Một nguyên nhân kìm hãm chất lượng sáng tác văn nghệ hiện nay

Một số ý kiến cực đoan cho rằng, thông qua hệ thống tuyên giáo và các cơ quan quản lý xuất bản, Nhà nước đã hạn chế tự do sáng tác nhưng trên thực tế, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, tìm tòi sự mới mẻ miễn đem lại hiệu quả nghệ thuật, được công chúng chấp nhận, hưởng ứng. Đương nhiên, tự do nói ở đây – cũng như trong mọi lĩnh vực khác của cuộc sống – phải trong khuôn khổ của luật pháp và phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không thể phá vỡ.

Cụ thể là không được cố tình hay vô ý tuyên truyền chống phá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Là đi ngược lại nguyện vọng của dân tộc, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Là kích động bạo lực, kích động hận thù, chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc. Là kích thích bản năng thú tính của con người, tuyên truyền dâm ô, truỵ lạc... Tóm lại là không vi phạm mọi quy định của pháp luật.

Vấn đề như thế tưởng đã rõ. Nhưng một hiện trạng khá phổ biến là nhiều nhà xuất bản vì sự “an toàn” của mình mà luôn “sợ bóng, sợ vía” để yêu cầu tác giả đẽo gọt tác phẩm cho lành, hiền, để đôi khi mất đi những tình tiết, nội dung sắc sảo, hấp dẫn. Nhà văn trăn trở, lao tâm khổ tứ cả năm trời, thậm chí nhiều năm, có khi cả cuộc đời mới viết được tác phẩm. Vậy mà chỉ đọc trong một vài ngày, có khi lướt qua, người biên tập đã yêu cầu xử lý nhiều chỗ trong tác phẩm. Mà tác phẩm văn học, ngoài tư tưởng, vấn đề, thông điệp tác giả gửi đến người đọc còn có giá trị ở những tình tiết. Tác phẩm hay trông cậy ở việc có nhiều tình tiết hay. Có những tác phẩm không mấy đặc sắc về thủ pháp sáng tác, chưa phải là sâu sắc về tư tưởng, giá trị tổng thể bình thường nhưng có những chi tiết độc đáo, “đắt’ khiến người đọc thấy thú vị nên nhớ mãi. 

Tắt đèn của Ngô Tất Tố là tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là một bức tranh sinh động về cuộc sống cực khổ, bị bóc lột đến tận xương tuỷ của nông dân Việt Nam dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến. Người đọc không thể quên hai chi tiết hay. Một là tác giả để cho chị Dậu - nhân vật chính - là một phụ nữ lực điền có con mọn đã xô ngã tên cai lệ khi chúng ấn sổ đánh, bắt vợ chồng nhà chị. Chi tiết thứ hai là mụ Nghị Quế nói với người hầu trong nhà: “Tao đã đếm còn 14 miếng thịt đấy”.

Chí Phèo của Nam Cao cũng có hai chi tiết khiến ai đọc không thể quên. Một là Chí Phèo nổi máu điên, nốc rượu vào, về làng chửi cả làng Vũ Đại. Nhưng ai cũng nghĩ gã chừa mình ra, trong đó có cả tên địa chủ Bá Kiến. Chi tiết thứ hai là bát cháo hành Thị Nở nấu cho Chí Phèo ăn khi gã bị ốm.

Nhưng dẫu sao thì đó cũng là hai tác phẩm văn xuôi nổi tiếng ra đời trước Cách mạng. Lại có tác phẩm bình thường, không có sức sống lâu bền qua năm tháng nhưng có tình tiết vô cùng độc đáo, thú vị. Ví như tiểu thuyết Mở hầm của Nguyễn Dậu ra đời vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, viết về những người thợ mỏ ở Hồng Quảng (Quảng Ninh ngày nay). Hai vợ chồng nhân vật chính của tác phẩm đều là thợ mỏ, nhưng làm việc luôn lệch ca nhau. Vậy nên rất ít khi cùng nghỉ ở nhà, kể cả ban đêm vì họ đều phải làm ca 3. Điều này trở ngại đến sinh hoạt vợ chồng. Họ đều còn trẻ mà có khi cả tháng không thể diễn ra... Một lần, rất hiếm hoi, vào ban ngày, họ đều được nghỉ. Nhưng lại vào dịp nghỉ hè, đứa con không đến trường. Họ bèn nghĩ ra cách sai con đi mua nước mắm. Nhưng thay vì đem chai như mọi lần, hôm đó họ nói nó đem đĩa đi mua. Như vậy, để nước mắm khỏi sánh ra ngoài, bắt buộc đứa con phải đi rất chậm, rất lâu mới về đến nhà. Thế là ở nhà, bố mẹ nó có thừa thời gian để làm việc cần làm. Đó là một chi tiết cho đến hôm nay, sau phải đến hơn 60 năm, tôi vẫn còn nhớ tuy đã quên diễn biến nội dung cuốn tiểu thuyết. Có thể thấy nhiều chi tiết hay ở nhiều tác phẩm văn xuôi khác. Giả sử những chi tiết ấy bị lược bỏ, sẽ đáng tiếc biết bao.

Khi Nguyễn Dậu chưa qua đời, trong một lần tiếp xúc, tôi được ông kể rằng chi tiết trên bị nhà xuất bản yêu cầu bỏ. Nhưng ông đã kiên quyết đấu tranh để giữ. Ông nói với nhà xuất bản rằng sẵn sàng cầm bản thảo về nếu không được chấp thuận. Cuối cùng nhà xuất bản đã phải nhân nhượng mà để lại. Lý do người ta yêu cầu bỏ vì cho rằng chi tiết đó có phần tự nhiên chủ nghĩa. Rõ ràng nếu đọc tiểu thuyết này, ta thấy chi tiết đó không có gì là thô tục, cũng chẳng tệ hại gì, chỉ khiến người đọc thấy thú vị.

Gần đây, một tác giả than phiền với tôi là bị một nhà xuất bản (biên tập viên, sau đó cả Trưởng ban biên tập) yêu cầu cắt bỏ một chi tiết liên quan đến nhân vật Bí thư chi bộ kiêm Phó giám đốc cơ quan trong một cuốn tiểu thuyết. Tôi đề nghị tác giả cho xem chi tiết đó. Đây là một nhân vật bộc lộ tính cơ hội, hãnh tiến, luôn khoác lên mình cái vỏ tích cực, đang được cấp trên chú ý cơ cấu làm quản lý cao hơn trong tương lai gần tuy không có khả năng, trình độ gì. Nhưng quần chúng trong cơ quan thì thấy rõ bộ mặt thật của anh ta nên không ai ưa. Chẳng qua họ chỉ sợ bị trù úm. Nhân vật này luôn rao giảng về lý tưởng sống, về nhân cách, về ý thức tập thể v.v... Một lần, y đang dán mắt vào lỗ hổng cánh cửa nhà tắm nhìn trộm một cô gái đang tắm giữa giờ nghỉ buổi trưa thì bị người bảo vệ bắt quả tang. Y xấu hổ quá, bèn mặc cả thẳng là nếu lờ đi, coi như không nhìn thấy thì y sẽ để làm việc tiếp. Nếu nói ra thì y sẽ có cách làm cho mọi người hiểu là vì không được thoả mãn quyền lợi đòi tăng lương mà vu vạ, dựng chuyện để bêu xấu (Người bảo vệ từng đề nghị tăng thêm lương tuy chỉ là làm hợp đồng nhưng chưa được giải quyết). Và sẽ được xét tăng lương. Vì quyền lợi thiết thực mà người bảo vệ buộc phải ngậm miệng. Tác giả miêu tả sinh động, không có gì là “kích dục” qua chi tiết nhân vật nhìn trộm cô gái tắm. Trong nhiều cái xấu xa, tiêu cực, bịp bợm của nhân vật này, tôi cho rằng hành vi nhìn trộm đàn bà tắm thật đắt, đã nói lên hết sự hèn hạ, đốn mạt của y. 

Rõ là một sự ngại ngần vô lý.

Còn nhiều tác giả phàn nàn với tôi về tình trạng này mà tôi không thể kể hết. Và tôi cũng có dịp đọc kỹ những chỗ bị biên tập cắt bỏ ở nhiều tác phẩm thì thấy có những trường hợp rất đáng tiếc. Nếu để, dứt khoát tác phẩm sẽ hay hơn, sâu sắc hơn, thuyết phục người đọc hơn. Nhiều biên tập viên có suy nghĩ đơn giản: “An toàn nhất là cứ bỏ phăng đi cho yên tâm”. 

Một nguyên nhân kìm hãm chất lượng sáng tác văn nghệ hiện nay - 1

Ảnh minh họa

Nhớ lại năm 1991, tôi cho ra đời tiểu thuyết Dã tràng xe cát. Nội dung nói đến cuộc đấu đá, triệt thoái lẫn nhau của một số quan chức lãnh đạo tại một Bộ nọ trong bối cảnh hợp nhất mấy ngành làm một. Trong bối cảnh đó, những bộ mặt xấu xa cũng như những gương mặt đẹp nhất của nhiều tính cách có dịp được bộc lộ với những nét bản chất nhất. Nhân vật chính, trung tâm, xuyên suốt tác phẩm là một Bộ trưởng, uỷ viên Trung ương Đảng. Nhân vật này tập trung đủ mọi nét xấu xa, hạn chế của một Bộ trưởng thoái hoá, biến chất: dốt nát, tham lam, dâm đãng, mưu mô, thủ đoạn, xảo quyệt. Tiểu thuyết đi vòng vèo qua nhiều nhà xuất bản nhưng sau nhiều nấc đọc, đều bị từ chối mặc dù ai đọc cũng hứng thú.

