Mỹ Sơn trước khi trở thành di sản văn hóa thế giới

Vào một ngày chủ nhật, mấy anh em hội viên tham dự trại viết Hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng thuê xe taxi rủ nhau đi thăm Thánh địa Mỹ Sơn. Từ trại viết cuối đại lộ Võ Chí Công tới Mỹ Sơn đường dài chừng bốn chục cây số. Con đường hai chiều mới mở, mỗi chiều ba làn xe, hai bên vỉa hè lát đá cây trồng thẳng tắp, nhà cửa đa phần mới xây, kiến trúc hiện đại mà duyên dáng, sân vườn hàng rào trắng lốp loang loáng lướt qua.

Chẳng phải đi vào trung tâm thành phố, mà chỉ cần nửa giờ lướt trên con đường vành đai mới mở này tôi đã liên tưởng tới cái danh hiệu Thành phố đáng sống nhất Việt Nam mà Đà Nẵng được cả nước tôn vinh. Trong cái cảm xúc nhẹ nhàng phơi phới về miền đất tươi đẹp đáng sống ấy, có một lúc tôi bỗng nhớ về một chuyến đi hơn hai chục năm trước, cũng từ Đà Nẵng vào Thánh địa Mỹ Sơn, và cũng có thể là trên đúng tuyến đường này. Ký ức về chuyến đi xa mờ ấy nay lại có dịp trở về trong tiềm thức của tôi…

Ngày ấy, do yêu cầu của công việc kinh doanh, chúng tôi phải vào làm việc với một số cơ sở dệt may ở khu vực miền Trung như Công ty dệt Hòa Thọ, Công ty dệt may Đà Nẵng, Hợp tác xã dệt Duy Trinh... Tôi cho đây là một dịp may mắn để kết hợp ghé thăm Mỹ Sơn. Thế là bên cạnh việc chuẩn bị những tình hình số liệu liên quan đến công tác thanh lý hợp đồng cũ, ký kết hợp đồng kinh doanh năm sau với từng cơ sở bạn hàng, tôi còn tranh thủ vào thư viện tìm đọc một số tài liệu viết về Mỹ Sơn. Đã từ lâu, tôi luôn coi việc tìm hiểu để biết kỹ hơn về một miền đất mình sắp tới, cái đó tự coi như là một cái thú của riêng mình. Huống chi lần này lại là chuẩn bị để đến với một vùng đất có sức hấp dẫn đến lạ kỳ này.

*

Những tài liệu khoa học đã xuất bản cho biết, Mỹ Sơn được phát hiện từ năm 1898 bởi một người Pháp có tên là M.C.Paris. Năm sau, hai nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu Viễn Đông Bắc Cổ, đã đến đây trực tiếp nghiên cứu những văn bia còn lưu lại gần như nguyên vẹn. Tiếp theo đấy là các nhà khảo cổ, kiến trúc sư đã tổ chức nhiều cuộc khai quật khoa học tại khu vực này.

Đến năm 1904, những tài liệu căn bản nhất để tìm hiểu về Mỹ Sơn như văn bia và kiến trúc đã được công bố. Từ đó Mỹ Sơn đã được giới khoa học thế giới biết tới, để rồi đã có nhiều công trình khoa học trên thế giới viết về Mỹ Sơn, về nền nghệ thuật Chăm Pa. Bụi thời gian đã được xóa đi từng phần trên tấm phù điêu vương quốc, và từ đây hình bóng về vương quốc Chăm Pa trong quá khứ cũng dần hiện ra rõ nét hơn trước tầm mắt nhân loại.

Vào cuối thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, do không chịu được sự cai trị tàn bạo của bọn quan lại Trung Hoa, nhân dân huyện Tượng Lâm đã nổi dậy giết huyện lệnh, giành lấy chủ quyền và thành lập quốc gia độc lập. Đất nước Chăm Pa ra đời như là một trong những quốc gia cổ đại, sớm nhất Đông Nam Á.

Khi kinh đô đầu tiên của vương quốc được xây dựng tại Trà Kiệu, cách Đà Nẵng ngày nay khoảng 40km về phía Tây Nam. Một thánh địa cũng được xây dựng để phục vụ cho vương quyền Chăm Pa, và Mỹ Sơn, một thung lũng hẹp, có núi và suối bao bọc xung quanh, cách Trà Kiệu khoảng 30km về phía tây nam, được chọn làm nơi xây dựng đền đài thờ cúng thần linh.

