Khúc bi tráng của người chiến sĩ trong chiến hào Đồi A1, Điện Biên Phủ

Đã bước sang tuổi 92, nhưng nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, giáo viên Nga văn Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Vốn là học sinh Trường Hàn thuyên Bắc Ninh, có bằng Tú tài, tình nguyện nhập ngũ năm 1949 khi mới 17 tuổi, lúc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, chiến sĩ Ca Sơn 22 tuổi, là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.

Chuyện trên chiến hào

Mở đầu câu chuyện của mình, cụ bộc bạch: “Về Điện Biên Phủ, suốt 70 năm nay người ta nói và viết rất nhiều rồi, nhưng thường nói về những cái cao cả, cái hùng tráng mang tính chiến lược. Còn tôi, tôi muốn nói với các bạn trẻ ở cấp độ chiến hào, ở cấp độ người lính, như việc bộ đội mình, cụ thể đơn vị tôi trên đồi A1 đã ăn, uống thế nào, ngủ nghỉ thế nào, đánh địch ra sao. Ta quen nghe Điện Biên với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm”, đấy là tính từ ngày 13/3/1954 bằng trận mở màn Him Lam. Còn thực tế với chúng tôi là trên 100 ngày đêm. Vì trước ngày nổ súng công đồn, quân ta đã tiến vào vây hãm Điện Biên, đã bị máy bay và pháo binh địch bắn phá. Kéo pháo vào, rồi kéo pháo ra, đào hào đi, rồi đào hào lại, đất đá đồi núi khô cứng, cực kỳ gian khổ… Chuyện này mọi người đã biết. Nhưng là lính Điện Biên còn sống đến hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi muốn nói tới cảm nhận thực của mình về cuộc chiến, về quyết định bất ngờ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đem lại thắng lợi vĩ đại cho cuộc kháng chiến chống Pháp và cho cả cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. 

Ngày định mệnh của chiến dịch

“Tôi được phổ biến, theo kế hoạch ban đầu, dự kiến ngày 25/1/1954 khai hỏa. Trận đánh sẽ diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, dựa trên quân số ta đông gấp 3 lần địch để ào ạt tấn công. Nghe vậy, chúng tôi háo hức lắm. Nhưng qua phân tích tương quan lực lượng, ngày 26 tháng Giêng năm 1954, Đại tướng đã triệu tập Ban lãnh đạo mặt trận họp bàn, và quyết định thay đổi chiến  thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đào hầm hào để bao vây, tiến sát các vị trí của địch, chủ động tiêu diệt địch.

Trung đoàn 174 của chúng tôi lúc đó phải đào hầm, hào khoảng 2 tháng cho đến ngày 30/3.  Hàng ngày đào hầm, nhất là ban ngày địch từ trên đồi nhìn thấy cứ nã pháo và súng cối vào, có thương vong, nhưng không nhiều. 

Từ chiến sĩ đến các Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng đều sốt ruột, song vì kỷ luật trong quân ngũ rất nghiêm, nên phải tuân lệnh, chứ thực lòng có ấm ức, bộ đội chỉ muốn tiến công thật nhanh. Lúc đó đã gần Tết, anh em cứ nghĩ đơn giản, thắng là được ăn Tết, xem múa xòe Điện Biên, còn không may mà hy sinh, thì vẫn vẻ vang.

Tuổi trẻ chúng tôi hăng hái, nhưng phiến diện, không có tầm nhìn chiến lược, và không lường trước được mọi rủi ro. Bởi vậy, tôi hay nói về ngày 26 tháng Giêng này, và mỗi lần nhắc tới là tôi lại bồi hồi, xúc động. Vì theo tôi, đó là “Ngày định mệnh” của chiến dịch, cũng là “Ngày định mệnh” của chiến tranh Việt Nam chống ngoại xâm. Ngẫm kỹ thì các bạn thấy, ngày ấy đã mở đầu việc kết liễu Chủ nghĩa Thực dân Pháp ở Việt Nam.

Ngày ấy là bước ngoặt lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm đã đem lại chiến thắng vẻ vang cho Việt Nam. Với chúng tôi, những người lính Điện Biên, ngày ấy đã  cứu sống hàng nghìn, hàng vạn sinh mệnh.  Đồng thời, cũng cứu sống cả những người lính Pháp. Vì kết thúc chiến tranh sớm ngày nào, thì nước Pháp càng sớm không phải đổ máu ở Đông Dương ngày đó.

