Nơi bùn và máu ngày ấy nở hoa

Những ngày tháng 5 lịch sử, năm nào cũng vậy, thành phố thường trở nên rộn ràng hơn. Nhiều đoàn người trên khắp cả nước hướng về Điện Biên, nơi cực Tây của Tổ quốc, nơi gắn liền chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Không khí ở các khu di tích lịch sử vốn đã thiêng liêng, nay càng trở nên trang trọng hơn. Từng dòng người nối tiếp nhau thành kính tri ân, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hoà bình của mảnh đất này.

Từ nhỏ tôi vẫn hay được ông và các đồng đội của ông dẫn đi thăm “chiến trường xưa”. Đó là những ngọn đồi mang tên những chữ cái tôi mới học: Đồi A1, đồi C1, C2, đồi D1, rồi đồi E, đồi F… Tôi thích thú vừa đi vừa học chữ. Ông vừa xoa đầu tôi vừa chỉ vào những thảm cỏ xanh mướt rồi dặn dò: “Gắng học giỏi cháu nhé! Từng tấc đất chúng ta đang đứng là bao nhiêu máu xương của đồng đội của ông đấy”. 

“Đồi A1 nổi tiếng ông nhỉ? Ngọn đồi được cả thế giới biết đến!” – Tôi reo lên thích thú. Ông gật đầu mà vẫn cứ ngậm ngùi: “Tự hào nhiều mà đau xót cũng nhiều cháu ạ”. Mắt ông nhòa đi, tôi khi ấy cứ nghĩ vì tuổi già hay bụi bay vào mắt ông. Sau này lớn lên mới hiểu những giọt nước ở khoé mắt ông là vì đau xót và thương nhớ. Lúc nhỏ tôi cứ nghĩ thắng là phải vui. Lớn lên thì tôi hiểu, chiến thắng này rất ý nghĩa đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc nhưng lại phải đánh đổi bằng bao mất mát, hi sinh.

Nơi bùn và máu ngày ấy nở hoa - 1

Đồi A1 ngày nay. Ảnh Hoàng Khánh

Ông dẫn tôi đi cùng dọc theo các chiến hào trên đồi A1. Những chiến hào đã phủ đầy rêu xanh - màu của thời gian, màu của huyền thoại, màu của quá khứ đã đẩy lùi xa mấy mươi năm. Ông bảo: những giao thông hào này đã được các ông đào suốt bao đêm. Những lối đi ngang dọc trong lòng đất. Chiến đấu ở đây, ăn cơm nắm hay đứng ngủ cũng từng ở đây. Bị thương cũng nằm ở đây, và ngã xuống cũng từng nằm ở đây và bao nhiêu nơi nữa trên quả đồi này. Mỗi lần nhớ về chuyện xưa, mảnh đạn ở đầu, ở ngực ông lại thêm nhức nhối. Vậy mà ông vẫn nhất định phải lên A1 một năm mấy lần, dù ông phải dùng một cái nạng để thay thế một cái chân đã mất sau trận chiến ác liệt ngày hôm ấy. 

Trên đồi A1 còn nguyên hố bộc phá to như cái chảo khổng lồ. Cái chảo bằng cả mấy cái ao tôi từng tắm thời thơ bé. Ông bảo, ngoài hố bộc phá này còn nhiều hố bom to nhỏ lắm. Bom dây có khi cứ 20m lại có một quả nổ. Đất đá tung trời. Những cơn mưa đầu mùa hạ đổ xuống nhưng không hề khiến cho trận chiến bớt căng thẳng. Mưa mà vẫn cứ đỏ trời chuyển đất. Mưa nước dồn vào các chiến hào, vào nơi nào đất trũng. Ông vừa kể mà các nếp nhăn trên mặt như cứ xô lại với nhau làm giọt nước từ mắt ông tràn ra, rơi xuống thấm vào đất đồi A1. Ông kể, những chiến hào mới đào, lại thêm bom đạn cày xới. Cả quả đồi đất đá trở nên thương tích, nham nhở. Thêm những cơn mưa dầm ngày đêm không dứt, thế là cả vùng sình lầy, những chiến hào đầy bùn non. Bộ đội đi lại, chiến đấu, ăn và tạm nghỉ trong những chiến hào đầy nước, đầy bùn non. Gian khổ lắm không lời nào kể xiết. Cho nên nghe ông kể mà chúng tôi cũng chỉ hình dung phần nào. Còn với ông, dù năm tháng, tuổi già có khiến ông lẫn quên đi nhiều thứ nhưng riêng chuyện đồi A1 thì ông vẫn nhớ như in. 

Những niềm đau in dấu trong lòng ông là cảnh những đồng đội của ông ngã xuống trong những chiến hào và những vũng bom. Bao nhiêu là bùn, là đất, là máu, là thân xác trộn lẫn vào nhau. Những đồng chí thân thiết bao ngày sát cánh bên nhau và cả những tân binh ông chưa kịp biết tên mà giờ đây nằm đó. Ông kể có lần kịp vớt được đồng đội lên khỏi cái hố bộc phá đầy bùn quánh sệt ấy chuyển về tuyến sau, có lúc cơ thể các anh không còn nguyên vẹn và các chiến sĩ đang phải liên tục tiến công lên phía trước, không kịp dừng lại để đưa các anh về… Ông cứ ân hận mãi về điều đó mà cũng đành. Các ông chỉ biết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, người này ngã xuống thì người kia đứng lên, một thế hệ đi không tiếc tuổi xuân cho trời Việt Nam xanh mãi. Trên đồi A1 có ngôi mộ tập thể. Ông ngậm ngùi chỉ riêng trận đánh ở cứ điểm này đã cướp đi thanh xuân của cả 2.500 anh hùng, liệt sĩ. Đau xót quá. 

Tôi lặng người trước những câu chuyện của ông, hình dung những câu chuyện như thước phim quay chậm không thể nào quên trong tâm trí ông. Sau này khi ông mất đi, tôi nhớ thương ông nhiều lắm – những người lính bộ đội Cụ Hồ kiên cường, dũng cảm. Tôi vẫn tự lên thăm đồi A1 và mỗi lần ngang qua hố bộc phá ấy, vì nhớ câu chuyện ông kể, tôi đều dành một phút mặc niệm những anh linh, nhớ về sự hi sinh anh dũng của các anh ngày ấy để chúng tôi có được ngày hôm nay. Trong tôi lại dấy lên những suy tư, những khát vọng cống hiến: Ta đã làm được gì cho tổ quốc hôm nay?

Nơi bùn và máu ngày ấy nở hoa - 2

Rất đông du khách đến tham quan các di tích lịch sử tại Điện Biên trong các dịp kỷ niệm. Ảnh Hoàng Khánh

Từng dấu tích, từng vết sẹo vẫn in hằn trên đất mẹ Điện Biên, gợi nhắc về trận đánh tàn khốc mà oanh liệt, về quá khứ thương đau mà hào hùng. Nơi bùn và máu ngày ấy đã nở hoa. Hoa nở ngay từ giờ phút chiến thắng ấy: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về - Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui. Lời ca của nhạc sĩ Đỗ Nhuận cứ được vang mãi lên như một khúc tráng ca khải hoàn. Tôi nghĩ ngày ấy, ngày 7/5 năm ấy, cả vùng trận địa ác liệt bị cày xới bởi bao nhiêu bom rền pháo nổ của giặc Pháp thì làm sao có loài cây, loài hoa nào có thể xanh tươi mà nở hoa. Đạn bom cày xới từng mét đất trên các cứ điểm, chỉ có hoang tàn, đổ nát, chỉ có thương vong. Hoa ngày ấy nở có lẽ là nở trong tâm tưởng, trong tâm hồn phơi phới của những người lính thắng trận trở về. Khúc ca chiến thắng trở về vẫn vang lên đến tận thế hệ chúng tôi bây giờ. Luôn có những bông hoa nở từ đất mẹ, cho Điện Biên thêm đẹp tươi, rực rỡ.