Mỹ Sơn trước khi trở thành di sản văn hóa thế giới - 1

Mỹ Sơn khi chưa được trùng tu.

Ngôi đền đầu tiên được xây dựng tại Mỹ Sơn làm bằng gỗ vào cuối thế kỷ thứ IV để thờ vị thần mang tên Sri-Bhadresvara - vị vua thần gốc rễ của vương quốc. Thần Bhadresvara thờ tại Mỹ Sơn biểu hiện dưới hình thức một bộ sinh thực khí (Linga), được chế tác bằng đá. Sau hơn hai thế kỷ tồn tại, ngôi đền gỗ bị thiêu trụi trong một trận hỏa tai. Đến đầu thế kỷ thứ VII, ngôi đền được dựng lại bằng những vật liệu bền vững hơn.

Trong những thế kỷ đầu của vương quốc, bộ tộc Dừa ở miền Bắc chiếm ưu thế trong vương triều Chăm Pa. Hầu hết các vị vua sau khi lên ngôi, để tỏ lòng sùng kính thần linh, tổ tiên, và cũng là đề cao uy quyền của mình, đều cho xây dựng tại Mỹ Sơn đền tháp mới, trùng tu lại đền đài đã bị thời gian hủy hoại hoặc chiến tranh tàn phá, đồng thời cũng cho dựng văn bia để ghi lại công đức và vương nghiệp của triều đại mình. Và thế là Mỹ Sơn dần được phát triển để trở thành một thánh địa, đã quy tụ phần lớn đền tháp, văn bia của những triều vua thuộc những dòng họ khác nhau của vương quốc Chăm Pa.

Từ khoảng giữa thế kỷ thứ VIII đến cuối thế kỷ thứ IX, bộ tộc Cau ở miền Nam vương quốc lại chiếm ưu thế, cũng vì thế mà kinh đô được dời vào miền đất ngày nay là tỉnh Phan Rang, thì thánh địa Pô Nagar (ở thành phố Nha Trang bây giờ) cũng được xây dựng. Tuy vậy, thánh địa Mỹ Sơn ở phía Bắc xa xôi vẫn được chăm nom nghiêm cẩn, nhiều đền tháp vẫn được tiếp tục xây dựng trong giai đoạn này.

Trong những thế kỷ tiếp theo, đất nước Chăm Pa có nhiều biến động to lớn. Kinh đô Chăm Pa lại một lần nữa dời ra vùng Quảng Nam bây giờ, để rồi đến cuối thế kỷ thứ XI, đầu thế kỷ XII lại phải dời về phía Nam và định đô tại thành Đồ Bàn (thuộc đất Bình Định ngày nay).

Chiến tranh và hòa bình xen kẽ nhau giữa những năm tháng và sự kiện to lớn của đất nước. Đặc biệt trong thời gian khoảng từ năm 1080 đến 1220, là thời kỳ khủng hoảng nhất của đất nước Chăm Pa. Khi thì nội chiến xảy ra, khi thì chiến tranh với vương quốc Khơ me hoặc với các vương quốc láng giềng khác. Trong những năm tháng hòa bình ngắn ngủi xen kẽ, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh và phục hồi sức mạnh đất nước, các vua chúa Chăm Pa không bao giờ sao nhãng việc tu bổ và xây cất mới đền tháp thờ phụng thần linh, do vậy thánh địa Mỹ Sơn cũng như thánh địa Pô Nagar luôn luôn giữ được vẻ huy hàng và tráng lệ.

Di chỉ tìm thấy trên các bia ký tại Mỹ Sơn cho biết Giaya Parames Vararman II là vị vua cuối cùng có bia dựng tại thánh địa Mỹ Sơn, và ngôi đền tháp muộn nhất ở đây cũng được xây dựng vào giai đoạn này (khoảng giữa thế kỷ XIII). Sau thời gian đó, Mỹ Sơn không được xây dựng thêm gì nữa. Cũng từ đây, đất nước Chăm Pa đi vào giai đoạn suy thoái. Thế kỷ thứ XV, kinh đô vương quốc lại một lần nữa phải dời về Phan Rang, đánh dấu những năm tháng suy tàn của vương quyền Chăm Pa. Và Mỹ Sơn, thánh địa ở miền Bắc xa xôi, có lẽ cũng vào thời điểm này đã dần bị lãng quên và trở nên điêu tàn.

