Ký ức xuân Tết ấy… (tản văn)

Lại một xuân mới lại về. Sương đầu ngõ bảng lảng, mặt trời chưa ló rạng khiến tâm trí ta ngẫm ngợi. Ký ức ngược về một thuở với bao nao nức, mong chờ: Xuân đang đến, Tết đang về...

Nhớ hồi học cấp II ở trường Vinh Bắc (nay là trường THCS Ninh Xá - Bắc Ninh), cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi có kết một nhóm bạn học thân thiết. Ấy là hai cô bạn gái, gọi là Th.(1) và Th.(2). Có phải tôi cũng là Th. nên gắn bó với nhau chăng? Tôi không biết nữa nhưng có điều nhóm chúng tôi hồn nhiên vô tư lắm.

Không khí ngày áp Tết năm ấy rộn rịp hẳn lên, vùng ngoại ô thị xã được mùa, nên mọi người đi mua sắm hơn hẳn những năm trước đó. Ngoài chợ Nhớn, các hàng bán lá dong xếp ngổn ngang lối đi. Hoa đào, hoa lay-ơn, hoa thược dược, hoa hải đường... giăng mắc khắp các nẻo đường. Tranh cuốn thư màu sắc lòe loẹt bày bán như chen cạnh với tranh làng Hồ từ phía Thuận Thành lên. Các quầy mậu dịch bán hàng Tết (theo tiêu chuẩn từng hộ gia đình) cũng được trang hoàng đẹp đẽ. Nhất là quầy thực phẩm cũng được chuẩn bị để mọi người lo Tết.

Ký ức xuân Tết ấy… (tản văn) - 1

Ảnh minh họa

Bài vở cô giáo giao về nhà làm trong dịp này (theo nhóm) cũng được “triển khai”. Cứ đều đặn, tôi hay sang nhà các bạn để ôn tập và làm bài vở, khi thì đến bạn Th.(1), lúc sang nhà bạn Th.(2).  Nhà Th.(1) trong dịp áp Tết này sản xuất nhang thắp. Những tấm mành tre rải đều các tăm nhang phơi cho đủ độ nắng ở phía sau nhà. Nhà Th.(2) tất bật sản xuất bánh mứt kẹo. Lúc rỗi rãi, tôi ngồi xem các bạn làm hàng Tết, trợ giúp gia đình… Không hiểu sao, cái mùi nhang quyến rũ và mùi thơm ngọt ngào bánh mứt kẹo với không khí kẻ vào người ra cứ theo tôi đến tận bây giờ khi nhớ về cái thuở xa xăm ấy.

Này nhé, nhìn tay Th.(1) trắng tròn, lăn lăn se từng chân nhang khiến tôi kinh ngạc về sự khéo tay ấy. Và nữa, trong Th.(2) ngồi quấy chảo đường sủi long bong, hơi ngọt thơm toả ra mịt mù, mồ hôi ướt đầu, trên má mà thấy lòng nao nao. Và chúng tôi cùng bàn, chuyến đi ngoại khoá về chùa Phật Tích, núi Lạn Kha huyện Tiên Du vào dịp ra Giêng do nhà trường tổ chức. Trẩy hội Lim cũng thành chương trình “nghị sự” với biết bao lời bàn rôm rả.

Cũng vào dịp áp Tết những năm học ấy, Th.(2) còn rủ tôi về thăm quê ở vùng Bưởi (Nghĩa Đô - Hà Nội), thăm gia đình ông chú. Lan man thế nào chúng tôi lại “trôi” vào chùa Trầm thâm u, tịch mịch mãi tận trong Hà Đông. Người nhà của Th.(2) mời tôi món bánh chưng ăn với cá chép kho riềng lót mật mía nữa - một món ăn Tết truyền thống của vùng quê này. Đúng là "miếng ngon nhớ lâu". Cũng trong chuyến đi, tôi quen T. em gái của Th.(2), con ông chú. Và tôi nảy sinh làm thơ như cất hộ nỗi lòng mình. Bài "Mùa hoa xoan" dài hơn trăm câu. "Ơi mùa xoan, hoa xoan - Trong lòng ta da diết". Cũng đầu mày, cuối mắt. Cũng nắm tay trong tay. Đây là tình yêu thuở học trò rồi cũng chẳng đi đến đâu, nhưng là tình cảm đầu đời nên để lại nét hằn trong tim, khó phai mờ.

Với ai, thì tôi không rõ lắm, chỉ biết rằng mỗi độ Tết đến Xuân về, lòng tôi lại nhớ cái thuở học trò khó quên ấy: Ký ức không có tuổi - Ký ức oà lưới vây - Có thể nào nguôi nhớ - Có thể nào tìm quên... Chẳng hiểu các bạn tôi giờ nơi đâu? Có được hạnh phúc gia đình không? Nhưng trước sau, các bạn cứ tin rằng Th. là tôi vẫn luôn nhớ về các bạn, như nhớ về một thuở trong trẻo và vô tư ấy. Hình ảnh các người bạn gái cứ in đậm trong tâm trí tôi như một phần ký ức riêng tư nhất. Và tôi thầm mong hạnh phúc luôn đồng hành cùng các bạn...

Nguyễn Thanh Kim

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi