Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 1: Vượt Trường Sơn sang Lào

Dọc đường đi thấp thoáng bản làng xa xa bên sườn núi, con đường giao liên hình thành trên đất Lào đến nay đã gần mười năm, ngày nào cũng có đoàn bộ đội Việt Nam hành quân vào chiến trường trên con đường này...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi có gần sáu năm chiến đấu công tác trên đường Trường Sơn - Chiến trường Tây Trường Sơn, hoạt động trên địa bàn bảy tỉnh Trung - Nam Lào từ cuối năm 1970 đến tháng 4 năm 1976. Trong hoà bình công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh từ năm 1997 đến 2007, cương vị cao nhất là Tư lệnh Công binh, có nhiều chuyến sang Lào làm nhiệm vụ, có nhiệm vụ rất quan trọng được giao, rồi giúp Cục Công binh Lào về một số mặt xây dựng lực lượng công binh của bạn.

Từ năm 2007 đến 2014 làm Giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới, rất nhiều chuyến sang Lào để nhờ bạn giúp đỡ và giải quyết các vướng mắc trong quá trình xây dựng. Từ năm 2014 đến nay, khi nghỉ chờ hưu, tham gia Hội Trường Sơn Việt Nam, đã dẫn đầu nhiều đoàn cựu chiến binh Trường Sơn sang tham quan nước Lào, thăm chiến trường xưa.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó, tôi đã đi khắp mọi miền của nước Lào với rất nhiều chuyến đi thật đáng nhớ, rất nhiều ấn tượng rất sâu sắc. Trong lòng tôi đầy ắp những kỷ niệm với đất nước Triệu voi - xứ sở Cham Pa tươi đẹp, những tình cảm gắn bó thân thương với nhân dân và quân đội Lào mà tôi đã cùng chiến đấu, công tác, tiếp xúc trong hơn nửa thế kỷ qua.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào, rất nhiều ký ức khơi dậy trong lòng, tôi viết, giới thiệu một số chuyến đi ấn tượng nhất trên đất nước Triệu Voi, góp phần vào các hoạt động kỷ niệm hai sự kiện lớn đang diễn ra trên cả hai nước Việt Nam và Lào.

*

Ngày 19 tháng 8 năm 1970, tôi là thầy giáo Hoàng Kiền, rời Trường cấp hai xã Giao Tân - huyện Xuân Thủy - Tỉnh Nam Hà lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, Tiểu đoàn 605 - Trung đoàn 19 - Tỉnh đội Nam Hà chúng tôi hành quân vào chiến trường đánh Mỹ....

Từ Cự Nẫm - Bố Trạch - Quảng Bình, đi ca nô lên biên giới, cũng không biết là sông gì, vì đi ban đêm, lên bờ có ô tô ba cầu đón. Mỗi trung đội một xe, đêm tối mù mịt, xe có đèn rùa bò theo đường rừng thật gian nan. Hết đường ô tô xe dừng, tất cả xuống, tiếp tục đi bộ. Trời mưa nhỏ, đường trơn nhầy nhụa, dép cao su cứ trầy trật ra. Cả trung đội bám nhau hành quân theo ánh đèn pin leo lét.

Khoảng hai tiếng sau, đến trạm giao liên, già nửa đêm rồi, dưới tán rừng già, trời tối đen như mực, mưa rơi rả rích, gió lạnh lùa qua tê tái cả người. Đồng chí giao liên dẫn đường thông báo, chúng ta đã vượt qua đỉnh Trường Sơn sang đến đất Lào. Đường dây 559 được mở ra từ tháng 5 năm 1959 bên Đông Trường Sơn trên đất Việt Nam, năm 1961 bị lộ, Đảng ta đã đề nghị được Đảng bạn đồng ý, ngày 16 tháng 4 năm 1961 bắt đầu lật cánh sang Tây Trường Sơn trên đất Lào, hôm nay chúng tôi hành quân vào chiến trường đi theo đường giao liên Tây Trường Sơn trên đất Lào.

Cả đơn vị mắc tăng võng, bẻ cành cây chùi chân, trên đỉnh cao ban đêm tìm đâu ra nước, cứ thế là leo lên võng ngủ. Một lát sau, thấy lạnh trong đùi, cho tay vào quần móc ra một con vắt to, no máu căng tròn. Lần đầu tiên bị vắt cắn, chưa có kinh nghiệm, rất khó cầm máu...