Trong lịch sử phát triển gần 9 thế kỷ của mình, Mỹ Sơn thánh địa đã trở thành “nhân chứng” gắn với lịch sử ra đời, phát triển và suy vong của vương quốc Chăm Pa. Số phận của Mỹ Sơn luôn gắn liền với số phận của dân tộc và đất nước này trên từng bước thăng trầm lịch sử. Đền tháp và văn bia của hầu hết các triều đại vương quốc đều được xây dựng và lưu giữ tại đây. Những văn bia và đền tháp này là những cứ liệu vững vàng nhất, giúp người đời sau dựng lại lịch sử hào hùng và sinh động của một dân tộc dũng cảm và tài hoa, của một quốc gia hùng mạnh đã từng vang bóng một thời ở vùng trời Đông Nam Á.

Mỹ Sơn trước khi trở thành di sản văn hóa thế giới - 2

Các nhà văn đứng trước ngôi tháp cổ đã được trùng tu.

*

Ngày về thăm Mỹ Sơn, có thể ai đó trong chúng ta dễ mang trong lòng một tâm trạng hoài niệm sẵn có của một người trở về, thăm lại ngôi nhà xưa của một người ruột thịt đã đi xa.

Nhịp cầu tre lúc lỉu vắt ngang dòng suối đưa chúng tôi sang mảnh đất địa đầu khu thánh địa. Con đường mòn đất đỏ trườn theo các lớp đồi thoai thoải, khi lên cao, lúc xuống thấp đưa ta tiến sâu vào hoang vắng. Cuối cùng khi vượt qua một ngọn đồi cao phủ kín cây rừng hoang dại, thì những ngôi tháp đầu tiên bất ngờ hiện ra trước tầm mắt chúng tôi. Mỹ Sơn đây rồi! Những ngôi tháp cổ huyền bí đây rồi! Chỉ trong khoảnh khắc, những đền tháp mà hình ảnh cứ chập chờn như niềm thương cảm khôn nguôi, từng được khắc họa qua những vần thơ nức nở Điêu Tàn của thi sĩ tài danh họ Chế, đã hiện ra trong một quần thể rực rỡ mà trầm mặc, gần gũi mà xa xăm trong tầm nhìn chúng tôi.

Men theo con đường lát gạch cỏ mọc kín các mạch ghép, bước lên một bậc thềm dài, có lẽ là dấu tích còn lại của bức tường đổ, là chúng ta đã có thể đứng cạnh các ngôi tháp. Có ai đó đã đưa tay sờ lên mặt tường ngôi tháp đầu tiên, như muốn nhận được từ đấy mạch sống tự ngàn xưa truyền lại. Toàn thân tháp được xây ghép bằng những viên gạch trần vẫn đỏ tươi màu đất nung. Cây hoang dại rủ trùm kín các đỉnh tháp, rêu phong và cỏ dại lấp đầy phần sạt lở và các kẽ nứt. Dưới các vòm cuốn  cửa giả bên hông tháp, các pho tượng thần tạc bằng sa khoáng vẫn đứng uy nghiêm, chắp tay cầu nguyện.

Giữa một khu vực đã được thu dọn phong quang, các ngôi đền tháp hoặc to, hoặc nhỏ, hoặc còn khá nguyên vẹn, hoặc sạt lở từng góc, hoặc chỉ còn trơ nền cũ, thì tất cả đều nằm ngay ngắn giữa những con đường lát gạch dọc ngang vuông như bàn cờ. Nhìn cảnh tượng này ta chợt nhận ra, cả ngàn năm trôi qua kể từ khi ngôi đền đầu tiên được dựng lên cho tới lúc ngôi tháp cuối cùng được xây cất, thế hệ tiếp nối thế hệ, nhưng những ý tưởng quy hoạch tổng thể khu thánh địa vẫn hoàn toàn nhất quán. Một vài văn bia bằng đá khắc chữ Phạn đã mờ dấu tháng năm, được dựng ngay ngắn trước từng ngôi tháp. Từng đống cột đá của các ngôi tháp đổ được xếp lại bên các lối đi.

Ở phía Tây khu đất, trong một khoảng trống chỉ còn trơ lại các nền tháp cũ, có một ngôi tháp đã đổ hoàn toàn, chỉ còn bốn bức tường lửng bao quanh, ta còn nhìn thấy ở giữa lòng tháp, một bộ linga bằng đá được đặt ngay ngắn trên bệ thờ. Người giới thiệu cho biết, đây là bộ linga thờ vua - thần cổ vào loại nhất được tìm thấy ở vùng Đông Nam Á. Tại chính nơi đây, trong những ngày lễ hội thời trung cổ, các vua chúa Chăm Pa đã dùng nước thánh chứa trong một bể đá đặt tại ngôi tháp gần đó, để làm lễ thánh tẩy và cầu nguyện trước Linga. Chiếc bể đá đó hiện nay vẫn còn nguyên vẹn trong ngôi tháp bên cạnh.

Theo sự hướng dẫn của một nhân viên khu bảo tồn, chúng tôi leo lên ngọn đồi cao khu tháp H. Từ đây có thể nhìn thấy được toàn cảnh khu thánh địa. Trong phút giây trầm lặng, giữa cảnh hoang tàn đổ nát bị rừng núi bao quanh, lòng tôi bỗng nhiên chùng xuống, như thể cảm nhận được sự lắng hồn cả ngàn năm lịch sử của đất nước Chăm Pa trong vùng thung lũng cô tịch này... “Các thế lớn trong thiên hạ, hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp”. Câu nói đó, các hiền triết Đông Tây nhắc đến không chỉ một lần. Dẫu vẫn biết là quy luật của muôn đời, mà sao ta vẫn cảm thấy sự phũ phàng, nghiệt ngã của lịch sử và thời gian!

Thời gian và binh lửa đã xóa đi khỏi mặt đất này biết bao di tích vật thể, của bao nền văn hóa rực rỡ nhân loại. May mắn thay, lịch sử đã trao cho dân tộc Việt Nam ta được gìn giữ một trong những di sản vô giá như thế của loài người, khi nó chưa kịp trở thành cát bụi và biến mất vào hư vô, di sản đó chính là thánh địa Mỹ Sơn, mà theo đánh giá của nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học có uy tín trên thế giới thì, Mỹ Sơn được xếp hạng ngang hàng với những di tích nổi tiếng hàng đầu thế giới như Ăng ko (Campuchia), Pang (Myanmar), Bôrô Buđua (Indonesia)...

Người hướng dẫn tham quan là một anh thanh niên khoảng chừng ba mươi tuổi, gầy guộc, có khuôn mặt khắc khổ và làn da đen sạm. Anh cho biết, ở khu bảo tồn này chưa có hướng dẫn viên du lịch, các anh phục vụ đây đều là nhân viên bảo vệ, khi có khách tham quan cần hướng dẫn giới thiệu thì các anh kiêm làm. Tôi hỏi nếu là khách nước ngoài thì sao, các anh hướng dẫn cách nào? Anh Năm, tên người thanh niên cho biết, phần lớn họ đến đây để quay phim, chụp hình và có lẽ đều hiểu biết kỹ về Mỹ Sơn rồi.

Nhân viên ở đây không ai nói được tiếng Anh, nhưng khi cần thì đưa cho khách tờ gấp in sẵn, hoặc bán sách về Mỹ Sơn, thế là ổn! Rồi Năm cho biết thêm, du lịch Mỹ Sơn chưa phát triển vì đường sá đi lại còn khó khăn, đền tháp còn đổ nát, rừng cây còn xen kẽ dày đặc, thương nghiệp dịch vụ chưa có gì... rằng Nhà nước mình còn khó khăn, cũng mới chỉ làm được đôi chút cho Mỹ Sơn. Tôi hỏi về những điều “đôi chút” đó thì anh kể:

Sau khi thống nhất đất nước, khoảng năm 1978, Nhà nước đã có một chương trình khảo sát, điều tra về Mỹ Sơn, và công việc đầu tiên được tiến hành là phát quang, tháo gỡ mìn. Có 6 đồng chí bộ đội địa phương bị hy sinh và 11 người khác bị thương vì công việc này. Năm xúc động cho tôi biết trong số 6 người hy sinh có 1 người anh ruột của Năm, cho nên sau này khi Khu Bảo tồn Mỹ Sơn được thành lập, Năm được vinh dự chọn vào đội bảo vệ ở đây.

Tới năm 1980, một đoàn chuyên gia Ba Lan do kiến trúc sư Kazimiê làm trưởng đoàn đã cùng với các kiến trúc sư và cán bộ khoa học Việt Nam, tiến hành khảo sát, đo đạc, chụp ảnh các tháp quan trọng còn đứng vững. Tiếp đó, việc gia cố và bảo quản các ngôi đền tháp cũng đã được thực hiện. Nhiều bức phù điêu cổ đổ vỡ được phục chế. Nhiều vật trang trí kiến trúc được ghép lại, bảo quản cẩn thận trong các lòng tháp. Cột đá được phân loại và xếp gọn theo từng nhóm. Văn bia, tượng thờ gãy vỡ cũng được phục chế dần...

Tuy rằng quang cảnh chung khu bảo tồn lúc này vẫn còn hoang tàn đổ nát, nhưng Mỹ Sơn đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan trong nước và ngoài nước. Khu thánh địa đã đón tiếp nhiều đoàn khách đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều đoàn của UNESCO.

Khi tôi hỏi Năm rằng anh có biết là Nhà nước đang đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho Mỹ Sơn không, thì anh trở nên nhanh nhẹn và hào hứng hẳn. Anh cho biết, nhân kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện ra Mỹ Sơn (1898 - 1998), chính phủ đã đệ trình lên UNESCO hồ sơ đề nghị công nhận 6 di sản văn hóa và thiên nhiên ở Việt Nam, trong đó đầu bảng là Mỹ Sơn, rồi Hội An, rồi Phong Nha, rồi Chùa Hương, rồi bãi đá cổ Sa Pa, rồi hồ Ba Bể.

Trong 6 di tích đó, anh khẳng định “Mỹ Sơn của chúng tôi” - nguyên văn cách anh nói, chắc chắn sẽ ăn đứt các nơi kia. Vì sao thế, tôi hỏi. Anh trả lời không cần suy nghĩ, vì rằng kiến trúc Mỹ Sơn là vô cùng độc đáo, các viên gạch xây tháp kết dính vào nhau không cần vôi vữa mà ngàn năm nay vẫn hoàn toàn chắc chắn, nhiều nhà khoa học thế giới và trong nước tìm hiểu xem là chất keo gì thì vẫn chưa tìm ra. Thứ hai là vì Mỹ Sơn thánh địa là của nước Chăm Pa, nước đó đã không còn từ dăm trăm năm nay rồi, mà cái gì đã mất, cái gì của người đã khuất làm ra đều trở thành quý cả. Còn hòn đất, mất hòn vàng, mà chú!

Không hiểu rồi đây Hội đồng di sản UNESCO sẽ chấm điểm di sản thế giới theo những tiêu chí nào? Tôi tin rằng sẽ phải có những cơ sở khoa học và nghệ thuật chặt chẽ lắm, chứ không phải chỉ đơn giản như anh bạn Năm ở Mỹ Sơn khẳng định. Nhưng riêng tôi, tôi lại thầm ủng hộ điều mong ước của Năm, và giá như được quyền bỏ phiếu, tôi cũng bỏ phiếu số 1 cho Mỹ Sơn.

Thế rồi bỗng dưng có một cảm xúc vô cớ khó tả chợt đến với tôi, nếu sang năm, sang năm nữa, khi Mỹ Sơn được đeo biển di sản văn hóa thế giới, tiền sẽ từ nhiều nguồn được đầu tư cho khu bảo tồn. Biết đâu khi có tiền, trong một phút ngẫu hứng, người ta lại nghĩ ra cách làm sống lại các tháp cổ bằng bê tông cốt thép, đắp nghê đắp phượng, ốp tường bằng đá xẻ, gạch men, trang trí bằng đèn điện nhấp nháy và tô xanh tô đỏ. Rồi cầu bê tông qua suối, đường nhựa hai làn xe vào tới tận chân tháp, rồi bãi đỗ xe, nhà hàng, khách sạn, quầy bán hàng lưu niệm...