Còn ngày 7/5/1954 là ngày khải hoàn chiến thắng, oai hùng lắm, sung sướng lắm! Tôi hay nói với các nhà báo của ta và Pháp như vậy. Đấy là ý nghĩ cá nhân đã nung nấu trong đầu tôi suốt 70 năm qua”.

Cụ giơ đôi bàn tay mình lên và mỉm cười hóm hỉnh: “Sau này khi cầm bút để học tập và cầm phấn trên bục giảng, dường như tay tôi vẫn còn cảm giác ê ẩm của những ngày đào hầm. Nhưng nhờ cái ê ẩm đó mà hôm nay còn sống mạnh khỏe, còn kể được chuyện chiến đấu năm xưa”.

Khúc bi tráng của người chiến sĩ trong chiến hào Đồi A1, Điện Biên Phủ - 1

Máy bay Pháp thả dù tiếp tế cho cứ điểm Điện Biên Phủ (Ảnh: tư liệu Thông tấn xã Việt Nam)

Cái ngoắc tay trong chiến hào 

Cụ tâm sự: “Được kể chuyện Điện Biên Phủ là tôi cảm thấy mình bày tỏ được tình cảm của mình với đồng đội đã ngã xuống. Tôi tâm niệm, mình phải có nhiệm vụ nói về họ, về những người đã anh dũng hy sinh”. 

Lại một lần nữa cụ giơ hai bàn tay lên và nói: “Nhìn bàn tay tôi bây giờ nó sạch sẽ, trắng trẻo, nhưng ở Điện Biên Phủ, với hai bàn tay này đầy máu, tôi và các anh em đã bốc vác chôn cất hàng trăm người”.

Cụ nhớ mãi câu chuyện về hai người em quê Hải Dương: “Hồi ấy, trung đội tôi có 2 cậu quê ở Kim Thành, Hải Dương, một cậu 18 tuổi tên Cừ, một cậu 20 tên Thái. Thái cưới vợ được nửa tháng trước khi lên Điện Biên, còn Cừ chưa vợ. Hai cậu này lúc nào cũng gắn với nhau như bóng với hình. Ăn, ngủ dưới chiến hào cũng tựa lưng vào nhau, nổ súng cũng sát cánh với nhau. Thân lắm, ngay cả lúc vừa ngớt tiếng bom đạn đã thấy tiếng của họ.

Có hôm thấy hai cậu cười khúc khích, ngoắc tay nhau, tôi tò mò hỏi. Thì ra hai cậu vừa mới giao hẹn với nhau: Nếu Thái hy sinh, mà Cừ còn sống, thì Cừ có nhiệm vụ về thăm gia đình và thay Thái cưới người vợ của Thái để cô ấy đỡ khổ.

Vừa ngạc nhiên, vừa xúc động, tôi nói: “Chúng mày đứng lên, thề đi. Tao làm chứng”. 

Ba cái đầu định ló lên trên miệng chiến hào, thì bỗng nghe thấy tiếng pháo địch rít bên tai, cả ba vội ngồi sụp xuống, cười như nắc nẻ. Nhưng ba hôm sau Cừ hy sinh do đại bác địch, còn Thái bị thương nặng, được đưa về tuyến sau, không rõ sống chết ra sao. Tôi nhìn theo Thái lúc được đồng đội khiêng đi mà nước mắt cứ giàn giụa.

Sau đó chúng tôi đi nhặt những mảnh xương, mảnh thịt của đồng đội, rồi chính tay tôi chôn cất cậu Cừ bên cạnh chiến hào. Vâng, sau hòa bình, có quy tập mộ các chiến sĩ Điện Biên, nhưng ai biết đâu là hài cốt của Cừ, vì trên Đồi A1 chả có giấy bút ghi chép để vào lọ thuốc Penicillin như thời chống Mỹ sau này”.

Cơm ăn, nước uống trên Đồi A1

Có nước để uống, có một bữa ăn bình thường dưới chiến hào Đồi A1, Điện Biên là một ước mơ hão. Nhiều lúc họ chỉ mong có mưa để ngửa cổ há mồm lên mà hứng từng giọt mưa rơi xuống. Còn cơm ăn và nước uống thì khó tiếp tế, từ dưới chân đồi lên đỉnh để đưa cơm nước, phải đi qua một ngã ba chiến hào lộ thiên, lại nằm trong tầm ngắm của địch.  Cụ gọi đó là “Ngã ba tử thần”.

“Thương cho những anh nuôi, những người ngày đêm chăm lo từng bữa cơm cho chúng tôi. Hễ họ gánh cơm, nước lên, là địch cứ bắn trung liên, đại liên thẳng vào.  Nhiều anh nuôi trúng đạn, cơm, canh, nước vung vãi hết cả chỗ ngã ba giao thông hào. Người này ngã xuống, người khác lại ngã chồng lên trên, ước chừng có hơn trăm anh nuôi hy sinh ở đoạn hào này.

Tận mắt thấy các anh nuôi ngã xuống. Tôi và nhiều đồng đội hét to: “Thôi anh em đừng lên nữa, lên thằng nào chết thằng ấy, thì lên làm gì!”. Các anh nuôi đáp lại: “Nếu không lên thì các cậu chết đói, chết khát à, làm sao đánh được giặc. Chết vẫn phải lên!”. 

Đúng vậy, lính không ăn uống thì sao có sức đánh giặc. Nhưng ăn cũng không nuốt nổi trong tình cảnh khốc liệt đó. Vì thực sự, người chết nằm trong chiến hào, không thèm ăn đã đành, người bị thương đau quá cũng không ăn được, còn  chúng tôi thì thương đồng đội, uất ức nghẹn cổ, không có nhu cầu ăn nữa. Đói, nhưng các suất cơm đều bỏ vạ vật trong chiến hào. Các anh nuôi biết vậy, thương chúng tôi lắm, đòi “đình công”, khóc mà gào: “Nấu cơm không thằng nào ăn, thì không nấu nữa!”. Nghe vậy, chúng tôi phải hối thúc nhau cố mà ăn. Có những anh nuôi còn đề nghị Ban chỉ huy, xin trực tiếp chiến đấu, họ bảo: “Biết bắn súng mà bó tay để địch giết mình, chịu sao nổi? Cầm súng giết giặc, chết còn hơn, còn trả thù được cho đồng đội”. Một số anh nuôi yêu cầu cầm súng được chấp thuận, cấp trên phải điều các tân binh đi nấu cơm thay”.

Cụ Ca Sơn lặng lẽ nói: “Trong 56 ngày đêm ấy, đặc biệt là những ngày đêm trên Đồi A1, đôi bàn tay, bộ quần áo và nắm cơm trong túi đeo ở đằng sau lưng lúc nào cũng đẫm máu. Máu của những người ngã xuống, máu của những người bị thương. Nước uống còn thiếu, làm gì có nước rửa tay. Luôn phải chùi tay vào vách hào, phải cọ hai bàn tay vào nhau để rơi máu khô ra, rồi mới thò tay lấy cơm, có lúc mưa, phải lấy vải dù lót tay bốc cơm… Khi ăn vẫn thấy giữa kẽ các ngón tay còn máu, còn mùi tanh. Vừa ăn vừa chảy nước mắt, vì máu của đồng đội không chịu lìa đi, vẫn còn quấn lấy mình!”.

Khúc bi tráng của người chiến sĩ trong chiến hào Đồi A1, Điện Biên Phủ - 2

Dẫn giải tù binh Pháp qua Mường Phăng. (Ảnh: Triệu Đại)

Vài nét về người chiến sĩ tú tài 

Hỏi về chuyện bản thân cụ trong chiến dịch, cụ cười: “Lúc nào cũng suýt chết, lúc nào cũng đối diện với tử thần”.

Có hai lần cụ bị “chôn sống”, vì hàng chục đạn pháo của địch liên tục bắn vào sau đồi làm đất đá tụt xuống, cụ bị vùi theo. Rất may cả hai lần đó đều được đồng đội kịp lôi ra.

“Lúc anh em kéo mình ra, thì toàn thân đã tím ngắt, dường như đã ngừng thở. Anh em phải liên tục ấn ngực, hô hấp nhân tạo, mãi mới tỉnh dậy được, muộn hơn tý là đi rồi. Từ đó phổi rất yếu, phổi bên trái bị lép, không hồi phục được.” 