Nhiều thập kỷ trôi qua sau cuộc chiến ấy, hoa lại nở trên khắp núi đồi và mảnh đất Điện Biên. Điện Biên mười hai mùa hoa. Và người người vẫn nhớ đến một Điện Biên lịch sử anh hùng trắng sắc hoa ban mỗi dịp xuân về. Thành phố lịch sử giờ đây bình yên, yêu chuộng hoà bình. Ngày mở đầu chiến dịch Trần Đình năm ấy (bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ) cũng bắt đầu từ mùa hoa ban. Và bây giờ, chiều dài của lịch sử trả lại những đóa hoa bản sắc, vừa rất Tây Bắc, vừa nên thơ, lắng đọng bao điều. Những thế hệ tiếp bước mang trên vai trọng trách giữ mãi vẻ đẹp bình yên ấy nơi biên cương, cực Tây của tổ quốc để Việt Nam mãi sáng lấp lánh trên bản đồ thế giới, bắt đầu từ chiến thắng hào hùng năm 1954. 

Những ngày tháng 5, hoa phượng nở đỏ rực rỡ đồi A1. Hoa mang màu nắng, màu lửa. Những ngày này, Điện Biên dường như đông hơn. Khí hậu Điện Biên gió Lào nắng cháy. Nhưng không hiểu sao mỗi lần nhìn thấy hoa đỏ lại nở trên đồi A1 một lần nữa, chúng tôi dường như quên cảm giác nóng bức, mà thấy hừng hực một khát vọng sống, một niềm tin yêu, hi vọng. Mảnh đất chiến tranh đầy vết thương ngày ấy giờ đã hồi sinh. Mỗi mùa hoa nở là thêm một lần tươi đẹp. Cây càng già cội, thân vỏ xù xì, lại bung nở những chùm hoa rực rỡ, đẹp đến nao lòng. Hoa nhuộm màu máu các anh hùng ngã xuống. Hoa mang khát vọng đời đời về hoà bình, độc lập, tự do. Hoa luôn là biểu tượng của cái đẹp. Nhìn mọi người lưu lại những bức ảnh đẹp trên đồi A1, giữa những cành phượng đỏ rủ tán rộng, cảm giác về sự bình yên cứ lan toả ra mãi. Tôi không biết những cây hoa phượng đó có trên đồi A1 từ bao giờ mà dáng dấp đã cổ thụ, đã sừng sững, hiên ngang, xoè cánh rộng che phủ cả một vùng rộng lớn. Hoa như đang dệt cho các anh hùng đã ngã xuống một chiếc áo đỏ - màu cờ dân tộc. 

Những ngày cuối hạ, tôi lặng nhìn những bông năm cánh rơi vào cái trầm lặng, tĩnh mịch của các dấu tích chiến tranh còn lại, rơi lên mộ chiến sĩ vô danh. Các anh nằm đó “hóa thân cho dáng hình xứ sở”, hoá mình vào từng ngọn cỏ, nhành hoa, giữ gìn từng tấc đất của quê hương yêu dấu. Máu đào của các anh đổ xuống để đất mẹ nở hoa độc lập, kết trái tự do như một câu thơ hay của Trần Thế Tuyển: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ Quốc - Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.

Nơi bùn và máu ngày ấy nở hoa - 3

Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay. Ảnh Hoàng Khánh

Từ bùn, máu, từ những đau thương, hoang tàn, đổ nát ngày ấy. Giờ đã là một Điện Biên thay da, đổi thịt, cất cánh bay lên mãi cùng quốc gia, vươn mình ra thế giới. Điện Biên, từng là điểm đến của chiến tranh, giờ là điểm đến của hoà bình, với những bông hoa giữa đất trời, bông hoa lịch sử, bông hoa bản sắc văn hoá và của tình người thấm đượm. 

Bên kia đồi A1 là đồi F, Đền thờ các anh linh liệt sĩ sáng lung linh những ánh sao và những ngọn nến. “Ngôi Đền được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau, từ ký ức chiến tranh vẫn còn khắc ghi trong tâm trí, từ vết thương trên thân thể người cựu chiến binh, từ những vết sẹo vẫn in hằn trên đất mẹ, từ bùn, máu và hoa”. Ngay cửa ngôi Đền còn khắc ghi. Từng thế hệ người Việt Nam sẽ còn ghi nhớ mãi. 

Bảy mươi năm đã trôi qua, thời gian đã xoa dịu nhiều mất mát đau thương của chiến tranh nhưng huyền thoại từ bùn, và máu Điện Biên vẫn ngời sáng, nở những đóa hoa bất tử trong lòng dân tộc. 

Thùy Giang

Tin liên quan

Tin mới nhất