Quảng Nam trong tiến trình hội nhập, bảo tồn truyền thống xây dựng văn hóa con người xã hội đương đại

Quảng Nam sau đổi mới mở cửa hội nhập, các trào lưu văn hóa nghệ thuật đương đại bùng phát vào giới trẻ tạo ra lối sống, lối thưởng thức nghệ thuật mới đột biến, bất ngờ đứt gãy truyền thống, biến những hình thức ca nhạc hiện đại từ nghe sang xem ca nhạc, bắt đầu bằng những bài hát mới âm nhạc đương đại của giới trẻ trong các ban nhạc thành phố mang nội dung, hình thức nghệ thuật thị giác.

1. Quảng Nam trong tiến trình hội nhập

Ai đã một lần đến xứ Quảng sẽ không bao giờ quên những ánh mắt dịu êm, nụ cười hiền hậu, tiếng nói chân thật khô chắc như lời khẳng định những gì còn lại hôm nay là tất cả tình yêu của đất và người xứ Quảng. Ai đã đến đây cũng thấy cảm xúc bình yên như chính ở quê hương mình, xứ Quảng không lộng lẫy phồn hoa mà dạn dày nắng gió, xứ Quảng không ồn ào, vồn vã, mà tĩnh lặng suy tư của một nền văn hóa trên 500 năm với lòng tự hào về một miền quê Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Quảng Nam trong tiến trình hội nhập, bảo tồn truyền thống xây dựng văn hóa con người xã hội đương đại - 1

Tỉnh Quảng Nam có Hội An là điểm du lịch nổi tiếng.

Miền đất võ mà lai láng tình người, hồn thơ vi diệu, núi sông kỳ vĩ liêu trai, còn mãi một miền kinh tế, văn hóa xứ Quảng đang từng ngày đổi mới trong tiến trình hội nhập, mà vẫn đậm đà tình nghĩa quê hương. Quảng Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế, văn hóa, sau ngày đất nước đổi mới năm 1986, hội nhập năm 1996 đã khác xưa trước làn sóng toàn cầu hóa của văn hóa nghệ thuật, lối sống con người, xã hội đương đại, thời hậu văn tự, khó mà kể hết những đổi thay trên miền đất Quảng Nam.

Xứ Quảng xưa là miền quê nghèo, nhà lá đơn sơ, siêu vẹo, nhưng giàu truyền thống văn hóa lịch sử nghệ thuật của các dân tộc đã để lại nhiều không gian văn hóa xã hội của đồng bào các tộc người xứ Quảng, đó là những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể còn in đậm trong thơ ca, dấu tích trên văn bia lịch sử văn hóa, xã hội và trong đời sống của người dân nơi đây.

Nhưng Quảng Nam sau đổi mới đã hội nhập kinh tế cùng cả nước bằng phương thức cấu trúc lại nền kinh tế địa phương, sản xuất hàng tiêu dùng, phát triển kinh tế hàng hóa, tư nhân hóa nhiều làng nghề truyền thống hồi sinh như lụa Phú Bông, Mã Châu, gốm xứ Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều…

Làng nghề với văn hóa du lịch là bước đổi mới nhận thức tư duy phát triển kinh tế với văn hóa vật thể mang lại nhiều lợi ích xã hội, bảo tồn sự sống của các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ từ văn hóa vật thể để lại tiếng vang trong nước và du khách trên các châu lục đến với miền đất, và người Quảng Nam. Những sản phẩm văn hóa vật thể khi trở thành văn hóa phi vật thể trong lòng khách du lịch Việt Nam và quốc tế đã tạo ra bước phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, mang lại hiệu quả lợi ích xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân mà kinh tế là điểm tựa xây dựng Quảng Nam cùng cả nước tăng trưởng nhanh kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống nhân dân văn hóa, văn minh.

Quảng Nam trong tiến trình hội nhập, bảo tồn truyền thống xây dựng văn hóa con người xã hội đương đại - 2

Bình Yên Sông Hoài, Hội An - Đào Thanh Quảng

Quảng Nam sau đổi mới mở cửa hội nhập, các trào lưu văn hóa nghệ thuật đương đại bùng phát vào giới trẻ tạo ra lối sống, lối thưởng thức nghệ thuật mới đột biến, bất ngờ đứt gãy truyền thống, biến những hình thức ca nhạc hiện đại từ nghe sang xem ca nhạc, bắt đầu bằng những bài hát mới âm nhạc đương đại của giới trẻ trong các ban nhạc thành phố mang nội dung, hình thức nghệ thuật thị giác.