Đêm đầu tiên ngủ trên rừng Trường Sơn, từ đây, cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn bắt đầu.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 1: Vượt Trường Sơn sang Lào - 1

Ảnh tư liệu minh họa

Đi theo đội hình tiểu đoàn, hơn 500 chiến sĩ phần lớn là giáo viên cấp 1 cấp 2 , trèo đèo lội suối, mỗi ngày một chặng, đến trạm giao liên nghỉ đêm. Đường hành quân trơn trượt, dốc đứng, vực sâu, vô cùng gian nan, muỗi vắt nhiều vô kể. Mỗi người đeo một ba lô quân tư trang, súng đạn, bao tượng gạo, xoong nồi tiểu đội phân công nhau mang. Đến trạm giao liên dừng chân, đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm chiều, mắc tăng võng ngủ đêm.

Bình minh tỉnh giấc, nấu cơm ăn sáng, nắm cơm mang theo ăn trưa, nước sôi cho vào bi đông uống dọc đường cả ngày. Hôm ấy, đến lượt tôi nấu nước cho tiểu đội, đang rót vào bi đông, bỗng dưng xoong nước bị lật đổ ụp xuống hai bàn chân, tôi kêu to lên, cả tiểu đội chạy đến ứng cứu. Các anh cán bộ khung cũng đến hướng dẫn xử lý, cho tôi lên võng ngồi, đưa hai chân vào cái xoong to, đổ gạo ở các bao tượng vào cho ngập đến ống chân, một tiếng sau, nhấc ra, bôi kín thuốc mỡ, sau đó, ngâm hai bàn chân vào chậu nước muối. Tôi nằm nghiêng trên võng lo suốt đêm, phen này chắc mình phải ở lại trạm giao liên. Mờ sáng, tôi nhấc chân ra khỏi chậu nước muối, rồi đứng dậy, reo lên: Hành quân được rồi! Thật là may. Sự cố đầu tiên ấy tôi nhớ mãi suốt đời.

Qua các khu vực trọng điểm, máy bay địch đánh phá, phải hành quân đêm. Trên trời, pháo sáng không giây nào tắt. Chúng tôi bước nhanh, rồi chạy vượt qua trọng điểm. Thật hồi hộp. Mồ hôi toát ra đầm đìa.

Dọc đường đi qua các khu vực có bản làng của nước Lào, nhân dân ra đứng dọc hai bên đường ở những trạm bộ đội dừng chân giải lao, trao đổi hàng hoá. Dân cần đá lửa, mì chính, kim khâu, chỉ khâu, bút bi và giấy viết, khăn mặt; bộ đội ta được phổ biến kinh nghiệm đều mang theo từ miền Bắc để đổi lấy hoa quả, bí đỏ, bí xanh, rau các loại, có cả gà, thịt thú rừng .... Hậu cần tại chỗ, quân dân hai nước thắm tình hữu nghị trên những cung đường Trường Sơn ra mặt trận. Hàng trăm "Chợ hữu nghị Lào - Việt" trên suốt chiều dài đường giao liên Tây Trường Sơn bên đất Lào được mở ra, thật là ý nghĩa.

Vừa đi vừa học tiếng Lào qua giao tiếp đổi đồ với dân: tu mu - con lợn, tu cay - con gà, khẩu niêu - cơm nếp....Bộ đội ta gặp những người dân bản cao tuổi đều gọi phò me - bố mẹ....

Tiểu đội tôi có anh Đặng Quý Thiều, người thành phố Nam Định. Anh học cùng lớp ở Trường trung cấp Sư phạm Nam Hà với tôi. Sức yếu quá, hành quân bộ khoảng hai tuần, anh không đi được nữa. Chúng tôi báo cáo lên trên để anh lại trạm giao liên, nhưng bạn không chịu, cứ nhất định xin đi cùng vào chiến trường đánh Mỹ. Tinh thần của lớp thanh niên thời ấy là như thế.

