Từ lũy tre xanh

Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, ngôi chùa cổ kính, cánh cò bay lả, tiếng sáo diều vi vu trong gió - những hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền, thì những lũy tre xanh ngắt từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm đối với người dân đất Việt. Tre hiến dâng bóng mát cho đời và sẵn sàng hy sinh tất cả. Từ măng tre ngọt bùi đến bẹ tre làm nón, từ thân tre cành lá đến gốc tre đều góp phần tô điểm cuộc sống. Nhưng có lẽ trên hết là hạnh phẩm, khí chất và cốt cách của tre đã đi sâu vào tâm hồn người Việt, khiến nó trở thành một biểu tượng cao đẹp về sức sống và phẩm cách của con người Việt Nam.

...Tre không tàn vì có vạn thân măng

Mơn mởn lên xanh trọn niềm chung thủy...

(Thu Bồn)

Tre trong sử Việt

Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà: “ …Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc…”. Không phải ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng từ thời đại Hùng Vương. Hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược hùng mạnh.

Mặt khác, hình tượng của cậu bé Thánh Gióng vươn vai hóa thân thành người khổng lồ rất có thể liên quan đến khả năng sinh trưởng rất nhanh của cây tre, bởi theo các nhà thực vật học, thì cây tre trong điều kiện lý tưởng, có thể cao thêm từ 15-20cm mỗi ngày.

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các lũy tre xanh đã trở thành “pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai, đồng hoá. Tre thật sự trở thành chiến luỹ và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến vĩ đại, hào hùng. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, những ngọn tầm vông góp phần rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín…”.

Theo đó, từ sau chuyện Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân thời Hùng Vương dựng nước, ta có thể tìm thấy đâu đó dấu vết cây tre liên quan đến các sự kiện quan trọng trong hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc:

Từ thời Bà Triệu (226), ở quận Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay) đã có một loại tre tên là đàm trúc, lá to mà thưa, lóng dài (giống như cây Luồng nổi tiếng ngày nay). Đàm trúc non được người xưa đập ra, ngâm nước, lấy sợi dệt vải gọi là vải trúc sơ. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, nơi Bà Triệu khởi binh chống là nhà Ngô, nay vẫn còn lưu truyền bài đồng dao: Này có này cấu/ Này đấu này thung/ lưng sáo cánh ná/ này là này lao/ nghe cồng bà rao/ nghe lệnh ông gióng/nghe voi rông rống/ chong chóng chạy về. Theo sử liệu, lưng sáo cánh ná chính là các loại cung, nỏ gậy gộc bằng tre.

Thời Nguyên Mông xâm lược nước ta, tại làng Phù Ửng (nay tỉnh Hải Hưng) có chàng trai nghèo Phạm Ngũ Lão văn võ toàn tài lại giỏi nghề đan tre và có chí lớn. Để được gặp Trần Hưng Đạo và được trọng dụng trong việc chống ngoại xâm, ông đã ngồi chẻ tre đan sọt để chặn đường khi đức Thánh Trần đi qua, đến nổi bị lính đâm chảy máu chân vẫn không dời. Nhờ vậy ông được trọng dụng và trở thành tướng tài nhiều lần đánh tan đội quân xâm lược của Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng ở Chi Lăng, Vạn Kiếp. 

Còn nhớ năm 1328, vua Trần Anh Tông sai Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Trung Hoa mừng Vũ Tông lên ngôi vua nhà Nguyên. Quan nhà Nguyên mời ông vào phủ, trong phủ có treo bức họa con chim sẻ đậu trên cành trúc, trông như cảnh thật bên ngoài. Ông liền lấy tay, bắt lấy chim. Các quan trong triều cười rộ lên, biết ông nhầm rồi, đó là bức họa thôi. Mạc Đỉnh Chi vội lấy bức họa xé đi và nói: “Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tiểu nhân đậu trên đầu quân tử, theo triết lý phương Đông là không phải đạo”. Các quan đều khâm phục ông có tái đối đáp rất hay, rất chuẩn không chỗ nào chê được.

Lại nhớ, trong suốt 10 năm dấy binh khởi nghĩa chống quân nhà Minh xâm lược nước ta, cây tre không chỉ góp phần làm vũ khí làm chông, đan thuyền cho cuộc chiến đấu lâu dài, mà những mụt măng ở núi rừng Thanh Hóa cũng trở thành nguồn thực phẩm quan trọng trong những lúc thiếu lương thực. Cây tre theo sát cuộc kháng chiến của Bình Định Vương Lê Lợi và còn để lại dấu tích trong Bình Ngô Đại Cáo: “...Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà lân trúc chẻ tro bay...”

Thời nhà Nguyễn việc xác định công điền công thổ, để cho những người không có ruộng cày nộp tô cho làng xã, ở Nam Bộ, trong các loại đất thổ có xác định đất dành để trồng tre và được gọi là Thanh trúc phổ.

Có thể thấy, tre đã giúp dân tộc Việt hàng bao lần chống giặc ngoại xâm, từ trận thủy chiến Bạch Đằng Giang oai hùng trong lịch sử của dân tộc, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (938), giành lại chủ quyền của đất nước, cuộc tiến quân vũ bão ra Bắc của Nguyễn Huệ, quân lính thay nhau hai người cáng một người bằng tre năm 1789 đánh tan quân Thanh, đến cuộc khởi nghĩa ở Ba Đình (1886 - 1887) với “một dây ná, một cây chông”, “tầm vông vạt nhọn” đã chống lại cuộc tấn công của quân Pháp.

