - Nhà văn Nguyễn Trí Huân dẫn đầu. Theo đó là Phó Tổng Biên tập Thành Đức Trinh Bảo (phụ trách trị sự), các phóng viên, biên tập viên đến gần 20 người. Tôi luôn “áp tải” nhà thơ Nguyễn Đức Mậu (tửu lượng yếu, đau chân) và nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị những lúc giải lao, đường dốc cheo leo, đá đứng đá ngồi cứ níu chân du khách (nhỡ các vị sảy chân thì bỏ mẹ).

Như vậy, không chỉ có đồng môn đồng nghiệp chí cốt là vợ chồng Thu - Hằng, sau này tôi có thêm và gắn kết với nhà báo, nhà thơ Đặng Quang Vượng - Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang. Ông quê ở huyện Cẩm Khê, từng là đồng hương Vĩnh Phú cũ với tôi. Ông với tôi (và Chu Thị Minh Huệ) có điểm chung, nhất quán: Sự gặp gỡ giữa báo chí và văn chương tạo ra một nguồn năng lượng lớn. Báo trong văn sẽ làm cho văn chương sắc hơn; ngược lại văn trong báo lại làm cho báo sâu hơn, kỹ hơn, “mềm” hơn. Tính thời sự của báo chí làm cho văn học thêm tốc độ và góc cạnh. Tuy nhiên chúng tôi khu biệt rạch ròi giữa tư duy sự kiện với tư duy hình tượng để đưa vào tác phẩm. Đó là kết quả của đào tạo và tự đào tạo, là lao động thể loại nghiêm túc, là hoạt động chuyên nghiệp cả báo chí lẫn văn chương.

Trước đây, tôi từng viết bài cho Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) và một số báo đặt về chủ đề Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) xung quanh các chuyên mục: Kỷ niệm nghề báo, Kinh nghiệm làm báo, Cách thể hiện các thể loại... Nhưng giờ dường như bất lực trước trang viết. Hàng năm, tôi vẫn dành một “khoảng lặng” để nghĩ vụn trong Ngày Báo chí.

Cứ theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương về Lễ trao giải Báo chí Quốc gia hay ở Hội Nhà báo các tỉnh, thật tự hào thay và nể phục cho các tác giả và nhóm tác giả đoạt giải. Họ xứng đáng trên cả hai phương diện: Tài năng lẫn nhân cách và bản lĩnh.

Nhưng bỗng chạnh lòng xót xa, thỉnh thoảng trong năm ta lại nghe “xướng tên” các nhà báo vướng vòng lao lý (chủ yếu là báo Trung ương và báo ngành); Ta rầu lòng với cách làm báo điện tử “sáng đưa, trưa gỡ, tối lại đưa”; Ta thất vọng trước một số Tổng Biên tập bị tước thẻ, kỷ luật, các cơ quan báo chí bị đình bản (có thời hạn) hoặc bị phạt nguội số tiền không nhỏ do đăng tải sai lệch thông tin; Ta công phẫn và ghê tởm một “ông hoàng báo chí” - Tổng Biên tập một tờ báo lớn ở phía Nam cho đăng loạt bài tiếp tay cho Công ty Việt Á, dọn đường cho tiêu cực và tham nhũng số tiền cực lớn trong đại dịch Covid - 19. Gã nguyên Tổng Biên tập kia cao chạy xa bay sang Mỹ an toàn, thản nhiên nhìn “Những ngọn khói về trời” (tên trường ca của nhà thơ Bùi Phan Thảo - Báo Người Lao động) của hàng chục nghìn oan hồn trong đại dịch qua.

Khi dự Lễ kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam giữa lòng Hà Nội náo nhiệt này, tôi lại hình dung đến Báo Hà Giang với một trụ sở khang trang, công nghệ và công đoạn làm báo được nâng cấp hiện đại mà Tổng Biên tập Nguyễn Trung Thu và Trưởng phòng Thư ký - Xuất bản Lương Việt Thắng dẫn tôi đi thăm quan.

Giờ thì tôi vẫn lâng lâng, như không trọng lượng. Bởi rượu núi bên dòng sông Lô và những tình cảm ấm áp, gần gũi mà các đồng nghiệp của Báo Hà Giang dành cho tôi là không có thước đo, khoảng cách. Tôi mong ngày trở lại. 

Ngày ấy, chắc sẽ rất gần!

Ghi chép tản mạn của Đức Dũng

Tin liên quan

Tin mới nhất