Ngày chiến thắng, tất cả chiến sĩ trung đoàn 174 vui sướng ôm lấy nhau, cầm tay nhau, lắc vai nhau mà nói: “Chúng mày ơi, sống rồi, sống rồi!”. Tôi sướng lắm trèo lên bờ chiến hào, nằm duỗi chân tay cho giãn gân cốt, hít một hơi căng lồng ngực, rồi ngước nhìn trời mây. Trời Điện Biên lúc ấy thật yên tĩnh và trong trẻo lạ thường, những tia nắng cuối ngày đang dần tắt. Tự nhiên tôi nhớ mẹ, mong về với mẹ, về với gia đình. Đấy là ý nghĩ đầu tiên của tôi trên đồi A1 vào giờ phút chiến thắng chiều muộn ngày 7/5/1954, một ngày đẹp nhất cuộc đời tôi. 

Do tôi biết tiếng Pháp, nên được cấp trên giao nhiệm vụ giải tù binh và hàng binh Pháp từ Điện Biên Phủ về Thanh Hóa. Đi bộ gần 500 km. lúc đi đường Quốc lộ 6 nhẵn nhụi thì đỡ mệt hơn lúc đi đường tắt từ Mộc Châu sang Mường Lát trèo đèo lội suối. Tôi thấy bình thường, nhưng những người lính pháp không quen đi bộ, họ rên xiết: “Chúa ơi! Đây là địa ngục! địa ngục!”…

Chuyện trong giảng đường 

Sau hòa bình, do chiến đấu dũng cảm, lại có bằng tú tài, nên chiến sĩ Đỗ Ca Sơn được quân đội cử đi học tiếng Nga lớp đầu tiên của Việt Nam gồm 200 học viên do chuyên gia Liên Xô trực tiếp giảng dạy. Cũng nhờ từng học Pháp văn, nên ông học tiếng Nga không khó khăn như anh em chưa có ngoại ngữ. Học giỏi, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Khúc bi tráng của người chiến sĩ trong chiến hào Đồi A1, Điện Biên Phủ - 3

Cụ Đỗ Ca Sơn tặng sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” cho bạn đọc ngưỡng mộ cụ và các câu chuyện của cụ.

Ngôi trường của nền giáo dục kiểu mới 

“Đây là cái nôi của nền giáo dục kiểu mới, bộ môn tiếng Nga của tôi cũng rất mới, phải phấn đấu thành đơn vị điển hình tiên tiến. Tôi dạy giỏi được công nhận là nhà giáo ưu tú đợt đầu, làm việc tận tụy, viết cả giáo trình tiếng Nga cho học sinh phổ thông Việt Nam được Bộ Giáo dục Liên Xô ghi nhận, in tài trợ cho ta”. 

“Như vậy, quân đội đã tin tôi, cho tôi đi học. Nhà trường đã đào tạo tôi thành giáo viên giỏi. Chỉ có vướng chuyện thành phần, nhưng tôi và một số đồng nghiệp có hoàn cảnh như vậy đều vui vẻ chấp hành. Chúng tôi hiểu những năm ấy quan niệm giai cấp còn nặng nề, không thoáng như ngày nay. Lúc ấy tôi rất bình thản, không rối trí, không chán nản, hay bi quan. Ngược lại tôi rất tự tin, yêu nghề. Chúng tôi nghĩ, thành phần xuất thân chỉ là một phần cuộc sống thôi, còn niềm tin mới là cốt lõi. Tôi tin Quân đội, tôi tin Nhà trường, tôi đứng vững trên bục giảng mấy chục năm để dạy dỗ thế hệ trẻ, tôi lại có đồng nghiệp và sinh viên quý trọng động viên. Đến nay sinh viên của tôi ngoài 70, 80 tuổi vẫn đến thăm nom tôi. Tình đồng đội, tình thầy trò quý lắm. 

Giọng cụ trầm ấm: “Với tôi, những kỷ niệm sinh tử có ảnh hưởng sâu sắc lắm, không phải muốn quên là quên được đâu. Chỉ cần một lần đối mặt với tử thần là đã có suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời rồi. Đằng này mình cận kề cái chết hơn một trăm ngày đêm, riêng trên Đồi A1 là 38 ngày đêm, tự tay chôn hơn trăm đồng đội, làm sao có thể nao núng trước những éo le cuộc đời. Chính Điện Biên Phủ là lò lửa tôi luyện tinh thần thép cho tôi, đồng đội tôi, cả người sống lẫn người chết đã bồi đắp cho tôi tư tưởng nhân văn yêu nước. Tôi tự nhủ: Phải giữ tấm lòng yêu nước của mình thật trong sáng, không phụ công cha mẹ, không phụ công đất nước thân yêu của mình”.