Những ban nhạc thành phố ra đời sau hội nhập tiếp tục phát triển đến ngày nay như: Ban nhạc Hải Âu, Flyband, Ban nhạc Orerdose... và hàng chục ban nhạc trẻ hoạt động ca nhạc phòng trà, quán bar ở các thành phố: Tam Kỳ, Hội An và nhiều huyện, thị trong tỉnh Quảng Nam. Những ban nhạc biểu diễn các bài hát đương đại có múa minh họa, người xem, nghe ca nhạc và nhảy múa hòa đồng cùng cảm xúc đám đông điều mà trước đổi mới không thấy, đây là bước hội nhập văn hóa đầu tiên của giới trẻ xứ Quảng và Quảng Nam đã hội nhập mang tinh thần văn hóa thẩm mỹ nghệ thuật đương đại thời toàn cầu hóa, còn in đậm bản sắc văn hóa Quảng Nam giàu tinh thần văn hóa dân tộc và quốc tế. Tinh thần văn hóa dân tộc biểu hiện ở giai điệu các bài hát mang tâm hồn, nhịp sống con người Quảng Nam thời hội nhập, toàn cầu hóa, còn tính quốc tế thể hiện trong các bài hát mang nhịp điệu âm nhạc chung: rock, pop, pop rap, pop hiphop...                             

Hòa nhịp cùng các trào lưu ca nhạc đương đại là nhày múa đương đại, những nhóm múa của tuổi trẻ Quảng Nam như Overdance Crew, sau đổi tên là DAD Crew, nhóm Deluxe Truble, nhóm nhảy Nabatidance, nhóm 360 DC, Dancing Quens, nhóm Xteam... trong 27 nhóm nhảy múa đương đại phải kể đến nhóm nhảy Overdose Crew nổi tiếng toàn quốc trong nhiều chương trình truyền hình, games show đã tạo đà phát triển các nhóm nhảy thành phong trào nhảy múa trong học sinh, sinh viên phát triển mạnh cùng với ca nhạc đương đại mang đến bầu không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh...

Tiến trình hội nhập của nhân dân và tuổi trẻ Quảng Nam đã phát triển hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại như phát triển các điệu múa lân, múa rồng, những điệu múa của đồng bào các dân tộc ít người, đó là sự cân bằng văn hóa nghệ thuật từ thành phố Tam Kỳ, Hội An đến các thôn bản, từng tộc người ở trung du, miền núi, miền duyên hải Quảng Nam.

Mỗi địa phương trong tỉnh, bên cạnh sự phát triển mạnh ca nhạc, nhảy múa đương đại thì các điệu nhảy múa dân tộc truyền thống phục hồi mạnh những hình thức sinh hoạt văn hóa lễ hội, văn nghệ dân gian của đồng bào các dân tộc; Cơ tu, Cor, Cadong, Xê đăng... với 19 tộc người thiểu số có vốn văn hóa nghệ thuật dân gian vô cùng phong phú được khai thác đưa vào sinh hoạt lễ hội trong đời sống con người xã hội đương đại, đây là điều không phải tỉnh nào cũng có và cũng quan tâm toàn diện về các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa nghệ thuật- đặc biệt là văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam trong tiến trình hội nhập.

Nhiều nghi thức lễ hội, các trò diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc được phục hồi cùng những điệu múa của người Cơtu, người Cor, người Cadong, Xê đăng, người Gié, người Bhnong, người Hoa, người Mường, người Việt, người Nùng... mới đây có điệu múa Tân tung da dã (còn gọi là vũ điệu Dâng trời) của người Cơ tu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đây là niềm tự hào của đông bào Cơ tu và của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong tiến trình hội nhập, là thành tựu của công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa nghệ thuật dân gian folklore các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam.

Những di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần của đồng bào Quảng Nam do các nghệ nhân dân gian vùng đồng bào dân tộc Việt, Cơ tu, Mnông, Cor, Gié, Cadong, Xê đăng, Mường, Nùng, Hoa...sáng tạo trong quá trình lịch sử đã lưu giữ lại từ khai thiên lập địa đến ngày hôm nay.

