Rừng Trường Sa

Buổi đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn, mải tiếp xúc trò chuyện với anh em lính đảo, tranh thủ ghi chép lấy tư liệu nên tôi chẳng mấy chú ý đến quang cảnh xung quanh. Đến chiều trời nắng gắt, mồ hôi thấm mệt mới chợt có nhu cầu được nghỉ ngơi đôi chút. Ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc bàng vuông, tôi dang rộng hai tay tựa đầu trên thành ghế để được khoan khoái thả tầm nhìn vào khoảng xa xanh trên đầu. Nắng chiếu qua tán lá dày đặc hóa thành những đốm sáng nhảy nhót như đang trải hoa lên người và lên cả nền đất mát lạnh. Trong cái cảm giác thư thái ngập tràn tôi chợt buột miệng tự hỏi, không biết vườn cây này có tự khi nào mà xanh tốt đến thế?  

Vị đại tá hải quân đi cùng đoàn ngồi ghế bên không trả lời vào câu hỏi mà lại kể rằng, ông là người có mặt từ những ngày đầu giải phóng đảo tháng Tư 1975. Quần đảo Trường Sa khi ấy có thể nói chỉ là những hoang mạc - hoang mạc đá, hoang mạc cát, và hoang mạc… nước.

Đảo đá ngầm thì chẳng nói làm gì vì mỗi khi thủy triều dâng cao nhiều đảo bị ngập trắng, một số mỏm nhô lên mặt biển chỉ rộng bằng vài gian nhà, lính giữ đảo phải đóng cọc mắc võng mà ngủ. Ngay đến các đảo nổi như Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh… cũng chỉ một màu xám bụi cây hoang dại và muống biển loang lổ phủ trên nền cát trắng.

Đảo Trường Sa Lớn mà nay đã trở thành thị trấn thủ phủ huyện đảo Trường Sa, khi đó cũng chỉ trơ trọi có 2 cây bàng vuông, một vài bụi cây hếp và mấy vạt muống biển, tất thảy đều không đủ sức làm dịu đi phần nào cái màu trắng nhức mắt của cát trắng san hô, của cả trắng trời trắng nước giữa đại dương hoang vắng ngút ngàn…

Ngày nay nếu có dịp ra thăm quần đảo Trường Sa, rất có thể bạn cũng như tôi sẽ chưa để ý đến ngay cái màu xanh rười rượi của những tán cây um tùm phủ kín nơi nơi. Với vẻ bề ngoài bình dị ấy, ta thấy nó cũng chẳng khác nào một vườn cây hay một vạt rừng mà ở quê nhà lúc nào cũng có thể bắt gặp. Nhưng nếu được nghe kể lại để hình dung về cảnh tượng hồng hoang nguyên thủy ngày đầu giải phóng, thì chắc hẳn những ngàn xanh tận nơi xa thẳm trùng khơi ấy sẽ gợi cho ta nhiều điều suy ngẫm.

Và nếu ta lại biết thêm rằng, ngày nay khi nói về mật độ thảm thực vật bậc cao sống trên quần đảo Trường Sa, thì những con số chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, đã có 117 loài thuộc 42 họ trong 3 ngành thực vật được các nhà khoa học xác định là đang sinh trưởng và phát triển, đã cho ta thấy cái tầm vóc của sự sống gan góc được bàn tay con người ươm trồng ở nơi chỉ có cát, đá và nước mặn này. Thực tế đó đã khiến ta không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi, phải chăng đã có câu chuyện thần kỳ nào đó xảy ra ở nơi đây?   

Quả là đã có một câu chuyện như thế!

Rừng Trường Sa - 1

Vườn cây xanh tốt trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Nguyễn Đắc Như

…Vào những năm 80, 90 thế kỷ trước, tình hình an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa ngày càng trở nên phức tạp, đất nước phải tăng cường ngày một nhiều hơn các phương tiện chiến đấu và bộ đội ra giữ chốt trên các điểm đóng quân toàn quần đảo. Cũng do yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế biển đảo, ngày càng có nhiều cán bộ công nhân viên dân sự thuộc nhiều ngành kinh tế được điều chuyển ra làm việc trên các đảo gần xa.

Một đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn đời sống được đặt ra: Phải phủ xanh đảo trọc, cải tạo môi trường sống cho bộ đội và cán bộ nhân viên đèn biển, khí tượng thủy văn, dịch vụ nghề cá, ngư dân… Đòi hỏi từ thực tế đó được coi như nhiệm vụ sống còn, và nhiệm vụ này cần được tiến hành khẩn trương song song với nhiệm vụ phòng thủ chiến đấu giữ biển giữ đảo.

Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được giao nhiệm vụ thực hiện một đề tài khoa học nhằm khảo sát nghiên cứu trồng thử nghiệm một số cây thân gỗ cho bóng mát trên một số đảo, mà trước hết và chủ yếu là trên đảo Trường Sa Lớn.

Ngay từ những ngày đầu triển khai đề tài, nhóm cán bộ khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã hiểu rằng, thổ nhưỡng và khí hậu là hai yếu tố hợp thành, là điều kiện tiên quyết trước khi nghĩ đến chủng loại cây trồng. Nhưng ở đây, ở các đảo chìm đảo nổi giữa biển Trường sa này thì cả hai yếu tố hợp thành đó đều xung khắc, dị biệt nếu không muốn nói là đều chống lại lý thuyết về sự nảy sinh và tồn tại của sự sống thực vật.

Trong những ngày đầu tiên ấy, đi tới bất cứ nơi nào trên các đảo, dù đảo lớn hay đảo nhỏ, các chiến sĩ khoa học thực nghiệm của chúng ta đã không thể tìm ra nổi một vạt đất màu. Bao phủ lên tất cả chỉ có cát biển và cát san hô ngập mặn. Không nơi nào có nguồn nước ngọt ngoại trừ hai đảo có nguồn nước lợ là Trường Sa Lớn và Song Tử Tây. Tất cả nước sinh hoạt cho người, cho cây và cho vật nuôi đều trông chờ vào nước mưa và nguồn nước ngọt tiếp tế từ đất liền. Trong khi đó thời tiết toàn vùng quần đảo lại vô cùng khắc nghiệt, dông bão thất thường chợt đến chợt đi, mà nắng mưa lại hai mùa rõ rệt.

Trước một thực tế khốc liệt như thế, công việc đầu tiên của nhóm đề tài là song song với việc nghiên cứu cấu tạo và thành phần các lớp cát biển và cát san hô để bước đầu cải tạo bổ sung các chất phụ gia phù hợp, đồng thời nghiên cứu tuyển chọn một hệ cây trồng thích hợp với điều kiện tự nhiên trên quần đảo.

Những năm đầu, ngoài một vài loài được tuyển chọn tại chỗ để nhân giống, đa phần nguồn cây giống phải nhập từ đất liền, trong đó có cả từ Thủ đô Hà Nội. Những lô cây giống tuyển chọn đầu tiên được trồng xuống, che chắn và chăm sóc hết sức cẩn trọng, nhưng kết quả thật đáng thất vọng, trồng cây nào hầu như chết cây ấy! Cát san hô ngập mặn cộng với khí hậu khắc nghiệt thất thường dường như muốn khẳng định rằng hoang mạc không phải là nơi dành cho cây xanh!

Nhưng với lòng ham say nghiên cứu khoa học và một tinh thần trách nhiệm rất cao trước sự nghiệp gìn giữ biển đảo quê hương, các nhà khoa học Việt Nam, được sự phối hợp chăm sóc kỹ thuật của các chiến sĩ trên đảo, sau hàng chục năm cần mẫn triển khai đề tài với 7 đợt công tác dài ngắn liên tục, cuối cùng họ đã nuôi trồng và tuyển chọn thành công một thế hệ những cây thân gỗ cho bóng mát thuộc thành phần thực vật bậc cao, chúng đã có thể trụ vững và phát triển khỏe mạnh trên tất cả các đảo nổi Trường Sa, đó là các loài bàng vuông, phong ba, mù u, bàng biển, dừa, bão táp, sồi, tra biển, phi lao…

Từ những miền đất chết, lần lượt các đảo nổi của chúng ta đã được che phủ bởi màu xanh của thế hệ thứ nhất, thứ hai các giống cây trồng từ đề tài nghiên cứu khoa học này. Giờ đây trên nhiều hòn đảo, bộ đội ta đã có thể tự túc được nguồn cây giống bằng chính hạt hoặc cành chiết từ các cây ông bà bố mẹ trên đảo, và rồi mỗi năm lại có thêm hàng trăm hàng nghìn cây xanh mang nhãn hiệu “Made in Trường Sa” được xuất xưởng trồng bổ sung, để mỗi ngày cứ dày đặc và xanh mướt như những tán rừng giữa đại dương bát ngát.

