Dã quỳ và em

Ngày tôi vào Tây Nguyên nhận công tác - cách đây tròn 39 năm - ở đâu cũng thấy dã quỳ. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi biết đến thứ hoa dại này nơi đất đỏ cao nguyên, cái nôi đã sinh ra loài hoa gắn với truyền thuyết về một câu chuyện tình đẹp, bi thương.

Ngày ấy, cây dã quỳ có mặt khắp nơi trên cao nguyên đầy nắng gió. Dã quỳ mọc thành rừng hoang dại. Dã quỳ chen chân ven những con đường mòn, che khuất cả lối đi. Mùa dã quỳ trổ hoa, vàng rực cả một góc trời. Nó còn có mặt ngay bên hè, trước sân, thậm chí là ngay cạnh cửa sổ phòng ở tập thể của giáo viên chúng tôi.

Thứ cây hoang dại đó quả là có sức sống tự nhiên, mãnh liệt như tình yêu bất diệt của cặp đôi trai tài gái sắc K’lang - H’linh.

Thế rồi dân số Tây Nguyên ngày một đông đúc. Đó trước hết là cán bộ, viên chức được điều động từ miền Bắc vào, từ miền xuôi, miền Nam lên. Nhưng rầm rộ nhất là những cuộc di dân làm kinh tế mới những năm cuối thập kỉ 70 thế kỉ trước.

Dã quỳ và em - 1

Những nẻo đường dẫn đến núi lửa Chư Đăng Ya phủ sắc dã quỳ vàng

Đất hoang dại dần bị thu hẹp. Rừng nguyên sinh còn phải nhường chỗ cho cây bắp, cây mì, cà phê, cao su… thì loài cây dại như dã quỳ cũng đành ngậm ngùi giã từ “thời oanh liệt”. Thuở đói nghèo, cái ăn trên hết, ai hơi sức đâu chăm chút, tâm tưởng đâu thưởng thức một nhành hoa, mà lại là hoa dại?

Có lẽ dã quỳ bị người đời thờ ơ từ đó. Đi khắp cả vùng, thảng hoặc mới thấy một khóm dã quỳ nép mình e ấp bên đường, hoặc ở một khoảng đất trống mà con người vì lí do nào đó chưa muốn sờ tay đến. Buổi giao thời ấy, dã quỳ xót xa tủi phận vì bị người lãng quên. Nhưng lạ thay, nó vẫn bền bỉ, kiên cường chống chọi với cái gió, cái nắng cháy đất bazan, với sự lạnh nhạt của con người.

Thế rồi như một giấc mơ. Dã quỳ bừng dậy. Loài hoa dại ấy bỗng trở nên cuốn hút, đầy hấp dẫn. Ấy là khi con người, giữa cái thời công nghệ số đã chán ngấy những sản phẩm được tỉa tót nâng niu, bỗng thấy thèm một chút hoang dại của tự nhiên.

Thực ra, điều đó không có gì lạ, con người dù hiện đại đến mấy cũng không mất đi bản năng sinh tồn của tổ tiên mình. Trong mọi sự trở về thì trở về với tự nhiên là cuộc trở về nguyên trinh, trong trắng, thuần khiết và có sức quyến rũ nhất. Thế là dã quỳ lên ngôi. Như cô gái quê mùa, chất phác bỗng trở thành hoa hậu của núi rừng Tây Nguyên. Một vẻ đẹp tự nhiên, thuần phác.

Dã quỳ và em - 2

Hoa dã quỳ

Dường như dã quỳ sinh ra là chỉ riêng cho Tây Nguyên, dù bây giờ nó đã được nhân giống ở Nghệ An, Ba Vì (Hà Nội), vùng núi Tây Bắc và nhiều địa phương khác. Bởi nó không chỉ gắn với huyền thoại tình yêu nơi sinh ra loài hoa này. Sắc đỏ bazan hòa hợp một cách tự nhiên với ba gam màu chủ đạo của dã quỳ là vàng của cánh hoa, nâu của nhụy và xanh của lá. Tôi nghĩ đấy là một sự phối màu kì diệu của tạo hóa mà có lẽ không một họa sĩ nào có thể làm được.

Và bây giờ, khi đã có đủ sự tĩnh tâm cũng như thời gian để chiêm nghiệm, con người mới phát hiện ra rằng, thứ hoa dại đã từng bị chặt bỏ, hủy diệt không thương tiếc vì cuộc mưu sinh kia mới đích thực là chúa của các loài hoa ở Tây Nguyên.

Hôm nọ, trong một chuyến đi công tác xuống huyện cùng đoàn phóng viên của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, cô phát thanh viên xinh đẹp cứ nhắc suốt dọc đường đi với anh lái xe rằng, xem chỗ nào có dã quỳ thì dừng xe để người đẹp ngắm nghía, tạo dáng. Xe chạy mãi rồi cũng phát hiện ra một khóm dã quỳ thấp thoáng ven đường. Mọi người cùng reo lên, thích thú. Dĩ nhiên là ngay sau đó, máy quay, điện thoại thi nhau “cháy” hết mình. Cô phát thanh viên không giấu nỗi niềm phấn khích khi chụp được những tấm hình ưng ý. Tôi bảo, nên lấy chủ đề cho những tấm hình ấy là “Dã quỳ và em”.

Bây giờ thì, du khách lên cao nguyên mùa dã quỳ khoe sắc, dường như ai cũng quan tâm đến nó. Một chị từ thành phố Hồ Chí Minh lên nói, đi du lịch Tây Nguyên mùa này mà chưa nhìn thấy dã quỳ, chưa chụp được một tấm ảnh kỉ niệm với nó để lên facebook mà khoe bạn bè thì coi như là chưa đến Tây Nguyên.

Quả là một sự thay đổi đáng mừng trong tâm lí của khách du lịch. Lên cao nguyên, lên Buôn Ma Thuột không phải để cưỡi voi như hôm qua nữa mà là để ngắm dã quỳ. Ở huyện Chư Pah (Gia Lai), nơi có ngọn núi lửa Chư Đăng Ya, mấy năm nay đã từng diễn ra Lễ hội Hoa dã quỳ cuốn hút hàng ngàn du khách. Câu hỏi bật ra ở đây là, Gia Lai làm được, các tỉnh khác ở Tây Nguyên tại sao không?

Thế mới biết, làm du lịch đâu cứ phải là những gì to tát. Biết nâng niu, trân trọng thì những thứ hoang dại của núi rừng cũng sẽ là tiềm năng vô tận mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.

Bây giờ thì tôi, một kẻ thờ ơ nhất với loài hoa dại này bao năm qua, cũng đã thấy thích, thấy yêu dã quỳ. Tôi ao ước, một ngày nào đó, Ban Mê sẽ có một vườn dã quỳ trên một triền đồi nào đấy, để du khách thập phương về đây chiêm ngưỡng loài hoa đã đi vào huyền thoại của một vùng đất đậm chất văn hóa bản địa.

Ôi, dã quỳ! Những cánh hoa vàng rực như mặt trời bé xinh trên nền xanh lá, tràn đầy sức sống giữa mùa khô cao nguyên cứ ám ảnh tôi. Em từ thuở sinh ra đã đẹp. Nhưng ai đặt tên cho em mà mê mệt lòng người, dã quỳ ơi!

Nguyễn Duy Xuân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