Quảng Nam trong tiến trình hội nhập, bảo tồn truyền thống xây dựng văn hóa con người xã hội đương đại - 3

Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam.

Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ấy đang được bảo tồn, bảo vệ, lưu giữ trong đời sống văn hóa tinh thần của con người, xã hội đương đại, đó là tài sản vô giá của quá khứ mang tinh thần lịch sử xã hội về các hoạt động văn hóa tinh thần của từng tộc người xưa để lại cho hiện tại và tương lai. Văn hóa phi vật thể là hồn cốt của từng tộc người, những tài sản văn hóa tinh thần ấy có giá trị xây dựng đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa của con người mới trong từng dân tộc để xây dựng văn hóa con người, xã hội đương đại.

Nếu không có bản sắc văn hóa của từng tộc người sẽ không có con người dân tộc, đây là giá trị bản sắc văn hóa biểu hiện trong văn hóa phi vật thể của hoạt động đời sống tinh thần các dân tộc trên hành tinh... Vì thế, Quảng Nam trong tiến trình hội nhập đã đạt được nhiều thành tựu:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế cao, làm thay đổi bộ mặt xã hội đô thị các thành phố Tam Kỳ, Hội An và bốn huyện, thị vùng nông thôn miền núi như các huyện Điện Bàn, Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình.

Thứ hai, phát triển văn hóa du lịch với hoạt động kinh tế, xã hội đổi mới các khu dân cư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tạo ra đời sống văn hóa, văn minh đô thị trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, đặc biệt đổi mới văn hóa giao tiếp trong nhận thức của toàn dân mang tinh thần văn hóa đô thị.

Thứ ba, phát triển các ban nhạc, nhảy múa đương đại xã hội hóa, ca nhạc phòng trà, nhảy múa đường phố...tạo thành bầu không khi vui tươi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong giới trẻ và toàn thể nhân dân, phát triển văn hóa đô thị xanh, sạch đẹp.

Thứ tư, phát triển kinh tế gắn với văn hóa du lịch, phục hồi các làng nghề truyền thống, bảo tồn, phát triển văn hóa lễ hội, nghệ thuật dân gian folklore, các trò diễn xướng dân gian, nhảy múa, nghệ thuật hát dân ca các dân tộc thiểu số...đưa vào nhịp sống con người, xã hội đương đại mang đậm tinh thần văn hóa dân tộc và quốc tế của tuổi trẻ Quảng Nam và đồng bào các dân tộc.

Quảng Nam trong tiến trình hội nhập đã không ngừng hoàn thiện cấu trúc kinh tế, cấu trúc văn hóa xã hội theo hướng hội nhập đa dạng văn hóa trong từng tộc người. Về văn hóa nghệ thuật đã quy hoạch các dự án phát triển nguồn lực các chỉ số dự báo thực tiễn chính xác, khoa học, nghiên cứu, sưu tầm có bài bản công tác bảo tồn, bảo vệ, phát huy văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số.

Những khám phá phát hiện của các nhà nghiên cứu, sưu tầm đã góp phần bảo tồn phát huy, bảo vệ phát triển văn hóa nghệ thuật các dân tộc trong tỉnh bằng giải pháp thực tiễn đưa nhiều giá trị văn hóa quá khứ vào đời sống con người, xã hội đương đại. Các huyện, xã, thôn bản tổ chức theo định kỳ nhiều cuộc liên hoan văn hóa lễ hội, nhảy múa, ca nhạc, những cuộc giao lưu nghệ thuật thôn bản với các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh là thiết thực bảo tồn, phát triển nghệ thuật các dân tộc trong đời sống văn hóa tinh thần con người, xã hội mới ở Quảng Nam.

Những hình thức hoạt động văn hóa xã hội đã đem lại sức sống mới, cổ vũ đồng bào các dân tộc đổi mới tư duy về gia tộc, làng bản và đất nước. Điều mà các tộc người thiểu số xưa chỉ mới nhận thức về dân bản là gốc, thì nay sau tiến trình hội nhập họ đã nhận thức về tình yêu quê hương, đất nước trong sự hòa hợp đoàn kết các dân tộc và bao trùm hơn là tinh thần dân tộc và quốc tế. .      

