"Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương" với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần

Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam. Các nghiên cứu từ trước đến nay đều cho rằng Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm trước hoặc đầu Công nguyên do các Tăng lữ từ Ấn Độ truyền sang. Sau này, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ X, Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở vùng văn minh sông Hồng, những trung tâm Phật giáo như Luy Lâu (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) được hình thành. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV (tương đương với giai đoạn Lý-Trần), hình thành những trung tâm Phật giáo mới, đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái này đã có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống tôn giáo, văn hóa, tín ngưỡng từ đó tới nay.

Tư tưởng Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển trong thời kỳ quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam. Vì thế, có thể nói rằng văn hóa tư tưởng Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã đặt nền tảng cho sự phát triển văn hóa tư tưởng Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử văn hóa tư tưởng Việt Nam nói chung. Từ lâu Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương đã được giới nghiên cứu Phật giáo, nhất là trong giới tu hành Thiền phái Trúc Lâm coi là bộ sách tiêu biểu cho hoạt động thực hành tín ngưỡng và mang tính nhân văn sâu sắc, vì vậy, bài viết nêu lên giá trị của tác phẩm này đối với Phật giáo Trúc lâm Yên Tử thời Trần.

"Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương" với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần - 1

Ảnh minh hoạ

1. Về tác phẩm “Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương”

Tác phẩm Thích thị Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương còn gọi là Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương do Đệ Trúc Lâm tam tổ Huyền (1254 - 1334) định bản (thu thập, sửa chữa và biên tập). Tác phẩm sử dụng chữ Hán và có xen chữ Nôm, ghi chép các nghi lễ trong đạo Phật, các bài văn hướng dẫn cách thức thực hành nghi thức hành lễ trong trai đàn, như: trà thang, đề ngạch sớ, đề Kim đồng Ngọc nữ, lễ phát hỏa trong phát tấu, giải oan, phá ngục, v.v... Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương được lưu hành rộng rãi trong các chùa Phật ở Việt Nam, thư viện địa phương, thư viện trung ương và đặc biệt phổ biến trong tư gia các thầy cúng. Tác phẩm từ trước đến nay vẫn được coi là bí chỉ của Thiền phái Trúc Lâm và tác phẩm này cũng được coi là tác phẩm hướng dẫn thực hành nghi lễ tôn giáo tiêu biểu cho biểu hiện nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm.

Qua khảo sát cho thấy tác phẩm Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tổng số 06 bản, trong đó có 04 bản in mang ký hiệu: VHv.1096, VHv.1097, A.2838, AC.225, và 02 bản viết tay mang kí hiệu: A.2760, 2. AH.a1/4.

Các văn bản này đều có tên gọi là Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương ngoại trừ bản kí hiệu AH.a1/4 mang tên Hưng Yên tỉnh Yên Mỹ huyện Liêu Xã tổng Liêu Trung xã/ 興安省安美縣遼中 總遼中社古字紙 .

Thư viện Quốc gia Việt Nam có 03 bản mang ký hiệu: R.311, R.332, R.3199 đều ghi là Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương.

Với tổng số 09 văn bản được khảo sát, cho thấy có hai cơ sở tàng thư là Viên Minh tự (chùa Viên Minh xã Cổ Liêu tổng Khai Thái phủ Thường Tín) và Thư Phái đường (nhà sách Thư Phái của chùa Thánh Chúa nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Trong số 09 văn bản đã khảo sát, có 07 văn bản xuất xứ tại chùa Viên Minh, trong đó 05 bản in với các ký hiệu VHv.1096, VHv.1097, A.2838, R.311, R.332; và 02 văn bản chép tay với các ký hiệu: A.2760, AH.a1/4. Văn bản có xuất xứ tại Thư Phái đường có 2 văn bản, đều là bản in với các ký hiệu: AC.225 và R.3199. Trong đó bản kí hiệu AC.225 hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và bản R.3199 lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Nội dung tác phẩm Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương là văn bản ghi chép cách thức thực hành nghi thức hành lễ trong Phật giáo như lập trai đàn, thực hành nghi lễ các khóa lễ giải oan, phá ngục, cứu khổ, cứu nạn,… nên văn bản lưu truyền rộng khắp trong các thư viện công, thư viện tư gia, trong các chùa và cá nhân các thầy cúng, thầy chùa ở Việt Nam.

2. “Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương” với Phật giáo thời Trần

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển trong thời kỳ quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ và Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn tới đời sống văn hóa xã hội đương thời. Bảo đình hành trì bí chỉ toàn chương là tác phẩm tiêu biểu cho tư tưởng Phật giáo thời Trần. Các nhà nghiên cứu Phật học cho rằng lịch sử du nhập và truyền bá Phật giáo Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn: giai đoạn từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III, đánh dấu sự có mặt của Phật giáo được ghi nhận là một tôn giáo, mang đậm hơi thở của Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Thời gian tiếp theo cho đến thế kỷ thứ IX khẳng định sự có mặt của Phật giáo là một tôn giáo được dân chúng đón nhận rộng rãi với dấu ấn của hai thiền phái chính là Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Giai đoạn thứ 3, đặc biệt quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam bởi giai đoạn này tư tưởng của Phật giáo đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân. Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thứ 3 đã hòa quyện và gắn liền với phong tục, tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người Việt, tạo nên nét riêng của Phật giáo Việt. Điều này vô cùng quan trọng vì sau một thời gian gốc rễ của Phật giáo đã hòa hợp và gắn kết với tư tưởng, đời sống tinh thần dân tộc. “Giai đoạn ba, từ hậu bán thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIV, tức cuối thời Trần. Có thể nói, đây là thời kỳ Phật giáo được phát triển cực thịnh mà đỉnh cao là sự thống nhất các thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường… lập nên Thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử, do sự hết lòng ủng hộ của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ” [3]. Tuy nhiên, để lại dấu ấn tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, mang hơi thở của tư tưởng dân tộc thì phải đến cuối đời Trần (thế kỷ XIV) mới thể hiện rõ nét.

Phật giáo Trúc Lâm là trang sử đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bởi ngay từ khi người đầu tiên sáng lập đã đặt mục tiêu Việt hóa các yếu lý của Thiền tông từ nhiều nơi khác đến. Phật giáo Trúc Lâm không chỉ là những tư tưởng cao siêu để người bi quan tìm đến, không mặc chiếc áo uyên áo để làm phức tạp đời sống nội tâm của con người mà Phật giáo Trúc Lâm đã đứng lên cùng dân tộc, đoàn kết dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông. Phật giáo Trúc Lâm cũng đã có đóng góp khá tiêu biểu cho văn hoá Việt về các mặt: Văn hoá, thơ ca, kiến trúc, in ấn, hội họa… Song thời gian sau, khoảng giữa thế kỷ XIV, bấy giờ tầng lớp ủng hộ Phật giáo Trúc Lâm là quý tộc nhà Trần đã mất dần uy lục chính trị và kinh tế. Đời sống kinh tế ổn định, chế độ ưu ái các tăng lữ là nguyên nhân trực tiếp khiến cho số người đi tu tăng cao nhưng số thực tu lại ít, đa phần lợi dụng danh nghĩa phật giáo để hưởng lợi, từ đó gây ra không ít hệ luỵ đáng tiếc.

Đồng thời, đất nước sau khi ổn định về kinh tế, bộ máy chính quyền dần được cải thiện, tầng lớp quan lại được tuyển chọn theo kho cử Nho học đã ngày một có vị thế vững chắc trong bộ máy chính quyền. Những sự bài xích Phật giáo nhất là những mặt trái của Phật giáo ngày càng tăng. Có những đại diện trong giới Nho giáo công kích phật giáo công khai như: Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu...

Trong thời gian Phật giáo Trúc Lâm hưng thịnh, số lượng tự viện trong cả nước tăng lên rất nhiều, phong trào học Phật đạo lan rộng, số người xuất gia và quy y cũng tăng lên rất mau chóng. Điều này càng cho thấy rằng, Phật giáo thời Trần đã nắm bắt được cơ hội phát triển mà sau này trở thành định hướng phát triển, đó là đồng hành cùng dân tộc. Trở lại thời điểm lịch sử xã hội thời đó, nhà Trần và nhân dân cả nước mặc dù đã chiến thắng quân Nguyên–Mông nhưng nỗi đau của chiến tranh không gì có thể bù đắp được.