Ba lô của anh Thiều được phân ra cho tiểu đội mang giúp. Mặc dù trong ba lô của tôi còn mang theo bộ sách Toán - Lý - Hoá cấp 3 vào chiến trường tự học, ôn thi đại học, vẫn nhận dắt anh Thiều suốt gần một tháng trời hành quân trên đường giao liên Trường Sơn. Đặng Quí Thiều không phải mang theo gì, chống gậy đi, gắng gượng bước, vượt con đường giao liên dốc đứng vực sâu, trơn trượt, nhơm nhớp bùn nâu. Ngày nào hai chúng tôi cũng đi rớt lại phía sau cùng của đội hình.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 1: Vượt Trường Sơn sang Lào - 2

Ảnh tư liệu minh họa

Dọc đường đi thấp thoáng bản làng xa xa bên sườn núi, con đường giao liên hình thành trên đất Lào đến nay đã gần mười năm, ngày nào cũng có đoàn bộ đội Việt Nam hành quân vào chiến trường trên con đường này. Thấy dân các bản mang hoa mai rừng ra đổi đồ cho bộ đội, chúng tôi biết là sắp đến tết âm lịch của Việt Nam rồi. Đặng Quí Thiều làm bài thơ đọc cho cả tiểu đội nghe:

......

Cánh đào ngoài Bắc gọi xuân sang

Mai đón tết Nam rực rỡ vàng

Ngắm xuân mẹ đón đào mai nở

Giao cành trùm biếc trời Bắc Nam.

Cảm nhận bài thơ hay của bạn, tôi đổi mấy viên đá lửa cho người dân Lào lấy cành mai rừng nhó dắt vào ba lô mang theo trên đường hành quân để tiểu đội ngắm mỗi chiều khi dừng chân tại trạm giao liên.

Hơn một tháng, chúng tôi vào đến khu vực  bắc đường 9 Nam Lào, rồi được bổ sung cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Chúng tôi gắn bó với Trường Sơn, với nhân dân và  đất nước Lào từ đây để cùng nhau đánh Mỹ.

Cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn theo đường giao liên vô cùng khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nhưng khí thế lên đường vẫn hừng hực, hào hùng với ý chí quyết tâm ra chiến trường đánh Mỹ ngụy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào đến đường 9 Nam Lào đã là một một sự cố gắng lớn. Những đơn vị vào miền Đông Nam Bộ phải  mất gần 6 tháng vượt Trường Sơn. Đến miền Tây Nam Bộ mất 7 tháng hành quân, chưa chiến đấu cũng xứng đáng được thưởng Huân chương rồi.

Vượt Trường Sơn 

Tuổi đời mười tám đôi mươi

Trong như tiếng hạc lưng trời bay xa

Vai đeo khẩu súng AK

Ba lô con cóc đẫy đà trên lưng.

Trường Sơn điệp điệp trùng trùng

Núi cao cao tới tận cùng mây xanh

Tinh thần ý chí sức thanh

Giục ta thôi thúc bước nhanh trên đường.

Khó khăn gian khổ coi thường

Vững chân vượt dốc xuyên rừng trèo non

Dép cao su, đá núi mòn

Mũ tai bèo gọn để còn hành quân.

Trạm giao liên điểm dừng chân

Bếp Hoàng Cầm vội đào gần suối khe

Cành cây thấy khói phủ che

Tiểu đội cơm nấu, ăn ... vê nắm tròn.

Mỗi ngày một chặng đường mòn

Đêm đêm mắc võng ngáy giòn giấc say

Chăn đơn phủ ấm sương bay

Tăng che mưa nắng những ngày trường chinh.

Đường vào tuyến lửa quang vinh

Thắm tình đồng đội, nặng tình nước non

Khó khăn gian khổ chẳng sờn

Bừng lên ý chí lòng son kiên cường.

Cùng nhau hướng tới tiền phương

Dẫu cho bom đạn cản đường chặn ta

Mưa rừng, muỗi vắt, vàng da

Gian nan thử thách vượt qua một lòng

Đất Lào rừng núi mênh mông

Đường giao liên đã nối thông ra vào

Người dán thân thiện đón chào

Hậu cần trên tuyến đổi trao thuận đồng

Mai ngày kháng chiến thành công

Trường Sơn huyền thoại mãi không phai nhoà

Tình Việt - Lào đẹp như hoa

Con đường đánh Mỹ, bài ca thắng thù.

Đón đọc Bài 2: Khảo sát đường kín

Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.