2. Những đổi mới văn hóa nghệ thuật sau hội nhập toàn cầu hóa ở Quảng Nam

Quảng Nam đã đổi mới văn hóa nghệ thuật, bước đi đầu tiên là quên lãng, bỏ qua nền nghệ thuật hiện đại như ca nhạc, nhảy múa hiện đại, và ra đời nền ca nhạc, nhảy múa đương đại tạo ra nền văn hóa con người đương đại. Bước đổi mới ra đời nền ca nhạc, nhảy múa đương đại bị đứt gãy truyền thống, quá khứ rồi từng bước trở lại với bản thể, bản sắc văn hóa con người Quảng Nam.

Quảng Nam trong tiến trình hội nhập, bảo tồn truyền thống xây dựng văn hóa con người xã hội đương đại - 4

Vẻ đẹp Hội An.

Bước đi đầu tiên của quy luật tiếp nhận văn hóa là tiếp nhận nguyên xi, lai ghép văn hóa. Bước thứ hai là biến đổi các nhân tố văn hóa nghệ thuật ngoại sinh thành nội sinh để làm giàu bản sắc văn hóa bản địa trong giao lưu, hội nhập toàn cầu hóa, mỗi bên cùng tồn tại, phát triển phong phú nền văn hóa mới - nền văn hóa đương đại đa sắc màu dân tộc và quốc tế.

Lai ghép văn hóa là phương thức vận động tất yếu của đa dạng văn hóa, lai ghép văn hóa là sử dụng những nhân tố mới trong thực tiễn mới như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc nhảy Shuffle, Tiktok, nhảy Handsome boy… trên nền những bài hát Tàu đương đại, hoặc pop, rock Mỹ…Lai ghép văn hóa là tính phổ biến trong sinh hoạt ca nhạc giới trẻ hiện nay ở Việt Nam thời toàn cầu hóa.

Những đổi mới nghệ thuật thực chất là đổi mới văn hóa, nền nghệ thuật đương đại ra đời của giới trẻ, lúc đầu là tiếp nhận tư tưởng tiến bộ văn hóa, văn minh thời toàn cầu hóa từ Mỹ và những nước phát triển phương Tây, ra đời các trào lưu ca nhạc, nhảy múa đương đại đang thống trị trên cả hành tinh. Nền nghệ thuật đương đại Việt Nam ra đời từ các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam.... giới trẻ hát và nhảy múa theo các điệu nhạc: rock, rap, hiphop, nhạc pop...đã tạo ra một lối sống sinh hoạt văn hóa giao tiếp mới, đó là văn hóa thế kỷ XXI - văn hóa của những điệu nhảy thời đại.

Lúc đầu được giới trẻ tung hô, cổ vũ cho phong trào ca nhạc, nhảy múa trẻ, nhưng đến hiện nay thì đó là một nhu cầu, một lối sống văn hóa của mọi người dân thời toàn cầu hóa. Mọi người đi xem, hoặc đi nhảy ngoài đường phố, phòng trà, quán bar...đời sống văn hóa tinh thần thật văn hóa, văn minh của kỷ nguyên toàn cầu, người dân Quảng Nam cũng không phải là ngoại lệ. Toàn dân bị cuốn vào nhịp sống văn hóa đương đại. Văn hóa đương đại là một dòng chảy văn hóa do một nhóm xã hội, hay cả xã hội ảnh hưởng tạo nên nền văn hóa đương đại, bao gồm các thành tố hội tụ nên, cụ thể:

Thứ nhất, văn hóa đại chúng - nghệ thuật đại chúng.

Thứ hai, truyền thông đại chúng tạo thành sức mạnh phi thường tác động vào con người đương đại làm theo giống nhau như văn hóa xem ca nhạc, văn hóa nhảy hip hop, rap, rock, pop, chơi games, sử dụng điện thoại, máy vi tính...Những ảnh hưởng nguy hại của văn hóa đương đại hiện nay là cả nhân loại đang cắm mặt xuống điện thoại di động, các trào lưu Sugar Daddy, Sugar Baby và nhiều hoạt động sở thích khác làm con người sống biệt lập cá thể, hưởng thụ sở thích tự do cá nhân.

Thứ ba, thiết lập một khuôn mẫu xã hội có nền văn hóa cụ thể như tục lệ xem truyền hình, điện thoại cầm tay, vào Internet, bày tỏ chính kiến, cảm xúc trên facebook, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh, du lịch thực và ảo...tạo thành một lối sống đại chúng. Sức mạnh phi thường của các trang mạng xã hội Internets, Youtube, Facebook từng làm chao đảo dư luận xã hội trước những điều bất công phi lý, đấu tranh thắng lợi vì lẽ phải cho người yếu thế, giải phóng văn hóa tinh thần dân chủ cho nhân dân.

Biểu hiện văn hóa đương đại là nền tảng của văn hóa nghệ thuật đại chúng đang có những biến đổi trước tốc độ phát triển khoa học công nghệ, trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa hiện nay.

Quảng Nam trong tiến trình hội nhập đã thay đổi cấu trúc cơ tầng quản lý văn hóa xã hội theo tinh thần đổi mới, hội nhập của Nhà nước, vì mục tiêu, mục đích tiến bộ của giới trẻ của nhân dân để không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần con người mới. Hàng loạt dự án xóa đói giảm nghèo, dự án quy hoạch văn hóa các vùng miền, các dự án bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa vùng đồng bào các tộc người thiểu số, dự án văn hóa lễ hội miền duyên hải, vùng đồng bằng, trung du, miền núi...là vì một Quảng Nam không ngừng đổi mới văn hóa.

3. Giải pháp và những kiến nghị

Quảng Nam đang đứng trước những “cơn bão” văn hóa thời đại, do kỷ nguyên khoa học công nghệ đời sống số, tốc độ sống nhanh, sống gấp, sống vội vã, hỗn tạp đa dạng văn hóa, lối sống, đa dạng sản phẩm hàng hóa, sở thích hưởng thụ trong mỗi cá thể làm cho tính cộng đồng và văn hóa truyền thống ngày càng bị suy giảm.

Những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra cho toàn dân về bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống dân tộc của 19 tộc người ở các địa phương có nhiều khách du lịch quốc tế mang đến các trào lưu văn hóa, lối sống mới đang làm biến đổi nền văn hóa đương đại thời toàn cầu hóa.

Những biến đổi văn hóa thực chất đã diễn ra từ khi loài người có quan hệ giao tiếp thương mại từ những cuộc đi mở cõi của người xưa, nhưng bước sang thế kỷ XXI, con người mới nhận thức nhiều hơn, rõ hơn về biến đổi văn hóa, vì thế phải bảo tồn, bảo vệ văn hóa nghệ thuật dân tộc truyển thống và ngay cả nền văn hóa đương đại. Toàn cầu hóa bùng nổ bốn trào lưu văn hóa: văn hóa đại chúng, văn hóa thời trang, văn hóa ẩm thực, văn hóa công nghệ phương tiện sống. Văn hóa công nghệ là những vật bất ly thân như điện đoại di động, máy tính, truyền hình…và nhiều trang thiết bị khác đang “đè bẹp” con người thời công nghệ tin học và số hóa.

Nguyên nhân thứ nhất, sự kết nối của con người với một phần quy trình công nghệ thông tin, và văn hóa đại chúng.

Nguyên nhân thứ hai, văn hóa tổ chức của thế hệ mới trong xã hội đương đại đã tạo ra công việc là thiết chế của xã hội.

Nguyên nhân thứ ba, con người ở các nước phát triển công nghệ cao, không có công nghệ thì không có chất lượng cuộc sống, đó là sử dụng các nền văn minh mới của xã hội công nghệ đời sống số như nhà ở thông minh, thời trang thông minh, các giá trị văn hóa giải trí là ưu tiên số một cho con người cá thể.

Đặc trưng của các thành tố văn hóa công nghệ đương đại đã làm cho thế hệ trẻ quên mất nhiều giá trị văn hóa quá khứ của dân tộc truyền thống, vì thế việc bảo tồn, bảo vệ văn hóa nghệ thuật của các dân tộc là nhiệm vụ của mỗi tổ chức văn hóa xã hội, mỗi người dân cùng đồng bào các dân tộc trong cả nước và đồng bào nhiều nhóm tộc người ở Quảng Nam. Mọi mối quan hệ con người, xã hội và công nghệ hiện nay, là vì mục đích xây dựng nền văn hóa đương đại Quảng Nam tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc và quốc tế trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa.

Giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống và xây dựng nền văn hóa đương đại 

Về văn hóa nghệ thuật truyền thống, bảo tồn văn hóa truyền thống phù hợp với con người xã hội đương đại ở Quảng Nam chính là bảo tồn chọn lọc tinh hoa nghệ thuật dân gian folklore của đồng bào các dân tộc Quảng Nam. Bảo tồn lưu giữ, phát triển từng bài dân ca, điệu múa, vật dụng văn hóa vật thể như nhạc cụ, chuông, mõ, phục trang của từng tộc người…

Bảo tồn, bảo vệ môi trường không gian xã hội đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, là thiết thực bảo tồn các làng nghề truyền thống. Dưới thời đại khoa học công nghệ số, công tác bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống bằng thực tiễn quan tâm chăm sóc đời sống nhân nhân, trong đó có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương tới vốn văn hóa lễ hội dân gian, dân tộc bản địa của từng tộc người.

Bảo tồn, bảo vệ cụ thể như phục dựng các lễ hội văn hóa tâm linh, các phương thức sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc, cả lối sống phong tục, tập quán thôn bản trong môi trường không gian xã hội tự nhiên của từng tộc người. Giải pháp bảo tồn là:

Bảo tồn tinh hoa các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của 19 tộc người ở Quảng Nam.

Bảo tồn tĩnh là bảo tồn nguyên bản các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống của nhân dân Quảng Nam

Bảo tồn phát huy, bảo vệ phát triển những giá trị tinh hoa của văn hóa nghệ thuật truyền thống đưa vào đời sống văn hóa nghệ thuật con người đương đại, làm giàu bản sắc dân tộc và quốc tế trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa.

Bên cạnh việc bảo vệ, bảo tồn phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống của nhân dân Quảng Nam, thì xây dựng nền văn hóa nghệ thuật đương đại giàu truyền thống dân tộc và quốc tế là nhiệm vụ cấp thiết trong tiến trình hội nhập của tỉnh Quảng Nam hiện nay.

Nền văn hóa nghệ thuật đương đại là nền văn hóa mới do lớp người ở kỷ nguyên khoa học công nghệ số hóa tạo ra, nền văn hóa nghệ thuật ấy đang tồn tại trong giới trẻ, họ là lớp người mới đang sáng tạo ra các giá trị văn hóa tinh thần của thời đại mới. Tốc độ phát triển nhanh của khoa học công nghệ đã tạo ra nền văn hóa đương đại chưa đồng bộ để lại nhiều tiêu cực, hạn chế trong nhận thức tư duy, lối sống của lớp người thời công nghệ đời sống số, họ bị phân hóa thành nhiều nhóm xã hội lý tưởng khác nhau, ham muốn đam mê cá thể nhiều ngã rẽ.

Những người tiến bộ tích cực đam mê cống hiến nhiều cho xã hội, những nhóm xã hội khác đam mê cá nhân làm giàu bằng mọi giá, họ bỏ quên các giá trị văn hóa gia đình, gia tộc, dòng họ và chìm sâu vào những đam mê hưởng thụ cá nhân thiếu tinh thần cộng đồng, tinh thần văn hóa dân tộc truyền thống…

Thời toàn cầu hóa đang tạo ra những làn sóng văn hóa đương đại làm thay đổi xã hội, thay đổi lối sống văn hóa con người thời khoa học công nghệ, mà Quảng Nam đang không ngừng đổi mới, phát triển nhanh cùng các tỉnh, thành trên cả nước. Vì thế, giải pháp xây dựng nền văn hóa nghệ thuật đương đại là:

Xây dựng cấu trúc xã hội đương đại ở Quảng Nam đồng bộ với phát triển kinh tế, văn hóa, nghệ thuật để hội nhập, toàn cầu hóa.

Xây dựng con người, xã hội đương đại có lối sống văn hóa truyền thống trở thành nền tảng đạo đức của con người, xã hội đương đại.

Xây dựng mối quan hệ cộng đồng, quan hệ cá nhân với cá nhân tạo thành nền tảng đạo đức văn hóa dân tộc truyền thống của con người, xã hội đương đại.

Thời toàn cầu hóa thực tiễn nào cũng phát triển nhanh, mọi người không muốn bị bỏ lại sau thì đối sách là học tập, rèn luyện tác phong lối sống lao động công nghệ. Công nghệ đang tạo ra nhiều sản phẩm mới cho con người sử dụng trí tuệ nhân tạo, tất cả những điều ấy làm biến đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội tác động đến các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tâm sinh lý con người thời đại, điều mà mọi người phải quan tâm là văn hóa con người Quảng Nam thời công nghệ xã hội đương đại. xin nêu ra mấy kiến nghị sau:

Thứ nhất, các nhà quản lý xã hội, quản lý văn hóa không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn quản lý các di sản văn hóa dân tộc truyền thống để xây dựng hoàn thiện nền văn hóa đương đại trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ hai, dựa trên cơ chế tự quản, sửa đổi các chế độ kinh phí tài chính bồi dưỡng nghệ nhân, thù lao nghiên cứu, lý luận văn hóa, sưu tầm, lao động trí tuệ phù hợp với giá tiêu thụ sản phẩm trong thị trường tài chính hiện nay, bãi bỏ các văn bản cũ vì chế độ thù lao quá thấp so với những hình thức lao động giản đơn khác.

Thứ ba, triển khai hỗ trợ các dự án bảo tồn văn hóa dân tộc truyền thống và khuyến khích đầu tư những dự án mới về nghệ thuật đương đại, và xây dựng văn hóa tuổi trẻ đương đại để hoàn thiện nền văn hóa mới của thế kỷ XXI. Tăng cường quảng bá văn hóa trên các trang mạng xã hội, liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu bằng các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật trong tỉnh với các tỉnh bạn, góp phần quảng bá sản phẩm văn hóa con người Quảng Nam trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

Kết luận

Quảng Nam là tỉnh giàu truyền thống văn hóa muôn sắc màu của 19 tộc người, đoàn kết xây dựng và đổi mới bản sắc văn hóa trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa. Quảng Nam không ngừng đổi mới kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa nghệ thuật để hội nhập, toàn cầu hóa đã mang lại bộ mặt xã hội văn hóa, văn minh đô thị ở Quảng Nam.

Quảng Nam không ngừng vươn lên tăng trưởng kinh tế cùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước để phát triển đời sống nhân dân, bảo tồn, phát huy, bảo vệ phát triển các di sản văn hóa dân tộc truyền thống và xây dựng nền văn hóa nghệ thuật đương đại trong tiến trình hội nhập.

Quảng Nam trong tiến trình hội nhập, bảo tồn truyền thống xây dựng văn hóa con người xã hội đương đại - 5

Tam Kỳ đã từng ngày đổi mới, phát triển.

Quảng Nam không ngừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa dân tộc, phục hồi nhiều làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế văn hóa du lịch, dịch vụ du lịch vận dụng trang thiết bị khoa học công nghệ để đổi mới các phương thức hoạt động văn hóa thiết thực mang lại hiệu quả kinh tế từ văn hóa vì lợi ích xã hội.

Tuy nhiên trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa, Quảng Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới như nạn phá rừng, buôn lậu, nghiện hút... đang làm băng hoại môi trường sống tự nhiên của đồng bào các dân tộc, phố “đèn đỏ, còn gọi là cung đường sung sướng ở thành phố Tam Kỳ”... lối sống hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ đang làm suy giảm kinh tế, văn hóa, đặc biệt làm suy thoái nếp sống văn hóa, đạo đức của con người Quảng Nam.

Dù vậy hiện nay theo các nguồn thông tin xã hội đô thị, thì nhiều phố đèn đỏ đang nức tiếng ở Việt Nam từ Hà Nội, ra Hải Phòng đến thành phố Sài Gòn, Cần Thơ về Đà Nẵng...thì Quảng Nam chỉ là một số nhỏ, nhưng đây lại là một mảng màu sinh hoạt của con người đương đại mà dư luận đang quan tâm như một khoảng tối.

Vì thế! Hơn bao giờ hết và trên tất cả! Mọi người hãy quen dần với mọi bất ngờ, kỳ lạ để bảo tồn văn hóa các dân tộc và xây dựng nền văn hóa đương đại ở Quảng Nam trong tình hình mới để đất và người xứ Quảng - Quảng Nam mãi nở hoa, kết trái trên nền tảng văn hóa dân tộc truyền thống, xây dựng thành công nền văn hóa đương đại trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa của Kỷ nguyên khoa học công nghệ số hóa-mà tình người Quảng Nam còn mãi như mặt trời đêm thế kỷ.

Đặng Kim Thoa

Tin liên quan

Tin mới nhất