Một ngày trên đất gà Đông Tảo

Một ngày cuối năm, nắng bỗng bừng lên sau những ngày rét đậm. Chúng tôi đến với Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên - quê hương của giống gà "tiến vua" nổi tiếng.

Xe chúng tôi bon nhanh trên con đường tỉnh lộ 199. Hai bên đường là những cánh đồng bạt ngàn cây trái. Bàn tay tài hoa của người nông dân quê tôi thật khéo léo và điêu luyện đã khiến cho những cây trái hồn nhiên cũng trở nên sống động có hồn... để rồi những ngày giáp Tết trên các nẻo đường quê, xe tải, xe bán tải rồi xe máy nườm nượp chở những cây cảnh tuyệt vời này tới mỗi gia đình để họ có hoa chơi Tết.

Loáng cái đã ra tới nơi.

- Đông Tảo là tên một xã, vậy tại sao giống gà cũng có tên như vậy? - Tôi băn khoăn hỏi anh bạn.

Anh giải thích:

- Đông Tảo là tên xã nhưng giống gà quý này, theo như các cụ truyền lại thì đã có ở đây từ lâu đời và người ta gọi nó là giống gà Đông Tảo. Nó như một thương hiệu khẳng định về nguồn gốc của giống gà quý, nói đến gà Đông Tảo là nói đến xã Đông Tảo và ngươc lại. Trải qua bao đời, với những thăng trầm của lịch sử đất nước, các giống gà địa phương, gà lai được phát triển nhân giống và nuôi tràn lan, nhưng giống gà Đông Tảo vẫn là một loại đặc biệt và quý hơn bất cứ giống gà nào, nó gắn liền với những câu chuyện từ thời vua chúa, triều đình ngày xưa...

Tiếp chúng tôi là một người đàn ông còn rất trẻ, có nét mặt đôn hậu, tươi vui. Vẻ đẹp cương nghị của anh có phảng phất nét phong trần, đôi mắt ngời sáng ánh lên sự tự tin. Anh là Lê Quang Thắng - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo kiêm chủ tịch hội chăn nuôi xã. Tháng 10 năm 2017 anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc đi dự đại hội, được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt và khen thưởng.

Một ngày trên đất gà Đông Tảo - 1

Gà đông tảo trong hợp tác xã

Anh kể về những ngày đầu bắt tay vào công việc, vợ chồng anh đã gặp phải không ít khó khăn. Bắt đầu từ 10 con gà giống... Sau nhiều lần thất bại phải bắt đầu lại từ con số không nhưng với niềm đam mê, anh đã nghiền ngẫm tìm hiểu và nghiên cứu về giống gà từ các đặc tính sinh học cho đến thời tiết, thời vụ, qui trình chăn nuôi. Anh học kinh nghiệm của các cụ trong thôn chưa đủ, anh còn tích cực đi tập huấn ở các lớp về kỹ thuật chăn nuôi gà Đông Tảo. Làm lại từ đầu, rút kinh nghiệm ba lần thất bại trước, lần này, anh hết sức thận trọng và nghiêm túc áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin đúng lịch trình... Anh vay ngân hàng mua gần 500 con gà giống về nuôi. Kết quả là gần một năm sau, đàn gà Đông Tảo của anh đã lên tới hàng nghìn con.

Vừa ngắm nhìn đàn gà, anh vừa nói với chúng tôi những điều anh tâm đắc nhất:

- Đông Tảo là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam mà không nơi nào trên thế giới có được. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân to và thô nhưng đẹp đến kỳ lạ! Dòng thuần chính tông có hai loại đó là dòng "chân vảy rồng" và "chân vảy thịt" rất giá trị, khi trưởng thành có thể nặng trung bình trên 4,5kg (gà trống) và trên 3,5 kg (gà mái)...

Anh bắt một chú gà có cặp chân sừng khủng nhất, cười vui đưa cho tôi:

- Không biết chị có bê nổi nó không nữa...

Quả thật ngoài sức tưởng tượng, khi đặt lên bàn cân, chú gà có chỉ số trọng lượng 6,8 kg. Tôi kinh ngạc ngắm nhìn đôi chân "khủng" với đường kính đo được 6,5 cm, so với cổ tay của tôi có phần nhỉnh hơn một chút...

Anh nói:

- Đây là dòng gà "chân vẩy rồng", các hàng vẩy như vẩy rồng được mọc tự nhiên theo hàng. Giống này được nuôi cổ truyền ở xã Đông Tảo từ rất lâu. Dòng này có ưu điểm là phàm ăn, phát triển nhanh, rất năng suất...

Tôi hỏi anh về cách chọn và giữ gìn giống thuần chủng ra sao, anh không ngần ngại chỉ cho tôi những kinh nghiệm và những sáng kiến quý báu mà anh và các cộng sự đã làm:

- Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quí hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cộng thêm đặc tính khó ấp, khó nuôi nên số lượng gà Đông Tảo thuần chủng càng ngày càng ít đi. Chính vì vậy, chúng tôi càng cần phải có trách nhiệm của người con quê hương là bảo tồn và phát triển giống thuần chủng bằng cách thường xuyên tổ chức các diễn đàn chuyên đề trong thôn, xã để ôn lại lịch sử truyền thống và sự ra đời và tập tính sinh trưởng và phát triển của giống gà quý. Trải qua thời gian dài, qua bao thế hệ, đến nay giống gà vẫn được bảo tồn và nó như một món quà cha ông để lại cho bao đời sau. Chúng tôi đã vận động, tập hợp các cụ cao niên trong xã có kinh nghiệm và bề dày chăn nuôi gà Đông Tảo để tham gia các buổi nói chuyện truyền thống, kết hợp bàn về phương pháp chăn nuôi nhưng cũng không quên nhắc lại những câu chuyện mang tính lịch sử mà mỗi khi nhắc đến là một niềm tự hào của mỗi người con quê hương. Đó là những câu chuyện về những chú gà được " tiến vua"... rồi cả những chú gà được Thái tử Nhật Bản sang ngắm và muốn mua với giá 70 triệu đồng một cặp. Và quan trọng hơn nữa là bảo tồn giống gen gà Đông Tảo trong địa phương trên tinh thần áp dụng các tiến bộ khoa học chăn nuôi, xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô khép kín, xây dựng quy trình chuẩn trong chăn nuôi. Hình thành mô hình thụ tinh nhân tạo nhất là qua chương trình "Bảo tồn quỹ gen vật nuôi". Từ đó gà thuần chủng đã nhân ra hàng chục nghìn con/năm, cung cấp cho một số địa phương ngoài tỉnh như Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lạng Sơn…

Một ngày trên đất gà Đông Tảo - 2

Anh Lê Quang Thắng bên chú gà Đông Tảo trong trang trại 

Vừa vuốt ve những chú gà, anh vừa nói với bác nhà văn đi cùng chúng tôi khi ông băn khoăn hỏi về tương lai của giống gà Đông Tảo:

- Gà Đông Tảo không chỉ được nuôi thành thương phẩm mà nó còn được nuôi như một con vật cảnh quý trong mỗi gia đình, nuôi làm quà biếu trong mỗi dịp lễ Tết và coi như thể hiện lòng thành kính, mang đến sự may mắn nhân dịp đầu năm. Những năm gần đây, khi trào lưu quà biếu, tặng bằng gà Đông Tảo nổi lên, người dân nhận thấy được hiệu quả kinh tế của giống gà này thì việc nuôi gà càng được chú ý và phát triển hơn. Với trào lưu đó, tôi đã cùng bà con nhân dân và các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm phát triển và bảo tồn giống. Mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo đã trở thành nguồn phát triển kinh tế chủ yếu của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đông Tảo. Tính đến nay, toàn xã có trên 2.000 hộ nuôi với khoảng trên 500.000 con cả gà giống lẫn gà thịt, mỗi năm cho thu hoạch từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/hộ/năm.

Anh vui sướng kể về hợp tác xã chăn nuôi gà do anh thành lập giờ hoạt động rất tốt, qui mô ngày càng được mở rộng, năng suất và giá trị thành phẩm ngày càng cao...

Tôi hỏi mơ ước của anh là gì? Anh nói không giấu nổi xúc động:

- Tình yêu đối với những chú gà này giống như tình yêu máu thịt! Thực sự mỗi người dân Đông Tảo quê tôi đều mong muốn bảo tồn được giống quý bằng cách xây dựng thương hiệu từ những gì ưu việt nhất của khoa học và những gì chân thật nhất của lương tâm người lao động đối với sản phẩm của mình.

Bác nhà văn hỏi:

 - Thịt gà Đông Tảo chính hiệu có gì đặc biệt so với những loại gà khác?

Anh nói:

- Khác với những loại gà người ta nuôi chạy theo lợi nhuận có thể cho ăn cám công nghiệp tăng trọng nhanh để rút ngắn thời gian xuất chuồng, ở đây, bắt đầu từ tháng thứ năm, chúng tôi cho gà ăn toàn bộ ngô hạt, thóc, cám mì và các loại rau xanh tự nhiên… và thả vườn cho chạy dông, đủ ánh nắng tạo vitamin D nên sức đề kháng tốt, thịt săn chắc, ngọt đậm đà và đủ độ béo… Da gà nếu nuôi đủ 1 năm trở lên khi ăn sẽ cảm thấy “giòn sần sật” và đặc biệt là đôi chân to và đẹp, rất nhiều thịt giòn và ngon có giá trị có khi bằng cả con gà…

 Nhìn những chú gà to lớn, khỏe mạnh đỏ au tràn đầy sức sống đang mổ những hạt lúa hạt ngô căng mọng một cách ngon lành, chúng tôi hiểu và tin những điều anh vưa nói bởi những việc anh đã làm là kết tinh từ những tình cảm tốt đẹp đối với gia đình, quê hương, đất nước.

Đáng yêu hơn cả là cậu con trai của anh học rất giỏi và tình nguyện thi vào trường đại học nông nghiệp 1 để sau này trở về là cánh tay đắc lực cho bố...

Tạm biệt anh, tạm biệt đất gà và những người dân Đông Tảo cần cù dễ mến, chúng tôi trở về trong một niềm vui khó tả... hình ảnh những con người lao động đầy nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống cứ lấp lánh rạo rực trong lòng tôi, truyền cho tôi những cảm hứng muốn viết một điều gì đó về họ, những người nông dân ưu tú luôn giàu nhiệt huyết và niềm tin yêu cuộc sống.

Nắng mùa đông đỏ rực náo nức những cánh đồng đang rạo rực chào xuân và lòng người dường như cũng đang tưng bừng mở hội.

Bút ký của Minh Tâm

Tin liên quan

Tin mới nhất