Về hưu, cụ không dạy thêm Pháp văn hay Nga văn, mà thỉnh thoảng đi phiên dịch cho khách du lịch Pháp và bận bịu kể chuyện Điện Biên Phủ cho các nhà văn, các nhà báo, các học sinh trong nước và nước ngoài, đặc biệt với các bạn Pháp. Các phóng viên báo L'Humanité, Liberation, Le Figaro, và các đài Phát thanh Truyền hình Pháp hay đến hỏi chuyện. Có lần Trường Yersin, Hà Nội của Pháp mời cụ kể chuyện Điện Biên cho học sinh là con em người Pháp nghe. Các cháu muốn biết cách bố trí đồn bốt, súng ống, máy bay, xe tăng, tàu bò, của Pháp, cũng như tình trạng chiến đấu và cuộc sống gian khổ của bộ đội ta, mà đơn vị cụ là một ví dụ. Có cháu thắc mắc: So về vũ khí, thì quân đội Pháp mạnh hơn, tại sao Pháp lại thua trận? 

Cụ trả lời: “Vì Pháp xâm lược Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa. Còn chúng tôi yêu nước, không ngại hy sinh gian khổ, đào hầm, vây hãm quân Pháp, đánh vào sào huyệt, bắt sống tướng De Castries v.v…”.

Sau buổi nói chuyện ít ngày, có hai bà mẹ người Pháp đã tìm đến nhà cụ cảm ơn: “Cuộc nói chuyện của ông hôm trước đã khiến các con chúng tôi nhận ra rằng, ngày nay chúng được sung sướng vì có hòa bình…”. Kể đến đây, cụ hào hứng reo lên: “Trời ơi, tôi không ngờ người Pháp lại cảm nhận câu chuyện Điện Biên của mình như vậy. Tư duy người Pháp thật lạ và thú vị, Có lẽ Pháp là quốc gia duy nhất kỷ niệm chiến bại!”.

Cụ nhắc tới chuyện Tổng thống Pháp F.Mitterrand đã đến thăm Điện Biên Phủ.  Rồi năm nay Pháp cũng tham gia chương trình kỷ niệm Điện Biên Phủ với ta, và có nhiều đoàn du lịch Pháp, kể cả thầy trò mấy trường học Pháp cũng sang Việt Nam tham quan, dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên. Chúng ta có người nghĩ, họ là nước thua trận, họ không ngượng hay sao, lại đến Điện Biên làm gì? 

Cụ bảo: “Không, họ đến Điện Biên không phải nghe chuyện thắng thua nữa, mà để biết sự thật bi kịch lịch sử của hai  nước Pháp, Việt. Vượt qua cái bi kịch ấy là tình hữu nghị giữa hai dân tộc, là trao đổi văn hóa, hợp tác làm ăn cùng có lợi”.

Giờ đây, cụ Đỗ Ca Sơn sống trong một căn hộ 50m2  tại chung cư Time City, quận Hai Bà Trưng Hà Nội. Nhiều người bảo, đối với gia đình cụ, căn hộ ấy chật hẹp. Cụ xua tay: “Thế này là tốt lắm rồi!”.

“Mỗi lần thăm nghĩa trang Điện Biên Phủ, lòng tôi lại quặn đau, vì tôi biết ngày ấy xương thịt đồng đội tôi còn rải rác trên các mỏm đồi. Khi quy tập hài cốt về nghĩa trang, có người được ghi đúng tên, có người không tên. Thậm chí phải làm mộ giả với tên tuổi do đơn vị báo cáo. Người có hài cốt, nhưng không rõ tên tuổi, đơn vị, quê quán, được coi là chiến sĩ vô danh.  Nhìn mộ đồng đội xếp hàng dài tít tắp, tôi lại chạnh lòng xót xa, và biết ơn họ, vì họ hy sinh để mình sống.  Tôi có tuổi thọ cao, đủ ăn, đủ mặc, được học trò yêu quý, được đồng nghiệp nể trọng, được báo chí hỏi han, thế là đã có cuộc đời đẹp lắm rồi, cần gì hơn mà đòi hỏi?”.

Khúc bi tráng của người chiến sĩ trong chiến hào Đồi A1, Điện Biên Phủ - 4

Chiến sĩ Điện Biên, Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn

Trách nhiệm nằm ở người lớn

Chúng tôi xin cụ một câu hỏi thường lệ cuối các cuộc phỏng vấn: “Cụ có điều gì muốn nói với công tác giáo dục và học sinh, sinh viên hiện nay?”.

“Tôi nghỉ hưu đã lâu, đất nước phát triển nhanh lắm, và khác trước nhiều lắm, nên không dám comments (bình luận). Chỉ có vài cảm nghĩ trao đổi thôi.

Thế hệ trẻ ngày nay hơn thế hệ trước rất nhiều, họ hơn về khoa học tự nhiên, về kiến thức xã hội, về hiểu biết toàn cầu. Trước đây, khi tôi học hết Tú tài (lớp 12) đi bộ đội thì đã được coi là trí thức của Trung đoàn. Còn các cháu ngày nay có trình độ Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, so với chúng tôi vượt trội về học vấn nhiều lắm. Chỉ có điều muốn cho thế hệ trẻ có tư tưởng vững vàng để xây dựng và bảo vệ đất nước thì rất cần cho họ biết sâu sắc lịch sử dân tộc mình”.

Là nhà giáo, cụ rất phân vân về tình trạng học sinh không coi trọng môn Lịch sử, và thanh niên, nhiều người chỉ lo kiếm tiền, chỉ lo làm giàu, coi nhẹ trau dồi đạo đức. Lỗi này là do đâu? Cụ bảo:“Cũng tại vì người lớn, cũng tại vì cơ chế chưa hợp lý cả”.

“Không phải các bạn trẻ thờ ơ với quá khứ đâu, họ biết quá khứ họ sẽ tôn trọng tất cả những giá trị tinh thần của thế hệ cha ông để lại. Nếu họ biết truyền thống bất khuất của dân tộc, họ sẽ thấm được lòng yêu nước của cha ông. Tôi nghĩ họ không có lỗi, mà lỗi là do người lớn chưa biết cách giáo dục con em mình thôi.

Có bộ phận nhỏ giới trẻ sang nước ngoài được ưu đãi, sung sướng, mà khi về lại ngược ngạo, bất mãn. Học được cái gì về khoa học thì chưa biết, nhưng phản ứng tiêu cực là hỏng rồi. Đây không phải chuyện chính trị mà là chuyện tư tưởng, nhân cách. Thực ra một phần cũng tại cơ chế lương bổng chưa hợp lý. Cùng vị trí công việc như nhau, làm cho các công ty nước ngoài thì lương cao hơn nhiều lần lương trong biên chế nhà nước. Ai chịu mãi được? Nên nạn chất xám chảy ra các ông ty tư nhân và nước ngoài chưa khắc phục được!”. Tôi thấy Quốc hội đã có quyết định cải cách tiền lương rồi, chắc rằng khoảng cách tiền lương công, tư từng bước sẽ được rút ngắn lại.

Cách đây 10 năm (2014), Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành cuốn sách Người lính Điện Biên kể chuyện, đấy là chuyện thực do tôi kể, người viết do nhà văn trẻ Kiều Mai Sơn thuật lại. Tưởng sách bán khó, không ngờ chưa hết mùi mực thơm trên giấy, sách đã bán hết. 

 “Không chỉ có Điện Biên Phủ, mà còn có nhiều câu chuyện cụ thể, sinh động trong chiến tranh chống Mỹ, ví dụ về trận Núi Thành, về trận Khe Sanh trực tiếp giao chiến với quân Mỹ, về Thành cổ Quảng Trị, về đường Trường Sơn, về chiến dịch Hồ Chí Minh  lịch sử v.v… Đó là những trang sử vẻ vang của dân tộc, mà thế hệ chúng tôi, con em chúng tôi đã trải qua, và thế hệ các cháu cần học hỏi và noi gương. Cứ xem người Pháp vẫn thích tới Điện Biên Phủ, vẫn tìm hiểu về Điện Biên Phủ, người Mỹ rất thích thăm địa đạo Củ Chi, địa đạo Vĩnh Linh, để thấy rằng, lịch sử là bài học rất hữu ích cho nhân loại.

Thế hệ Điện Biên chúng tôi đã ra đi gần hết rồi, nhưng tôi biết trong trái tim các em, các cháu vẫn đang cháy bỏng ngọn lửa Điện Biên đấy. Nếu không có các thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống Điện Biên, làm sao  chúng ta có thể giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, làm sao nước ta hùng cường và vững vàng như ngày nay? Tôi thực sự vui mừng và tin tưởng vào tương lai nước mình”.

Phạm Chu Quang Vinh

Tin liên quan

Tin mới nhất