Sẽ lại xuất hiện các tay anh chị bảo kê nơi ăn chốn ở, những thầy cúng thầy tướng la liệt đợi khách bên đường. Khách tham quan du lịch, khách hành hương sẽ nối đuôi nhau nườm nượp đến với Mỹ Sơn. Khói hương sẽ bốn mùa nghi ngút. Tiếng khấn vái cầu may, cầu tài, cầu lộc, cầu duyên... sẽ rì rầm át tiếng suối reo. Sẽ đông lắm, và cũng sẽ vui lắm. Viễn cảnh đó, có thể trở thành hiện thực lắm chứ. Chùa Hương, đền Bà Chúa Kho, đền Gióng... chẳng phải đã là những cảnh nhãn tiền đấy thôi.

Mong sao trong tiến trình mở cửa, chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta vẫn mở rộng cửa để hòa nhập với thế giới, kinh tế vẫn phát triển, mà vẫn giữ được những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, mang bản sắc dân tộc và giá trị lịch sử nguyên khai của nó. Và với Mỹ Sơn như tôi đã biết, tôi thầm mong ước nơi đây, mãi mãi vẫn giữ được cái không gian trầm mặc khói sương thánh địa, mà sông núi ngàn năm đọng lại như trầm tích, chỉ có một lần cho mảnh đất thiêng chốn này.

*

Khoảng chừng một năm sau chuyến tôi thăm Mỹ Sơn lần ấy, vào giữa năm 1999 Mỹ Sơn đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Quỹ trùng tu Mỹ Sơn được hình thành từ các nguồn tài trợ của UNESCO, của nhiều quốc gia như Ba Lan, Đức, Ý, Nhật… của các nhà hảo tâm trong nước và từ nguồn ngân sách quốc gia. Việt Nam đã mời những kiến trúc sư có kinh nghiệm trên thế giới tham gia thiết kế và chỉ đạo thi công việc phục dựng lại Thánh địa Mỹ Sơn. Dự án tiến hành cẩn trọng tỉ mỉ qua nhiều đợt và kéo dài hàng chục năm liền. Tháng 3 năm 2005 tỉnh Quảng Nam đã tổ chức khánh thành đợt I gồm Nhà bảo tàng Mỹ Sơn rộng 5400 m2 và khoảng hơn 30 ngôi đền tháp.

Hôm tôi trở lại Mỹ Sơn cùng đoàn nhà văn Việt Nam, phải mất mấy tiếng đồng hồ để thăm từng ngôi tháp, mọi người ra sức quay phim, chụp ảnh, ghi chép và không ngớt lời trầm trồ thán phục về quy mô toàn cảnh cũng như những nét tinh tế tài hoa còn lưu lại trong từng ngôi tháp cổ. May mắn thay, cái ảo giác ái ngại ngày nào về cảnh Mỹ Sơn bị phục dựng, tân trang theo lối tân cổ giao duyên, đông tây y kết hợp đã không xảy ra!

Trước mắt chúng tôi đã hiển hiện một khu di sản kiến trúc mang tầm vóc thế giới, và xung quanh là nườm nượp từng đoàn khách tham quan đủ sắc tộc Âu Á Mỹ Úc Phi… Cùng đi trong nhóm chúng tôi có nhà văn Đỗ Phú, anh vốn là một kiến trúc sư cao cấp ở Viện Thiết kế Bộ Xây dựng, yêu văn chương, dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho văn chương, trước cảnh huy hoàng tráng lệ của khu thánh địa có lúc anh cũng phải thốt lên: Đây mới là một kỳ quan kiến trúc cổ đại được phục chế đẹp nhất ở Việt Nam mà tôi từng thấy!

Nguyễn Đắc Như

Từ lũy tre xanh
Từ lũy tre xanh

Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, ngôi chùa cổ kính, cánh cò bay lả, tiếng sáo diều vi vu trong gió - những hình ảnh...

Tin liên quan

Tin mới nhất