Đây cũng là lý do để Bảo đỉnh hành trì ra đời và nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành “một phao cứu sinh” xoa dịu nỗi đau mất mát của người dân khi mất đi người thân trong gia đình trong cuộc chiến tranh với quân Nguyên-Mông. Các khoa nghi như Giải oan khoa解冤科, Thỉnh Phật nghi 請佛儀... trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương rất hợp với tư tưởng, tình cảm của người dân vừa trải qua mất mát đau thương của chiến tranh. Sự ra đi của binh lính, dân thường đều cần có sự, chở che của Phật và an ủi xoa dịu nỗi đau của người thân bằng việc thể hiện cúng tế mong cho các oan hồn được có chỗ nương nhờ nên mới có các khoa cúng đó.

Sau chiến tranh hoặc dịch bệnh cần có sự vững tâm để vượt qua chấn thương tâm lý nhưng cũng cần Thuốc (thang) trong Trà lục 茶六, Trà bảng 茶榜. Trong thang trà bát vị thì các vị thuốc như quế 桂, gừng 薑, táo 棗, đậu 豆... là những vị thuốc trong thang thuốc bồi bổ sức khỏe con người.

Thiền phái Trúc Lâm đã nhập thế cùng dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước. Điều này không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội nước nhà. Việc định hướng bảo vệ chủ quyền dân tộc, mở rộng biên cương, chấn hưng văn hóa Đại Việt của nhà Trần đều mang dấu ấn quan điểm Phật giáo, nhất là tư tưởng tùy duyên mà vui với đạo của Thiền phái. Sự thành công của nhà Trần là nhờ các ông vua lãnh đạo đất nước biết vận dụng tư tưởng “Cư trần lạc đạo 居塵樂道” của Trần Nhân Tông để huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tiềm lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của toàn dân để xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng cường mà không có một thế lực nào ngăn cản được. Giống như lời của Thiền sư Viên Chứng nói với vua Trần Thái Tông: “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm/ Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay tâm ta”. Tin mình có Phật tính giúp bản thân kiên trì tu tập, học hỏi giáo lý Phật giáo, nhờ đó cải thiện nền tảng đạo đức bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó còn là hành trình đưa con người dần từ bỏ được dục vọng của chính mình để tiến tới một con người có trí tuệ, thực hành theo điều thiện, như vua Trần Nhân Tông nói:

“Buông lửa giác ngộ đốt hoại thảy rừng tà ngày trước

Cầm kiếm trí tuệ quét cho không tính thức thuở nay”.

(Cư trần lạc đạo phú)

Những tư tưởng đó hiện rõ trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương. Các khoa nghi và thực hành nghi lễ đó đều hướng tới con người, đặt giá trị con người trong một tầm cao mới: Biết quý trọng bản thân ở thời hiện tại, quá khứ và tương lai. Các khoa nghi đều bắt nguồn từ tâm lý và văn hóa bản địa nhằm cứu vớt tâm hồn con người như Giải oan 解冤, Cấp thủy 汲水, Thiên môn 天門... luôn luôn phù hợp với tâm lý của người dân.

Sau khi Tổ Huyền Quang mất (1334), đến thế kỷ XVII, mới có tài liệu nói rằng ngài Hương Hải (1625-1715) là một Thiền sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Ngài đã tạo ra một âm hưởng lớn cho thiền phái sau một thời gian dài. Vào nửa cuối thế kỷ XVII, xuất hiện Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Hải. Ngài vốn đắc pháp ở tông Lâm Tế nhưng lại là người muốn làm cho tinh thần Thiền phái Trúc Lâm được truyền thừa mạnh mẽ. Ngài là tác giả cuốn Thiền tông bản hạnh 禪宗本行, kể về cuộc đời tu hành và ngộ đạo của năm vị vua Trần. Đến cuối thế kỷ XX với sự xuất hiện của Hòa thượng Thanh Từ, người có tâm huyết muốn tiếp tục sự nghiệp phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hay như trong quyển Đại Nam Thiền uyển truyền đăng tập lục của Hòa thượng Thích Phúc Điền khắc in vào đầu năm Kỷ Mùi (1859) có liệt kê đến mười mấy thế hệ truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm sau ngài Huyền Quang, nhưng đây cũng chỉ là “những điều ông nghe về việc truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần” [2, Tập 1, tr.102]

Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước. Quan điểm yêu nước phải đi đôi với thương dân đã làm cho tinh thần yêu nước của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đến gần với chủ nghĩa yêu nước chân chính. Chính vì thế, sự đồng hành bền vững giữa đạo và đời; giữa Phật tử, chúng sinh với xã hội ngày càng phát triển bền chặt và có sức lan tỏa đến tận ngày nay. Tư tưởng nhập thế của các vị Phật Hoàng đã tạo ra một mầu sắc riêng của Phật giáo thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

3. “Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương” với tư tưởng của Trúc Lâm tam tổ

Hoàng đế Trần Nhân Tông (1278 - 1293) tên húy là Trần Khâm quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc thành phố Nam Định). Ngài là con trưởng của Thánh Tông Trần Hoảng, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu, sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258. Vua ở ngôi 15 năm (1278-1293), nhường ngôi cho con là Anh Tông và lên làm Thái Thượng hoàng 5 năm (1293-1298), xuất gia đi tu (1293-1308), viên tịch ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), thọ năm mươi mốt tuổi.

Đại Việt sử ký toàn thư xác nhận điều này và mô tả thêm: “Trần Nhân Tông, tên húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần” [1]. 

Dù là Hoàng thái tử, là bậc minh quân, là Thái thượng hoàng, là thiền sư, thì Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn muôn thuở ung dung giữa Đời và Đạo, trở thành một hình tượng tiêu biểu độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Với đời, Ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo đoàn kết quân dân hai lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông, một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Chiến thắng ấy còn mãi mãi khắc ghi trong sử vàng dân tộc. Sau khi nhường ngôi cho con, Ngài đã dành tâm huyết tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân để ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, phát triển mở mang đất nước.

Ngài là Thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền riêng có của Phật giáo Việt Nam. Với tấm lòng vì dân, với nhãn quan của một vị vua minh triết, một nhà sư giác ngộ, Ngài chủ trương xây Đạo để nuôi dưỡng, phát huy nhân tâm thuận hòa trong trăm họ, xây dựng, bồi đắp tính độc lập, sức tự cường, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, hòa hợp gia đình, hòa hợp quốc gia…, tư tưởng ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thời gian Pháp Loa đứng đầu Giáo hội Trúc Lâm đánh dấu một bước phát triển mới của Phật giáo Việt Nam và được sử sách nhiều đời ghi nhận, Phật giáo bản địa trên con đường đồng hành cùng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển trong thời kỳ quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa-xã hội, nên có thể nói văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã đặt nền tảng cho sự phát triển văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nói chung.

Giữa bối cảnh xã hội và thực tế của tăng đoàn đầy khó khăn, nặng nề, Pháp Loa đã trao lại cho Huyền Quang. Huyền Quang là người có học thức, tài hoa, thông kinh kệ nhưng gánh vác trách nhiệm nặng nề khi này đã  77 tuổi … Cùng với những thành tựu tu tập đạt được khi trước, đức Tổ đệ tam Huyền Quang đã có những đánh giá về tình hình xã hội cũng như tình hình phát triển giáo hội. Trước tình hình đó, để xoan dịu nỗi đau mất mát trong chiến tranh, nỗi đau mất mắt trong đời thường và mong muốn con người có đời sống tinh thần thanh thản, hướng tới tâm hồn đẹp đẽ lương thiện… buộc nhà sư Huyền Quang phải đúc rút và sáng tạo  một phương pháp nào đó, kéo nhân dân về phía mình. Qua đó cũng thể hiện được sự gần gũi giữa đạo và đời, làm cho con người hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Có thể nói, ngoài việc dựng chùa tô tượng, một hoạt động quan trọng của Pháp Loa là mở các hội giảng Kinh và in ấn các tài liệu Phật học. Ngài rất chú trọng việc giảng dạy kinh điển Phật giáo. Ngoài sự giảng dạy các Kinh phổ thông (như: Kim Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giác và các bộ lục như Tuyết Đậu ngữ lục, Tuệ trung Thượng sĩ ngữ lục, Đại Tuệ ngữ lục), Pháp Loa còn giảng các Kinh Niết Bàn, Lăng Già, Pháp Hoa và nhất là Hoa Nghiêm. Việc chủ động tạo tác mộc bản, in ấn, phát hành các tài liệu về Phật giáo cho thấy sự quyết tâm làm cho Phật giáo có độ che phủ lớn trong dân gian. Đồng thời ở chiều ngược lại, chúng ta cũng có thể thấy sự mộ đạo trong dân gian khi có số lượng văn bản kinh phật lớn hơn từ việc in ấn được truyền bá thuận lợi.

Thiền sư Pháp Loa là con người có tổ chức, mở rộng Phật giáo ở mọi lĩnh vực và hoạt động quên mình. Từ khi nhận trách nhiệm của Điều Ngự giao phó, Sư thuyết pháp độ Tăng, cất chùa, xây tháp không biết mỏi mệt” [4, tr.59]. Thiền sư Pháp Loa đã thực hiện đúng câu Quy sơn linh hựu nói: Thật tế lý địa bất nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Nghĩa là trên lý cứu cánh thì không nhận một hạt bụi, song trên sự muôn hạnh thì không bỏ một pháp nào. Chính đây là cách quần chúng hoá Phật giáo hay Thiền tông, chớ không để kẹt trong một chuyên môn khiến Phật giáo bị khu biệt” [4, tr.56].

Nếu như Điều Ngự Giác Hoàng là người khai sáng, thiết kế chủ trương, hoạt động của thiền phái, Pháp Loa là vị tổ thực thi, xây dựng hệ thống tổ chức điều hành Giáo hội Trúc Lâm thì Huyền Quang tôn giả lại là người xây dựng giáo lý cho gần với cuộc sống, làm tươi mới ngọn nguồn của đạo. Quá trình xây dựng đất nước cũng như xây dựng phát triển Phật giáo qua ba vị tam tổ cũng là một trong những minh chứng cho sự trải qua quá trình hình thành nên văn bản Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương. Hai vị tổ đầu tiên khai sáng, thiết kế hình thành văn bản đến thời Đệ tam tổ Huyền Quang tiếp thu tư tưởng và tinh thần ấy, cộng thêm những thu thập, tìm kiếm, chọn lọc từ những hoạt động tín ngưỡng bản địa và đặc sắc văn hóa để cố định văn bản, xiển dương phát triển các khoa nghi để các khoa nghi ấy. Tư tưởng của Thiền phái tiếp tục được lưu truyền và ngày càng phát triển. Mô hình Phật giáo Nhất tông được thiết kế từ thời vua Trần Thái Tông, đến Trần Nhân Tông thì hoạt động mạnh mẽ. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã hoạt động theo tinh thần nhập thế, mang bản sắc dân tộc.

Kết luận

Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương là một tác phẩm rất quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm trong ứng dụng thực hành nghi lễ tôn giáo thuộc thiền phái Trúc Lâm được Huyền Quang tôn giả tiếp thu tinh hoa kế thừa tôn chỉ định bản. Sau đó được nhiều tác giả đời sau lưu truyền, sửa chữa, in ấn. Đến đời nhà Nguyễn, văn bản Bảo đỉnh được một số nhà sư trong đó có Bật sô khắc in và truyền bá. Trong Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương là  tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần nhập thế, bám sát cuộc sống từ đạo tới đời. Tư tưởng của tác phẩm của giúp các nhà tu hành tu tập, tĩnh tâm trước dòng đời vạn biến và xoa dịu nỗi đau tinh thần của con người khi mất đi người thân; hướng con người sống thiện, biết sợ cái cái bởi luật nhân quả và nhất là trở thành một cuốn thư tịch cẩm nang cho mọi hành trì, thực hành nghi lễ của Thiền phái về sau. Có thể nói, tác phẩm này gắn liền với Phật giáo Trúc Lâm thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272 - 1697), Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch (1993), NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Văn học, Hà Nội.

3. Thích Nữ Trung Tâm (2023), “Nét đặc sắc trong Văn học Phật giáp Việt Nam thời Lý – Trần”, Tạp chí Phật học, https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ cập nhật 07/03/2023, truy cập 20/4/2023

4.Thích Thanh Từ (1992), Thiền sư Việt Nam, NXB. Tp. Hồ Chí Minh.

ThS. Nguyễn Danh Long

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trả lời câu hỏi về âm nhạc của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trả lời câu hỏi về âm nhạc của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Tối 20/6, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp gỡ thân mật với Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt – Nga và các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam từng học tại Liên bang Nga. Cuộc gặp mặt có sự tham gia của khoảng gần 400 khách mời là những người đã từng có nhiều gắn bó, yêu mến đất nước, con người và văn hóa Nga. Tại đây