Cây tre Việt Nam tạo nên “pháo đài xanh” và “vũ khí xanh”, tạo thành “rừng bẫy, núi chông” bao vây, ngăn chặn quân Mỹ xâm lược và giành chiến thắng trong cuộc “chiến tranh nhân dân”. Thế mới rõ, thật không sao kể hết các chiến tích của cây tre tạo ra hàng triệu triệu cây chông, cộc, mũi tên các loại - một loại vũ khí đặc biệt đã làm cho quân thù khiếp sợ từ nhiều thế hệ trước đây.

Sự lý của tre là thế ấy

Ngắm bụi tre già cằn cỗi, trơ gan cùng tuế nguyệt, sừng sững đứng giữa trời mây, chứng kiến bao cuộc thăng trầm của non nước, nhưng lá vẫn xanh láng mắt mà lòng không vướng bận. Dường như, với tre không chùn bước, tiến mãi không lùi, dẫu gặp phải sỏi đá, dẫu phải gặp lúc đạn mưa bơm, như biểu lộ tính cách của dân tộc Việt, một dân tộc có tiết tháo, phẩm hạnh và kiêu hùng, ngoan cường nhưng hiếu hòa, độ lượng.

Tre tượng trưng cho người trượng phu, quân tử, có chí khí kiên cường bất khuất, biết tùy thời tùy thế, sống với hoàn cảnh nào cũng được, khắp vạn nẻo đường đất nước đâu đâu cũng có bóng tre. Thân hình gày guộc nhưng thẳng tính cao vút, bất khuất, vươn lên bầu trời cao. Dáng tre tuy có vẻ khẳng khiu nhưng thân tre luôn mọc thẳng. Không chỉ có thế, từng cành nhỏ bé với những chiếc lá xanh mỏng manh đã cùng thân tre chống chọi với mọi thời tiết khắc nghiệt nhất. Tre có thể vượt qua tất cả để rồi tiếp tục kiên cường sống với ý chí và lòng kiên nhẫn như con người Việt Nam.

Lại nữa, tre không chiếm giữ một vị thế cố định của nhân sinh, gió lay tre phất, gió lặng tre ngừng. Tre không e thẹn với đêm thu mưa đổ, không rên rỉ với nắng chiều oi, không rộn ràng với ánh xuân chói rạng và cũng chẳng tê tái với đỗ quyên gọi bạn giữa sương đông canh vắng. Tre nhập thế, mà thế nào có biết sự ngộ nhập của tre.

Từ lũy tre xanh - 1

Ảnh minh họa 

Trong lúc đất nước chống xâm lăng, tre sẵn sàng đưa mũi nhọn để giữ nước cứu dân, tre đã có thân cao mà không ham cao, nên nghiêng đầu xuống thấp. Tre đã có rễ ăn sâu vào đất thắp, mà không chán thấp, nên cứ tiếp tục cho măng. Dù người đời bảo tre là loài hoang dại, tre vẫn khe khẽ gập đầu, dù người đời gọi tre là quân tử, tre cũng hé mắt mà nhìn. Với tre ta không có sự hối hả bâng khuâng gì cả. Tính cách vô tư không tùy thuộc của tre cho thấy tre có một sự hoàn toàn biệt vị.

Trong khi cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng cho tính cộng đồng làng xã, thì lũy tre là biểu tượng của tính tự trị. Lũy tre như là một thành lũy kiên cố, đốt khó cháy, chặt khó đứt, trèo khó qua. Tre xanh bốn mùa, suốt thời gian mà vờn với gió, mà đùa với trăng. Mặc cho cái nắng quai, nắng quắc, nứt đất khô người, mặc cho cái mưa lũ tơi bời gió bão rít từng hồi quằn ngang quằn dọc, cây tre vươn lên thi gan cùng trời đất. Dù gầy guộc nhưng tre vẫn biết sống chung, biết kết nên lũy nên thành. Sự đoàn kết đó không sức mạnh nào tàn phá nổi.

Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hoá Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẻ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng: “Rễ sinh không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”.

Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước. Tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp Việt Nam.

Từ lũy tre xanh bên mặt nước ao làng, phóng tầm mắt nhìn vào thời đại với những công trình đô thị ngày càng cao ngất ngưỡng, đầy năng động của nhịp sống công nghệ, khiến ta chợt nhận ra rằng nhiều lũy tre làng đã và đang bị đào tận gốc để thay bằng những hàng rào bê tông cốt thép, nhiều làng quê đã mất hẳn hình ảnh của những bụi tre, lũy tre quằn mình trên những ngõ đường, vọng lên từ đó tiếng kẽo kẹt mỗi buổi trưa hè hoặc soi bóng thanh bình trên những dòng sông thơ mộng, khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng, luyến tiếc!

Phương An

Rừng Trường Sa
Rừng Trường Sa

Buổi đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn, mải tiếp xúc trò chuyện với anh em lính đảo, tranh thủ ghi chép lấy tư liệu...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm mùa hè miền Bắc thường có sự kết hợp giữa món mặn, rau xanh, bát canh thanh mát và hoa quả theo mùa. Cà pháo muối, dưa chua, các món nộm,... giúp giải ngán, kích thích vị giác cũng rất được ưa chuộng.