Cuối cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn do nhà văn Nguyễn Kiên làm giám đốc (khi ấy), nhà văn Lê Minh Khuê biên tập đã chấp nhận mà gần như không sửa chữa gì. Thật may, một vị lãnh đạo cao cấp có trách nhiệm về Tuyên giáo của Đảng khi ấy lại khen cuốn tiểu thuyết. Ông còn cho rằng tôi viết như vậy là vẫn “nhát” và có ý khuyến khích nhà văn cần phát huy trách nhiệm hơn nữa trong việc vạch ra những hạn chế của xã hội chứ không nên chỉ tô hồng cho đẹp hơn. Bạn đọc có thể đọc cuốn sách Nguyễn Đình San – những nẻo vui buồn của Nguyễn Quang Hoà để biết rõ hơn về sự việc này.

Khi ấy nhà xuất bản nào cũng e ngại, nhưng Nguyễn Kiên - một nhà văn giàu bản lĩnh và nữ nhà văn Lê Minh Khuê là người đã tiên liệu được số phận tốt đẹp của tác phẩm. Đến hôm nay và mãi mãi, tôi vẫn còn rất biết ơn hai nhà văn nổi tiếng này. Không có họ, chắc chắn Dã tràng xe cát sẽ chỉ là tập bản thảo nằm chết dí trong ngăn tủ. Đến bây giờ, nhiều bạn đọc cao tuổi vẫn còn nhớ tiểu thuyết này, vẫn  muốn đọc lại. Và tôi đã đáp ứng họ đến mức sách đã sờn hết mép và chữ bị nhòe vì quá nhiều người sử dụng. Tôi đã nghĩ tới việc cho tái bản nhưng vì đang tập trung cho những công việc trước mắt mà chưa có thời gian thực hiện.

Kể chuyện trên để thấy, một cuốn tiểu thuyết phê phán một uỷ viên Trung ương Đảng như cuốn của tôi (ra đời năm 1991) và nhiều tác phẩm khác viết về tiêu cực, mặt trái của xã hội mà rốt cuộc vẫn được duyệt, vẫn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc thì một vài chi tiết, nhân vật phụ có điều dở này dở khác hoặc vài chi tiết mà người biên tập cho là “nhạy cảm” để từ chối hoặc yêu cầu tác giả phải cắt bỏ, sửa chữa là một điều thật đáng tiếc.

Thường thì Tổng biên tập ở nhiều Nhà xuất bản kiêm luôn Giám đốc là người ký duyệt sau cùng để cho tác phẩm ra đời, họ không thể có thời gian đọc hết nên chủ yếu là tin ở các cấp ở dưới (biên tập viên, Trưởng phòng, có nơi thêm Phó giám đốc). Không phải ở đâu, những vai trò này cũng là nhà văn, người cầm bút mà nhiều nơi là hoàn toàn ngoại đạo văn chương, thậm chí có trường hợp trình độ hạn chế nên không có khả năng thẩm định tác phẩm. Và chắc chắn là chưa ai biết rõ từng có nhiều tác phẩm giá trị đã không thể ra đời chỉ bởi cái sự “sợ bóng sợ vía” như đã nói của nhiều biên tập viên, nhiều Tổng biên tập các Nhà xuất bản. 

Một hiện tượng phổ biến nữa ở nhiều tờ báo là khi xử lý những bài mang tính chất lý luận, phê bình, các biên tập viên thường làm vấn đề đang sắc nhọn trở thành “cùn” bằng việc thay đổi từ ngữ, cho vấn đề nhẹ nhàng hơn. Ví dụ: yếu kém, không có nghề biên tập lại là trình độ chưa thật đặc biệt. Vậy là đã gọi chệch đi thay vì gọi chính xác vấn đề.

Ngoài tâm lý muốn an toàn, tránh tai nạn, nhiều tòa soạn, nhà xuất bản thậm chí còn sợ đăng bài viết, tác phẩm mà để nguyên ý của tác giả thì khi xuất bản sẽ bị phản ứng trái chiều gây phiền hà.

Đảng, các cấp quản lý văn hoá tư tưởng không e ngại, luôn khuyến khích mọi sáng tạo của văn nghệ sĩ nhưng có trường hợp nhà xuất bản vì yếu kém bản lĩnh và hạn chế về trình độ nên luôn e sợ những điều không đâu đã góp phần làm cho nền văn học nước nhà trở nên quá… lành hiền, xuôi chiều, vô thưởng vô phạt trong khi không thiếu những người sáng tác có tài năng. Cứ như vậy, làm sao có “đỉnh” văn chương mà nhiều người hằng mong muốn?

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Sống sót sau 8 ngày mắc kẹt giữa sông: Con người sống được bao lâu khi không ăn uống?

Sống sót sau 8 ngày mắc kẹt giữa sông: Con người sống được bao lâu khi không ăn uống?

Câu chuyện về anh Phan Minh Thắng, người được giải cứu sau 8 ngày mắc kẹt giữa nước lũ ở Gia Lai, đã khiến nhiều người ngỡ ngàng về khả năng sống sót thần kì của con người. Thế giới cũng có những trường hợp sống sót trong tình cảnh tương tự, thậm chí với thời gian lên đến 1-2 tháng. Từ các trường hợp đó, chuyên gia chỉ ra 2 yếu tố quan trọng giúp giành giật sự sống trong tình