Như được dẫn dắt bởi nhịp điệu thanh bình của tiếng gió biển xạc xào trong muôn ngàn cây lá, tôi mới lấy máy ảnh ra để ghi lại hình ảnh hàng cây rợp bóng những con đường ngang dọc, những tán lá phủ bóng lên những ngôi nhà hai ba tầng trên phố mới Trường Sa. Con đường rợp bóng cây xanh lại đưa tôi đến với xóm mới dân cư trên đảo. Những ngôi nhà kiên cố ba phòng sân trước vườn sau cũng rợp mát màu xanh, màu xanh giàn bầu giàn bí, màu xanh rau muống rau cải, màu xanh húng quế kinh giới… Hòa trong ngút ngát âm hưởng những màu xanh cây lá ấy, từ đâu bỗng vọng lại mấy tiếng chó sủa râm ran và tiếng gà cục tác nhảy ổ. Ôi! thân quen quá, quê hương quá!

Tôi lững thững một mình dưới những tán lá dày đặc của xóm dân cư, con đường bê tông uốn lượn đã đưa tôi ra tới con đường lớn chạy vòng quanh đảo Trường Sa Lớn. Và ở ngoài kia, cách chỗ tôi đứng chỉ chục bước chân đã là bờ kè chắn sóng bao quanh đảo.

Mặt trời đã đổ bóng chiều hôm. Gió bỗng đâu như mang cái lạnh khơi xa ràn rạt thổi về, biển ngả màu xám biếc rồi những con sóng bạc đầu từ đại dương hung hãn lao thẳng vào bờ tung những cái bờm trắng xóa trườn lên kè đá. Những đám mây nặng trĩu hơi nước và lẩn quất trong đó tiếng sấm rền vang vọng lại từ nơi chớp bể mưa nguồn.

Tôi bỗng thấy ớn lạnh và kèm theo đó là một cảm giác cô đơn trơ trọi lan truyền khắp cơ thể. Những rặng bàng vuông, tra biển xung quanh đang phải oằn mình vật vã trước trận cuồng phong bất chợt, nhưng tất cả hàng cây lại đều trong dáng đứng xoắn xít liền kề và cành lá đan chặt lấy nhau.

Rừng cây vững chãi trước bão giông như gợi về hình ảnh những người lính chiến đang trụ vững trong đội hình đông đảo. Sự liên tưởng này dường như nhanh chóng làm tan đi cái cảm giác đơn lẻ nhỏ nhoi con người trước cơn biển động, rồi có lẽ cũng vì thế mà nó đã nhanh chóng trả lại cho tôi cảm giác tự tin cứng cỏi trước lúc quay về khu trung tâm chuẩn bị cho buổi giao lưu văn nghệ với quân và dân trên đảo đêm nay…

Trở lại đất liền sau gần nửa tháng lênh đênh qua các hòn đảo lớn nhỏ, những cảm xúc về chuyến công tác Trường Sa đôi lúc có dịp sống lại trong tôi. Trong rất nhiều hình ảnh đầy lưu luyến thì hình ảnh về những vạt rừng mượt mà đem đến màu xanh và sự sống tràn đầy cho những hòn đảo chon von giữa đại dương Tổ quốc lại là một trong những hình ảnh đậm nét nhất trong tôi.

Nghĩ về cách diễn giải khoa học thổ nhưỡng của một anh bạn kỹ sư nông nghiệp đi cùng đoàn, tôi cứ náo nức mường tượng ra thế này: Trong một tương lai không xa nữa đâu, khi tất cả những hòn đảo ở đây đều đã được phủ kín và ken chặt cây rừng, thì một chu trình sinh thái mới sẽ dần xuất hiện như một vòng tròn nguyệt quế khép kín.

Rừng cây sẽ đủ sức giữ nước mưa theo quy luật tụ thủy, nước mưa sẽ dần dà rửa phèn ngọt hóa cải tạo đất đai, đất ngọt sẽ sinh nguồn nước ngọt chảy ngầm trong lòng đất, các mạch nước ngầm sẽ biến các giếng nước lợ dần trở thành giếng ngầm nước ngọt, sẵn nguồn nước ngọt tại chỗ thảm thực vật sẽ giàu có phong phú hơn để rồi lại cho những chu trình sinh thái bậc cao tiếp theo… Cứ thế và cứ thế, môi trường sống sẽ dần trở nên cân bằng bền vững, và Trường Sa khi ấy sẽ như là chuỗi đảo ngọc xanh biếc giữa đại dương Tổ quốc chúng ta.

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống